Để giảm thất thoát sau thu hoạch

Thật khó tưởng tượng mức tổn thất sau thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm lên đến 3 triệu tấn lúa. Giảm được thất thoát sau thu hoạch càng nhiều thì giá trị lúa gạo càng cao và nông dân sẽ tăng thu nhập.

0:00 / 0:00

Rút ngắn chuỗi cung ứng

Các chuyên gia Bộ NN-PTNT ước tính mức thất thoát sau thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long lên tới 13,7%, một tỷ lệ quá lớn so với mức 6% của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo đang lăm le thay thế vị trí thứ hai thế giới của Việt Nam. Nếu mỗi năm người nông dân các tỉnh miền tây sản xuất hơn 23 triệu tấn lúa, thì có thể thấy lượng lúa mất đi không dưới 3 triệu tấn. Tính theo giá lúa loại xấu nhất 5.000đ/kg thì tổn thất đã là 15.000 tỷ đồng mỗi năm.

Công nghệ sau thu họach được mô tả là một chuỗi liên hoàn từ thu họach lúa cho tới phơi sấy, xay xát, bảo quản tồn trữ. Hiện nay đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, cơ giới hóa trong phần này đủ phục vụ 50%. Khâu xay xát tuy đáp ứng nhu cầu 100% nhưng vẫn thất thoát 3% do xay xát lúa có ẩm độ cao làm hạt gạo bị gãy.

Nhưng vấn đề sấy lúa và bảo quản là khâu yếu kém nhất và gây tổn thất nhiều nhất. Một thí dụ là vụ hè thu đồng bằng sông Cửu long thu hoạch trung bình 8 triệu tấn lúa trong mùa mưa nhưng các lò sấy thủ công chỉ đáp ứng khoảng 38% nhu cầu, tháp sấy công nghiệp thì chỉ nghe nói như một câu chuyện ở tương lai.

Trước hết phải rút ngắn chuỗi cung ứng lại, tức là nhiều khâu trung gian bây giờ phải loại bỏ bớt, khâu thương lái hai ba cấp phải giảm xuống.
TS Phạm Văn Tấn

Riêng bảo quản lúa gạo thì từ 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Tổng Công ty lương thực phải thực hiện chương trình 4 triệu tấn kho, nhưng cho đến nay đồng bằng sông Cửu Long vẫn chỉ có chưa tới 2 triệu tấn kho và đa số kho không thể bảo quản gạo quá 6 tháng. Kế hoạch của chính phủ được thực hiện rất chậm vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề mặt bằng xây dựng và nguồn vốn ngân hàng trong giai đoạn khó khăn.

Giải quyết những khiếm khuyết của công nghệ sau thu hoạch có thể đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ và thời gian dài để thực hiện. TS Phạm Văn Tấn chuyện gia công nghệ sau thu hoạch hy vọng Đồng bằng sông Cửu Long có thể giải quyết dần dần về mặt công nghệ và sắp xếp trình tự hợp lý để giảm tối đa thất thoát. Từ đồng bằng sông Cửu Long TS Phạm Văn Tấn nhận định:

“Trước hết phải rút ngắn chuỗi cung ứng lại, tức là nhiều khâu trung gian bây giờ phải loại bỏ bớt, khâu thương lái hai ba cấp phải giảm xuống. Thứ hai để giảm tổn thất sau thu họach thì một đơn vị xay xát phải gồm đủ thiết bị sấy kho bảo quản và thiết bị xay xát ở trong một cụm đồng bộ cùng một địa điểm, như thế sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch đồng thời có thể tận dụng lượng trấu làm nhiên liệu sấy lúa. Khi xay xát ở dạng lúa khô thì có thể sử dụng cám để làm dầu ăn, mỹ phẩm, thức ăn gia súc hay dược phẩm, tức là có nhiều phụ phẩm trong sản xuất lúa hiện nay mà chưa được tận dụng hết. Như thế đã nâng cao được giá trị hạt gạo.”

GSTS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An, một chuyên gia nông nghiệp giàu kinh nghiệm nêu ý kiến là, có thể cải thiện công nghệ sau thu hoạch theo từng cụm một, ông kêu gọi nông dân tập họp thành tổ chức, thí dụ những hợp tác xã nông nghiệp và Nhà nước có trách nhiệm giúp đỡ. GSTS Võ Tòng Xuân nói:

“Bây giờ ngân hàng có nhiều tiền, trong phiên họp ở Cần Thơ mới đây ngân hàng không biết đầu tư cho nông dân cái gì! 17-18 triệu nông dân, gia đình nông dân quá đông thì làm sao giúp đỡ được, nhưng với 2.000 hợp tác xã thì giúp đỡ dễ hơn. Thí dụ cứ 5 hợp tác xã hợp thành một vùng nguyên liệu 10.000 hec-ta thì có thể hình thành 1 nhà máy xay xát. Chi phí xây nhà máy khoảng 1,2 triệu đô la tức là hơn 200 tỷ đồng, quá dễ dàng.

