Phản ứng của người Mỹ gốc Việt về danh sách CPC 2009

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa công bố danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt vì vi phạm quyền tự do tôn giáo, thường hay được gọi là danh sách CPC.

Danh sách năm nay gồm 8 nước giống như năm ngoái, tức Bắc Hàn, Iran, Miến Điện, Trung Quốc, Sudan, Eritrea, Ảrâp Saudi và Uzbekistan. Như vậy, Việt Nam đã nằm ngoài danh sách này.

Khánh An có cuộc phỏng vấn ngắn với một số người Mỹ gốc Việt về quyết định trên của Chính phủ Hoa Kỳ. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng của họ:

- “Thông không có đồng ý lắm. Không, không hề đồng ý! Khi chính quyền Mỹ họ lấy Việt Nam ra khỏi CPC đó (là) không đúng. Thông nghĩ (Thông) không có đồng ý với quyết định đó.”

- “Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC là một điều không đúng và chúng tôi, không riêng gì những người Mỹ gốc Việt, mà tất cả những đồng bào ở trong nước cũng như đồng bào ở khắp nơi trên thế giới đều phản đối cái chuyện này, bởi vì đây là cái điều không đúng. Nó không phản ảnh cái sự thật tại Việt Nam. Việt Nam chúng ta chưa có tự do tôn giáo. Cái đó là điều khẳng định rõ ràng.”

Trên đây là ý kiến của Thông, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Sinh Hóa và ông Đỗ Hồng Anh, đại diện cho Cộng Đồng Việt Nam ở khu vực Virginia-Maryland-Washington DC.

Thông không có đồng ý lắm. Không, không hề đồng ý! Khi chính quyền Mỹ họ lấy Việt Nam ra khỏi CPC đó (là) không đúng.

Thông, sinh viên<br/>

Hụt hẫng, thất vọng…

Đối với rất nhiều người Mỹ gốc Việt, những hành động công khai đàn áp giáo dân Công Giáo giáo xứ Tam Tòa, Loan Lý, tín đồ Hòa Hảo, Tin Lành và gần đây nhất là vụ trục xuất tăng sinh Bát Nhã, của Chính phủ Việt Nam đã là những bằng chứng thuyết phục để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC trong năm nay.

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, nguyên Trưởng ban phối hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, nhận xét:

“Nếu mà nói trong năm 2009 thôi, tình hình về nhân quyền, tự do tôn giáo (ở Việt Nam) rất là tồi tệ. Theo bà Phó Giám Đốc của Cơ Quan Quan Sát nhân Quyền (Human Rights Watch) quốc tế thì bà cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các giáo hội độc lập.

Dưới con mắt nhà cầm quyền Hà Nội, bất cứ tổ chức tôn giáo nào độc lập và không chịu sự kiểm soát của nhà nước cộng sản thì họ cho rằng đó là một cái đe doạ đối với cái uy quyền, độc quyền, độc tài cai trị của đảng cộng sản. Và vì thế mà họ đã ra tay đàn áp các tôn giáo một cách mạnh mẽ trong năm 2009.

Dưới con mắt nhà cầm quyền Hà Nội, bất cứ tổ chức tôn giáo nào không chịu sự kiểm soát của nhà nước thì họ cho rằng đó là một cái đe doạ đối với độc quyền cai trị của đảng cộng sản. Và vì thế mà họ đã ra tay đàn áp các tôn giáo một cách mạnh mẽ trong năm 2009. <br/>

GS Nguyễn Thanh Trang

Mạng Lưới Nhân Quyền cũng như tất cả các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên án mọi hành động vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Cũng chính vì những vụ việc tiêu biểu, rõ ràng gần đây cho thấy sự không tôn trọng tự do tôn giáo của Chính Phủ Việt Nam mà việc Việt Nam được lọai ra khỏi danh sách CPC đã khiến cho nhiều người Mỹ gốc Việt quan ngại cho phong trào đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Đỗ Công, phát ngôn nhân của Đảng Dân Chủ Nhân Dân, cho biết:

“Tôi nghĩ rằng đây không phải là lần đầu tiên mà những năm trước cũng vậy, lần này cũng vậy, với những bằng chứng cho thấy rằng Hà Nội vẫn liên tục vi phạm nhân quyền, liên tục đàn áp tôn giáo và có những hành động rất rõ rệt về mặt đàn áp tôn giáo mà vẫn không bị đưa vô CPC thì tôi nghĩ rằng điều này rất là đáng phiền, rất là không có tốt trong cái chính sách của chính phủ Hoa Kỳ về mặt ủng hộ các nỗ lực về mặt nhân quyền cũng như ủng hộ về mặt hoạt động cho chính sách tự do tôn giáo”.

