Làm gì để đối phó với thương lái Trung Quốc

Báo chí trong nước liên tục đăng tải những thông tin cho thấy người dân tại các tỉnh miền Tây thường bị thương lái Trung Quốc ép giá, quỵt nợ và bị mắc phải những chiêu trò mà họ giăng bẫy.

Ép giá nông dân

Tình trạng thu mua hàng nông sản, thuỷ sản của các thương lái Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch đang diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và khu vực ĐBSCL. Thế nhưng, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay kiếm tìm một giải pháp thích hợp vừa để ngăn chặn thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước, vừa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân.

Từ nửa cuối năm ngoái, hiện tượng thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu thuỷ sản, xuống tận địa phương đặt cọc mua hàng ở các cảng cá như tại Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu diễn ra trên diện rộng, khiến nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản trong nước lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký kết phải huỷ bỏ, thị trường xáo trộn. Sự việc chưa kịp lắng xuống, thì đến đầu năm nay, bà con nông dân ở Cần Thơ, Vĩnh Long lại dở khóc dở cười vì giá khoai lang tím lâu nay vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nay lại bị chính những thương lái này ép giá khi được mùa, đẩy hàng loạt các hộ trồng khoai ở ĐBSCL lâm vào cảnh lỗ nặng.

Ngoài ra, là những mặt hàng khác như ớt tươi, dưa hấu, sầu riêng, khoai mì… cũng lâm vào cảnh tương tự bị thương lái Trung Quốc thao túng, “đột ngột ngừng mua” hoặc “cháo đã múc” mà không thấy “tiền trao” khiến đời sống người dân vốn đã bấp bênh càng thêm điêu đứng.

Nguyên nhân chính được ghi nhận là do đầu ra hàng nông sản của nhiều hộ dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ và vùng ĐBSCL phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái thu mua của Trung Quốc. Ngón nghề mà những nhà thầu Trung Quốc thường áp dụng là ban đầu, họ tỏ ra dễ dãi, trả cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10%, đặt cọc sòng phẳng, trả tiền đàng hoàng, để lấy lòng tin người nông dân. Sau một thời gian, họ khất nợ, trả chậm và rồi khi số nợ lên con số tiền tỉ, họ tự động biến dạng. Hoặc nếu không, thì họ cũng bày ra nhiều trò như ép giá, chê bai chất lượng, thay đổi tiêu chuẩn nhập hàng…

Lỗ lã, thiệt hại vật chất người nông dân gánh chịu, không biết kêu ai, chưa kể bao nhiêu vốn liếng đã dồn vào cho vụ mùa tiếp theo giờ cũng bị chôn chân vào số nông sản ế ẩm. Tiền thì mất, mà khoai tím đến vụ thu hoạch vẫn bạt ngàn nằm phơi ngoài ruộng.

Điểm chốt lại, là do phía nông dân Việt Nam vẫn buôn bán tiểu ngạch, mọi giao dịch chỉ là trên miệng, không có hợp đồng ràng buộc và nhất là chưa được chính quyền địa phương đứng ra bảo vệ khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.

Trình bày về tình cảnh khoai lang tím tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long, một trong những huyện đang bị ảnh hượng nặng nhất từ đợt rớt giá khoai tím thời điểm này, anh Tua, chủ nhiệm HTX Khoai Lang Thành Đông cho chúng tôi biết:

“Trung Quốc vẫn còn mua nhưng bây giờ người ta ép giá mình được thì người ta ép. Giá bên Trung Quốc về đến bao nhiêu mình không biết, nhưng giá bên đây thực tế khoảng 4,000 – 4,500/ ký. Một số lái bây giờ người ta nói là giá cả do bên Trung Quốc, chợ đầu mối bên Quảng Đông, người ta báo giá cho mình, rồi bên đây thương lái mua, rồi chi phí vận chuyển sẽ tính vào giá thành luôn.”

Lệ thuộc quá nhiều vào TQ

30166886_khoai-lang-tim-0207-250.jpg

Theo ghi nhận thì một công khoai, người dân chỉ thu về được khoảng 10 đến 13 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư một công (xấp xỉ 1,000 mét vuông) lên đến gần 20 triệu. Tính sơ sơ, mỗi công, người dân lỗ từ 7 đến 10 triệu đồng, chưa kể mặt hàng này lại khó tiêu thụ nội địa, chỉ bán được qua Trung Quốc.

Anh Tua kể rằng, năm trước khi khoai lang tím được giá nhờ bán sang Trung Quốc, đời sống bà con nông dân cũng khá hơn. Bây giờ, sự thể ra nông nỗi này, những hộ làm ăn lâu năm có kinh nghiệm, có tiền vốn thì còn trụ lại được, chỉ khổ những hộ thuê đất hoặc mới đầu tư trồng trọt là điêu đứng:

“Những hộ đã trồng lâu năm, họ không xuất giá, buôn bán với Trung Quốc từ trước tới giờ mình biết rồi, thương lái thì cứ điệp khúc “được mùa mất giá” từ trước tới giờ có rồi, nên phía mình với các xã viên không lo ngại. Chỉ lo ngại là một số người mới mở diện tích mới hoặc những người đi thuê đất ở nơi khác để trồng, thì chỉ sợ điều đó thôi.”

