Phe đối lập Campuchia đang tạo sóng thần chính trị với hàng trăm ngàn người ủng hộ Đảng Cứu quốc Campuchia tiếp tục đổ về Phnom Penh biểu tình phản đối chính phủ. Với biểu ngữ trong tay đòi Thủ tướng từ chức, tổ chức bầu cử lại và trục đuổi người Việt về nước.
Hơn một tuần từ khi cuộc biểu tình nổ ra (15/12), Campuchia đang chứng kiến cơn biến động chính trị lớn khi hàng trăm ngàn người ủng hộ phe đối lập biểu tình từ yêu sách yêu cầu Thủ tướng từ chức, hay tổ chức bầu cử lại. Nay dấy lên làng sóng phản đối việc chính phủ cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các công ty từ Việt Nam phá rừng trồng cao su và đòi bãi Việt tại xứ chùa Tháp.
Mỗi sáng sớm, những dòng người biểu tình bắt đầu đến khu vực Quảng trường Tự do. Tới chiều, họ tràn ra hàng loạt các tuyến đường ở thủ đô Phnom Penh, diễu hành khắp nơi, mang theo biểu ngữ, khẩu hiệu, loa công suất lớn và hô vang những yêu cầu Thủ tướng Hun Sen từ chức, tổ chức bầu cử mới và đòi trục xuất người Việt đang sống bất hợp ở đây.
Các tuyến đường nơi có đoàn biểu tình đi qua, cứ thu hút một lượng lớn người đứng xem, gây ách tắc nghiêm trọng trên hầu hết các tuyến đường của thủ đô. Còn hoạt động buôn bán và sinh hoạt của người dân bản xứ lẫn người Việt cũng bị gián đoạn, mặc khác ngại người biểu tình tràn vào, gây mất an ninh.
Vấn đề của Campuchia để Nhà nước lo. Chúng tôi là dân chỉ biết đi buôn bán mưu sinh. Người Việt ở đây sống bình thường, tôi không nghĩ có ảnh hưởng đến người Việt. Chuyện của nhà nước Campuchia mình không biết được. <br/> - Ông Đỗ Ngọc, Quận Chamkarmorn<br/> <br/>
Chúng tôi được tiếp xúc với nhiều gia đình người Việt sống và buôn bán trên các tuyến đường phe đối lập diễu hành đi qua ở Quận Chamkarmorn, thủ đô Phnom Penh, một số gia đình cũng tỏ ra lo ngại nhưng phần đông không quan tâm đến cuộc biểu tình của đảng đối lập.
“Người ta đi, đi bình thường. Không gì đâu. Nếu mình thấy khó khăn thì mình về Việt Nam sống. Mình không có liên quan gì. Đất nước của người ta, người ta làm gì thì làm đi. Mình cứ tạm trú và mua bán bình thường.
Ban đầu thì sợ, bây gì không sợ đâu. Tôi khích lệ bà con nên ở lại, không có chuyện gì xảy ra. Chính trị cứ để nhà nước lo. Người dân mình sinh sống và làm ăn đàng hoàng thì không có gì phải đáng ngại hết.”
Bà Nguyễn Thị Đông, người dân Sài Gòn vào sống ở Phnom Penh nhiều năm chia sẻ, "Mình mua bán bình thường, ông nào thắng cũng bình thường. Mình là công dân, cứ lo buôn bán để sống chứ đâu có làm gì lớn lao đâu. Mình ở đây không ai làm khó dễ, buôn bán ở đây họ quen biết hết rồi. Chỉ buôn bán rồi dọn vào nhà không làm gì bất hợp pháp nên không sợ. Còn vấn đề khác mình không có biết được. Nghe đoàn biểu tình hô vang đuổi người Việt…về sau mình không biết. Chỉ nghe biểu tình vậy thôi."
Cuộc biểu tình này do ông Sam Rainsy và Kem Sokha khởi xướng. Hai lãnh đạo tuyên bố các cơn sóng thần chính trị đã và đang nổ ra để buộc ông Hun Sen phải từ chức và tiến hành bầu cử lại.
Còn trên các chiếc xe mang theo loa phóng thanh công suất lớn đều có các nhân vật chủ chốt quan trọng để cầm trịch cuộc diễu hành. Họ tuyên bố chính phủ của ông Hun Sen tiếp tay cho cộng đồng người Việt xâm nhập bất hợp pháp.
Ông Đỗ Ngọc, người Việt sống ở Quận Chamkarmorn, nơi có đoàn biểu tình đi qua nói với chúng tôi rằng người Việt ở đây không quan tâm đến đoàn biểu tình của phe đối lập. Nội bộ của Campuchia sẽ được giải quyết giữa hai đảng trúng cử, tuy nhiên đảng đối lập sẽ gây nhiều sức ép lên Thủ tướng khi họ lấy vấn đề người Việt làm chuyện lớn. Ông nói:
"Vấn đề của Campuchia để Nhà nước lo. Chúng tôi là dân chỉ biết đi buôn bán mưu sinh. Người Việt ở đây sống bình thường, tôi không nghĩ có ảnh hưởng đến người Việt. Chuyện của nhà nước Campuchia mình không biết được. Người Việt mình có gì sẽ về dưới [Việt Nam]chớ đâu cho đến nỗi áp đảo Việt Nam, giết Việt Nam được đâu.”
Trong khi đó, Phó Chủ tịch đảng đối lập Cứu quốc là ông Kem Sokha phát biểu với RFA rằng nguyên nhân yêu cầu Thủ tướng từ chức vì dân không còn ủng hộ, do chính phủ của ông Hun Sen cưỡng chế đất đai, nhà cửa của dân; tham nhũng tràn lan; giết dân biểu tình ôn hòa; cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho các công ty Việt Nam. Còn yêu sách yêu cầu bầu cử mới vì có nhiều gian lận trong bầu cử vừa qua.
Ông Kem Sokha nói:"Những lỗi lớn nhất của ông Hun Sen là chế độ của ông không áp dụng luật xuất nhập cảnh đối với người Việt hoặc truy quét người Việt nhập cư bất hợp pháp. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng khi số lượng người Việt quá lớn xâm nhập vào Campuchia. Chính phủ không chỉ không có hành động mà còn cấp đất cho họ sinh sống và trồng cao su. Phe đối lập sẽ xử lý triệt để trường hợp người Việt nhập cư bất hợp pháp và hành động lấn cột mốc của chính phủ Việt Nam."
Nhưng trước đó, phát biểu với các phóng viên ngày 20/12, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ không từ chức hay tổ chức bầu cử lại.
Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng ông trở thành thủ tướng theo đúng Hiến pháp Campuchia. Nếu từ chức, cũng sẽ thông qua Hiến pháp. Ông nêu rõ theo Điều 78 trong Hiến pháp, Quốc hội sẽ không thể giải tán trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, trừ trường hợp chính phủ bị bãi nhiệm 2 lần trong vòng 12 tháng.
Ông Hun Sen nói:"Nếu đoàn biểu tình phong tỏa các tuyến đường thì không chỉ làm ảnh hưởng đến chính phủ mà còn ảnh hưởng đến tất cả người dân. Đó là hành động phi luật pháp. Đối với hành động này, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh và trật tự."
Ở đây, người Khmer thì không phân biệt người Việt mà chỉ có phe đối lập. <br/>Tôi tin chắc rằng phe đối lập sẽ không thể áp đảo, gây khó đối với người Việt tại Campuchia. "<br/> - Ông Trần Hữu Sang, Quận Chamkarmorrn
Song song đó, Phó chi Hội người Campuchia gốc Việt tại Quận Chamkarmorrn là ông Trần Hữu Sang cho rằng cộng đồng người Việt tại Campuchia không cần quan tâm đến nội bộ của xứ chùa Tháp.
Ông nói: "Tôi khích lệ bà con đừng nên bỏ chạy bất cứ trường hợp nào. Vấn đề nội bộ của cấp cao thì để cấp cao tính. Còn mình ở cấp nhỏ thì không nên nghĩ đến việc đó [biểu tình phản đối Thủ tướng và bãi Việt] ảnh hưởng đến tư tưởng. Người Việt cứ nên cứ làm ăn bình thường, không quan tâm đến họ.
Ở đây, người Khmer thì không phân biệt người Việt mà chỉ có phe đối lập. Mà đối lập thì có chính quyền ngăn cản từ lúc đầu. Mình cũng là công dân sinh sống như nhau thôi, đừng phân biệt chủng tộc. Tôi tin chắc rằng phe đối lập sẽ không thể áp đảo, gây khó đối với người Việt tại Campuchia. ”
Kể từ ngày 15/12, đảng đối lập đã phát động một đợt biểu tình hàng ngày với việc hàng chục nghìn người tham gia diễu hành trên các đường phố kéo dài 3 tháng; thậm chí hàng trăm ngàn người tham gia vào ngày Chủ Nhật. Vào tháng Giêng tới, nếu chính phủ không đáp ứng yêu sách, họ sẽ lên kế hoạch phong tỏa các đường cao tốc và chiếm tòa nhà chính phủ nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng từ chức, hoặc tổ chức bầu cử lại.