Hữu Loan, một nhân cách "vuông chành chạnh"

Hữu Loan, một tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam, tạ thế cách nay đã một năm. Nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ, bạn văn chương của ông, nhà văn Hoàng Tiến, nói với RFA về điều mà ông gọi là "nhân cách vuông chành chạnh" của Hữu Loan.

Nhà thơ Hữu Loan, tên thật là Nguyễn Hữu Loan, (sinh năm 1916 tại Thanh Hóa, mất năm 2010 tại Nga Sơn, Thanh Hóa, hưởng thọ 95 tuổi). Nhà thơ, một tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX, đã ra đi cách đây một năm vào ngày 18-03-2010 dương lịch, nhằm ngày 2 tháng 2 âm lịch, năm Canh Dần.
Nhân ngày giỗ đầu nhà thơ Hữu Loan,18-03, nhà văn Hoàng Tiến, một trong số ít những bạn văn của nhà thơ Hữu Loan được gia đình mời về tham dự lễ tưởng niệm, nói với Việt Hùng về Hữu Loan:

Nhân cách Hữu Loan

Hoàng Tiến: Tôi có một bài viết mang tựa đề "Hữu Loan, một nhân cách vuông chành chạnh" vào hôm về giỗ nhà thơ Hữu Loan tính theo âm lịch, ngày 2 tháng 2. Các con ông Hữu Loan chỉ mời một số ít anh em văn nghệ sĩ về, những người mà lúc còn sống nhà thơ Hữu Loan yêu quý, vì gia đình cũng không muốn làm “giỗ to. Khi về, gặp những anh em ở địa phương, tôi có nghe nói Hội Nhà Văn Việt Nam có cử đoàn về từ sớm, ra mộ thắp hương rồi họ đi, chứ cũng không ngồi với gia đình cũng như không dự bữa cơm trưa với gia đình. Thôi thế thì cũng được.

Bữa giỗ đầu Hữu Loan. RFA photo
Bữa giỗ đầu Hữu Loan. (RFA photo)

Việt Hùng: Có người gọi nhà thơ Hữu Loan là thi sĩ của “màu tím hoa sim”, tím chiều hoàng biền biệt... Cá nhân ông thì ông gọi “ Hữu Loan, một nhân cách vuông chành chạnh…”

"...nhưng cái để phục nhau là ở nhân cách, nhân cách của người cầm bút."

Hoàng Tiến nói về Hữu Loan<br/>

Hoàng Tiến: Một người làm văn chương thành công thì có nhiều cách để gọi người đó tuỳ theo suy nghĩ của độc giả khi đọc và cảm nhận những tác phẩm của nhà thơ, nhà văn đó. Nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng, thành công nhất là bài Màu Tím Hoa Sim, cho nên có người gọi ông là Ông Màu Tím Hoa Sim. Thế còn tôi và một số anh em gọi ông Hữu Loan, một nhân cách vuông chành chạnh. "Vuông chành chạnh" là một hình dung từ mà ông bà ta cổ xưa hay dùng. Vuông, mà lại vuông chành chạnh, tức là vuông lắm. Đây là một từ cổ mà ông Hữu Loan cũng đã dùng trong thi ca. Như đánh giá của tôi, trong anh em những người đã đi vào lĩnh vực văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng được trời phú. Để đánh giá về tài thì vô chừng, nhưng cái để phục nhau là ở nhân cách, nhân cách của người cầm bút. Cá nhân tôi, tôi cho rằng, muốn có tác phẩm lớn thì phải có nhân cách lớn. Chẳng hạn có nhân cách Nguyễn Trãi thì mới có thơ Nguyễn Trãi, có nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm thì mới có thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Ở đất nước Việt Nam như hiện nay thì người giữ được nhân cách cũng không có nhiều vì thời hiện tại cũng phức tạp lắm. Tất nhiên thời nào cũng có những phức tạp riêng, nhưng với những gì mà chúng tôi từng trải trong đất nước Việt Nam độc tài toàn trị của đảng CSVN thì họ rất muốn chúng tôi nghe và vâng lời. Người nào giữ được cá tính, nét riêng của mình thì vất vả lắm, nên nhiều người cũng thui chột đi. Chúng tôi thấy ở nhà thơ Hữu Loan nổi lên nhân cách đó, khi làm bài thơ nào là sự rung động, chứ không phải vờ vịt, viết theo rung động của người khác hay của phong trào… ông Hữu Loan không có làm như thế.

