Tuy nhiên theo các chuyên gia về Luật Quốc Tế và Luật Biển trong và ngoài nước, căn bản và mấu chốt giải quyết vấn đề nằm ở Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển, nghĩa là tập trung vào khía cạnh pháp lý, từ đó đưa ra các kiến nghị cho tiến trình đàm phán, giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.
Căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa dạo gần đây vì những hoạt động và những phản ứng phát xuất bởi lòng yêu nước từ các phía tranh chấp, đặc biệt Philippines và Việt Nam, dẫn tới suy nghĩ rằng tất cả bị điều động dưới áp lực và sức mạnh chính trị hơn là tuân thủ những qui định của luật pháp quốc tế.
Cơ sở pháp lý của UNCLOS
Nhưng vấn đề không đơn giản khi mà UNCLOS tức Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển năm 1982 vẫn là điều kiện quan trọng và căn bản nhất để giải quyết sự tranh chấp lâu nay trên biển Nam Trung Hoa.
Đó là khẳng định của giáo sư Robert Beckman, giám đốc Trung Tâm Luật Pháp Quốc Tế, giảng viên khoa Luật của Đại Học Quốc Gia Singapore. Ngoài ra, ông cũng là thành viên cấp cao trong Viện Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam thuộc đại học Nanyang của Singapore.
Trong một bài viết mới nhất được đăng trên mạng, giáo sư Beckman nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng và bất ổn trên biển Đông là vì các phía tranh chấp, khi cố khẳng định chủ quyền lãnh hải của mình, đã đưa ra những quan điểm khá mơ hồ và gần như không nhất quán với những qui định trong UNCLOS Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển.
Bài viết của giáo sư Robert Beckman có ba nội dung chính yếu, thứ nhất là vai trò của Luật Quốc Tế nói chung và UNCLOS nói riêng trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Thứ hai, vị trí và vai trò của đảo trong giải quyết tranh chấp. Thứ ba, khả năng khai thác chung trên Biển Đông.
Theo ông, nếu các bên đang tranh chấp triệt để áp dụng mọi nguyên tắc của UNCLOS và đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển của mình trên cơ sở hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của UNCLOS thì sẽ đạt kết quả tích cực hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, từng bảo vệ thành công luận án về Luật Biển ở Bỉ, hiện là giảng viên Khoa Pháp Luật Quốc Tế tại Đại Học Luật Hà Nội, tác giả bài "Việt Nam Cần Tăng Năng Lực Chấp Pháp Ở Biển Đông" cho rằng ông Robert Beckman đã nhận định chính xác khi đề cập tới vai trò của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển năm 1982 trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông:
“Ở đây thì chúng ta cũng thấy một điều là mặc dù Công Ước không qui định các nguyên tắc về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ, mà việc giải quyết tranh chấp về xác lập chủ quyền phải dựa trên các qui định tập quán quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Công Ước Luật Biển 1982 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong “quản lý xung đột” ở biển Đông.
Theo tôi thấy cũng như theo nhận định của giáo sư Robert Beckman, vai trò UNCLOS thể hiện trên ba khía cạnh. Thứ nhất, trên cơ sở nguyên tắc “đất thống trị biển”, Công Ước qui định cho quốc gia ven biển việc xác lập các vùng biển ven bờ bao gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các vùng biển chủ quyền bao gồm nội thủy, lãnh hải, và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, bao gồm vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
TS Nguyễn Toàn Thắng
Thứ hai, UNCLOS qui định quyền và giới hạn cho các quốc gia trong việc thiết lập các vùng biển đối với các cấu trúc địa chất ngoài khơi xa bờ.
Và thứ ba, UNCLOS cũng qui định quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển trên từng vùng biển.”
Một mặt tán đồng quan điểm của giáo sư Beckman là tranh chấp trên biển Đông sẽ được giảm nhiệt và bớt căng thẳng nếu các bên tranh chấp đưa ra yêu sách trên cơ sở và phù hợp với qui định của UNCLOS, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng phân tích vấn đề trên một khía cạnh rõ ràng hơn:
“Thực tiễn cho thấy các qui định của UNCLOS không phải lúc nào cũng được tuân thủ và điều này gây quan ngại cho các quốc gia liên quan. Có thể đưa ra ví dụ là vào năm 2009 Trung Quốc chính thức tuyên bố “đường đứt khúc 9 đoạn” trong Công Hàm gởi Liên Hiệp Quốc. Với việc xác định một "đường đứt khúc 9 đoạn" như vậy, một đường duy nhất không có vị trí tọa độ, đồng thời gộp vào trong đó tất cả các vùng biển mà Trung Quốc coi đó là vùng biển thuộc quyền quản lý của mình, rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm các qui định của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển 1982”.
