Cuối năm 2015, một số tỉnh thành, hay bệnh viện không đủ tiền để chi trả cho việc hoạt động cũng như trả tiền cho nhân viên và hơn nữa nợ công VN đang ở mức báo động. Vậy kỳ nghỉ tết Nguyên Đán 9 ngày ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nước ta.
Cũng như 2 năm trước đây, Tết năm nay (chính phủ quyết định) mọi người được nghỉ 9 ngày để mừng Xuân”. Đừng quên người dân không màng đến chuyện chính phủ “nhất trí hay không nhất trí”, họ chỉ cần biết được nghỉ bao nhiêu ngày thôi.
Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 được chính phủ ký cho nghỉ bắt đầu từ ngày 6/2/2016 đến hết 14/2/2016, tức từ 28 tháng chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng giêng năm Bính Thân.
Từ ngàn đời nay, đối với người Việt Nam thì ngày tết truyền thống rất quan trọng với mọi người, là dịp để họ tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, để mọi người có cơ hội sum họp với nhau sau 1 năm làm ăn vất vả, theo nguyện vọng của nhiều người lao động thì họ đều có nguyện vọng được nghỉ ngơi.
Hơn nữa, dịp tết Nguyên Đán cũng là lúc mọi người làm nông nghiệp đã làm xong mùa và đó là cơ hội để người nông dân nghỉ ngơi và chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Tiến Sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng kỳ nghỉ tết Nguyên Đán 9 đó là việc bình thường từ trước đến nay, đó là truyền thống của người Việt Nam, đó là cơ hội để mọi người được nghỉ ngơi sau một năm vất vả, cũng là cơ hội thăm viếng nhau. Theo Tiến Sĩ kỳ nghỉ tết 9 ngày sắp tới vừa có mặt tiêu cực vừa có mặt tích cực đến kinh tế của đất nước, những mặt tích cực tác động nhiều hơn tiêu cực, mặt tích cực đó là cơ hội để các công nhân được nghỉ ngơi, các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong ngày tết được bán, nó còn tác động đến các hoạt động dịch vụ và du lịch, giao thông vận tải cũng phát triển. Còn mặt tiêu cực thì chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhưng mặt tiêu cực này có thể khắc phục được dễ dàng và Tiến Sĩ cho rằng các ngày nghỉ dài ngày trong tết Nguyên Đán cần được duy trì.
Tiến Sĩ Nguyễn Minh Phong tiếp lời:
"Tác động tích cực thứ nhất là nó giúp giải tỏa và nó đáp ứng được nhu cầu nghỉ dài hạn của người dân, Thứ hai nữa tác động kinh tế vĩ mô nó giúp cho phát triển ngành kinh tế dịch vụ bởi vì khi có một lượng lớn những người dân được nghỉ và chơi cũng như là hưởng thụ các dịch vụ. Thứ ba là nói về tiêu dùng ở một số những sản phẩm, những món ăn, một số những khu vực mà nó gắn liền với tết đặc biêt là tiêu dùng, người nông dân sẽ được lợi rất là lớn từ việc cung cấp các thực phẩm cho mùa tết này. Với tinh thần đó thì chúng tôi cho rằng là các kỳ nghỉ dài hạn vẫn tiếp tục và nó trở thành truyền thống cũng như là nó mang lại tác động tích cực nhiều hơn là tác động mặt trái cho nền kinh tế và những người dân và các doanh nghiệp"
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng, người lao động nghỉ thì họ không sản xuất làm ra của cải nhưng họ đi chơi lại tạo ra sự phát triển cho các nghành du lịch và dịch vụ. Điều này phù hợp với đa số người lao động ở Việt Nam, nhất là với một nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.
“Việc nghỉ tết, nghỉ lễ đó là việc bình thường ở trong các nền kinh tế, tuy nhiên việc nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, vì người lao động họ không sản xuất để tạo ra của cải, tuy nhiên họ đi chơi lại tăng nhu cầu của ngành du lịch”
Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng kỳ nghỉ dài ngày đáp ứng nguyện vọng đa số của các công nhân, nhất là công nhân làm ăn xa ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương…mà quê của họ lại ở Nghệ An, Hà Tĩnh…tuy nhiên việc nghỉ dài ngày cũng sẽ tác động đến nền kinh tế của nước ta, nhất là trong những tháng cuối năm 2015 nhiều doanh nghiệp cũng như địa phương có dấu hiệu thiếu hụt ngân sách để hoạt động, bên cạnh đó nợ công của Việt Nam đang ở mức cao. Tiến Sĩ cũng cho rằng các ngành sản xuất nông nghiệp nhất là sản xuất lúa nước bị ngậm mặn, xâm thực ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Tiến Sĩ cũng chia sẻ là chúng ta nên bỏ kỳ nghỉ tết Dương Lịch và mừng năm mới vào một dịp là tết Âm Lịch.
Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Trong tình hình đó thì theo truyền thống thì Việt Nam sẽ cho nghỉ phép Tết Nguyên Đán dài ngày. Đây là truyền thống của dân tộc và đáp ứng yêu cầu của số người lao động đi xa quê rất đông. Dĩ nhiên là nghỉ dài như vậy sẽ tác động đến ngày lao động và sẽ không có lợi cho tăng trưởng. Nhưng tôi nghĩ có lẽ đây là một cái giá để mà Việt Nam hiện nay phải trả để tiến tới là có thể sẽ có cải cách, sẽ thống nhất là dễ mừng năm mới vào một dịp thôi chứ không phải năm mới riêng biệt rồi lại năm mới âm lịch như hiện nay.”
Theo Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh một điều nữa ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước trong kỳ nghỉ tết Nguyên Đán thì số người bị tai nạn giao thông tăng một cách chóng mặt mà đa số những người bị tai nạn đó lại là những người lao động chính trong gia đình.
“Tai nạn giao thông có tăng lên và điều ấy gây thiệt hại cho nền kinh tế, thiệt hại cho xã hội và để lại gánh nặng thương tật cũng như là chăm sóc các người neo đơn còn lại. Bởi vì những người mà bị chết tai nạn giao thông đó rất đáng tiếc lại là những người lao động chính của gia đình khi đi thăm có uống rượu rồi gây tai nạn giao thông và bị thương vong.”
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc nghỉ tết, nhất là trong thời gian gần đây nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nên chúng ta nên bỏ ngày lễ nghỉ tết Dương Lịch và nên tập trung vào ngày nghỉ tết Âm lịch.