Anh chỉ cười, một lúc lâu sau mới bảo “cám ơn các bạn, cám ơn những cảm tình mà các bạn đã dành cho tôi trong suốt 12 năm qua”.
Con kình ngư của bể bơi thế giới
Trước mặt chúng tôi là Ian Thrope, con kình ngư của bể bơi thế giới thủa nào. Anh từng thắng Michael Phelps ở Sydney 2000, từng được ví von là vận động viên “nửa người, nửa cá”, chiếm tổng cộng 5 chiếc huy chương vàng đi kèm với 5 kỷ lục của thế giới sau ngày dự thi ở Athen 2004. Từ đó đến giờ anh không góp mặt ở đoàn bơi lội Australia dự thi Olympic, vắng bóng ngay ở các cuộc tranh tài thế giới khác. “Phải nói cho đúng tôi là rất muốn trở lại bể bơi Olympic, lần nào tôi cũng ghi danh dự thi nhưng thành tích yếu quá nên luôn luôn bị loại”, anh vừa cười vừa nói.
Anh từng thắng Michael Phelps ở Sydney 2000, từng được ví von là vận động viên "nửa người, nửa cá", chiếm tổng cộng 5 chiếc huy chương vàng đi kèm với 5 kỷ lục của thế giới sau ngày dự thi ở Athen 2004
Phải nói là rất bất ngờ khi nghe tin Ian Thrope tiếp xúc với báo chí, và chẳng ngạc nhiên khi thấy hàng trăm ký giả kéo nhau đến ngồi chật phòng họp báo của Trung Tâm Báo Chí Olympic London. Ngay chính Ian cũng phá lên cười, thú nhận “thật ngạc nhiên khi thấy nhiều đồng nghiệp như thế này”, chữ “đồng nghiệp” anh dùng vì chính anh cũng đeo trước ngực tấm thẻ báo chí to tướng: anh đến London không để dự thi mà để làm việc và rất thành công trong vai trò bình luận gia bơi lội cho đài truyền hình BBC.
“Có 2 điều tôi muốn chia sẻ với các bạn,” Ian Thrope phát biểu. “Chắc các bạn có thể đoán ra là tôi không vui khi thấy đoàn bơi lội Australia không thành công ở London, chỉ chiếm được mỗi một chiếc huy chương vàng. Nhưng điều thứ nhì tôi mừng là bể bơi Olympic bây giờ không chỉ dành cho một cá nhân hay một quốc gia, mà đúng là bể bơi của thế giới, các cuộc tranh tài sau này sẽ ngày một sôi nổi hơn, mỗi lần thi đấu là mỗi lần có những ngôi sáng chói xuất hiện, hầu hết là những vận động viên chúng ta chưa hề nghe tên, không còn là cuộc tranh tài của một hay hai khuôn mặt cũ nữa”.
Mình hay rồi sẽ có người khác hay hơn
Tại sao anh nói vậy là câu hỏi kế tiếp. “Thật tình lúc đầu tôi cũng không biết tại sao năm nay Australia chỉ có một huy chương vàng dù đoàn bơi lội toàn nhưng tay bơi rất giỏi, huấn luyện viên cũng là người tài ba nhất nhì của thế giới”. Ngưng một lát, anh nói tiếp: “sau đó tôi mới hiểu được câu mình hay thì sẽ có người khác hay hơn, lực sĩ bơi bội ở London năm nay tài quá, có những người mình đâu có nghe nói tới, đến khi cuộc tranh tài diễn ra mới thấy họ và thật ngạc nhiên khi thấy thành tích họ tạo được”.
..."sau đó tôi mới hiểu được câu mình hay thì sẽ có người khác hay hơn, lực sĩ bơi bội ở London năm nay tài quá, có những người mình đâu có nghe nói tới, đến khi cuộc tranh tài diễn ra mới thấy họ và thật ngạc nhiên khi thấy thành tích họ tạo được"
Ian Thrope
Nói xong, anh đưa một loạt thí dụ những lực sĩ mà thế giới mà anh gọi là “chưa hề nghe tên cho đến khi họ dự thi ở London” như Ruta Meilutyte mới 15 tuổi của Lithuania hay Ye Shiwen mới 16 tuổi của Trung Quốc, gọi những cô thiếu nữ đeo huy chương ở London là “những thử thách mà thế giới bơi lội phải đối phó” trong những năm sắp tới, không quên nhắc lại điều một số vận động viên khác đã từng nói “chúng ta phải hiểu là mình chưa biết hết về sức mạnh thể thao Trung Quốc và thể thao Đông Âu đâu”.
Đời sống của anh bây giờ thế nào? Anh có vẻ ngại ngần khi nghe một “đồng nghiệp” đặt câu hỏi đó. “Tôi ít khi muốn nói về chuyện riêng tư vì đó là chuyện của mình chứ không phải chuyện của thiên hạ, không hài lòng với cảnh các nhà báo đặt ống kính trước cửa nhà để săn tin, và thật tình tôi cũng không để ý nhiều đến những bài báo viết về đời sống cá nhân của tôi”. Có lẽ anh muốn nói đến những bài viết được phổ biến trong thời gian gần đây với nội dung nói anh là người đồng tính buộc anh phải lên tiếng phủ nhận chuyện này nên “tôi thấy không cần thiết phải nói đi nói lại chuyện không đúng sự thật làm gì nữa”.
Tất cả các cuộc tranh tài bơi lội ở Olympic London 2012 đều đã kết thúc, vai trò bình luận viên của anh với đài BBC cũng đã chấm dứt, “tôi sẽ ở lại đây thêm ít ngày nữa rồi bay về Australia với gia đình, khoe “em gái tôi mới sinh đứa con đầu lòng”. Sau đó nhân vật nổi bật nhất của làng thể thao Australia sẽ làm gì, dự tính tương lai của anh ra sao? “Tôi sẽ sang Thụy Sĩ tập dượt tiếp”, anh trả lời, “điều duy nhất khiến tôi hứng thú khi nhảy xuống hồ bơi là cơ hội vẫy vùng, giúp tôi có cảm tưởng mình đang bay trên mặt nước”.
Tiếp tục tập luyện nhưng Ian Thrope nhìn nhận hầu như lúc nào cũng phải chống trả với chán nản đến từ áp lực phải tập dượt, áp lực phải chiến thắng ở các cuộc tranh tài. “Chiếc huy chương là mục tiêu mọi người mong đạt được, là phần thưởng khích lệ, là cái đích để các vận động viên tiếp tục tập dượt, nhưng ít người hiểu được sự mệt mỏi pha trộn với thử thách mà vận động viên nào cũng phải trải qua”, kể cả những người đã tạo được thành tích, như anh.
Theo dòng thời sự:
- Olympic London 2012 – Ngày 13
- Olympic London 2012 – Ngày 12
- Sau Olympic London sẽ là đám cưới?
- Đi tìm chiếc huy chương ... bị mất
- Ai sẽ là người chạy nhanh nhất Olympic London 2012?
- Olympic London 2012 – Ngày 8
- Boxing Hoa Hỳ đi về đâu?
- Michael Phelps lập kỷ lục thế giới người nhiều huy chương Olympics nhất
- Olympic London 2012 - Chiếc huy chương và chuyện tiền bạc