Một báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC về kinh tế Việt Nam cho rằng nền kinh tế đang dần đi vào ổn định, thế nhưng nếu những vấn đề cơ bản của Việt Nam như tái cơ cấu không được thực hiện rốt ráo, thì kinh tế Việt Nam sẽ có nguy cơ “đi ngang” trong nhiều năm. Liệu điều này sẽ sớm được giải quyết, tìm hiểu vấn đề, Vũ Hoàng trình bày trong phần sau.
Tiến trình cải cách diễn ra chậm chạp
Hôm 2/12 vừa qua, ngân hàng HSBC phổ biến bản báo cáo với quan điểm khá tương đồng với kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc rằng “tiến trình cải cách diễn ra chậm chạp” theo đó khu vực quốc doanh hiện vẫn chiếm 2/3 nền kinh tế, những điểm nóng cơ bản như: cơ sở hạ tầng đô thị, chất lượng sản xuất nông nghiệp, thị trường tài chính…vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, báo cáo của HSBC nhận định thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa tạo ra nhu cầu mạnh hơn và tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cho Việt Nam, tuy nhiên, kỳ họp Quốc hội kết thúc mà không đưa ra tín hiệu cụ thể nào về thay đổi vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế.
Riêng về mặt con số, nhìn chung, kết luận của cả Quốc hội Việt Nam hay của Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự đoán, kinh tế Việt Nam trong 2 năm tiếp theo vẫn xoay quanh mức 5,4% đến 5,5% với không nhiều đột biến và tầm nhìn trong trung hạn ở mức độ ổn định xét về mặt cán cân thanh toán. Theo lời bà Victoria Kwakwa nhận xét trong bản phúc trình hôm 3/12 cho hay Việt Nam cần “tập trung quan tâm tới tốc độ cải cách cấu trúc, đang diễn ra khá chậm, để lập lại vị trí của mình trong lộ trình tăng trưởng cao hơn”. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới còn chỉ rõ Việt Nam cần phải cố gắng cân bằng mục tiêu kép là tăng trưởng nhanh và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam cần "tập trung quan tâm tới tốc độ cải cách cấu trúc, đang diễn ra khá chậm, để lập lại vị trí của mình trong lộ trình tăng trưởng cao hơn"
bà Victoria Kwakwa
Ngoài ra, báo cáo của cũng đề cập tới một số rủi ro chính mà VN đang đối mặt là dự trữ ngoại tệ thấp; cầu của khu vực kinh tế tư nhân còn mong manh; nguy cơ không giữ được kỷ cương tài khóa và tiền tệ; tiến bộ trong các cải cách cơ cấu chậm chạp; và việc mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Nhận xét chung về kinh tế Việt Nam trong năm 2013, T.S Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đưa ra quan điểm của ông:
Nền kinh tế Việt Nam năm 2013 cũng giống bức tranh chung của kinh tế thế giới, đó là năm khó khăn nhất từ năm 2008 cho đến nay, thể hiện của nó là những dự báo của các tổ chức thế giới và trong nước là mỗi lần điều chỉnh mới lại có sự sụt giảm so với lần điều chỉnh trước, điển hình là của IMF khi nhận định về tình hình kinh tế thế giới chung, sau 4 lần điều chỉnh giảm từ 3,6% xuống còn 2,9% và kinh tế Việt Nam cũng có sự suy giảm. Mặc dù là năm khó khăn nhất nhưng nó đã kiên định những điều kiện quan trọng để năm sau có những lực tốt hơn. Trên thực tế, Việt Nam cũng đặt ra các mục tiêu tăng trưởng năm sau nhích hơn năm 2013 này và thế giới cũng nhìn nhận Việt Nam trong năm 2014 sẽ có sự phát triển cao hơn.
Thêm vào đó, T.S Nguyễn Minh Phong cho biết rằng, trong số 15 chỉ tiêu Chính phủ đề xuất thì đến thời điểm hiện tại đã có 12 chỉ tiêu đạt được mục tiêu, cụ thể là một số tiêu chí như: đầu tư FDI, ODA, xuất khẩu, thăng hạng đầu tư, lạm phát, ổn định đồng tiền nội tệ… mặc dù vậy, theo ông thì vẫn còn 3 chỉ tiêu là nợ xấu, hàng tồn kho vẫn còn cao và nhất là tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là những thách thức còn đeo bám.
