Đời sống khó khăn của đồng bào Nam Đông, Thừa Thiên

0:00 / 0:00

Nam Đông là một huyện ở phía Tây Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, đây cũng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc Cơ-tu sinh sống, có thể nói, đời sống của người dân Nam Đông hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi sau nhiều năm cố gắng và chật vật làm nương rẫy, làm lúa. Mức chi tiêu của nhiều gia đình bà con Cơ-tu ở Nam Đông vẫn còn ở mức mà người nghe không tài nào tin được họ có thể tồn tại với đời sống như thế.

Bữa ăn thấp hơn bữa ăn của lợn

Bữa ăn của người có giá thấp hơn bữa ăn của lợn Bà Nguyễn Thị Bằng, người dân tộc Cơ-tu, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông kể cho chúng tôi nghe rằng hiện tại, bà không có gì để sống ngoài việc đi hái rau rừng mang xuống chợ bán, mỗi ngày kiếm được 5 ngàn đồng, bà mua một ít muối và hai con và nục nhỏ hoặc một lưng chén cá cơm mang về kho mặn để ăn với cơm độn. Đương nhiên là phần ăn đó bà luôn ăn thật nhín để phòng ngày hôm sau mệt mỏi, không thể ra rừng hái rau, còn cái để mặn miệng mà nuốt cơm.

Bà Bằng nói:

“Đi chợ mỗi ngày 5 ngàn, ăn 3 bữa, chỉ có rau ráng mà ăn thôi, có tiền mô mà đi chợ, không có tiền. Mần chi có tiền, khi mô có rau đồ chi rứa, ví dụ mền có rau muống mình hái ít đi bán rồi mua vị tinh về ăn đó thôi. Còn không thì cứ muối, ớt, rau ráng rứa trộn mà ăn hàng ngày. Miễn qua ngày tháng, cầu Trời cho sức khỏe thôi!”

Một phụ nữ dân tộc Cơ-tu . RFA
Một phụ nữ dân tộc Cơ-tu . RFA (RFA)

Với tuổi đời bước sang 79, bà luôn khấn nguyện trời phật phù hộ mình được sống thêm sáu năm nữa để đến tuổi nhận tiền trợ cấp cho người già vào tuổi 85. Bà nói rằng lúc đó, với 180 ngàn đồng mỗi tháng, ít nhất bà cũng có được 6 ngàn đồng mỗi ngày để đi chợ, hơn là bây giờ đi chợ mỗi ngày chỉ có 5 ngàn đồng. Nghe bà nói xong, chúng tôi chỉ biết im lặng xót xa cho tuổi già bóng xế kham khổ và cô đơn của bà. Đương nhiên là chúng tôi giấu đi, cố gắng không nghĩ đến chuyện đồng tiền đang trượt giá, sáu năm nữa, có khi sáu ngàn đồng chỉ tương đương với sáu trăm đồng lúc bây giờ. Và chúng tôi cũng không dám để ý nghĩ rằng bữa ăn của bà cụ người Cơ-tu này có mức phí thấp hơn cả một bữa ăn của lợn trong những chuồng trại miền xuôi.

Không có gì để sống ngoài việc đi hái rau rừng mang xuống chợ bán...bà mua một ít muối và hai con và nục nhỏ hoặc một lưng chén cá cơm mang về kho mặn để ăn với cơm độn. Đương nhiên là phần ăn đó bà luôn ăn thật nhín để phòng ngày hôm sau mệt mỏi, không thể ra rừng hái rau

Bà Bằng, người dân tộc Cơ-tu

...Không có gì để sống ngoài việc đi hái rau rừng mang xuống chợ bán, mỗi ngày kiếm được 5 ngàn đồng, bà mua một ít muối và hai con và nục nhỏ hoặc một lưng chén cá cơm mang về kho mặn để ăn với cơm độn. Đương nhiên là phần ăn đó bà luôn ăn thật nhín để phòng ngày hôm sau mệt mỏi, không thể ra rừng hái rau

