Thương binh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục xuống đường

Sau khi tập thể thương binh Xí nghiệp 27/7 và dân oan Hà Tĩnh xuống đường biểu tình đòi hỏi quyền lợi đất đai tại Hà Nội hôm 01/11, Thanh tra chính phủ đã mời các thương binh này đến để đối thoại.

0:00 / 0:00

Những lời hứa suông

Ngay sau khi diễn ra buổi đối thoại vào chiều ngày 6/11, ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Xí nghiệp thương binh 27/7 Thạch Hà, Hà Tĩnh, tỏ ra rất bức xúc nói với Đài Á Châu Tự Do:

Bây giờ bị nó lừa rồi. Nó lừa thương binh bọn anh đó mà. Nó chỉ bẫy bọn anh ra nhưng nó không chịu gặp và nó trốn ra luôn. Trưa hôm nay bọn anh làm việc với Thanh tra chính phủ và nó chỉ lập một văn bản để báo cáo Thủ tướng chính phủ thôi chứ chả được cái gì cả.

Một ngày trước đó, ông Nguyễn Đình Ân cho biết tập thể thương binh Hà Tĩnh đã nhận được cuộc gọi của Cục 1 Cục thanh tra chính phủ cho biết sẽ tiếp các thương binh vào lúc 2 giờ chiều 6/11.

Cục 1 Cục thanh tra chính phủ đã điện cho bọn tôi là chiều mai (6/11) bắt buộc Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải ra chỗ tiếp dân ở Cục 1 của thanh tra chính phủ và cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để gặp và đối thoại với anh em thương binh.

Lời hứa của chính quyền đã khiến cho tập thể thương binh rất phấn chấn. Họ lên đường đi Hà Nội ngay trong đêm 5/11. Tuy nhiên buổi làm việc chóng vánh trong khoảng nửa giờ đồng hồ với đại diện thanh tra chính phủ mà không có sự xuất hiện của Chủ tịch tỉnh như thông báo đã khiến cho các thương binh một lần nữa rất thất vọng.

Hôm kia thì nó cứng cỏi, không cho công an bắt (thương binh) mà nó đòi đánh cả công an. Hôm nay Quốc hội làm việc thì nó lại làm rất bậy. Nó (đã) hứa là điện cho Chủ tịch tỉnh ra để làm việc nhưng mà (hôm nay) ngược lại nó bảo là quyền hạn của thanh tra là chỉ báo cho Chủ tịch tỉnh nhưng bây giờ nó không ra là coi như thanh tra hết quyền.

Sự việc khiếu kiện liên quan đến vấn đề thu hồi đất của Xí nghiệp thương binh 27/7 Thạch Hà bắt đầu kể từ năm 2009, trong đó các thương binh đòi hỏi quyền sử dụng 1000 m2 đất đã được UBND huyện giao cho xí nghiệp vào thập niên 90. Ông Nguyễn Đình Ân kể:

Sự việc báo cáo cô là thế này, năm 1992, tỉnh Hà Tĩnh cấp cho 12 ha đất nuôi trồng thủy hải sản và 1000m2 đất đồng chí Lê Văn Chất cấp cho để trả xương máu cho xí nghiệp chúng tôi để xây dựng trụ sở cho thương binh kinh doanh sản xuất, một hồ nuôi tôm ở Nam Cầu Cày với 2,5 ha. Sau khi có quyết định, giấy tờ đầy đủ cả rồi thì Mỏ sắt Thạch Khê (công ty cổ phần sắt Thạch Khê) đã hình thành và khai thác, nó cho chủ thầu hiên ngang đến san lấp.