Điều mà anh Tua cũng như những hợp tác xã viên đang trông đợi chính là một cơ chế, giúp người nông dân thực hiện các hợp đồng mua bán bằng văn bản, vì từ trước tới nay, người dân buôn bán hàng hoá với phía thương lái Trung Quốc chỉ bằng miệng, nên khi có chuyện gì xảy ra, người dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi và họ cũng không biết bấu víu vào đâu:

“Nếu mình thông qua hợp đồng thì đỡ rủi ro hơn. Vì cách thức làm ăn của mình từ trước tới giờ thông qua miệng với nhau làm ăn cho dễ. Nếu mình thông qua hợp đồng với Trung Quốc thì lúc đó sẽ yên tâm hơn. Nếu mình ký hợp đồng, thì bên mình phải cung cấp đủ số lượng, chất lượng. Bên kia cam kết với mình giá cả mua bán ra sao. Thông qua hợp đồng, nông dân có tiếng nói hơn có thể bàn với bên thương lái là giá cả thế nào hơn.”

Vẫn biết chuyện mua bán là sòng phẳng, thuận mua vừa bán, nhưng thực tế giao dịch giữa thương lái Trung Quốc và nông dân Việt Nam lại ở hoàn cảnh khác. Vì trông mong có đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nên nhiều khi bản thân chính cơ quan quản lý địa phương cũng phải có những bước mềm mỏng, cốt sao bán được hàng mà vẫn hợp pháp. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Theo, trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết:

“Nếu mình làm quá, nó không thu mua thì kẹt cho nông dân, khó tìm đâu ra. Nên nói chung, mình cũng chỉ kiểm soát về mặt lưu trú của họ thôi. Mình cũng có nhược điểm là thương lái trong nước mình không có, nên mình đâu có dám ra kiểm sát chặt chẽ về cái này, nếu chặt chẽ thì nó kẹt cho nông dân.”

Cần chính quyền hỗ trợ

000_SAHK990409515180-200.jpg

Theo lời ông Theo, thì khó khăn lớn nhất mà phía Việt Nam gặp phải là không có thông tin gì về phía đối tác Trung Quốc, các giao dịch diễn ra rất đơn giản và không có nhiều điều kiện ràng buộc. Thường thì thương lái Trung Quốc nhờ một số đầu mối Việt Nam đặt hàng, rồi hẹn ngày giao hàng. Thương lái Trung Quốc nắm thông tin Việt Nam rất rõ, trong khi phía Việt Nam thì lại hoàn toàn mù mờ, có lẽ chính tại điều này mà thương lái của họ hoàn toàn khống chế giá cả đầu ra cho nông sản của Việt Nam:

“Trong quá trình, mình để người thương lái Trung Quốc đi sâu vào, nắm được tất cả những chi phí đầu vào, giá thành trong một ký khoai lang. Ở bên kia mình không nắm được họ bán ra bên nhiêu bao một ký. Nên họ sẽ quyết định giá cho người nông dân mình lời ở mức độ nào đó thôi, thế nên họ quyết định vấn đề giá.”

Câu hỏi đặt ra là liệu ngoài hình thức sẽ ký kết các hợp đồng mua bán trong tương lai bằng văn bản, liệu cơ quan quản lý địa phương có thêm biện pháp gì giúp đỡ người dân hay không. Ông Theo cho biết tiếp:

“Về phía huyện, UBND tỉnh đang xây dựng một thương hiệu cho khoai lang. Khi chúng ta có thương hiệu thì mới đi chính ngạch được, chứ bây giờ mình chưa có thương hiệu nên cũng khó.”

Ngoài xây dựng một thương hiệu cho cây khoai lang, hiện tại sở Công Thương cũng đang hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại thành lập một công ty thu mua nông sản khoai lang cho người nông dân và có thể đến cuối năm sẽ hoàn tất mọi thủ tục. Còn ngay trước mắt, phía chính quyền cũng chỉ có thể tạo điều kiện như giúp đỡ người dân về mặt kỹ thuật trồng trọt và đơn giản là nếu người dân có chuyên chở quá tải hàng hoá thì chính quyền cũng không phạt vạ gì cả, ông Theo nói thêm.

Mặc dù vẫn biết những rủi ro tiềm tàng khi làm ăn với phía Trung Quốc qua nhiều bài học nhãn tiền trong quá khứ, nhưng vì lợi nhuận trong ngắn hạn mà bà con nông dân lại phải đánh đổi nhiều thua thiệt trong dài hạn. Tuy rằng, Việt Nam cũng đã có Ban chỉ đạo 127 TW về chống buôn lậu hàng giả và gian lận cấp Trung ương hay Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhưng xem ra, mọi văn bản chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế khó khăn của người dân lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Opens in new window

Video: Việt Nam Tuần Qua 25.5.2012