Vấn đề người Việt nhập cư sang sống ở Campuchia bất hợp pháp lâu nay là đề tài nhạy cảm đối với chính phủ Phnom Penh. Cứ tới mùa bầu cử, ở xứ này lại dấy lên làn sóng phản đối sự có mặt của người Việt tại đây. Chính phủ Campuchia có phản ứng ra sao?
Kỳ thị người Việt Nam
Những đề tài chủ quyền đảo Phú Quốc, vùng đất Kampuchia Krom (các tỉnh Nam bộ của Việt Nam) và người Việt sống bất hợp pháp ở Campuchia lại nóng lên mỗi dịp bầu cử tại Campuchia.
Trong nhiều ngày qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố sẽ không đòi lại chủ quyền đối với đảo Phú Quốc và vùng đất Kampuchia Krom vì quốc tế đã công nhận đường biên giới của Campuchia – Việt Nam.
Ngày 19/6, Thủ tướng Hun Sen lại phản bác những ý kiến cho rằng có đến 4,5 triệu người Việt đang sống hợp pháp và bất hợp pháp tại xứ này. Ông Hun Sen lên tiếng như vừa nói tại lễ khánh thành một trường học ở tỉnh Kandal.
Trước đó, các phe đối lập, Nhà giám sát Campuchia, cùng giới trí thức khẳng định đã có hàng triệu người Việt ngược sông Mekong bằng ghe xuồng lên Campuchia làm nghề đánh bắt cá, mua bán vỉa hè, trồng trọt, và làm gái mại dâm.
Việt Kiều ở Campuchia không tới 10 ngàn người mà phe đối lập lại nói có tới 4,5 triệu người. Họ nói làng nào cũng có người Việt. <br/> -TT Hun Sen
Một phần các công ty Việt Nam đã gia tăng đầu tư vào xứ này cũng kéo theo số lượng nhân lực trẻ người Việt sang Campuchia đang ngày một tăng.
Thậm chí, bộ phận người Việt sống bất hợp pháp lẫn hợp pháp đã sớm hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia. Do đó, phe đối lập và giới trí thức lo ngại về rủi ro của tương lai đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho rằng những vấn đề nêu lên có liên quan Việt Nam chỉ là các luận điệu của phe đối lập. Ngoài ra còn cảnh báo sẽ tước quyền chính trị của các lãnh đạo phe đối lập nếu trong chiến dịch tranh cử họ tiếp tục nói chính phủ để người Việt nhập cư tự do vào Campuchia.
Ông Hun Sen phát biểu:
“Việt Kiều ở Campuchia không tới 10 ngàn người mà phe đối lập lại nói có tới 4,5 triệu người. Họ nói làng nào cũng có người Việt. Cứ 10 người thì có 9 người là người Việt, nói tiếng Khmer không rõ. Các tài liệu chỉ trích, kỳ thị người Việt Nam, chính phủ sẽ chuyển cho các đại sứ quán và các tổ chức phi chính phủ.”
Năm ngoái, Bộ nội vụ Campuchia và Hội người Campuchia gốc Việt khẳng định có khoảng 300.000 người Việt sinh sống và làm ăn tại đây. Trong số này, phần lớn họ có giấy tờ hợp pháp nhưng cũng có rất nhiều người là những người nhập cư lậu, không thẻ căn cước, hay giấy tờ hợp pháp.
Con số vừa nói cũng không được đảng đối lập và nhà giám sát Campuchia đồng ý. Theo họ, thì người Việt nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp hàng triệu người và có 24 tỉnh thành có chi nhánh của Hội người Campuchia gốc Việt.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt nhận định:
“Đối với bà con người Việt đang sinh sống hợp pháp tại Campuchia, đa số họ có nơi sanh đẻ tại Campuchia lâu đời. Tính tới thời điểm này, bà con đó đều được chính quyền địa phương thừa nhận. Nếu mà nói không hợp pháp thì làm sao bà con sinh sống ở đây được.
Trong việc cấp giấy tờ, thì còn một số họ chưa được cấp quốc tịch. Nhưng vẫn có giấy xác nhận để bà con sống hợp pháp.”
