"Láng giềng tốt"
Hồi tháng 2 năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết phương châm “16 chữ vàng” gồm “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai” và tinh thần “4 tốt” là “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.
Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, vào ngày 25 tháng 6 năm 2011, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn thay mặt giới lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện đúng theo phương châm và tinh thần đó với Bắc Kinh khi hai nước “núi liền núi, sông liền sông” khẳng định kiên trì đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung theo “16 chữ vàng” và “4 tốt”; phát triển lành mạnh nhằm đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân 2 nước; Việt Nam và Trung Quốc tích cực giải quyết bất đồng trên biển; tránh để cho lời nói và hành động gây phương hại tình hữu nghị song phương; và xúc tiến Quy tắc Hành xử biển Đông DOC.
Và, một lần nữa, “16 chữ vàng” ấy cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định khi tiếp Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường tại Trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm mùng 6 tháng này sau khi tướng Thanh không quên nhắc lại rằng “Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua”.
Nhận xét về tình nghĩa “16 chữ vàng” và “4 tốt” ấy, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Người Việt Nam ngày nay không thể chấp nhận chuyện chỉ đối thoại song phương với Trung Quốc và cũng không bao giờ có thể tin được 16 chữ vàng về hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam. Qua những biến cố, qua lịch sử ngàn năm, chúng ta đã thấy rõ hơn cái âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Chính vì vậy chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nước có lẽ chưa nhất quán trong vấn đề bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện tại.”
Song phương?
Qua bài tựa đề “Khấu đầu và bịt miệng dân” được nhiều trang mạng nhật ký phổ biến, tác giả Hoà Vân nêu lên câu hỏi rằng trong khi Trung Quốc mới chính là kẻ làm cho tình hình nóng lên với những vụ gây hấn trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – và cả ở cạnh bờ biển Philippinnes – thì tại sao Việt Nam phải cử “đặc phái viên” tới Bắc Kinh mà không là ngược lại ?
Tác giả lưu ý ngay câu đầu của “Thông tin báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc” về cuộc gặp gỡ này là “làm như không có chuyện gì xảy ra” khi hai bên cho rằng “quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.
Theo tác giả Hòa Vân, nếu vậy thì cử “đặc phái viên” Hồ Xuân Sơn đi xứ sang Tàu để làm gì ? Tác giả đặt câu hỏi tiếp rằng nhiều ngư dân Việt Nam bị đánh đập, sát hại trong khi đánh cá tại ngư trường truyền thống thuộc lãnh hải Việt Nam, những tàu thăm dò địa chất của Việt Nam bị tấn công ngay trong vùng độc quyền kinh tế Việt Nam là những “phát triển lành mạnh” hay sao?
Tác giả phân tích thêm rằng cam kết của 2 bên “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thoả thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’ ” chẳng khác nào khẳng định một giải pháp song phương trong khi vấn đề biển Đông, cụ thể là Trường Sa, liên quan đến nhiều nước mà thế giới muốn có một giải pháp đa phương.
“Thông tin báo chí chung Việt Nam và Trung Quốc” vừa nói cũng không thấy đề cập tới Bộ Quy Tắc Hành Xử Biển Đông COC có tính cách ràng buộc, như ASEAN mong muốn, mà chỉ nhắc tới Bản Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở biển Đông, gọi tắt là DOC, không có tính cách ràng buộc pháp lý và từng bị Bắc Kinh vi phạm dù họ đã ký kết với ASEAN hồi năm 2002.
Theo tác giả Hoà Vân thì phía Việt Nam vừa đạt một “cam kết lạ lùng mà một chính phủ tự trọng không bao giờ có thể” làm thế, khiến cho “Bó đũa ASEAN vừa mới chớm hợp lại trước những hành động gây hấn của Trung Quốc thì chính thành viên cần thiết nhất sự hợp tác của những chiếc đũa bạn lại rút ra, giúp đối phương bẻ gãy từng chiếc”.
Người Việt Nam ngày nay không thể chấp nhận chuyện chỉ đối thoại song phương với Trung Quốc và cũng không bao giờ có thể tin được 16 chữ vàng về hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam.
GM Nguyễn Thái Hợp
Có lẽ diễn biến đáng ngại như vậy là một trong những lý do khiến những trí thức luôn ưu tư cho vận nước, như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các vị GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, những TS Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, LS Trần Vũ Hải cùng nhiều nhà tâm huyết khác đã gởi Kiến Nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp thông tin liên quan thực chất của mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhất là cuộc gặp gỡ mới đây giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và các quan chức tương nhiệm Bắc Kinh.
Ngoài mối quan ngại về nguy cơ Việt Nam nhượng bộ khiến phương hại nỗ lực tìm một giải pháp đa phương qua sự trợ giúp của Hoa Kỳ, ASEAN cùng cộng đồng thế giới, người ta cũng lo ngại cam kết của phía Việt Nam “tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước” sẽ mở đường cho nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người dân biểu tình chống hành động xâm lược từ Phương Bắc.
