Bao nhiêu Hiệp hội nữa sẽ được lập ra?

0:00 / 0:00

Mới đây có thông cáo vận động thành lập “Hiệp hội Dân oan” và bà Lê Hiền Đức được đề nghị làm chủ tịch danh dự. Sự sắp xuất hiện của một Hiệp hội Dân oan nhờ thế đã nảy lên một câu hỏi khác: liệu rồi đây một Hiệp hội khác mang tên “Hiệp hội chống tra tấn và giết người của công an” có thể sẽ thành hình hay không?

Tình trạng cưỡng chế đất đai nhưng không đền bù thỏa đáng cho người dân từ trước tới nay đã âm ỉ và tích tụ lại ngày một lớn trên khắp nước. Cảnh tượng hàng trăm người tập trung tại mỗi kỳ họp Quốc hội, ăn ở tại vườn hoa dân oan Mai Xuân Thưởng hay kéo nhau về đường Võ Thị Sáu thành phố HCM nơi có văn phòng đại diện chính phủ, vẫn thường xuyên xảy ra cho thấy sự bất bình đang đến độ căm phẫn của nạn nhân mất đất đã trở thành mạn tính.

Từ dân oan…

Cho đến nay không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu gia đình chịu cảnh mất đất và theo đuổi việc khiếu kiện đến độ gia đình ly tán tài sản tiên tan là bao nhiêu. Những người dân ấy cố bám vào một niềm hy vọng tuy ngày một mong manh hơn là được nhà nước quan tâm giải quyết nguyện vọng của họ. Nhưng năm này qua năm khác hy vọng ấy không còn nữa và có lẽ phát xuất từ yếu tố tuyệt vọng này, hàng trăm dân oan đã tự ý tham gia vào một hiệp hội rất có ý nghĩa cho tiến trình tranh đấu đòi lại công lý của họ. Hiệp hội Dân oan là nơi tập trung những con người yếu đuối cô đơn ấy thành một sức mạnh cụ thể, sức mạnh của nhiều người cùng hoàn cảnh cùng tiếng nói và nhất là cùng đau khổ như nhau.

Bà Lê Hiền Đức, một người thân thiết với hầu hết dân oan khắp nước đã trở thành chủ tịch danh dự của Hiệp hội Dân oan cho biết mục đích của Hiệp hội:

“Trên tinh thần Hiệp hội Dân oan đưa ra tôi thấy nhất trí cái nội dung là bây giờ cùng nhau đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, lên tiếng đấu tranh giữ lấy quyền sống, bảo vệ đất đai và quyền con người của mình.”

…đến dân oán

Trên tinh thần Hiệp hội Dân oan đưa ra tôi thấy nhất trí cái nội dung là bây giờ cùng nhau đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, lên tiếng đấu tranh giữ lấy quyền sống, bảo vệ đất đai và quyền con người của mình. <br/> -Bà Lê Hiền Đức

Hiệp hội Dân oan tuy chưa chính thức hoạt động nhưng người quan tâm đến vấn đề tin rằng nó sẽ làm sự tranh đấu của những con người yếu thế này thay đổi. Thứ nhất nó được người đồng cảnh tin tưởng và gửi gấm hy vọng của họ vào nó. Thứ hai sự thờ ơ của xã hội sẽ được đánh động và đồng thời trực tiếp cho chính quyền biết rằng sự im lặng từ trước tới nay đã đến lúc cần phải rũ bỏ. Thứ ba, phong trào này sẽ kéo theo hàng loạt hiệp hội khác ra đời chẳng hạn người nông dân sẽ có hiệp hội bảo vệ giá lúa, giá cà phê hay các loại nông sản khác. Tài xế sẽ có hiệp hội chống mãi lộ, người bất đồng chính kiến sẽ có hiệp hội chống côn đồ, hay cụ thể nhất là “Hiệp hội chống tra tấn và giết người của công an”.

Không khác gì người dân oan bị mất đất, gia đình của các nạn nhân bị công an tra tấn và giết chết còn bi thảm hơn. Mất đất còn có thể hy vọng được nhà nước cứu xét nhưng một khi người thân đã chết thì sự cứu xét nào làm cho họ sống lại được?

Đền bù không thỏa đáng thì được nhà nước biện minh là theo giá thị trường có thỏa thuận giữa hai bên. Khi một công dân bị chết trong đồn công an thì mười vụ như một, lý do đưa ra là do chính nạn nhân tự tử.

Cũng giống như dân oan khiếu kiện, khó mà kiểm chứng được có bao nhiêu người đã bị công an tra tấn, đánh hay bắn chết trong đồn hay ngoài đời. Ngoài những vụ được đưa lên mặt báo đa số đều im lặng vì sợ bị trả thù, bị trù dập bởi tấm gương tranh đấu của hầu hết gia đình nạn nhân đều rơi vào im lặng và thua thiệt.

Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Công Nhựt là một thí dụ. Vào ngày 25 tháng 4 năm 2011 chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền vợ anh Nhựt, nhận được tin chồng bị giữ tại nhà tạm giữ Công an Huyện Bến Cát. Đến ngày hôm sau, công an tuyên bố anh Nhựt treo cổ tự tử trong nhà giam. Sau nhiều tháng khiếu kiện với những chứng cứ mạnh mẽ, chị Tuyền nhận được quyết định của tòa án là chồng chị tự tử chứ không do tra tấn đến chết bởi công an.

