Sự bình đẳng trước luật pháp là nền tảng của công lý và thông qua đó để tạo dựng sự bình yên cho xã hội và bảo vệ các quyền cá nhân của con người. Song điều này thực tế ở Việt nam đã không diễn ra như thế, vậy cần phải làm gì để bảo vệ công lý?
Luật pháp phục vụ cho người có tiền và có quyền
Tính công bằng trong quá trình áp dụng luật pháp cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý.
Một đạo luật được coi là áp dụng một cách công bằng nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức giống nhau.
Ở Việt nam công lý không được bảo vệ do pháp luật không nghiêm minh và thiếu công bằng. Có những hành vi phạm tội giống nhau nhưng được xét xử với các mức hình phạt rất khác nhau. Đây là điều phổ biến và diễn ra một cách có hệ thống trong một thời gian khá dài.
Vừa qua, dư luận xã hội ở Việt nam xôn xao về việc TAND Tuy Hòa (Phú Yên) xét xử 5 sĩ quan công an dùng nhục hình, đánh chết người, song chỉ tuyên phạt những bản án quá nhẹ không tương xứng với tội danh.
Ông Trịnh Toàn, một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội đã đánh giá về thực trạng vấn đề pháp luật hiện nay ở Việt nam, cho rằng luật pháp Việt nam hiện nay chỉ phục vụ cho 03 đối tượng đó là người có quyền, người có tiền và một bộ phận nhỏ đảng viên đảng CSVN, mà không để phục vụ cho quảng đại quần chúng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho pháp luật bị bẻ cong và công lý không được tôn trọng. Từ Hà nội ông Trịnh Toàn cho biết:
Ở Việt nam công lý không được bảo vệ do pháp luật không nghiêm minh và thiếu công bằng. Có những hành vi phạm tội giống nhau nhưng được xét xử với các mức hình phạt rất khác nhau. Đây là điều phổ biến và diễn ra một cách có hệ thống trong một thời gian khá dài
“Do thể chế một đảng lãnh đạo nên pháp luật là do họ, bản thân họ cầm trong tay, họ xử lý như thế nào là quyền của họ không có ai giám sát họ cả. Cứ nói dân biết, dân bàn, dân kiểm tra nhưng thực chất người dân chả có một cái quyền gì cả. Họ muốn làm gì là quyền của họ”
Trong bài "Một nhát dao chém thẳng mặt nhân dân" trên trang Quê choa, tác giả Nguyễn Minh Hòa đã viếtrằng:"Bản án mà tòa vừa tuyên lúc 3 giờ thật sự là một nhát chém ngang mặt nhân dân, hằn sâu vào tâm thức nhân dân. Họ đang thách thức dư luận… Giết người mà chịu một bản án nhẹ hầu như thế chẳng khác nào như một sự bảo đảm và khuyến khích những người công an khác không chỉ ở Tuy Hòa mà ở các nơi khác tin rắng cứ giết người đi, bất quá là 5 năm tù, là án treo thôi".
Nhân vụ án ở Tuy hòa, tỉnh Phú Yên, bình luận về vấn đề cách đây gần một thế kỷ, ông Hồ Chí Minh đã từng tố cáo thứ công lý của thực dân Pháp khi cho rằng: "Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…". Và trên thực tế hiện nay công lý ở Việt nam sau gần 70 năm bây giờ đã trở lại gần đúng như thế.
Tôi nghĩ đó là quá trình tương tác giữa người dân và chính quyền, đây là cách có thể tốn thời gian hơn. Nhưng phải có cả một quá trình mà cả dân tộc này vận động như thế thì mới tránh được sai lầm của ông Hồ Chí Minh, đó là thay một hệ thống áp bức bằng một hệ thống áp bức khác
TS. Nguyễn Quang A
Sai lầm lớn lao trong cuộc cách mạng của ông Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS nhận xét rằng đây là cái bi kịch của ông Hồ Chí Minh, vì ông là người hết sức bất bình trong sự bất công và phân biệt đối xử của thực dân Pháp. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông ta phát động một phong trào cách mạng để xóa bỏ sự bất công đó.
Từ Hà nội, TS. Nguyễn Quang A đánh giá về vấn đề này:
“Đáng tiếc là ông Hồ Chí Minh đã áp dụng một phương pháp, một hệ thống mà cái hệ thống đấy đã tạo ra một chính quyền thực sự đã lặp lại những bất công của thực dân Pháp. Thậm chí không chỉ lặp lại mà còn làm trầm trọng thêm, đấy là chế độ độc tài. Rất đáng tiếc là như vậy.”