Những trở ngại vừa được nhắc tới cũng trùng hợp với bản báo cáo của HSBC rằng nếu Việt Nam không có những tiến bộ đáng kể với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm tới.
"Nền kinh tế có thể chạm đáy, nhưng vẫn chưa chạm đáy "tồn kho thể chế", đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình và khả năng tiếp tục vẫn "thủng đáy"
T.S Trần Đình Thiên
Kinh tế VN tăng trưởng tốt hay trong lộ trình “xuống đáy”?
Cùng nhận định của T.S Nguyễn Minh Phong rằng kinh tế Việt Nam năm 2013 là khó khăn nhất trong vòng 5 năm qua, điều này cũng được T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN chia sẻ với truyền thông trong nước.
Theo đó, ông Thiên phân tích mặc dù khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, nhìn chung, các nước bước vào quỹ đạo phục hồi nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó. Vị viện trưởng này chỉ rõ rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong lộ trình “xuống đáy” hiện tại kinh tế đang bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề. Hơn nữa, ông Thiên còn ví von: “nền kinh tế có thể chạm đáy, nhưng vẫn chưa chạm đáy “tồn kho thể chế”, đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình và khả năng tiếp tục vẫn “thủng đáy””
Tôi hy vọng và rất là mong đợi những lời tuyên bố của Thủ tướng sẽ thành hiện thực vì điều ấy sẽ tốt cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy điều ấy có biến thành hiện thực hay không thì vẫn có nhiều câu hỏi
T.S Lê Đăng Doanh
Mặc dù, giới chuyên gia và ngân hàng quốc tế nhìn nhận nền kinh tế nội địa còn khá khó khăn, nhưng người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tỏ ra lạc quan khi mới đây cho rằng năm tới, tốc độ tăng trưởng năm tới có thể là 5,8%, 2015 và những năm tiếp sau là 6% và cao hơn. Nhận xét về lời tuyên bố trên, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra quan điểm của ông với đài chúng tôi:
Tôi hy vọng và rất là mong đợi những lời tuyên bố của Thủ tướng sẽ thành hiện thực vì điều ấy sẽ tốt cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy điều ấy có biến thành hiện thực hay không thì vẫn có nhiều câu hỏi. Bởi vì những khó khăn và những vấn đề của kinh tế Việt Nam thì vẫn đang còn ở phía trước chưa giải quyết được.
Thí dụ như vấn đề tái cấu trúc đầu tư công cũng chưa giải quyết được, rồi vấn đề tái cấu trúc các Tập đoàn và Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa giải quyết được. Con số gần đây cho thấy là các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước có món nợ tổng cộng lên đến một triệu năm trăm tám mươi tám ngàn tỷ đồng, tức là một con số cực lớn và chưa biết số nợ đó sẽ được giải quyết như thế nào. Ngoài ra ngân sách Nhà nước cũng gặp khó khăn rất lớn và có lẽ cũng phải điều chỉnh lại. Và Nông nghiệp Nông dân Nông thôn Việt Nam cũng đang rất cần cuộc cải tổ và điều chỉnh để bơm thêm tín dụng vào cho nông nghiệp và nông dân có thể phát triển được mạnh mẽ hơn.
Quay lại với bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới rằng về tăng trưởng dài hạn, năng lực cạnh tranh đang là vấn đề Việt Nam cần cải thiện vì các chỉ số báo cáo môi trường kinh doanh của Việt Nam cho thấy các chỉ số chính giúp Việt Nam cạnh tranh đang bị tụt hậu, đặc biệt, thể chế tài chính quốc tế này nhấn mạnh tham nhũng từ lâu vẫn được coi là vấn đề nghiêm trọng, làm suy yếu sức tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Có thể nhận thấy, quan điểm nền kinh tế Việt Nam có thể đang nằm đáy, sẽ đi ngang hoặc có thể sẽ bứt phá trong tương lai vẫn chỉ là những dự đoán mang tính chất tham khảo. Mặc dù vậy, mấu chốt cơ bản đều được các chuyên gia đồng nhất là chỉ khi Việt Nam giải quyết được vấn đề then chốt tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế thì lúc đó hướng chuyển dịch thực sự của nền kinh tế mới được xác định rõ ràng.