Cũng trong bài viết của mình, giáo sư Robert Beckman của Khoa Luật Pháp Quốc Tế thuộc Đại Học Quốc Gia Singapore nêu ba giải pháp mà các quốc gia đang tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa hay Biển Đông, cần phải áp dụng, và nếu chưa thực hiện thì phải nên làm ngay, đó là quy chế pháp lý của đảo và các cấu trúc địa chất trên biển phù hợp với qui định của UNCLOS. Ông nhấn mạnh việc các quốc gia liên quan xác định cụ thể tên cũng như vị trí các đảo tranh chấp sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cơ sở để giải quyết các xung đột cũng như mâu thuẫn phát sinh.
Về điểm này, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng một lần nữa góp ý:
“Cùng với quan điểm của giáo sư Robert Beckman, một số nhà nghiên cứu, kể cả quốc tế cũng như ở trong nước, cũng có cách tiếp cận tương tự [1]. Theo qui định của Công Ước Luật Biển 1982, các cấu trúc địa chất trên biển được phân ra thành một số nhóm. Ví dụ đảo, theo qui định của Công Ước, là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Với cấu trúc địa chất được xác định là đảo thì quốc gia ven biển có thể xác định tất cả các vùng biển tương tự như đối với đất liền. Có nghĩa rằng đảo sẽ có nội thủy và lãnh hải riêng, vùng đặc quyền kinh tế tiếp giáp lãnh hải và thềm lục địa riêng.
Bên cạnh đó thì Công Ước tại điều 121 cũng qui định đảo đá nếu không thích hợp cho người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngoài ra thì Công Ước tại điều 13 cũng đề cập tới các bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Đó là những vùng đất tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì ngập nước. Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm chỉ có ý nghĩa trong việc xác định các vùng biển khi ở cách phần lãnh thổ đất liền hoặc ở cách một đảo với một chiều rộng không vượt quá chiều rộng lãnh hải. Như vậy thì ở đây chúng ta cũng thấy được rõ mỗi một cấu trúc địa chất thì sẽ có vai trò khác nhau trong việc xác lập các vùng biển. Nếu điều này được thực hiện, khu vực tranh chấp được xác định rõ ràng, từ đó các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm các biện pháp quản lý xung đột”.
Thiện chí các bên
Theo giáo sư Robert Beckman, việc các quốc gia liên quan xác định cụ thể tên và vị trí của các đảo tranh chấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn phát sinh. Nếu điều này được thực hiện, khu vực tranh chấp sẽ được xác định rõ ràng, từ đó các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm các biện pháp quản lý xung đột.
Tuy nhiên, dưới mắt tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, tình hình tranh chấp trên biển Đông cho thấy khả năng mà giáo sư Robert Beckman đề cập tới không dễ dàng trở thành hiện thực:
“Hai lý do chủ yếu, thứ nhất là tranh chấp trên biển Đông có sự tham gia của nhiều nước khác nhau, vì vậy khả năng trên chỉ có thể thực hiện nếu như các bên thực sự có thiện chí. Không thể là hành vi đơn phương từ bất kỳ một quốc gia tranh chấp nào.
TS Nguyễn Toàn Thắng
Và thực tiễn như chúng ta cũng đã đề cập ở trên, khả năng đó khó được Trung Quốc chấp nhận khi quốc gia này thể hiện rõ tham vọng với yêu sách đường đứt khúc chín đoạn bao trùm tới 80% diện tích trên Biển Đông”.
Về giải pháp gọi là khai thác chung trên biển Nam Trung Hoa hay Biển Đông, được coi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên cũng như dầu khí, mà giáo sư Robert Beckman có nhắc tới, quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng thì đó chỉ là giải pháp tạm thời, không ảnh hưởng đến giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia liên quan và được qui định trong UNCLOS Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982:
“Tuy nhiên chúng ta cũng thấy việc thực hiện khai thác chung trên Biển Đông cũng phụ thuộc vào thứ nhất là các bên phải thỏa thuận được cũng như xác định được vùng tranh chấp để trên cơ sở đó đàm phán về khai thác chung. Và thứ hai thì cũng sẽ phụ thuộc vào thiện chí cũng như quan điểm của các bên tranh chấp đối với vấn đề khai thác chung.”
Tóm lại, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng kết luận, luật quốc tế nói chung và UNCLOS Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển nói riêng, chính là cơ sở pháp lý để các quốc gia giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Vẫn theo lời ông, giải quyết dứt điểm tranh chấp phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan trong việc áp dụng các biện pháp hòa bình được luật quốc tế ghi nhận.
Theo dòng thời sự:
- Hội thảo về tranh chấp Biển Đông tại Nam California
- Trung Quốc không muốn bị ràng buộc pháp lý
- Hội thảo về Biển Đông tại Bangkok
- Âm mưu của Bắc Kinh
- Trung Quốc xâm phạm vùng biển quốc tế?
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Chủ Quyền lãnh hải theo Công Ước LHQ Về Luật Biển