Nhân quyền và Vũ khí

0:00 / 0:00

Sáng ngày 1/6/2015 tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng nhiệm Hoa Kỳ Ashton Carter ký một Tuyên bố về tầm nhìn chung về Quốc phòng giữa hai quốc gia. Sau đó trong một cuộc họp báo, Đại tướng Phùng Quang Thanh được báo VietNamnet trích lời như sau: "Mong muốn của VN là Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. VN và Mỹ giờ đã là bạn bè, đối tác toàn diện, có làm như vậy mới thể hiện sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, phù hợp với lợi ích của cả hai nước". Bộ trưởng đồng thời cho rằng không nên gắn việc này với vấn đề nhân quyền mà ông khẳng định VN đang đảm bảo rất tốt.

Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội không đồng ý với ông Phùng Quang Thanh rằng Việt Nam đang đảm bảo rất tốt vấn đề nhân quyền.

"Tôi đánh giá rằng tình trạng nhân quyền trong những năm vừa qua không có được cải thiện một cách đáng kể, ngoài việc chính quyền có giảm việc bắt giữ những người đấu tranh dân chủ và hoạt động nhân quyền trong nước. Nhưng thay vào đó họ tiến hành những chiến dịch bạo lực tấn công vào những người hoạt động nhân quyền."

Nhà báo Võ Văn Tạo tại Nha Trang cũng đồng tình với ý kiến này và đưa ra ví dụ về chính bản thân ông, sau khi đi dự một hội thảo về truyền thông tại Singapore, một việc mà ông cho là rất bình thường, ông đã liên tục bị cơ quan công an thẩm vấn.

Nhân quyền đổi vũ khí?

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, người thường xuyên theo dõi tình hình Việt Nam cũng như quan hệ quốc tế của Việt Nam, hoan nghênh Tuyên bố tầm nhìn chung mà hai vị Bộ trưởng vừa ký ở Hà Nội. Tuy nhiên ông có nhắc tới sự hiện diện của ông cựu Đại sứ Mỹ David Sheer hiện là trợ lý Bộ quốc phòng về các vấn đề Châu Á Thái Bình dương. Luật sư Khanh nhắc lại lời ông cựu đại sứ đã tuyên bố rằng nhân quyền là điều kiện quan trọng trong vấn đề buôn bán vũ khí với Việt Nam. Luật sư Khanh tiếp lời:

"Cho tới giờ phút này chúng ta vẫn phải chờ đợi trong những ngày sắp tới Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam loại vũ khí nào. Tôi nghĩ rằng điều kiện nhân quyền vẫn là điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ đi xa hơn nữa với Việt Nam trong vấn đề vũ khí."

Tôi nghĩ rằng điều kiện nhân quyền vẫn là điều kiện tiên quyết để Hoa Kỳ đi xa hơn nữa với Việt Nam trong vấn đề vũ khí.<br/> - Luật sư Vũ Đức Khanh

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc gắn vấn đề vũ khí với thực trạng nhân quyền là hợp lý vì không thể để những loại vũ khí mua được đó được đem ra đàn áp người dân.

Một nhà hoạt động dân sự khác từ Hà nội là Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích vấn đề các loại vũ khí có thể sẽ được Hoa Kỳ bán cho Việt Nam:

"Tôi nghĩ là phía Hoa Kỳ nói rất rõ ràng là những vũ khí mà họ gỡ bỏ lệnh cấm là để tự vệ, chủ yếu dùng cho đại quân, phục vụ cho biển Đông, chứ còn những vũ khí dùng để đàn áp người dân chắc chắn là họ không bán."

Ông nói thêm là vấn đề nhân quyền vẫn là rất gay cấn, và việc vũ khí và nhân quyền vẫn trong quá trình đàm phán kín mà người ngoài khó có thể biết được.