Đây là vấn đề chính sách, điều cần thiết là nông dân phải hợp tác lại với nhau sản xuất để có thể cạnh tranh với các nước khác. Nông dân phải đứng lại với nhau sản xuất số lượng hàng hóa lớn để có giá thành nhỏ nhất, để có thể cung cấp cho khách hàng đúng lúc đúng lượng.”

Mô hình cánh đồng mẫu lớn

Cảnh đập lúa. AFP photo

Hiện nay ở Việt Nam đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đang nổi lên phong trào cánh đồng mẫu lớn, hay nói cách khác là nông hộ nhỏ cánh đồng lớn, nơi doanh nghiệp và nông dân cùng nhau hợp tác tổ chức sản xuất lớn. TS Phạm Văn Tấn cho rằng đây là hướng đi tất yếu, giúp cho sản xuất lúa của Việt Nam bền vững hơn.

Hiện nay ngoài Công ty Bảo vệ thực vật An Giang còn công ty khác của tư nhân là Gentraco cũng ở An Giang, người ta đã làm thử nghiệm trên cánh đồng mẫu lớn và ký hợp đồng hợp tác với nông dân trên diện tích lớn. TS Phạm Văn Tấn nhận định:

“Đây là hướng đi sẽ phát triển trong tương lai Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện 3 điểm, 1 ở An Giang hai điểm kia ở Đồng Tháp và Long An và mỗi điểm như thế có khoảng 1.000 ha, họ xây dựng nhà máy xay xát, kho tồn trữ, sấy lúa ngay một cụm như vậy. Họ ký hợp đồng với nông dân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, bón phân, phun thuốc, phục vụ thủy lợi. Đồng thời khi thu họach họ giúp nông dân khâu vận chuyển và khâu sấy.

Nông dân thu họach bằng máy gặt đập liên hợp, sau đó Cty BVTV An Giang vận chuyển về khu liên hợp của họ để sấy lúa, khâu vận chuyển và sấy lúa hoàn toàn miễn phí. Sau đó họ đưa lúa vào trong kho bảo quản và miễn phí cho nông dân 1 tháng. Còn nếu nông dân bảo quản hơn 1 tháng thì bắt đầu ngày 31 sẽ trả chi phí. Được bảo quản miễn phí trong vòng một tháng giá lúa có thể tăng 500đ-1.000đ/kg so với thời điểm thu hoạch, việc này đem đến một nguồn lợi thiết thực cho người nông dân.”

Mô hình cánh đồng mẫu lớn có sự gắn kết giữa nông dân, nhà máy xay xát và nhà xuất nhập khẩu, lợi nhuận trên hạt lúa sẽ được phân phối tương đối đồng đều hơn và giúp cho người nông dân đỡ thiệt thòi hơn so với hiện nay.
TS Phạm Văn Tấn

Đã có 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác ở nam trung bộ và đồng bằng bắc bộ đăng ký với Bộ NN-PTNT triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bộ NN-PTNT hy vọng đạt tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn 40.000 ha vào cuối năm 2012. Đối với vấn đề giảm thất thoát sau thu hoạch qua mô hình này, TS Phạm Văn Tấn nhận định:

“Sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn có nhiều điểm thuận lợi. Thứ nhất đồng ruộng được mở rộng để đưa cơ giới hóa vào làm việc hiệu quả hơn, nhất là khâu thu hoạch máy đỡ phải quay vòng nhiều lần, lúa đỡ bị rơi rụng. Thứ hai khi sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn chỉ sử dụng một hoặc hai loại giống thôi thì mới có đủ lượng lúa để đổ vào silo nơi chứa khoảng 1.000-1.500 tấn.

Nếu không làm cánh đồng mẫu lớn mà nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có một lượng lúa lớn cùng một giống đổ vào silo vì như thế bảo quản tốt hơn và như thế giúp nâng cao chất lượng của lúa. Mô hình cánh đồng mẫu lớn có sự gắn kết giữa nông dân, nhà máy xay xát và nhà xuất nhập khẩu, lợi nhuận trên hạt lúa sẽ được phân phối tương đối đồng đều hơn và giúp cho người nông dân đỡ thiệt thòi hơn so với hiện nay.”

Trên thực tế, mọi việc không phải đều suôn sẻ như đối với An Giang, một cánh đồng mẫu chỉ có 200 ha ở Đồng Tháp đã gần như thất bại khi bên doanh nghiệp là Docimexco không tuân thủ hợp đồng bao tiêu lúa thơm của nông dân và chính quyền đã phải vào cuộc để tránh đổ vỡ.

Nói chung các chuyên gia đều chung quan điểm đây là giải pháp tốt, để Đồng bằng sông Cửu Long có thể xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, trong bối cảnh nông dân mỗi người một diện tích nhỏ mạnh ai nấy làm. Hơn nữa đây còn là một cơ hội để giảm thất thoát sau thu hoạch, gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo để doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi nhiều hơn.

Opens in new window

Video: Việt Nam Tuần Qua 18.5.2012

Theo dòng thời sự: