Hôm nay, 28/8/2013, nước Mỹ tưởng nhớ mục sư Martin Luther King, người lãnh đạo cuộc tranh đấu cho nhân quyền và quyền bình đẳng của tập thể người da đen trên nước Mỹ với câu nói bất hủ "Tôi Có Một Giấc Mơ" được lập đi lập lại một cách hùng hồn trong bài diễn văn đúng 50 năm trước ở Washington. Ông bị ám sát năm 1968, nhưng giấc mơ và tư tưởng của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến tầng lớp người Việt di dân hay người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ mãi về sau này.
Đó là bài diễn văn để đời ngày 28 tháng Tám năm 1963, được các cơ quan truyền thông đại chúng Hoa Kỳ nhắc lại hôm thứ Tư 28 tháng Tám 2013, nhân kỷ niệm 50 năm nhà lãnh đạo Martin Luther King và phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen với giấc mơ được tôn trọng và được đối xử như một công dân tự do đúng nghĩa.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, nay là tư vấn cho một số các tổ chức quốc tế và một số quốc gia trong đó có Miến Điện, nói rằng giấc mơ và tư tưởng bất bạo động của mục sư Martin Luther King đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông:
Tôi đến nước Mỹ năm 1968 cũng là lúc ông Luther King bị ám sát chết. Đó là thời gian mà tôi nghe bài phát biểu của ông ấy về I Have A Dream, đọc rất kỹ lưỡng trong lớp học thời gian ấy.
Cái làm cho tôi hiểu biết trong thời gian đó thì những người thiểu số ở nước Mỹ không được đối xử ngang bằng với người da trắng. Ngay cả những người da vàng như chúng ta thời đó cũng bị kỳ thị, thì một người như ông Luther King với lời kêu gọi cái chết của ông làm tôi xúc động.
<br/>Quan trọng vô cùng là phải trang bị, phải tạo một thế đứng một sự tự tin để tự giúp mình, tập hợp lại để thành những tổ chức xã hội dân sự để giải quyết những vấn đề cùa chính họ để bảo vệ quyền lợi của chính họ. <br/> - TS. Nguyễn Đình Thắng
Lời kêu gọi Tôi Có Một Giấc Mơ là mọi người bình đẳng và mọi người phải đấu tranh cho quyền lợi của chính mình một cách hòa bình đã làm tôi suy nghĩ về vấn đề chiến tranh và hòa bình của Việt Nam thời bấy giờ. Lý thuyết bất bạo động của ông Luther King đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tôi, chẳng hạn cái hoạt động mà tôi chủ trương là hòa bình cho Việt Nam trên cơ sở bất bạo động.
Đó là tầm ảnh hưởng của Martin Luther King đối với người đến Hoa Kỳvào năm tác giả I Have A Dream bị bắn chết. Với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển ở Hoa Kỳ sau năm 1975, giấc mơ của mục sư Luther King cũng chính là giấc mơ ông nuôi dưỡng khi làm việc cho người tị nạn:
Lời phát biểu và hiệu triệu Tôi Có Một Giấc Mơ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cá nhân chúng tôi trong suốt hành trình bao năm đóng góp cho cộng đồng. Giấc mơ đó cũng thể hiện sứ mạng của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, là làm sao mọi người Việt đi tị nạn hoặc di dân đều có cơ hội để tự mình đạt được nhân phẩm và tự do cho chính mình và cho mọi người. Quan trọng vô cùng là phải trang bị, phải tạo một thế đứng một sự tự tin để tự giúp mình, tập hợp lại để thành những tổ chức xã hội dân sự để giải quyết những vấn đề cùa chính họ để bảo vệ quyền lợi của chính họ.
Trong rất nhiều năm, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói, những giấc mơ của mục sư Luther King đã thúc đẩy ông tìm kiếm cũng như đào tạo tinh thần lãnh đạo cho người trẻ Mỹ gốc Việt bước vào giòng chính:
Lãnh đạo đây không phải chỉ riêng cho nhóm của mình cho cộng đồng của mình mà cả cho xã hội Hoa Kỳ, để ảnh hưởng đến chính sách và để giải quyết những vấn nạn trong cộng đồng của chính mình. Đó là một vài điểm mà chúng tôi thực hiện đặc biệt với người Việt tị nạn và di dân.