Dân biểu Son Chhay, từ đảng chính trị đối lập Campuchia cho rằng đảng của ông không được đưa ra con số nói trên nhưng đảng đối lập được biết chính phủ của ông Hun Sen đang có chính sách ủng hộ, tạo điều kiện làm ăn cho người Việt sống tại đây.
Người Khmer có ác cảm với người Việt. Có lẽ họ tôn trọng người Trung Quốc hơn. Mình thấy rõ, thật sự bị phân biệt. <br/> -Anh Hồ Minh Phi
Ông Son Chhay:
“Chính phủ đang ủng hộ cho người Việt sang sống tại đây. Phe đối lập không có con số chính thức vì trong những Tổng điều tra dân số vừa qua, chính phủ không công bố. Những gì đảng đối lập từng khẳng định là đảm bảo thi hành luật xuất nhập cảnh. Không để người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp, đảm bảo chủ quyền.”
Khác biệt tôn giáo?
Lý do mà người Campuchia không thích người Việt là vì họ có khác biệt Văn hóa truyền thống. Về tôn tôn giáo, người Việt theo Phật giáo Đại thừa, còn người Campuchia theo Phật giáo Tiểu thừa. Dân bản xứ còn cho rằng người Việt đang giành công ăn việc làm của người địa phương.
Không ít người Việt sống tại Campuchia gặp phải những rắc rối như vừa nêu. Trang “Kết bạn người Việt Nam sống tại Campuchia” trên mạng xã hội (facebook) cho thấy đã có không ít người Việt than phiền người Campuchia không thích họ. Sự mong muốn của họ là sống hòa bình, không muốn bị kỳ thị.
Anh Hồ Minh Phi, một nhà thiết kế nữ trang là thành viên của trang “Kết bạn người Việt Nam sống tại Campuchia” chia sẻ với chúng tôi:
“Người Khmer có ác cảm với người Việt. Có lẽ họ tôn trọng người Trung Quốc hơn. Mình thấy rõ, thật sự bị phân biệt. Còn lúc trước họ nói người Việt qua để chiếm đất. Cả bây giờ họ vẫn nói vậy. Người Việt Nam lên Campuchia một cách tự do, đâu có cản được. Phi lên, đi làm, ở đây, định cư ở đây…mua đất họ ở. Cuối cùng toàn là người Việt Nam ở trên này không.”
Tiến sĩ Kem Ley, nhà phân tích chính trị độc lập Campuchia nói Campuchia sẽ không bao giờ có số liệu thống kê chính xác vì chính phủ và phe đối lập không cùng chung một quan điểm.
Để giải quyết sự bất đồng, Tiến sĩ Kem Ley nói:
“Chính phủ phải điều tra dân số một cách minh bạch nhưng không phải để đối phó với đảng đối lập. Chính phủ phải thực hiện nghiêm khắc luật xuất nhập cảnh. Chính phủ cũng có thể giúp giải quyết những người Việt bất đồng chính kiến lánh nạn sang Campuchia hoặc sang Campuchia xin quốc tịch để đi định cư ở nước thứ ba. ”
Mặc dù, nhiều người Việt phải gặp khó khăn nhưng cũng có nhiều người có giấy tờ hợp pháp, biết chữ Khmer làm việc trong cơ quan nhà nước. Thậm chí, có nhiều người làm kinh doanh, Chủ nhà hàng, công ty tại đây mà không hề có sự rắc rối nào.
Ông La Văn Hêng, người Campuchia gốc Việt là một viên chức của Campuchia phát biểu:
“Người Việt Nam lên đây cũng nhiều lắm đâu phải ít đâu. Mà đâu có bị gì đâu. Đâu có thấy khó khăn gì đâu, cũng bình thường. Campuchia này dễ, muốn mua bán gì cũng được. Hiện người Việt ở Campuchia này nhiều lắm.”
Có ý kiến cho rằng nếu Campuchia có sự thống nhất, không lợi dụng chính trị, đem vấn đề người Việt ra vận động trong chiến dịch tranh cử thì xứ này sẽ có số liệu thống kê chính xác về người Việt, và người Việt ở Campuchia cũng có thể hòa nhập tốt với người Khmer.