Nhân cách: sống lương thiện

Việt Hùng: Trở ngược dòng thời gian, cách đây 55 năm khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ra đời, nhà thơ Hữu Loan là một trong số các văn nghệ sĩ, sĩ phu đất Bắc tham gia, rồi bị đàn áp, để rồi năm 58 ông là một trong số ít giữ vững chí khí, không nhận tội, không tố oan cho người khác, bỏ chốn nơi thị thành về sống ẩn dật ở Thanh Hóa. Người ta còn nhớ câu nói mà ông đã nói với vợ và các con ông “thôi thì bà và các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện”. Thưa nhà văn Hoàng Tiến, ông nghĩ gì?

"thôi thì bà và các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện".

nhà thơ Hữu Loan<br/>

Hoàng Tiến:…sống lương thiện, vâng, ở đất nước Việt Nam (miền Bắc) vào thập niên 50 (thế kỷ trước) thì rất thiếu thốn, áp lực của chính quyền đối với những người không ưng là về kinh tế. Thí dụ, áp lực với vợ, áp lực với con. Con đi học mà bố là Nhân văn giai phẩm thì xin học khó lắm, kể cả đi làm cũng khó nơi nào chấp nhận. Bà vợ muốn đi chợ để kiến tiền nuôi chồng và các con cũng bị gây khó khăn. Thế cho nên áp lực của vợ, con, làm cho các nhà văn, nhà thơ…muốn giữ được nhân cách của mình rất khổ tâm. Cho nên câu nói của nhà thơ Hữu Loan “Thôi thì bà và các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện” Tôi cho câu nói đấy là một câu nói rất thật là “mong bà và các con thông cảm cho, đừng trách cứ ông ấy, để cho ông ấy được làm người lương thiện”. Câu nói đó xót xa lắm…, nhưng quý lắm!

Việt Hùng: Nhưng những điều mà nhà thơ Hữu Loan nói cách đây đã 55 năm, tức là hơn nửa thế kỷ rồi mà sao dư luận vẫn cảm thấy vẫn hiện hữu đâu đây…

Ngày nay: Cũng Những Thằng Nịnh Hót

Hoàng Tiến: Vâng, chuyện của nhà thơ Hữu Loan nói cách đây đã lâu, nhưng sự tiến bộ đến bây giờ chậm lắm. Chúng tôi bây giờ, những anh em có ý kiến khác, khác về văn học, khác về nhận định một cuốn sách, nhưng phát biểu cũng không được thoải mái lắm đâu. Thế rồi lại nói những ý kiến về mặt xã hội nữa, nhiều người dân muốn tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước đi hướng nào, và vấn đề dân chủ, nhân quyền vân vân. Nhất là những ai tham gia đóng góp ý kiến vào vấn đề dân chủ thì thường bị đẩy sang vấn đề chính trị. Thường bị chụp mũ nói là, những con người này bị bọn phản động nước ngoài xúi dục. Sự vu vạ này từ thời Nhân Văn Giai Phẩm (1956) đến bây giờ cũng không tiến bộ được nhiều lắm đâu.
Việt Hùng: Nhà văn nói như vậy thì phải chăng "Làm Người là khó"…phải không thưa ông?

Mộ nhà thơ Hữu Loan. RFA photo
Mộ nhà thơ Hữu Loan (RFA photo)


Hoàng Tiến: Làm người khó chứ, làm người rất khó ở đất nước này…trong cái giai đoạn này. Chả thế mà ông Đoàn Duy Thành (nguyên phó Thủ tướng), cán bộ cao cấp của đảng CSVN đã phải nói phần nào về một số mặt trái trong cuốn Làm Người Là Khó.
Việt Hùng: Thưa nhà văn Hoàng Tiến, nói đến nhà thơ Hữu Loan, ngoài những bài thơ nằm lòng như Màu tím hoa Sim hay Đèo Cả…, thì còn một trong những bài thơ hiện vẫn được nhớ nhiều, đó là bài Cũng Những Thằng Nịnh Hót.