Bây giờ bị nó lừa rồi. Nó lừa thương binh bọn anh đó mà. Nó chỉ bẫy bọn anh ra nhưng nó không chịu gặp và nó trốn ra luôn. <br/>Ông Nguyễn Đình Ân<br/> <br/>

Theo báo cáo của Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh gửi cho HĐND tỉnh vào ngày 18/7 vừa qua thì mặc dù xí nghiệp 27/7 đã được thành lập theo quyết định 168/QĐ-UB nhưng vào thời điểm phát sinh đơn kiện (năm 2009), mô hình xí nghiệp đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật do xí nghiệp không thực hiện việc kê khai, đăng ký để chuyển đổi hình thức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 388-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành vào năm 1991. Sau quá trình kiểm tra và kết luận của thanh tra chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo việc khiếu kiện đòi quyền sử dụng đất của xí nghiệp 27/7 là không có cơ sở và tuyên bố giải thể xí nghiệp trong buổi họp báo vào ngày 16/8.

Theo ông Nguyễn Đình Ân và tập thể thương binh, trên thực tế chính quyền địa phương đã giao khu đất 1000 m2 cho Xí nghiệp 27/7 vào tháng 1/1992, thế nhưng chưa đầy 4 tháng sau lại tiếp tục giao cho Xí nghiệp thi công cơ giới nông nghiệp Hà Tĩnh, cho thấy sự thiếu minh bạch trong việc giao quyền sử dụng đất. Ngoài ra, việc thu hồi các diện tích nuôi trồng khác của xí nghiệp và quá trình điều tra cũng cho thấy có dấu hiệu tham nhũng trong việc giải quyết khiếu nại. Ông nói:

Nó lấy tiền đền bù, tất nhiên tiền đền bù đấy là tiền của xí nghiệp thương binh mà, nó ném ở ngoài trung ương đấy. Bây giờ chúng tôi cảm thấy ức chế quá. Tôi họp anh em lại và bảo là “Thôi bây giờ là mình phải chấp nhận làm các băng rôn, bây giờ Quốc hội họp thì mình cho toàn bộ thương binh ra”. Báo cáo cô là bây giờ đi ra lần này là lần thứ ba rồi.

Nhiều lần khiếu kiện

Thương binh Hà Tĩnh khiếu kiện. Courtesy of tintuchangngay.org
Thương binh Hà Tĩnh khiếu kiện. Courtesy of tintuchangngay.org (Thương binh Hà Tĩnh khiếu kiện. Courtesy of tintuchangngay.org)

Trước đó do quá bức xúc, tập thể thương binh đã kéo nhau ra Hà Nội, đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng, văn phòng chính phủ và quốc hội để đòi hỏi quyền lợi nhiều lần. Các vụ tập trung khiếu kiện gần đây nhất là vào ngày 10/10 và 1/11 đều có trên 40 thương binh tham gia. Trước đó vào ngày 25/9, tập thể thương binh xí nghiệp 27/7 cùng với 15 hộ dân bị cưỡng chế đất để làm quốc lộ mà không được đền bù đã phản ứng dữ dội với lực lượng công an cưỡng chế. Một số người đã bị thương sau trận “xáp lá cà” trên.

Trước những phản ứng của tập thể thương binh và dân oan Hà Tĩnh, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vừa có thông báo về một số biện pháp xử lý đối với việc khiếu kiện được mô tả là “đeo bám”, “kéo dài” như sau: kiên quyết không tiếp nhận, xử lý đối với các trường hợp này; thông báo đầy đủ thông tin việc giải quyết cho các cơ quan trong tỉnh và thống nhất việc trả lời công dân (khi có ý kiến); chủ động làm việc báo cáo với cơ quan liên quan ở trung ương để phối hợp xử lý nếu công dân trực tiếp đeo bám khiếu kiện ở trung ương; nắm bắt và xử lý nghiêm minh đối với đối tượng có hành vi lôi kéo, móc nối, xúi giục khiếu kiện.

Trở lại với vụ việc của xí nghiệp thương binh 27/7, ông Nguyễn Đình Ân cho biết gần 70 thương binh đã ký vào văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ trong buổi làm việc với thanh tra chính phủ hôm 6/11. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của buổi làm việc “đối thoại” theo kiểu trên, nhóm thương binh cho biết họ sẽ vẫn phải tiếp tục xuống đường để đòi hỏi quyền lợi của mình cho đến khi nào có câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.

Theo dòng thời sự: