Đối phó với Trung Quốc bằng cách nào

Trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực, đã đến lúc phải nhìn vấn đề một cách cụ thể hơn, ngay cả tình huống chiến tranh sẽ được Trung Quốc tiến hành.

0:00 / 0:00

Đài Á châu Tự do đưa ra hai câu hỏi cho ba nhân sĩ trí thức hải ngoại nhằm tìm hiểu thêm nguyện vọng của một số lớn người Việt trước tình hình căng thẳng và rất nguy hiểm cho đất nước hiện nay.

Ba vị khách mời là Giáo sư Vũ Quốc Thúc hiện sống tại Pháp. Giáo sư đã giảng dạy tại Đại học Luật Khoa Sài Gòn và từng giữ chức Quốc Vụ Khanh từ năm 1968 cho tới 1972 dưới chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Khách mời thứ hai là TS Phùng Liên Đoàn chuyên viên về hạt nhân. Trước năm 1975 ông làm việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, sau năm 75 ông là Tổng giám đốc công ty tư vấn Professional Analysis có văn phòng tại Nevada và Tennessee chuyên tư vấn các vấn đề về nhà máy hạt nhân.

Người thứ ba là ông Ngô Nhân Dụng, trước năm 1975 ông là giáo sư văn chương ở các trường Chu Văn An, Nguyễn Du. Sau năm 1975 ông giảng dạy tại các trường Võ Bị Hoàng Gia St. Jean, đại học Concordia, đại học McGill và đại học Québec tại Montréal (UQAM) về môn Tài chánh xí nghiệp. Hiện nay ông là cây bỉnh bút của Nhật báo Người Việt Tại California.

Việt Nam cần làm gì?

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, theo ông thì Việt Nam cần tập trung vào điều gì nhất trong chiến lược lâu dài nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Theo tôi thì Việt Nam chúng ta phải tìm cách thay đổi thể chế của mình đã. Trước hết mình phải làm thế nào cho mỗi người Việt Nam trong hay ngoài nứơc đều hãnh diện mình là người Việt Nam. Chuyện làm tôi bận tâm nhất là một phần lớn người Việt ở hải ngoại không muốn về nước nữa. Trong khi đó lại có xu hướng người trong nước, nhất là người trẻ lại muốn được ra hải ngoại để sung sướng hơn. Chuyện Biển Đông một khi chúng ta thống nhất, đoàn kết, một lòng một dạ thì ta không sợ ai cả. Một khi nhất trí thì mình sẽ bảo vệ đất nước một cách dễ dàng còn nếu chia rẽ trong nội bộ thì ngoại quốc sẽ lợi dụng tình trạng đó để xâm chiếm lãnh thổ của mình. Phải thống nhất nhân tâm. Khi toàn dân đồng lòng và lúc đó các đường lối được áp dụng chỉ chú trọng tới quyền lợi tối thượng của dân tộc chứ không riêng cho ai cả.

Mặc Lâm: Cũng câu hỏi này xin được dành cho nhà báo Ngô Nhân Dụng.

Phải biến vấn đề này thành vấn đề quốc tế chứ mình không thể cứng được bởi vì Việt Nam chỉ thiệt mà thôi bởi vì không có lợi gì trong cuộc đọ sức không cân xứng này.<br/>TS Phùng Liên Đoàn<br/> <br/>

Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Đối với vần đề Biển Đông tôi nghĩ chính quyền Việt Nam ngay bây giờ nên tìm cách quốc tế hóa vấn đề này. Đưa vấn đề này ra trước nhất tại Đông Nam Á và thứ hai là đưa ra trên các diễn đàn và các tòa án quốc tế để yêu cầu Trung Quốc phải giảm bớt những hành động có tính cách xâm lược, đè nén đối với người dân Việt Nam chứ không phải đối với chính quyền Việt Nam.

Đây là một việc cần làm ngay nhưng muốn cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông hữu hiệu và lâu dài thì chuyện đầu tiên là Việt nam phải mạnh lên. Muốn mạnh lên thì Việt Nam cần phải đạt tới tỷ lệ tăng trưởng mỗi năm 9-10%. Việc phát triển kinh tế đó không phải là việc một chính quyền có thể một mình đứng ra làm đựơc mà cần phải có sự tham gia của toàn dân. Mà muốn toàn dân tham gia thì cần phải cải tổ không những cơ cấu kinh tế hiện nay quá chú trọng đến quốc doanh mà cần phải cải tổ cả chính trị để cho dân chúng có được tiếng nói về việc điều khiển công việc quốc gia thì lúc bấy giờ dân mới có thể giàu, nước mới có thể mạnh được.

Mặc Lâm: Và xin TS Phùng Liên Đoàn cho ý kíến.

