Yếu tố con người trong xây dựng đập thủy điện ở VN

0:00 / 0:00

Vụ đập Ya Krel 2 tại làng Mok Den, xã Ya Tom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vỡ hồi sáng ngày 12 tháng 6 vừa qua làm dấy lên làn sóng quan ngại về các công trình thủy điện nhỏ của chủ đầu tư tư nhân tại Việt Nam.

Vấn đề chất lượng của một công trình thủy điện như thế lại được đặt ra. Khi đập có vấn đề thì ai phải chịu trách nhiệm? Và qui trình tiến hành triển khai một công trình đập thủy điện thường phải thế nào để có thể bảo đảm an toàn?

Sự cố liên tiếp xảy ra

Vấn đề đập thủy điện Sông Tranh khiến tốn biết bao kinh phí cho những đoàn kiểm tra từ trung ương đến tỉnh ở địa phương huyện Bắc Trà My vẫn chưa ngã ngũ, thì liên tiếp các vụ vỡ đập thủy điện nhỏ như Ya Krel 2 ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, rồi đập Dak Mek 3 ở Kontum bị xe ben đụng vỡ hồi tháng 11 và trước đó vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái là đập chắn nước công trình thủy điện Dakrong 3 ở Quảng Trị cũng bị vỡ khi nước lũ lớn tràn qua.

Kết luận của cơ quan chức năng về vụ việc hai công trình thủy điện Ya Krel 2 và Dak Mek 3 đều cho rằng do thi công ẩu, không theo đúng thiết kế, ăn bớt vật tư nên dẫn đến hậu quả vỡ đập dù đang trong quá trình thi công như Dak Mek 3 hay đang trong quá trình tích nước như Ya Krel 2.

Như thế yếu tố con người trong việc giám sát thi công, xây dựng được nêu ra như là nguyên nhân chính khiến cho hai đập thủy điện vừa nêu đổ sụp.

Yếu tố con người trong việc giám sát thi công, xây dựng được nêu ra như là nguyên nhân chính khiến cho hai đập thủy điện vừa nêu đổ sụp

Qui trình thông thường của thế giới

Vậy trong thực tế khi tiến hành triển khai một dự án thủy điện dù ở bất cứ qui mô nào, người ta cần thiết phải làm những gì?

Kỹ sư Đặng Đình Cung, một chuyên gia kỹ thuật từ Pháp, cho biết cách làm thông thường mà ông nhận thấy ở các nơi, nhất là như ở Pháp mà ông đang sinh sống như sau:

Tôi đang viết một bài về quản lý dự án. Lẽ cố nhiên trước hết phải biết đập xây đó để làm gì, có sinh lợi hay không- sinh lợi không có nghĩa chỉ về phương diện điện mà còn về giao thông đường sông, rồi môi trường, rồi tưới nước cho dưới hạ lưu.

Sau khi thấy đáng giá đầu tư thì phải có thiết kế về kỹ thuật, thăm dò địa chất. (Nếu làm như đập thủy điện Sông Tranh không biết địa chất ở dưới biến chuyển ra làm sao!). Rồi vấn đề môi trường phải đốn rừng, hay phải lấy nhiều diện tích của người dân thì phải tính có đáng để hy sinh diện tích đó hay không.

Thật khó tin, khi chủ đầu tư lại cho rằng đập thủy điện Đăk Mek 3 ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ là do xe ben đụng vào.Photo Thanh Nien
Thật khó tin, khi chủ đầu tư lại cho rằng đập thủy điện Đăk Mek 3 ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ là do xe ben đụng vào.Photo Thanh Nien (Photo Thanh Nien)

Đối với Việt Nam, một quốc gia nhiệt đới thì cây cỏ dưới lòng sông làm phát ra khí mê tan- đây là loại khí mà gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh, gấp 30 lần khí CO2 của nhà máy nhiệt điện. Điều này rất nguy hiểm, có thể làm chết sinh vật trong hồ vì thiếu oxy.

Nếu tất cả những vấn đề đó thông qua hết rồi thì công việc xây dựng mang tính cơ học dễ dàng, và ở Việt Nam các trường đại học có thể đào tạo những kỹ sư tốt. Vấn đề là không có phản biện, không nghiên cứu kỹ và không xây dựng kỹ thôi.

Cách làm của Việt Nam

Ở Việt Nam, những qui định trong triển khai, xây dựng một dự án thủy điện cũng không khác là bao so với những công trình tương tự trên thế giới.