Luật sư, nhà văn Dương Như Nguyện, cựu chánh án thành phố Houston, Texas, từng sang Nga dạy về Luật Kinh Tế trong tư cách học giả Fulbright, tư tưởng Martin Luther King tác động trực tiếp và nhào nặn ý chí của cô những ngày đầu đến Mỹ:
Năm 1975 khi qua Mỹ tôi học báo chí thì lập tức hình ảnh của mục sư Martin Luther King là một mẫu mực. Những gì tôi theo đuổi cả đời là vấn đề dân quyền và nhân quyền, cho nên những tư tưởng và giấc mơ của Martin Luther King đối với tôi rất quan trọng và là kim chỉ nam cho cá nhân tôi, điều đó không chối cãi được. Tôi đã nhắc đến những câu nói của ông nhiều lần trong những gì tôi viết. Mới nhất đây là bài tôi viết về nạn buôn người ở Châu Á, đăng ở tạp chí luật Social Justice, sự công bằng xã hội và công lý, tôi có nhắc đến Martin Luther King.
Sức mạnh đa văn hóa
Bốn mươi bảy năm dạy học tại Texas Women University, nay đã về hưu, giáo sư Đàm Trung Pháp nhận định sự tranh đấu của mục sư Martin Luther King nhắc cho ông biết nước Mỹ mà ông đang sống là một quốc gia đa văn hóa và đa sắc tộc mà ông phải quí trọng:
Vì là nhà giáo nên tôi để ý đến khía cạnh này vô cùng. Sức mạnh của nước Mỹ này, nét đẹp của nước Mỹ này là do tính chất đa văn hóa của xã hội Mỹ ngày nay. Chúng ta phải tôn trọng cái sự khác biệt về văn hóa. Tất cả các nền văn hóa tất cả các ngôn ngữ đều đẹp và quan trọng như nhau.
Thích sinh hoạt cùng giới trẻ, chủ tịch hội đồng quản trị Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam, cô Nguyễn Phúc Anh Lan, được tổng thống Obama bổ nhiệm vào hội đồng quản trị VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam từ 2011, tự nhân vô cùng cảm phục Martin Luther King:
Bởi ông là một người, trong vị trí lãnh đạo chỉ chỉ bắt đầu từ một giấc mơ, đã hướng dẫn người da đen từ một con số không đến vị trí ngang hàng với những sắc tộc khác trên nước Mỹ.
Cho nên bài I Have A Dream Tôi Có Một Giấc Mơ mà mục sư Martin Luther King đọc cách đây 50 năm, vô cùng ý nghĩa và chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ bài học làm cho giấc mơ trở thành sự thực mà trong đó quyết định nhất là sự kiên trì, lòng đam mê và tinh thần làm việc không ngưng nghỉ. Cả cuộc đời Martin Luther Kinh mặc dù rất ngắn ngủi nhưng ông là tấm gương sáng cho chúng ta là cộng đồng người Mỹ gốc Việt .
Dưới lý tưởng của I Have A Dream Tôi Có Một Giấc Mơ, Nguyễn Phúc Anh Lan đã đi theo giấc mơ đó để thực hiện những mơ ước của mình, điển hình như Trại Lên Đường dành cho sinh viên học sinh:
Sức mạnh của nước Mỹ này, nét đẹp của nước Mỹ này là do tính chất đa văn hóa của xã hội Mỹ ngày nay. Tất cả các nền văn hóa tất cả các ngôn ngữ đều đẹp và quan trọng như nhau. <br/> - GS. Đàm Trung Pháp <br/> <br/>
Thí dụ chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo thanh niên lên đường. Năm 1998, khi đề nghị đến ban chấp hành của Hội Văn Hóa Khoa Học thì lúc đó chỉ là một ý tưởng, một giấc mơ là mình muốn tạo cơ hội cho tất cả các bạn trẻ Việt Nam lớn lên ở xứ người làm sao dể có thể vừa thăng tiến được mà lại vừa giữ được bản sắc dân tộc Việt. Ý tưởng của Trại Lê Đường là chúng tôi mơ có sự qui tụ của hàng trăm bạn trẻ trên toàn quốc Hoa Kỳ cùng nhau đến với nhau để học tập kỹ năng lãnh đạo, đồng thời học hỏi về văn hóa lịch sử nước nhà để vẫn tự hào là những con dân nước Việt.
Và cảm ơn giấc mơ của Martin Luther King, cảm ơn niềm đam mê từ Tôi Có Một Giấc Mơ, cô Nguyễn Phúc Anh Lan kết luận, Hội Văn Hóa Việt Nam mà cô làm chủ tịch đã thực hiện được giấc mơ của chính mình.
Tháng Bảy vừa qua, Trại Lên Đường lần thứ 16 đã diễn ra giữa những người trẻ có chung chí hướng và đầu óc lãnh đạo. Nguyễn Phúc Anh Lan nói cô đã không quên nhắc nhở các trại viên rằng một khi đã nuôi được giấc mơ như Martin Luther King thì hãy cố theo ông mà kiên trì, đam mê và làm việc không ngưng nghỉ cho mục tiêu hành động của đời mình.