Một người dân tộc Cơ-tu khác tên Trần Thị Hằng, 25 tuổi, có chồng và ba con, hằng ngày đi làm rừng thuê cho người khác, vợ chồng Hằng được buôn làng đánh giá thuộc diện có của ăn của để, được xếp vào hàng đại gia ở đây. Thế nhưng, Hằng chia sẻ với chúng tôi là cô tuy giàu so với bà con đồng tộc, nhưng cô cũng chỉ là người thuộc vào nhóm nghèo nhất nhì đất nước thôi, nghĩa là mức đi chợ của cả gia đình cô mỗi ngày không quá 50 ngàn đồng cho tất cả mọi thứ, từ dầu ăn, mắm muối, cá thịt cho đến gạo, xà phòng giặt cùng nhiều thứ tiêu hành tỏi ớt và cả những thứ cần có cho phụ nữ, con nít.

Mức thu nhập của gia đình Hằng mỗi ngày khá cao so với bà con Cơ-tu nhưng lại quá thấp cho một đời sống bình thường. Với mức tiền nhận được là 90 ngàn đồng cho Hằng và 100 ngàn đồng cho chồng Hằng mỗi ngày, gia đình cô chỉ dám đi chợ 50 ngàn đồng, số tiền còn lại phải dành dụm để có đủ mà mua vật liệu xây nhà, lợp mái ngói. Chồng của Hằng cho biết thêm là thời của anh quá khó khăn trong chuyện làm nhà, trước đây, bà con có thể ra rừng hạ gỗ về cất nhà, dọn một khoản đất trống trong rừng làm nền nhà, còn bây giờ, gỗ phải mua lại của nhà nước, đất thì phải đợi nhà nước đồng ý bán mới dám làm nhà. Có cố gắng gì rồi đâu cũng lại vào đấy, khổ vẫn hoàn khổ.

Căn nhà rộng chừng 20 mét vuông, không có phòng ốc nào riêng lẻ, ban ngày, cả nhà ngồi chung ăn cơm, sau đó đi ra rừng làm quần quật, tối đến lại lăn ra ngủ dưới nền nhà, mọi góc cạnh thô sơ và dấu hiệu thời nguyên thủy vẫn còn in đậm trong căn nhà này

Sống trên rừng vàng biển bạc mà thiếu muối để ăn, đói rạc Một người đàn ông khác, tên Nguyễn Hoàng Trung, là chủ một gia đình Cơ-tu có chín người con và mười một đứa cháu. Lúc chúng tôi đến, gia đình ông Trung đang quây quần bên nồi cơm độn toàn sắn và sắn.

Người đàn ông tên Trung, 60 tuổi này nói với chúng tôi là gia đình ông đã được “tứ đại đồng đường”, nghĩa là bốn thế hệ sống quây quần dưới mái nhà chỗ thì lợp tranh, chỗ thì lợp tôn cũ này. Căn nhà rộng chừng 20 mét vuông, không có phòng ốc nào riêng lẻ, ban ngày, cả nhà ngồi chung ăn cơm, sau đó đi ra rừng làm quần quật, tối đến lại lăn ra ngủ dưới nền nhà, mọi góc cạnh thô sơ và dấu hiệu thời nguyên thủy vẫn còn in đậm trong căn nhà này.

Các trẻ em người dân tộc Cơ Tu hầu hết không biết trường lớp là gì. (Courtesy Blog ttxc6)
Các trẻ em người dân tộc Cơ Tu hầu hết không biết trường lớp là gì. (Courtesy Blog ttxc6) (Courtesy Blog ttxc6)