"Chân xoa-và tay xoa-Hít thượng cấp-cứ thơm- như múi mít..."

thơ Hữu Loan<br/>

Hoàng Tiến: Vâng tôi cũng nhớ bài đó, ông Hữu Loan viết tháng 9-1956, đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu tháng 10-1956. Trong bài có một tiêu đề nhỏ viết chữ nghiêng "sau khi đọc bài Những thằng nịnh hót của Mayakovsky, nhà thơ người Nga". Bài của nhà thơ Hữu Loan viết là: Cũng Những Thằng Nịnh Hót, có đoạn:
Một điều đau xót-Trong chế độ chúng ta-Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa-Những thằng nịnh còn-thênh thang-đất sống-Những mồm-không tanh tưởi-Ngậm vòi đu đủ-Trợn mắt-Phùng mang-Thổi vào rốn cấp trên-"Dạ, dạ, thưa anh…-Dạ, dạ, em, em...-Gãi cổ-Gãi tai:-"… anh quên ngủ- quên ăn-nhiều quá!-Anh vì nước- vì dân-hơn tất cả--từ trước đến nay-Chân xoa-và tay xoa-Hít thượng cấp-cứ thơm- như múi mít-(…)-Nguy hiểm thay,-Thật khó mà trông:-Chúng nó ngụy trang-Bằng tổ chức-bằng quan điểm nhân dân-bằng lập trường-chính sách-Chúng nó-còn thằng nào-Là chế độ ta-chưa sạch-Phải làm tổng vệ sinh-cho kỳ hết-mọi thằng…-Là người- chúng ta-không ai biết cúi đầu!
Việt Hùng: Vâng thưa nhà văn Hoàng Tiến, "Cũng Những Thằng Nịnh Hót" của nhà thơ Hữu Loan viết đã hơn 50 năm có phải vẫn còn nguyên tính thời sự?
Hoàng Tiến: Rất thời sự tính, đến bây giờ vẫn còn tính thời sự của nó. Chúng tôi ở trong nước cảm thấy bây giờ tham nhũng còn nặng nề hơn trước. Rồi phe cánh, thích người ta nịnh mình…Đến bây giờ đất nước Việt Nam có phát triển, nhưng tính tham nhũng lại tăng lên, bây giờ họ tham nhũng đất đai, đô-la. Các quan chức cao cấp đều có nhà 4-5 tầng lầu cả, không phải một nhà mà là nhiều nhà nữa. Từ đó mà nhìn ra thì dứt khoát là tham nhũng rồi. Tiền lương như thế thì làm sao mà xây được nhà cao cửa rộng như thế được? Rồi trang trại như thế, đất đai nhiều như vậy? Những cái đó dân biết hết cả, nhưng họ cứ nghênh ngang như thế.

“thăm thẳm chiều hoang” thành bất tử!

Việt Hùng: Thưa nhà văn Hoàng Tiến, có thể hiểu như thế nào với câu nói của nhà thơ Hữu Loan "Nếu mà ông chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng ông không làm được".
Hoàng Tiến: Tính ông Hữu Loan là như thế. Cho nên tôi thấy có cái bù trừ của trời đất. Ông ấy sống khổ như thế, bị đày đọa như vây, nhưng không mua chuộc được ông ấy. Ông ấy chịu đựng, chịu đựng một cách vui vẻ. Chính vì thế mà ông Hữu Loan lại được nhiều người quý, nhiều người kính yêu. Sự kính yêu của bạn đọc, sự kính yêu của nhân dân đối với con người như ông Hữu Loan, cái đó thì không có vàng bạc nào, nhà cao cửa rộng có thể sánh được.
Việt Hùng: Để thay cho lời kết, chúng tôi xin mượn câu đối của tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt viếng nhà thơ Hữu Loan:
"Khóc vợ, có hoa tím phân ưu, tiếng khóc hóa lời ca, "thăm thẳm chiều hoang" thành bất tử!
Khinh vua, rủ đá xanh làm bạn, giọng khinh vào câu đối, "ăn dân hết nước" lại trường sinh?"
để nhớ về ông, nhà thơ Hữu Loan, một nghệ sĩ lớn, một nhân cách "uy vũ bất năng khuất" của quê hương Việt Nam.