Theo Luật sư Hòang Duy Hùng, đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Houston (Texas), sở dĩ chính phủ Hoa Kỳ “nới lỏng tay” đối với Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo là vì chính sách tạo thế cân bằng trong khu vực nhằm giảm thiểu sự bành trướng của Trung Quốc:

“Thật ra chúng tôi có ngạc nhiên mà chúng tôi rất là ngỡ ngàng. Từ năm ngoái khi mà chúng tôi tiếp xúc với ông Đại Sứ Michael Michalak và cũng như với rất là nhiều giới chức Hoa Kỳ thì chúng tôi được biết rõ Hoa Kỳ muốn rằng là giúp cho Việt Nam có một sức mạnh để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc cho nên Hoa Kỳ rất là rộng rãi với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Và vì sự rộng rãi đó cho nên Hoa Kỳ nhiều khi làm ngơ (mặc dù) biết rằng cộng sản Việt Nam có những sự vi phạm nhân quyền, có những sự vi phạm về cả những vấn đề biên giới mà đã yếu hèn đối Trung Quốc, nhưng mà Hoa Kỳ vẫn rất là rộng lượng.

Chúng tôi ngỡ ngàng khi mà Hoa Kỳ không có lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn, và đã dễ dàng để cho cộng sản Việt Nam tuột qua khỏi cái CPC.

LS Hoàng Duy Hùng<br/>

Chỉ vì Hoa Kỳ nghĩ rằng là mình nhân nhượng để yểm trợ cho cộng sản Việt Nam lớn mạnh để có thể ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, cho nên chúng tôi không ngạc nhiên. Nhưng chúng tôi ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đây tức là chúng tôi cảm thấy rằng có một sự gọi là không hài lòng, không vui, không như là chúng cảm thấy rằng là mình bị hụt hẫng.

Chúng tôi không vui là vì lý do chúng tôi vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ phải làm hơn nữa, nhất là những cơ quan của Hoa Kỳ mà những cánh tay phải và những cánh tay trái về nhân quyền như là Asia Watch, hoặc là Human Rights Watch, thưa quý vị, là những cơ quan đó có thể làm áp lực với cộng sản Việt Nam để cộng sản Việt Nam phải tuân thủ theo những chính sách mà Hoa Kỳ đã đề ra, nhất là khi mà ông Smith và bà Loretta Sanchez là hai dân biểu liên bang đã từng vận động cho chiến dịch này.

Chúng tôi nghĩ rằng nhân quyền mặc dầu không phải là mỗi quốc gia đều như nhau nhưng mà đây là căn bản của toàn thế giới và do Hoa Kỳ là quốc gia đi hàng đầu cho nên có tiếng nói mạnh mẽ trong vấn đề này, cho nên chúng tôi ngỡ ngàng khi mà Hoa Kỳ không có lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn, và đã dễ dàng để cho cộng sản Việt Nam tuột qua khỏi cái CPC.”

Nói tóm lại, chính sách nới lỏng tay của chính phủ Hoa Kỳ không những gây ngỡ ngàng, hụt hẫng cho nhiều người Mỹ gốc Việt mà nó còn dấy lên mối bất bình, thất vọng về vai trò của chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo như nhận xét sau đây của ông Đỗ Công:

“Điều này nó cũng sẽ là sự thất vọng đối với rất là nhiều người với những bằng chứng cụ thể là nhà cầm quyền Hà Nội đã liên tục vi phạm đàn áp nhân quyền, vi phạm chính sách tự do tôn giáo mà cho tới giờ phút này với những nỗ lực như vậy chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục không đưa nhà cầm quyền Hà Nội vô danh sách CPC thì đối với cá nhân tôi cũng như đối với đảng viên Đảng Dân Chủ Nhân Dân thì chúng tôi rất không hài lòng về cái quyết định này.”