Một bạn trẻ giấu tên hoạt động trong các phong trào dân sự trong nước tiếp lời:

"Người ta cũng đặt câu hỏi là gần đây có vẻ như Mỹ bỏ lơ hồ sơ về nhân quyền của Việt Nam, để tập trung vào hồ sơ khác của Việt Nam như hồ sơ về kinh tế trong khi Hà Nội chưa có cải thiện gì nhiều về nhân quyền. Tôi nghĩ là Mỹ nên tiếp tục chính sách (với những ưu tiên về nhân quyền)"

Khi được đặt câu hỏi là nếu vì lợi ích của chính mình mà Mỹ có thể bỏ qua vấn đề nhân quyền của Việt Nam, bán vũ khí cho Việt Nam với tư cách là một đồng minh tự nhiên trong việc chống lại Trung Quốc, thì bạn trẻ này không đồng ý quan điểm đó.

Luật sư Nguyễn Văn Đài đề nghị rằng Hoa Kỳ nên đưa ra cho Việt Nam một lộ trình cải thiện nhân quyền chứ không nên chỉ thảo luận với Việt Nam mà không đưa ra một kết quả nào cả.

Kế "rễ sâu bền gốc"

Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra kinh nghiệm về chuyện Việt Nam đã chi tiêu rất nhiều tiền để mua võ khí hiện đại của Nga nhưng không thể so sánh được với Trung quốc. Ông nói tiếp:

"Số vũ khí mua được của Mỹ là bao nhiêu để mà cân đối với Trung quốc? Tôi không cho rằng chuyện đó là quan trọng. Mà chuyện quan trọng là nếu Việt Nam muốn chống lại âm mưu thôn tính biển Đông của Trung quốc bằng cái đường lưỡi bò thì chắc chắn Việt Nam phải đứng trong một liên minh quân sự của Hòa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia ASEAN có nguy cơ trực tiếp với Trung Quốc như là Philippines."

Anh Nguyễn Anh Tuấn, cựu sinh viên Học viện Hành chính tại Hà Nội, hiện đang làm việc thiện nguyện cho tổ chức dân sự Voice đồng ý với ông Tạo rằng chuyện mua võ khí dù là của Hoa Kỳ đi nữa cũng không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. Anh Tuấn lấy ví dụ về nước Nhật thời kỳ đầu của cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân:

"Khi đó nước Nhật người ta cũng sôi lên chuyện mua sắm hay chế tạo các loại vũ khí hiện đại. Nhưng mà ông Fukuzawa Yukichi, người được coi là người thầy của nước Nhật hiện đại có cảnh báo xã hội là không nên quá trông đợi vào vũ khí, bởi vì cái kế sâu rễ bền gốc để nước Nhật có thể thịnh vượng sánh ngang hàng với Tây phương là cải cách, cải cách giáo dục, thể chế, khoa học, chứ không phải chỉ là vũ khí."

Anh Nguyễn Anh Tuấn nói thêm rằng vấn đề quan trọng của Việt Nam không phải là mua vũ khí mà là Việt Nam định vị mình ở đâu trong thế giới hiện đại, là một quốc gia dân chủ độc lập hay là nằm trong quĩ đạo ý thức hệ với Trung Quốc. Nếu nằm trong quĩ đạo ý thức hệ của Trung Quốc thì mãi mãi là kẻ đi sau và thất bại trước một láng giềng có nhiều tham vọng như thế.

Câu chuyện về sâu rễ bền gốc từ Nhật Bản mà anh Tuấn kể ra không phải là xa lạ trong lịch sử Việt Nam. Cách đây hơn 700 năm, sau khi đánh tan quân đội của nhà Nguyên bên Trung Quốc, người đứng đầu quân đội Đại Việt là Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo trả lời vua Trần bên giường bệnh là nếu giặc phương Bắc lại ầm ầm kéo sang thì rất dễ đánh, chỉ sợ chúng thực hiện chiến thuật tằm ăn dâu, khi đó thì phải dựa vào sức dân để có rễ sâu bền gốc.

Phải chăng câu chuyện rễ sâu bền gốc thời Đức Thánh Trần chính là câu chuyện nhân quyền của thế kỷ 21?