Nói về các giải pháp để bảo vệ công lý ở Việt nam, theo LS. Hà Huy Sơn để bảo vệ công lý thì đòi hòi nhà nước phải ban hành đầy đủ các văn bản luật để làm cơ sở pháp lý trong việc tố tụng, và đối với người dân cần tham gia các hội đoàn hay tôn giáo để có cơ sở bảo vệ mình. Hiện nay, một số nước trên thế giới quy định thẩm phán có quyền miễn trừ nhằm tạo điều kiện để thẩm phán đưa ra phán quyết độc lập, khách quan, vô tư, tránh bị áp lực. Cùng với quy định việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử đối với thẩm phán phải được phê chuẩn bởi Tòa án Hiến pháp... là những cơ sở để đảm bảo pháp luật được xét xử nghiêm minh và công bằng.
Từ Hà nội LS. Hà Huy Sơn nhận xét:
“Nếu được áp dụng thì là một việc rất là tốt, vì nó là một cái đặc trưng của nhà nước pháp quyền và cho thấy sự thượng tôn pháp luật tức là luật pháp được đặt cao hơn cả. Nhưng đối với Việt nam hiện nay theo tôi là không thực hiện được.”
Chừng nào thể chế chính trị Dân chủ, đa đảng chưa thiết lập thì người dân Việt nam còn mất tự do và công bằng. Tôi mong rằng mọi người dân VN phải hiểu rõ và hiểu đúng điều này để chúng ta cùng nhau đoàn kết, cùng nhau đấu tranh để xây dựng một thể chế dân chủ ở Việt nam
LS. Nguyễn Văn Đài
Theo TS. Nguyễn Quang A để bảo vệ công lý thì không có gì hơn là một nền pháp trị nghiêm minh, vì chỉ như thế mới đảm bảo một nền công lý hữu hiệu, cái mà chúng ta có thể thấy trong xã hội dân chủ pháp trị hiện nay. Đây là một quá trình lâu dài và rất gian khổ đòi hỏi mọi người dân phải cùng có trách nhiệm tham gia. Cụ thể là mỗi người dân phải hiểu được quyền của mình để yêu cầu nhà nước phải thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật đã có. Trên cơ sở đó để từng bước tạo sức ép buộc chính quyền phải thay đổi và hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Từ Hà nội trao đổi với chúng tôi TS. Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ đó là quá trình tương tác giữa người dân và chính quyền, đây là cách có thể tốn thời gian hơn. Nhưng phải có cả một quá trình mà cả dân tộc này vận động như thế thì mới tránh được sai lầm của ông Hồ Chí Minh, đó là thay một hệ thống áp bức bằng một hệ thống áp bức khác.”
LS. Nguyễn Văn Đài nhận xét rằng nền tảng của tự do, hòa bình và công lý phải được xây dựng trên nền tảng của một chế độ chính trị dân chủ. Song ở Việt nam hiện nay là một thể chế chính trị độc đảng toàn trị, từ đó dẫn đến việc công lý bị xâm phạm do pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh và công bằng. Nói về các giải pháp để bảo vệ công lý, LS. Nguyễn Văn Đài cho rằng cần làm cho người dân thấy cần phải đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị hiện tại để xây dựng một chế độ chính trị dân chủ, đa đảng. Đó là bước đầu tiên để tạo sự bình đẳng để người dân có quyền và cơ hội ngang nhau trong việc xây dựng pháp luật để quản lý đất nước.
Trao đổi với chúng tôi LS. Nguyễn Văn Đài cho biết:
“Chừng nào thể chế chính trị Dân chủ, đa đảng chưa thiết lập thì người dân Việt nam còn mất tự do và công bằng. Tôi mong rằng mọi người dân Việt nam phải hiểu rõ và hiểu đúng điều này để chúng ta cùng nhau đoàn kết, cùng nhau đấu tranh để xây dựng một thể chế dân chủ ở Việt nam.”
Người ta nói: “Điều kiện tiên quyết để biến một nhà nước man rợ trở nên văn minh là chính quyền chấp nhận công lý và thực thi nó, tất cả các phần còn lại đều thuộc quá trình tự nhiên”. Cho đến nay, thực tế đã chứng minh không có gì có thể đúng hơn.