Cô Trịnh Kim Tiến với tấm ảnh người cha là ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết. AFP
Cô Trịnh Kim Tiến với tấm ảnh người cha là ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết. AFP (Cô Trịnh Kim Tiến với tấm ảnh người cha là ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết. AFP)

Khi được hỏi nếu một hiệp hội có mục đích chống tra tấn và giết người của công an được thành hình thì chị nghĩ có nên không, chị Tuyền cho biết:

" Nếu thành lập được một cái hội như vậy thì là một ý hay ví khi có một cái hội như thế thì người dân oan ức họ sẽ đến để tìm sự chia sẻ với nhau giữa những người dân đang gặp oan ức mà nhà nước không giải quyết cho họ vì vậy ý tưởng này hoàn toàn hợp lý đối với xã hội hiện nay.

Nếu xã hội hiện nay mà nó có sự công bằng, có pháp luật nghiêm minh vá mọi cách đều rõ ràng thì tôi nghĩ không cần cái hội này nhưng rõ ràng bây giờ tại đất nước Việt Nam thì sự bức xúc càng ngày càng nhiều và không có ai đứng ra giải quyết cho dân cả.

Bản thân tôi rất là đồng lòng và sẽ ủng hộ nếu thành lập một cái hiệp hội như vậy. "

Ông Nguyễn Quang Phục có con là anh Nguyễn Quốc Bảo, ngày 21 tháng 1 năm 2010 bị công an tra tấn đến chết tại trại tạm giam của công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vì tình nghi có tàng trữ ma túy tuy không có bất cứ bằng chứng gì về sự phạm tội của anh.

Ông Phục cho biết ý kiến của mình về một hiệp hội có mục đích tranh đấu cho những nạn nhân chết do tra tấn của công an, ông nói:

" Thế thì tôi nhất trí ngay. Có một vài gia đình như nhà thằng Hùng ở Hà Đông ông ấy là đảng viên nên ông ấy sợ không dám chống đối, kiện cáo việc con ông ấy bị chết. Mà nếu như bây giờ thành lập được cái hội ấy mà mình đi đấu tranh để bảo đảm cái quyền thân thể của người dân (không bị xâm phạm) thì tôi nghĩ rằng không những đấu tranh cho mình mà còn đấu tranh cho những người về sau này nữa.

Nếu bây giờ thành lập được một cái hiệp hội như vậy thì tốt vì mình bảo vệ được cái quyền tự do của con người. Mình không nói là đấu tranh để bảo vệ lấy cái quyền lợi riêng cho gia đình, nhà mình mà cùng với quyền lợi của cộng đồng nữa thì nó tốt hơn và làm được như thế nào đó thì mình còn phải tính toán. "

Những vụ án công an đánh chết người thì không chỉ ở từng vùng miền mà nó rải rác từ bắc vào nam nên rất khó để mà tập hợp tất cả những nạn nhân và gia đình người bị hại lại. <br/> -Chị Trịnh Kim Tiến

Một trường hợp công an đánh người đến chết rất nổi tiếng khác là trường hợp của ông Trịnh Xuân Tùng do đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đã bị công an bắt dẫn về trụ sở công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Ông Tùng bị tra tấn tê liệt toàn thân. Và chết sau một tuần nằm viện.

Chị Trịnh Kim Tiến con của ông Tùng cho biết ý kiến về hiệp hội này:

" Việc lập ra một hiệp hội của người dân có người thân bị đánh chết là một điều nên làm. Những vụ án công an đánh chết người thì không chỉ ở từng vùng miền mà nó rải rác từ bắc vào nam nên rất khó để mà tập hợp tất cả những nạn nhân và gia đình người bị hại lại. Bên cạnh đó thân nhân của người bị hại không phải ai cũng dấu tranh đòi lại công bằng cho người thân của mình. Nhiêu gia đình không có điều kiện cũng như họ không có sự hiều biết về luật pháp để mà tranh đấu.

Một số người khác thì bị đe dọa, áp bức và do đó chấp nhận sự oan ức của người thân mình do đó rất là khó để kết hợp mọi người lại với nhau để lập nên một cái hội như thế. Tuy nhiên tôi nghĩ ràng cái việc đấy chắc chắn là phải làm và nên làm. "

Hiệp hội: sức mạnh của xã hội dân sự

Tầm vóc của xã hội dân sự lớn mạnh từ những hiệp hội như thế. Tại các nước phát triển các loại hiệp hội nhằm tương trợ giữa những người cùng nghề nghiệp, sở thích hay lý tưởng tôn giáo là điều bình thường tuy nhiên chưa thấy một hiệp hội nào nhằm tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân như Hiệp hội Dân oan, hay Hiệp hội “chống tra tấn và giết người của công an”bởi lẽ những oan khuất nếu có của người dân phải được chính quyền bảo vệ.

Dù sao thì người dân tự bảo vệ mình qua hình thức một hiệp hội vẫn tích cực hơn là hành động lấy bạo lực chống lại bạo lực. Đây là thế mạnh của một xã hội dân sự và phải chăng do đó mà nhà nước luôn thành kiến với nó?