Ông Trung cho chúng tôi biết với căn nhỏ chứa hai mươi mấy người, mỗi ngày, gia đình ông đi chợ chừng 100 ngàn đồng cho mọi thứ chi phí, các thành viên trong gia đình đều phải làm đầu tắt mặt tối để dành dụm tiền mua đất, làm nhà. Nhưng dành dụm từ năm này sang năm khác vẫn không mua được nhà vì lý do, người dân ở đây rất tin vào sự thông minh của nhà nước, nên họ nghĩ không có cách gì tốt hơn là trữ tiền của nhà nước trong nhà, làm được đồng nào thì cuộn tròn, nhét vào ống tre lồ ô, mang đi cất. Mãi cho đến vài năm gần đây, dân làng mới vỡ lẽ là cất tiền sẽ bị mất giá, chuyển sang mua vàng, nhưng nếu như trước đây, số tiền ấy sắm vàng lượng thì bây giờ sắm được vài phân hoặc một chỉ. Họ chỉ biết chép miệng lắc đầu, tiếc cho cái niềm tin ngây ngô của mình.

Càng lúc càng có cảm giác họ càng bị đẩy lùi vào quá khứ, mặc dù là về hình thức thì họ đang được kéo ra khỏi rừng. Nhưng họ chẳng vui sống được vì những gì bị áp đặt không phải là thứ họ cần và muốn. Tui nghĩ là nếu với cái đà này, họ sẽ tuyệt chủng sớm

Một giáo viên dân tộc Kinh

Ông Trung bày tỏ thêm sự bức xúc của mình rằng ông được người ta nói rằng ông sống trên rừng vàng, biển bạc, thế mà muối đối với gia đình ông còn quí hơn cả vàng, vì nó được tính từng hạt chứ không phải từng lon bơ hay kí lô, gạo cũng thế, còn rừng vàng thì với ông, nó là rừng kim cương, nhưng là kim cương của các ông chủ dưới xuôi, dưới tỉnh, chứ với dân, đói vẫn cứ đói rạc gáo không hơn không kém.

Nguy cơ tuyệt chủng

Một giáo viên dân tộc Kinh đã sống, dạy học và có vợ con ở Nam Đông hơn hai mươi năm nay chia sẻ với chúng tôi rằng điều làm ông lo lắng và thấy buồn nhất là dường như người thiểu số miền núi không có ý thức thay đổi số phận bằng việc học tập bởi họ phải lao động quá vất vả để kiếm cái ăn, không còn đầu óc đâu mà nghĩ tới chuyện học. Và đáng sợ hơn cả là qua nhiều năm sống vất vả, bị đẩy lùi vào một khu dân cư tập trung ngột ngạt, không còn được làm chủ núi rừng như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu có ý thức về tư hữu nhưng ý thức này lại cộng với mặc cảm nghèo khổ và sự oán giận về những gì mình bị lấy mất, đâm ra họ đặt quá nặng về tư hữu, tinh thần cộng đồng cũng mất dần.

Thầy giáo nói:

“Tui dạy học ở đây cũng hai chục năm rồi. Tui thấy, những người đồng bào dân tộc Cơ-tu ít có tương lai lắm, nếu không muốn nói rằng họ có nguy cơ sẽ tuyệt chủng sau khi bị bứt ra khỏi cánh rừng, họ xem đó như là nhà của họ, giờ phải sống bán tập trung, làng chưa ra làng, khu dân sinh cũng không đúng chi, nói chung là họ luôn đối diện với bỡ ngỡ, từ việc sinh sống cho đến thời giá, học hành, kế sinh nhai, đồng tiền càng lúc cành mất giá mà mấy chính sách lạ lẫm.. Càng lúc càng có cảm giác họ càng bị đẩy lùi vào quá khứ, mặc dù là về hình thức thì họ đang được kéo ra khỏi rừng. Nhưng họ chẳng vui sống được vì những gì bị áp đặt không phải là thứ họ cần và muốn. Tui nghĩ là nếu với cái đà này, họ sẽ tuyệt chủng sớm…!”.

Vị thầy giáo này nói rằng với đà này, chừng vài năm nữa thôi, đồng bào Cơ-tu sẽ có nguy cơ chạm với đói nặng, mất bản sắc và có thể là tuyệt chủng. Đó là nỗi đau của nhiều đồng bào thiểu số Cơ-tu ở Nam Đông mà họ chưa nhìn thấy được.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.