[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
Vụ quan chức cấp cao Campuchia tấn công nhà báo đang tác nghiệp đã làm dư luận rất quan tâm. Vụ án này khiến Thủ tướng Campuchia lên tiếng cắt chức một quan chức của Bộ Tư pháp để mở đường cho Tòa án tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình như sau:
Quan chức nhà nước đánh phóng viên đang tác nghiệp
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố cách chức Phó thư ký Bộ Tư pháp sau khi quan chức này gây tai nạn giao thông và tấn công các nhà báo đang tác nghiệp vào khuya ngày 19/3.
Ông Hun Sen phát biểu như vậy tại Hội nghị Tổng kết công tác Giáo dục, Thanh niên và Thể thao năm học 2011-2012 và đưa ra đường hướng cho năm học 2012-2013 tại thủ đô Phnom Penh chiều ngày 20/3.
Vào lúc 12 giờ và 15 phút, khuya ngày 19/3, một cựu luật sư nổi tiếng ở xứ chùa Tháp tên David Chanaiwa, 41 tuổi cùng cháu tên Prak Ou Fie, 20 tuổi và Yean Sina, chức vụ Phó thư ký Bộ Tư pháp cùng nhiều người khác tổ chức đua xe trên đường Mornivong ở thủ đô Phnom Penh. Sau khi gây tai nạn và va quệt giao thông trên đường phố, một số nhà báo từ các cơ quan có tên tuổi trong nước đến chụp ảnh, ghi hình nhưng bị nhóm người này tấn công.
Tôi không hiểu, tại sao cùng một vụ án có ba người bị bắt nhưng chỉ có hai người bị giam giữ. Đây là vụ án hình sự. Khi được hỏi thì nói một người đã trốn thoát. Tôi sẽ theo dõi, người được trốn thoát sẽ bị truy tố hay không. Rất khó tin, một Phó thư ký của Bộ Tư pháp mà có hành vi xem thường luật pháp
Thủ tướng Hun Sen
Vụ tấn công vào các nhà báo đã khiến một người bị thương nặng và hiện đang điều trị tại bệnh viện Kalamét ở thủ đô Phnom Penh. Còn 9 người khác bị thương nhẹ.
Cùng lúc cảnh sát Phnom Penh đã bắt giữ 3 nghi phạm của vụ tấn công trên tuy nhiên Phó thư ký của Bộ Tư pháp được cảnh sát trả tự do.
Thủ tướng Hun Sen cho biết chính phủ quyết định cách chức ông Yean Sina, để cho tòa án tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm, tìm công lý cho các nhà báo. Ông khó tin một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp có hành vi như xã hội đen.
Ông Hun Sen: "Tôi không hiểu, tại sao cùng một vụ án có ba người bị bắt nhưng chỉ có hai người bị giam giữ. Đây là vụ án hình sự. Khi được hỏi thì nói một người đã trốn thoát. Tôi sẽ theo dõi, người được trốn thoát sẽ bị truy tố hay không. Rất khó tin, một Phó thư ký của Bộ Tư pháp mà có hành vi xem thường luật pháp."
Hai nghi phạm bị bắt giữ được cảnh sát Phnom Penh đưa ra tòa sơ thẩm chất vấn vào chiều ngày 19 và 20 tháng 3. Theo thẩm phán của tòa sơ thẩm, nghi phạm David Chanaiwa và Prak Ou Fie bị cáo buộc về tội danh cố ý gây thương tích và làm hư hại tài sản công cộng theo điều 217, Bộ luật hình sự.
Campuchia, quốc gia không an toàn cho các nhà báo
Trong khí đó, Hội Tư vấn Nhà báo và Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về tình hình tự do báo chí tại xứ này. Tuyên bố lên án hành vi bạo lực nhằm vào 10 nhà báo đang tác nghiệp, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Phnom Penh điều tra, bắt giữ và đưa ra xét xử những nghi phạm tấn công các nhà báo.
Ông Pen Samitthy, Giám đốc Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia cho biết 10 nhà báo bị tấn công gồm các phóng viên truyền hình và báo viết. Hành vi tấn công này đã đe dọa nghiêm trọng đến tinh thần nhà báo đang tác nghiệp. Ông gọi hành vi trên cố ý ngăn chặn các hoạt động của nhà báo cũng như làm gián đoạn tiến trình phát triển quyền tự do báo chí, tự do bày tỏ ý kiến và hạn chế trong thực hiện dân chủ.
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xem Campuchia là quốc gia không có an toàn đối với các nhà báo phanh phui hoạt động khai thác gỗ trái phép và điều tra các vụ quan chức cấp cao tham nhũng. Kể từ năm 1994 đến nay, đã có 10 nhà báo bị giết tại xứ này.
Ông Phen Samitthy phát biểu: "Hành vi tấn công nhà báo là một hành vi không tốt. Nhưng chúng ta thấy nghi phạm đã chịu trách nhiệm trước hành vi của họ mặc dù tòa án chưa xét xử. Chúng tôi kêu gọi các nhà báo hãy đoàn kết, đồng thời kêu gọi chính quyền bảo vệ các nhà báo khi đang tác nghiệp."
Vẫn theo Giám đốc Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia, các nhà báo xứ này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trong lúc đang tác nghiệp, thậm chí còn bị đối tượng quá khích hành hung.
Trung tướng Chuon Sovann, Phó Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia kiêm Trưởng cảnh sát thủ đô Phnom Penh cho biết hai nghi phạm nói trên đang bị giam giữ tại nhà tù Prey Sar. Còn nghi phạm còn lại đang được tòa án truy nã. Hiện cảnh sát đang truy bắt tên Yean Sina, chức vụ Phó thư ký Bộ Tư pháp.
Ông Chuon Sovana khẳng định rằng cảnh sát có trách nhiệm giữ trật tự, an ninh cho công dân. Ông phát biểu với RFA: "Không chỉ riêng nhà báo, tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều được bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát quốc gia. Chúng tôi không phân biệt nhà báo hay công dân. Trường hợp tai nạn giao thông, tấn công các nhà báo, chúng tôi đã có mặt kịp thời. Chúng tôi đã can thiệp và bắt giữ người dùng bạo lực và xử lý theo Pháp luật."
Một nhà báo Campuchia đang tác nghiệp cho Trung tâm báo chí Nokorwat phát biểu: "Báo chí Campuchia cũng phát triển nhiều. Hiện có rất nhiều đơn vị báo chí với lại Thủ tướng quan tâm đến tự do nhà báo. Đặc biệt là các nhà báo bị đánh vừa rồi.
Tuy nhiên các nhà báo đang tác nghiệp ở đây cũng gặp khá nhiều rắc rối. Nhất là đang tác nghiệp ban đêm, có khi bị người ta hâm dọa. Nói chúng cũng có quyền tự do báo chí nhưng không có tự do lắm.”
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xem Campuchia là quốc gia không có an toàn đối với các nhà báo phanh phui hoạt động khai thác gỗ trái phép và điều tra các vụ quan chức cấp cao tham nhũng. Kể từ năm 1994 đến nay, đã có 10 nhà báo bị giết tại xứ này.
Đây là trường hợp đầu tiên trong năm 2013 kể từ khi nhà báo Hang Serei Oudom của tờ Vorakchun Khmer Daily bị sát hại khi đang điều tra về nạn khai thác gỗ trái phép hồi tháng 9/2012.