Chi phí bệnh viện và bảo hiểm sắp tăng cao

Thông tin về việc rồi đây viện phí và chi phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng khiến người dân lo âu, băn khoăn, nhất là những người thuộc giới lao động, thu nhập thấp, hay nghèo khó.

0:00 / 0:00

Đợt điều chỉnh viện phí kỳ này có sự bàn thảo và quyết định của các bộ Y tế, Tài chánh, Lao động, Thương binh, Xã hội và bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Với mức viện phí mới, mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay sẽ tăng từ 4,5% lên 5%, tính trên mức lương cơ bản hàng tháng của người mua bảo hiểm y tế.

Báo chí trong nước cho hay, bộ Y tế quyết định tăng giá gần 400 dịch vụ y tế, trong đó có trên 300 dịch vụ là về kỹ thuật và xét nghiệm, còn lại là các chi phí về khám bệnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ, giá một giường bệnh nội khoa, ngoại khoa một ngày, tính theo phân hạng bệnh viện từ cấp xã đến các phòng khám đa khoa ở tuyến trên.

Mặt khác, viện phí được tính bao gồm việc cấp thuốc, truyền máu, sử dụng hóa chất, điện, nước, chi phí hành chánh phục vụ cho việc chẩn đóan điều trị, và việc bảo dưỡng máy móc y khoa.

Thân nhân chờ đợi- RFA file
Thân nhân chờ đợi- RFA file (RFA file)

Một số dịch vụ nhẹ, thông thường, tăng từ trong khoảng 3000 đồng- 10000 đồng lên tới 30 ngàn đến 45 ngàn đồng, giá dành cho phụ nữ sinh con thường là từ 50 ngàn tới 150 ngàn đồng, sẽ lên 480 ngàn đến 525 ngàn đồng.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn, giải thích qua báo chí rằng một khi viện phí tăng, bệnh viện do ông quản lý sẽ hỗ trợ một phần viện phí cho người nghèo khó.

Bác sĩ Phạm Văn Nghiệm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Saigon, nói rằng những đối tượng khó tiếp cận với các dịch vụ y tế là dân nghèo khó, suốt ngày vất vả chạy theo cuộc sống, kiếm gạo tiền, quá đuối sức, làm sao họ dám nghĩ tới chuyện bệnh tật, ốm đau.

Qua câu chuyện với RFA, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, chuyên gia y tế quốc tế hiện cộng tác với đại học Oxford, văn phòng tại Saigon, cho biết ý kiến của ông về việc nhà nước dự kiến tăng viện phí và bảo hiểm y tế:

“Tuy gọi là viện phí nhưng những tính toán phải nói đó không phải là giá thực tế, chi phí về y tế, nếu dựa vào viện phí thì không đầy đủ, cần tăng tiền lên thì mới bảo đảm chất lượng điều trị. Vấn đề này có nhiều mặt, nếu muốn tăng tiền để mà phục vụ bệnh nhân, thì người đó phải chịu thêm chi phí và cần phải có bảo hiểm y tế.”

Theo báo Pháp Luật, tình trạng quỹ khám và chữa bệnh của bảo hiểm y tế bị lạm dụng qua mức và đáng báo động.

ác sĩ Trần Tịnh Hiền nói lên thực trạng này, mà theo số liệu thống kê thì hiện chỉ mới có 60% dân chúng cả nước tham gia chương trình bảo hiểm y tế:

“Thật ra bảo hiểm y tế không phải được mọi người tham gia, phần lớn là những cán bộ, công nhân, viên chức, kế đó là một số học sinh, rồi nhân viên của các công ty có mua bảo hiểm y tế. Đây cũng là một mặt giới hạn, do số người tham gia bảo hiểm y tế, kế đó, phải nói là chương trình bảo hiểm y tế vượt quá dự kiến, đặt ra nhiều chuyện phức tạp ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho người bệnh sao cho được tốt hơn. Mình luôn bị dằng kéo bởi chuyện bảo hiểm y tế thì cần phải có số đông để bù cho số ít. Hiện nay, trường hợp

Quang cảnh phòng chờ khám tại bệnh viện- RFA photo
Quang cảnh phòng chờ khám tại bệnh viện- RFA photo (RFA photo)

người tham gia quá ít, sẽ không đủ tiền, chi cho việc chăm sóc dành cho bệnh nhân ”

Về vấn đề chăm sóc y tế, một người dân Sài Gòn nói lên cảm tưởng của mình cũng như từ bà con hàng xóm, trước thông tin cho hay viện phí sắp tăng giá, vào cuối quý 1 năm nay:

“Cái gì cũng tăng giá, bảo hiểm y tế cũng lên, nhưng lương không lên, đâu ai có ý kiến được. Người ta chỉ than vậy thôi. Đó là nhu cầu của mình, có kêu ca cũng chẳng ai giúp, đâu có phản hồi gì được, chỉ mấy bà nội trợ và trong gia đình mình nói với nhau là vật giá leo thang thôi, chưa chắc ai chú ý tới. Người ta chỉ làm chính sách chứ đâu để ý tới mấy chuyện đó, ví dụ như bữa nay, có ông bộ trưởng lên TV lúc 7 giờ tối nói về việc bình ổn giá, sáng mai thức giấc thì giá xăng, ga, tiền bảo hiểm đều lên, thì mình cũng đành phải chịu”

Dư luận cho rằng viện phí trước sau gì cũng sẽ tăng giá, sau trên một chục năm qua vẫn ở mức cũ, tuy nhiên họ hy vọng gía mới sẽ được tính toán sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra người dân, trong đó có phần lớn là bệnh nhân, lo ngại rằng giá viện phí tăng, nhưng chất lượng chăm sóc, điều trị sẽ không được như ý, họ thắc mắc, không hiểu bộ Y tế có khả năng kiểm sóat được hết những hiện tượng tiêu cực lâu nay vẫn thường xảy ra, là nhà thương cứ tăng giá, nhưng chất lượng phục vụ bệnh nhân không bao giờ đáp ứng đúng với mong muốn của họ.

Một bệnh nhân cúm gà ở bệnh viện Thái Bình- AFP photo
Một bệnh nhân cúm gà ở bệnh viện Thái Bình- AFP photo (AFP photo)

Tuy nhiên theo giải thích của ngành y tế, tăng viện phí không hòan tòan đồng nghĩa với việc tăng chất lượng dịch vụ, vì còn phụ thuộc vào nhiều yều tố khác. Vì thế để nâng cao chất lượng, người ta cần sắp xếp lại về nhân lực ngành y tế cho phù hợp với ngân sách và tình hình thực tế.