TS Phùng Liên Đoàn: Theo tôi nghĩ mình là nước nhỏ, yếu mà lại gần Trung Quốc nhất nên họ sẽ đối xử với mình bằng nhiều chuyện như đã rồi. Giống như những trận đánh tại biên giới hay Hoàng Sa, Trường Sa thành ra mình phải hết sức mềm mỏng và phải tìm rất nhiều người bạn quốc tế. Phải biến vấn đề này thành vấn đề quốc tế chứ mình không thể cứng được bởi vì Việt Nam chỉ thiệt mà thôi bởi vì không có lợi gì trong cuộc đọ sức không cân xứng này.

Nếu chiến tranh xảy ra...

Lính hải quân Việt Nam với mô hình đảo Trường Sa Lớn tại Hải Phòng hôm 21/10/2012. AFP photo
Lính hải quân Việt Nam với mô hình đảo Trường Sa Lớn tại Hải Phòng hôm 21/10/2012. AFP photo (Lính hải quân Việt Nam với mô hình đảo Trường Sa Lớn tại Hải Phòng hôm 21/10/2012. AFP photo)

Mặc Lâm: Bằng kinh nghiệm của mình thì theo quý vị, người Việt hải ngoại có sẵn lòng để đóng góp tiền bạc, trí tuệ thậm chí xương máu khi có chiến tranh xảy ra với Trung Quốc hay không?

TS Phùng Liên Đoàn: Cả hai ba triệu người Việt ở hải ngoại, bất kể làm việc bằng đầu óc hay chân tay họ luôn luôn có những bầu máu nóng yêu nước nhưng đóng góp bằng cách nào thì đó là một vấn đề khác. Vì đóng góp kể cả xương máu thì phải về Việt Nam đầu quân nhưng sự thực vấn đề liên lạc giữa chính phủ Việt Nam và người hải ngoại rất rời rạc không có một điều gì để thúc đẩy cho người Việt hải ngoại về Việt Nam thực hiện điều đó. Hai nữa đóng góp ở ngoại quốc thì bằng tiền bạc hay vận động những cơ quan bạn bè hay chính phủ của nước sở tại thì tôi nghĩ người Việt có thề làm được nhưng phải có tổ chức. Tổ chức ra sao, đóng góp cách nào thì cần phải có sự liên lạc rất là thân thiện giữa chính phủ và kiều bào.

Nhưng hiện giờ chính phủ Việt Nam không màng gì tới ý nghĩ và sự đóng góp của người Việt trong nước. Một số nhỏ làm việc trong tư cách lãnh đạo nhưng quyết định tất cả các công việc hệ trọng của đất nước thành ra làm nản lòng những người muốn đóng góp trí tuệ cũng như sức lực, tiền bạc, xương máu cho đất nước.

Mặc Lâm: Xin được quay lại với giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc:Đó là bổn phận chứ không phải chuyện sẵn lòng hay không sẵn lòng một khi đã coi mình là dân Việt Nam. Nếu có xảy ra chiến tranh với Trung Quốc thì bằng mọi cách phải chống lại kẻ ngoại xâm. Nhưng điều trước tiên là ở trong nước phải làm thế nào để đoàn kết toàn dân. Hơn tám chục triệu người trong nứơc sẽ bị trước tiên nếu Trung Quốc xâm lăng. Rồi những người ở hải ngoại cũng sẽ về đóng góp lúc đó sẽ có những người cho rằng tôi không phải là dân Việt Nam nữa thì những người đó phải có sự chọn lựa. Trái lại nếu bảo rằng Việt Nam không thay đổi nên tôi chẳng về, thế thì mình đã quên tư cách người Việt Nam của mình thì hà tất phải bàn về thái độ đó nữa vì người ta đã chọn lựa rồi.

Đó là bổn phận chứ không phải chuyện sẵn lòng hay không sẵn lòng một khi đã coi mình là dân Việt Nam. Nếu có xảy ra chiến tranh với Trung Quốc thì bằng mọi cách phải chống lại kẻ ngoại xâm. <br/>Giáo Sư Vũ Quốc Thúc

Mặc Lâm: Và nhà báo Ngô Nhân Dụng, ông nghĩ thế nào?

Nhà báo Ngô Nhân Dụng: Bất cứ ai là người Việt Nam, phần lớn người Việt ở nước ngoài đểu có tấm lòng thiết tha đối với tổ quốc vì vậy họ lúc nào cũng sẵn sàng đóng góp. Họăc là hiểu biết, họăc là tiền bạc, sức lực vào việc bảo vệ chủ quyền của nứơc Việt Nam. Nhưng tất nhiên người ta cũng phải dè dặt và chỉ góp công vào nếu người ta thấy việc góp công đó đưa tới sự phồn thịnh thật sự cho đất nứơc. Đưa tới được một nước Việt nam trong đó người dân được tự do phát triển.

Điều kiện để cho tất cả mọi người Việt Nam hải ngoại tham gia vào việc bảo vệ tổ quốc là phải có một nước Việt Nam thật sự tự do và độc lập.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ba vị khách mời, cám ơn quý thính giả đã bỏ công theo dõi chương trình lấy ý kiến này.

Theo dòng thời sự: