Người Việt ở Campuchia nói gì về cuộc biểu tình chống Việt Nam?

0:00 / 0:00

Cũng giống lần trước, người biểu tình bao gồm người Campuchia, nhà sư và cộng đồng Khmer Krom đã tuần hành và tập trung trước Đại Sứ Quán Việt Nam (ĐSQVN) nằm trên đường Quốc lộ Preah Monivong, thuộc quận Chamkar Mon đòi quan chức sứ quán, Tham tán đối ngoại, người phát ngôn Trần Văn Thông, phải xin lỗi vì phát biểu rằng vùng đất miền Nam, từ lâu đã thuộc về Việt Nam.

Người Việt không quan tâm

Những nhóm biểu tình này, ĐSQVN cho rằng chỉ là một nhóm nhỏ, có tư tưởng cực đoan do đảng phái và một số tổ chức ở Campuchia kích động sử dụng để chống quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

Phóng viên chúng tôi đã hỏi chuyện nhiều người Việt đang sống và buôn bán gần ĐSQVN cùng nhiều nơi khác ở Campuchia, phần lớn người Việt không quan tâm đến cuộc biểu tình này. Cộng đồng người Việt cho rằng nhóm người biểu tình không biết rõ về lịch sử, bị tuyên truyền, lôi kéo và lợi dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Trãi, Chủ cửa hàng chuyên lắp ráp máy cưa máy bào trên đường Preah Monivong, cách ĐSQVN khoảng 150 mét cho biết:

"Chúng tôi làm ăn bình thường. Người biểu tình phản đối ở đằng kia, tôi ở đằng này không sao cả. Chúng tôi ở đây lâu, có giấy tờ hợp pháp hết rồi. Theo tôi thấy khoảng 20 ngày trước đã có cuộc biểu tình rồi, toàn là dân Campuchia dưới (Khmer Krom). Còn hôm nay dân Camppuchia cũng lên. Họ hợp tác nhau, mà không biết họ đòi gì… Theo tôi nghĩ họ biểu tình do một thành phần nào kích động gây rối, nhưng họ làm gì thì làm, chúng tôi cứ làm ăn kiếm tiền. Tôi không để ý vụ đó tại vì mình thấy cũng bình thường quá đi. Còn dân Việt Nam ở đây cũng bình thường thôi.”

Theo tôi nghĩ họ biểu tình do một thành phần nào kích động gây rối...Tôi không để ý vụ đó tại vì mình thấy cũng bình thường quá đi. Còn dân Việt Nam ở đây cũng bình thường thôi.<br/> - Ông Nguyễn Ngọc Trãi

Còn ông Trần Văn Phúc, người Campuchia gốc Việt làm việc gần ĐSQVN nói hầu hết người Việt ở khu vực này vẫn đi làm bình thường tuy nhiên phải tránh né các khu vực người biểu tình tụ tập. Ông nói:

“Tôi sống ở đây lâu năm nhiều lúc thấy trở ngại khó khăn, lúc cũng bình thường dù có biểu tình ở Campuchia. Cuộc sống của người Việt ở đây cứ làm ăn bình thường, ngày nào đến ngày đó. Nếu khó khăn quá thì mình cũng sợ mà mình không dám tới gần chỗ biểu tình. Có tổ chức mới biểu tình vậy nhưng khi giải tán rồi thì mình và họ vẫn bình thường.

Nói chung người Việt ở trong nước và ngoài nước đều có âu lo vì sợ người biểu tình quậy phá. Còn mình tới gần thì sợ có thành phần xấu gây sự. Cuộc sống ở đây mình ở từ xưa tới giờ, lúc khó lúc dễ nên mình cũng quen. Nhưng tôi muốn chính phủ sắp xếp người Việt Nam làm ăn trên này cho ổn định, đừng phân cuộc sống người này người kia…”

Cuộc biểu tình trước ĐSQVN lần này, kéo dài ba ngày, từ ngày 11 đến ngày 13/8, ĐSQVN dường như không quan tâm đến các cuộc biểu tình của nhóm người này, do yêu sách của người biểu tình là không có căn cứ. Trong khi, người biểu tình lúc đòi Việt Nam công nhận vùng đất miền Nam của Việt Nam (Kampuchia Krom) trước đó của Campuchia, lúc đòi xin lỗi vì phát biểu rằng khu vực này thuộc về Việt Nam trong một khoảng thời rất dài trước khi Pháp tiếp quản.

Hôm 11/8, người biểu tình lại đòi Chính phủ Campuchia tạm thời cắt quan hệ với Việt Nam; thúc giục người dân bản xứ tẩy chay hàng Việt Nam, đòi Việt Nam tôn trọng quyền của người Khmer Krom và thả các tù nhân lương tâm, chính trị; đặc biệt nhóm người biểu tình còn gửi thông điệp đe dọa về an toàn cá nhân của người Việt sống ở Campuchia. Thậm chí, người biểu tình này còn có thông điệp kích động bài Việt nếu người phát ngôn sứ quán Trần Văn Thông không xin lỗi công khai…v.v.

Tuy làn sóng biểu tình dấy lên cao, họ đốt cờ Việt Nam vào chiều ngày 12/8 nhưng hầu như người Việt đang buôn bán giày dép trước ĐSQVN tỏ ra rất bình thản. Họ không quan tâm đến những gì đang xảy ra trước ĐSQVN.

Trần Trường Giang, một chủ cửa hàng bán giày dép nói: "Em thấy không sao đâu vì em ở đây từ nhỏ tới lớn. Người biểu tình kéo đông thì em nghỉ bán. Sợ người biểu tình đánh lộn với cảnh sát. Không sợ họ vì mình quen rồi, mình sinh ở đây. Mình cũng không biết người biểu tình phản đối vụ gì mà chỉ nghe Kampuchia Krom."

Chị Lan, một chủ cửa hàng khác: "Khi người ta tụ tập biểu tình vậy thì vắng hơn chút, kẹt xe. Tôi không sợ. Người biểu tình kéo lần này là ba bốn lần rồi. Khiếu nại xong là giải tán…"

Chúng tôi hỏi chuyện người Việt Nam từ nhiều tỉnh khác nhau ở Campuchia nhưng hầu hết họ không quan tâm và không biết chuyện này.

Còn những người Việt sống ở cầu Chba Ampeou (cầu Sài Gòn) cách ĐSQVN khoảng 4 cây số nói:

"Bà con mình ở đây cũng bình thường. Nhà ai nấy ở. Biết họ biểu tình ở đó thì mình đi xa chỗ khác để quân đội làm gì làm. Không có ai bị đe dọa gì đâu. Khi họ làm vậy thì mình phải lách xe. Thứ hai, đi cũng hồi hộp vì họ đang không thích mình. Họ đề án đến mình thì mình phải đề phòng, nó không như trước nữa.”

Mặc dù, một số người Việt sống ở Campuchia quan ngại khi các cuộc biểu tình càng lan rộng, người dân bản xứ phẫn nộ, làm họ bị phân biệt đối xử và quan ngại về an toàn nhưng ông Trần Văn Thông, Tham tán đối ngoại, người phát ngôn của ĐSQVN từng xác nhận với RFA rằng Nam Bộ là lãnh thổ không thể tách rời của Viêt Nam, các cuộc biểu tình đòi ông xin lỗi là trái pháp luật.

Bà con mình ở đây cũng bình thường. Nhà ai nấy ở. Biết họ biểu tình ở đó thì mình đi xa chỗ khác để quân đội làm gì làm. Không có ai bị đe dọa gì đâu.<br/> - Một người Việt ở Campuchia

Người phát ngôn ĐSQVN tại Campuchia coi các hoạt động tổ chức biểu tình đó là hành vi tấn công là hành động can thiệp vào chủ quyền và công việc nội bộ của Việt Nam. Cuộc biểu tình nói trên hoàn toàn trái với pháp luật của nước sở tại.

Đối với cuộc biểu tình trên, chính phủ Campuchia chỉ có phép tụ tập không quá 200 người tại Công viên Tự do ở giữa thủ đô Phnom Penh vào ngày 11/8. Chính phủ không cho phép tuần hành và tụ tập trước ĐSQVN.

Phó Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng nói với RFA ngày 12/8 rằng các nhà lãnh đạo tổ chức biểu tình không tôn trọng tinh thần thỏa thuận và vi phạm luật biểu tình. Chính phủ sẽ có biện pháp trừng phạt cứng rắn những người không tôn trọng pháp luật.

Ông Khuon Sreng:

"Người biểu tình quá khích đã làm quá giới hạn. Chúng tôi đang xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ để xử lý những người cầu đầu đoàn biểu tình và có biện pháp xử lý cụ thể đối với người tham gia biểu tình.”

Cuộc biểu tình phản đối Việt Nam đã qua ngày thứ hai nhưng lực lượng Campuchia đã chưa giải tán mặc dù trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Campuchia có biện pháp ngăn chặn.

Trong khi đó nhiều người trong cộng đồng người Việt tỏ ra tin tưởng họ có thể hòa nhập xã hội Campuchia khi chính trị xứ Chùa Tháp ổn định trở lại.