Làm sao để FDI vẫn là điểm sáng của năm 2014

0:00 / 0:00

Với con số xấp xỉ 22 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2013, FDI đang trở thành “điểm sáng” trong bức tranh khá ảm đạm của kinh tế Việt Nam. Nhưng FDI có thực sự là “phao cứu sinh” hay không, và làm sao để chất lượng FDI ở VN được cải thiện hơn nữa?

Giá trị và cơ hội

Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho biết đến hết năm 2013, Việt Nam thu hút được gần 22 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gồm cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm. Dòng vốn FDI được đánh giá là thay đổi tích cực cả về chất và lượng, đặc biệt là giải tỏa bớt khó khăn cho nền kinh tế về mặt vốn đầu tư trong bối cảnh 2013 không phải là một năm khả quan.

Theo số liệu thống kế, vốn FDI thực hiện trong năm 2013 đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và chất lượng vốn đầu tư cũng được xem là từng bước cải thiện, chẳng hạn, tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao, công nghệ chế biến và chế tạo đều tăng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong dài hạn, giá trị và cơ hội dòng vốn FDI mang lại cho nền kinh tế vẫn là mối băn khoăn, mới đây, P.G.S, T.S Ngô Trí Long khi trả lời đài chúng tôi cho rằng Việt Nam chỉ là điểm đến thôi, chứ chưa phải là nơi đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài:

Việt Nam chỉ là điểm đến thôi, chứ chưa phải là nơi đầu tư hấp dẫn của họ, bởi những yếu tố điều kiện hay môi trường kinh doanh cũng như hạ tầng cơ sở. <br/> -TS Ngô Trí Long

“Chúng ta thấy trong tăng trưởng, động lực chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài, nghĩa rằng nền kinh tế trong nước chưa thực sự hồi phục, mà chủ yếu là do FDI. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chỉ là điểm đến thôi, chứ chưa phải là nơi đầu tư hấp dẫn của họ, bởi những yếu tố điều kiện hay môi trường kinh doanh cũng như hạ tầng cơ sở hay điều kiện khác còn là những cản trở lớn cho đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, sau 25 năm, đầu tư nước ngoài đang được giao cho Bộ KHĐT xây dựng một chiến lược để thu hút vốn FDI sao cho thực sự hiệu quả và đó là động lực hết sức quan trọng để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.”

Chiến lược thu hút vốn FDI sao cho có hiệu quả như lời T.S Ngô Trí Long vừa nhận định chính là vấn đề giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI.

T.S Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương được truyền thông trong nước trích đăng cho rằng khu vực FDI đóng góp đến 65% giá trị xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế, tạo ra hơn 2 triệu việc làm… thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu lớn song giá trị gia tăng của khu vực doanh nghiệp FDI chỉ ở khoảng 10% đến 20% vì chủ yếu FDI ở Việt Nam chỉ tập trung trong lĩnh vực lắp ráp, gia công. Hơn nữa, ông Doanh cho rằng, lượng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất cho khu vực FDI cũng rất cao, ông lấy thí dụ, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) nhập khẩu toàn bộ linh kiện điện thoại từ Samsung China khiến tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên rất mạnh. Vì lý do đó, năm 2013, giá trị gia tăng của SEV chỉ khoảng 3 tỷ đô la, vì xuất khẩu lên tới hơn 23 tỷ đô la trong khi nhập khẩu đã là 20 tỷ đô la.

Ảnh minh họa chụp ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013.
Ảnh minh họa chụp ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013. (AFP PHOTO)

Vậy nguyên do nào khiến giá trị gia tăng của hàng hóa trong khu vực doanh nghiệp FDI thấp, chúng tôi trao đổi với T.S Trần Văn Hải, một cựu giáo viên kinh tế tại trường Đại học ở HN và ông giải thích rằng do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên đã dẫn đến hiện tượng trên:

“Theo tôi vấn đề FDI của Việt Nam hiện nay là tỉ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng. Về tỉ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp FDI rất muốn tìm kiếm các nhà cung ứng phù hợp điều kiện của VN nhằm giảm giá trị nhập khẩu, thế nhưng những ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam rất sơ sài, nên các doanh nghiệp FDI của VN vẫn phải nhập các phụ tùng, thiết bị công nghiệp từ nước ngoài vào VN. Đơn giản, họ chỉ lắp ráp các sản phẩm công nghiệp ở trong nước, rồi sau đó mang đi xuất khẩu. Chính vấn đề đó, nó giúp cho Việt Nam trong chuỗi sản phẩm không lớn. Cũng chính vì đặc tính trên nên giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm không nhiều.”

