TT Hunsen kêu gọi các nước GMS quan tâm đến môi trường

Vấn đề phát triển và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) vẫn được coi là mối quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị lần 3 của các nước GMS diễn ra tại thủ đô Phnom Penh.

0:00 / 0:00

Kinh tế phát triển...

Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu các nước trong khu vực phải cạnh giác cao, xử lý rác thải, cải thiện sinh kế của dân nghèo ở nông thôn, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu là những vấn đề bức xúc hiện nay.

Tại Hội nghị lần 3 các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) nhằm thảo luận về khuôn khổ chiến lược chương trình môi trường cốt lõi và sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, giai đoạn II, 2012-2016, diễn ra tại thủ đô Phnom Penh sáng 28/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết môi trường vẫn là thách thức cần được quan tâm nhiều nhất. Trong quá trình phát triển kinh tế, cộng đồng, các nước liên quan trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng cần phải đảm bảo tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, an ninh lương thực và làm thế nào để cân bằng tăng trưởng toàn diện với việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo Thủ tướng Hun Sen, trong giai đoạn năm 2000 – 2009 nền kinh tế các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc tăng 9%, việc này cũng góp phần giúp tăng trưởng kinh tế Campuchia 10,6% trong giai đoạn năm 2003 – 2007. Ông Hun Sen còn cho rằng năng lượng là một tiềm năng cơ bản giúp phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống cộng đồng, tuy nhiên năng lượng cũng có thể gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực, biến đối khí hậu, đặc biệt đã gây tác động rất mạnh đến môi trường và đời sống người dân ở hạ lưu sông Mekong.

hunsen-200.jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) 28/7/2011. Photo by Quốc Việt/RFA (Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) 28/7/2011. Photo by Quốc Việt/RFA)

Ông Hun Sen yêu cầu các nước nước GMS thảo luận kỹ hơn và nêu ra biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo môi trường cũng như sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, đồng thời ông thúc đẩy các nước tiểu vùng sông Mekong quan tâm về vấn đề môi trường.

Chương trình môi trường cốt lõi và sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, giai đoạn I, năm 2005 – 2011 đã thực hiện chiến lược môi trường và hành lang khu vực kinh tế, bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, đánh giá hoạt động môi trường và quy hoạch phát triển bền vững, phát triển năng lực quản lý môi trường, chương trình quản lý và tài chính bền vững ở các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.

Qua việc thực hiện chương trình trong giai đoạn I, các nước đã thực hiện và phát triển năng lực cho một loạt các quy hoạch môi trường và xã hội, bảo vệ các phương pháp và các công cụ như đánh giá chiến lược môi trường hỗ trợ của năng lượng, du lịch, giảm sút biến đổi khí hậu trong khu vực. Cơ chế tài chính bền vững và cải thiện quản lý sử dụng nguồn nước cho các cộng đồng người dân nghèo ở nông thôn, cải thiện kết nối và hội nhập của phát triển kinh tế và quản lý môi trường trong hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.

...tác động đến môi trường

Tuy nhiên các chuyên gia bảo vệ môi trường vẫn tỏ ra mối quan tâm về tác động trực tiếp, gián tiếp từ các đập thủy điện xây dựng trong khu vực. Nhóm chuyên gia tham dự Hội nghị nói trên cho rằng đập thủy điện sẽ gây tác động rất mạnh đến môi trường, đặc biệt là việc sử dụng nguồn nước của các nước tiểu vùng sông Mekong chẳng hạn Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan.

gms-250.jpg
Đại diện các nước GMS trong Hội nghị hôm 28/7/2011. Photo by Quốc Việt/RFA (Đại diện các nước GMS trong Hội nghị hôm 28/7/2011. Photo by Quốc Việt/RFA)

Giám đốc Bảo tồn Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ông Stuart Chapman nói với RFA rằng vấn đề đập thủy điện xây dựng tại các nước tiểu vùng sông Mekong là một trong những vấn đề hoang mang đang gây bức xúc nhiều nhất đối với cộng đồng. Không chỉ riêng Campuchia, người dân Việt Nam, Lào và Thái Lan cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ những đập thủy điện. Các đập thủy điện sẽ làm giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến dòng nước chảy, và gây thảm họa về an ninh lương thực.

Ông Stuart Chapman thúc giục chính phủ các nước tiểu vùng sông Mekong hỗ trợ trong việc tìm kiếm một giải pháp về nguồn nước, năng lượng và kinh tế lâu dài để thay thế các đập thủy điện trên sông Mekong nơi mà có hàng triệu dân sống nhờ vào nguồn cá và nguồn nước để canh tác.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia ông Mok Mareth cho biết chương trình môi trường cốt lõi và sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học, giai đoạn II, 2012-2016 hướng tới các biện pháp quản lý môi trường và khí hậu. Trong giai đoạn này, chính phủ sửa đổi các quy định biện pháp bảo vệ cải thiện môi trường và xã hội trong khu vực GMS. Bên cạnh đó, chính phủ các nước quan tâm đến dòng nước chảy vì đây là nguồn nước quan trọng nhất nhằm đảm bảo môi trường và đời sống dân cư.

Được biết, đập Xayaburi của Lào là đập đầu tiên trong số 12 dự án ở hạ lưu sông Mekong đang gây tranh cãi nhiều nhất trong khu vực. Trên thượng nguồn, Trung Quốc cũng đang thực hiện 14 đập thủy điện của họ. Các đập thủy điện vừa nêu đang bị coi là nguyên nhân gây tác động trực tiếp đến môi trường, biến đổi khí hậu và đời sống người dân sống tại khu vực sông Mekong.