Trăn trở vận nước
Sự hiện diện của đặc sứ Hồ Xuân Sơn tại Trung Nam Hải diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh vừa thực hiện thêm nữa hành động xâm lấn trắng trợn sâu trong vùng biển của Việt Nam khi trong vòng 1 tháng qua, 3 tàu hải giám của Trung Quốc vào tận bên trong hải phận Việt Nam cắt cáp tàu thăm dò địa chất Bình Minh 02; rồi 3 tàu hải giám khác bắn đuổi 3 tàu đánh cá cửa ngư dân Việt Nam ở Phú Yên; và 2 tàu ngư chính của Trung Quốc cùng nhiều tàu cá khác tấn công tàu Viking II trong thềm lục địa Việt Nam.
Thoả thuận “16 chữ vàng”, “4 tốt” mới nhất Việt-Trung như vừa nói diễn ra cùng thời điểm mà Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc cao ngạo rằng “Hoa Lục từng dạy cho Việt Nam 1 bài học và có thể cho Việt Nam bài học lớn hơn,… và nếu tiếp tục diễu võ dương oai, múa trên lưỡi dao, sớm muộn gì Việt Nam sẽ có ngày ngã trên lưỡi dao ấy…”.
Tướng Bành Quang Khiêm cũng không quên gán cho rằng “…tình hình biển Đông đột nhiên căng thẳng là do Việt Nam và Philippines ‘liên tục khiêu khích’ trong thời gian gần đây”, mặc dù từ 4 năm nay, Trung Quốc ngày càng bất chấp Quy Tắc Hành Xử Biển Đông mà chính họ đã ký kết để thực hiện những hành động tùy tiện, cứng rắn, quyết liệt hơn, đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở khu vực gọi là “đường lưỡi bò”, từng nã súng vào tàu đánh cá Việt Nam gây thương vong, từng dùng “tàu lạ” đâm chìm, bắt giữ tàu cá Việt Nam trong ngư trường lâu nay của Việt Nam và đánh đập ngư dânViệt Nam, đòi tiền chuộc.
Đó là chưa kể sau khi chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hồi năm 1974 từ Việt Nam CH, Hoa Lục đã tiến hành xây căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch ở đó; thực hiện những cơ sở tương tự ở 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm từ tay quân đội CSVN hồi năm 1988, đơn phương thăm dò khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp, ráo riết tuyên truyền với thế giới về chủ quyền của họ trên Biển Đông, cho thấy chiến lược “Nam tiến” Biển Đông của họ qua ý đồ và nỗ lực tăng cường Hạm đội Nam Hải.
Hành động đó của Phương Bắc khiến nhà nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, ông Dương Danh Dy, khẳng định:
“Đối với Trung Quốc thì tôi nói thật như thế này: Chúng tôi không bao giờ chống nhân dân Trung Quốc mà chúng tôi chống hành động bành trướng bá quyền, chống cái đại ác của Trung Quốc thôi. Điều đó là phải khẳng định.”
Chúng tôi không bao giờ chống nhân dân Trung Quốc mà chúng tôi chống hành động bành trướng bá quyền, chống cái đại ác của Trung Quốc thôi.
Ông Dương Danh Dy
Theo GS Nguyễn Hưng Quốc bên Úc, thì trước sự đe dọa trắng trợn của Trung Quốc, Việt Nam lại chọn thái độ nhịn nhục gần như bất động, ra sức lừa dối dư luận trong nước là Hà Nội đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh. Nhưng, GS Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng luận điệu ấy không thể dối gạt được ai cả.
Và, luôn trăn trở trước vận nước xem chừng như ngày càng nguy biến, Thầy Nguyễn Thượng Long từ Hà Đông không khỏi không thắc mắc rằng “việc tự mình xé rào “Đa Phương” để một mình một ngựa đến cuộc yết kiến song phương với Đới Bỉnh Quốc ngày 25 tháng 6 năm 2011 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã đưa ra những tung hô quá nhiều về ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’ cùng với lời khẩn cầu để có được hòa bình và an ninh cho Biển Đông.
Ông Sơn đâu có đếm xỉa gì đến những tiếng hô của các đòan tuần hành trước Đại Sứ Quán và Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Hà Nội và Saigòn, những tiếng hô ‘Hòang Sa-Việt Nam!’ và ‘Trường Sa-Việt Nam!’. Những tiếng hô, những biểu ngữ này mới là điều người Việt Nam cần nói với người Trung Quốc, mới là quyết tâm đòi và gìn giữ bằng được chủ quyền biển đảo mà Tổ Tiên để lại, chứ đâu gặp gỡ Trung Quốc chỉ để xin xỏ được hòa bình!”.