Cũng bởi ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn sơ sài, chưa phát triển tương xứng so với nhu cầu của các doanh nghiệp FDI nên giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa vẫn là 2 vấn đề "khúc mắc" đối với chất lượng dòng vốn FDI tại Việt Nam. Thậm chí, G.S, T.S Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho biết "vấn đề giá trị gia tăng thấp không nằm ở phía nhà đầu tư, mà ở nền công nghiệp phụ trợ của VN quá kém cỏi."

Vấn đề “chuyển giá”

Bên cạnh nhân tố giá trị gia tăng, vấn đề “chuyển giá” của khối doanh nghiệp FDI cũng được báo chí mổ xẻ trong năm 2013. “Chuyển giá” được hiểu là việc các doanh nghiệp FDI khai báo lỗ thông qua việc chuyển giao tài sản hữu hình và vô hình giữa các bên liên kết, để không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, trong đợt kiểm tra thuế hồi giữa năm 2013 cho thấy, trong tổng số hơn 5.500 doanh nghiệp FDI thì có tới gần 60% doanh FDI có số lỗ lũy kế.

Việt Nam có dân số tới 70% sống ở vùng nông thôn, thế nhưng đầu tư trong nông nghiệp lại chưa được tập trung, nhất là trong nông, lâm, ngư nghiệp. <br/> -TS Trần Văn Hải

Đặc biệt, một nghịch lý đã tồn tại là có tới hơn 500 doanh nghiệp FDI báo lỗ nặng nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu cao. Bản thân ngành thuế trong năm 2013 không ít lần lên tiếng họ đang phải đối mặt với tình trạng "chuyển giá' của các doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng, tinh vi, phức tạp hơn. Thậm chí, báo Giáo Dục Việt Nam trích đăng ý kiến của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành rằng "nếu liên tục khai lỗ, doanh nghiệp FDI đến VN làm gì?" Tại đây, ông Thành lấy thí dụ, không thể một doanh nghiệp FDI như Coca Cola suốt mười mấy năm kinh doanh ở VN lại liên tục báo lỗ và ông kết luận "hiện nay chúng ta không quản lý tốt nên mới có nghi vấn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giá ra nước ngoài chứ không phải người ta lỗ."

Được biết trong năm 2012 số tiền lãi chuyển ra nước ngoài của các doanh nghiệp FDI là 7,5 tỷ đô la, tức là bình quân đầu người chúng ta mất đi gần 200 đô la xét trên góc độ GDP.

Mặc dù, FDI đã và đang mang lại diện mạo mới cho Việt Nam, nhưng sự mất cân đối giữa các ngành kinh tế và tình trạng mất cân đối đầu tư vẫn là điều mà Chính phủ VN cần xem xét. Cụ thể, danh mục 10 nhà đầu tư lớn năm 2012 – 2013 vẫn tập trung chủ yếu là các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, thiếu hụt các nhà đầu tư Châu Âu hay Bắc Mỹ, thậm chí, Liên minh Châu Âu cũng không có mặt trong bảng xếp hạng 10 nhà đầu tư lớn nhất tại VN trong giai đoạn 2012 – 2013. Đặc biệt, xét về mặt cơ cấu ngành, là một nước nông nghiệp, nhưng FDI vào lĩnh vực này tại Việt Nam lại quá nhỏ chỉ xấp xỉ 100 triệu đô la so với gần 22 tỷ đô la trong toàn năm, T.S Trần Văn Hải nhận xét thêm:

“Về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp của VN, thì VN có dân số tới 70% sống ở vùng nông thôn, thế nhưng đầu tư trong nông nghiệp lại chưa được tập trung, nhất là trong nông, lâm, ngư nghiệp. Một con số biểu hiện là đầu tư 100 triệu đô la trên 20 tỷ đô la FDI nó phản ánh đến thực trạng đầu tư.”

Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng nếu những mặt tiêu cực trên được khắc phục và Việt Nam có một chính sách quản lý và định hướng dòng FDI chặt chẽ, hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn nước ngoài hẳn sẽ được cải thiện rất nhiều.