Lẽ cố nhiên trước hết phải biết đập xây đó để làm gì, có sinh lợi hay không- sinh lợi không có nghĩa chỉ về phương diện điện mà còn về giao thông đường sông, rồi môi trường, rồi tưới nước cho dưới hạ lưu

Kỹ sư Đặng Đình Cung

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học- Công nghệ và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh trình bày qui trình đó tại Việt Nam như sau:

Đầu tiên phải có một chủ đầu tư dù là cá nhân hay nhà nước, ví dụ chủ đầu tư của nhà máy vừa mới bị vỡ là chủ đầu tư tư nhân, còn Sông Tranh là của Nhà nước. Chủ đầu tư có tiền và muốn xây dựng công trình. Việc đầu tiên phải thuê tư vấn; tức thuê các nhà chuyên môn theo mong muốn của chủ đầu tư xây dựng ra báo cáo đầu tư. Đây là một báo cáo rất tổng quát nêu rõ làm tại địa điểm đó có lợi không, có đúng, có hợp không. Và đánh giá sơ bộ về kỹ thuật sơ bộ cho chủ đầu tư để chứng minh công trình đó có lợi, hay không.

Trước đây gọi đó là báo cáo tiền khả thi. Sau đó chủ đầu tư phải phê duyệt. Sau khi phê duyệt rồi, dù là chủ đầu tư tư nhân hay nhà nước, đều phải xin phép chính quyền. Công trình dưới 50 triệu đô la giao cho tỉnh duyệt, còn trên 50 triệu đô la trình Bộ Kế hoạch- Đầu tư duyệt, Bộ Kế hoạch- Đầu tư trình chính phủ duyệt. Trước khi phê duyệt, chính quyền các cấp giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, có ý kiến. Khi được Chính quyền duyệt có nghĩa là Chính quyền đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho thực hiện dự án, vì đã chứng minh dự án có lợi về mặt xã hội, không phá hoại môi trường, không ảnh hưởng đến ai trong địa phương và cả nước. Ngoài ra, có những công trình đặc biệt Chính phủ phải trình Quốc Hội duyệt.

Sau khi có giấy phép, chủ đầu tư thuê tư vấn làm một thiết kế rất sâu sát, rất cụ thể. Ví dụ làm đập cao thấp, dài ngắn bao nhiêu, vật liệu ra sao, máy phát điện thế nào… mọi chi tiết phải rất cụ thể. Trước đây gại là báo cáo khả thi, nay gọi là thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán – tức phải thiết kế cụ thể máy móc, đập thế nào và hết bao nhiêu kinh phí. Sau khi tư vấn làm xong thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, chủ đầu tư duyệt; chứ cấp chính quyền không duyệt nữa. Sau khi chủ đầu tư phê duyệt, họ sẵn sàng bỏ tiền để làm theo thiết kế đó. Còn riêng công trình đầu tư của nhà nước, như thủy điện Sông Tranh thì Thiết kế và Tổng dự toán còn phải qua cấp bộ duyệt.

Sau khi duyệt xong rồi tiến hành triển khai thì chủ đầu tư thuê đơn vị thi công, Tư nhân có thể thuê người quen biết làm cho; nhưng công trình nhà nước theo luật phải thuê đấu thầu; mời các đơn vị thi công đến đấu thầu. Đấu thầu ai thắng sẽ thực hiện thi công. Đến lúc này quan hệ hoàn toàn là giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công. Rồi chủ đầu tư còn phải thuê một đơn vị tư vấn khác để giám sát đơn vị thi công. Đơn vị giám sát này phải chứng minh có theo dõi cả quá trình thi công: làm biên bản từng khâu, từng bước, chứng nhận rằng đơn vị thi công đã làm đúng theo thiết kết.

Sau khi công trình hoàn thành sẽ được giám định chất lượng. Qui định của Việt Nam nêu rõ công trình như thế nào sẽ có cấp giám định chất lượng tương ứng. Công trình lớn như Thủy điện Sông Tranh thuộc cấp Giám định Nhà Nước giám định. Còn công trình nhỏ do giám định cấp tỉnh giám định.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề qui trách nhiệm khi xảy ra sự cố vỡ đập như các vụ việc trong thời gian chưa đầy một năm như vừa qua ở Việt Nam thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc có ý kiến:

Chỉ cần điều duy nhất là qui định rõ trách nhiệm chứ không phải chung chung, phải là trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, từng chức danh. Bên cạnh đó phải có chế tài cụ thể như vị phạm thế nào phải chịu hình phạt bao nhiêu năm tù… Theo tôi như qui định hiện hành, nếu đập thủy điện Sôn Tranh vỡ không ai phải chịu trách nhiệm, không ai phải đi tù, không ai phải bồi thường cả! Người ta sẽ đổ là tại Trời.

Có thể nói ngoại trừ những lý do khách quan bất khả kháng do thiên tai gây nên, các biện pháp hạn chế đến mức tối đa các sự cố có thể xảy ra phải do con người nghiêm túc thực hiện.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.