Việt Nam thả hơn 100 ngư dân và tàu cá Campuchia.

103 ngư dân trên 27 chiếc tàu đánh cá của Campuchia vào đánh cá trong hải phận tỉnh Kiên Giang, bị lực lượng bảo vệ biển Việt Nam bắt giữ, tạm giam ở đảo Phú Quốc. Việt Nam đã đối xử với họ ra sao? Quốc Việt tường trình.

0:00 / 0:00

Tự biết bất hợp pháp

Đại diện cộng đồng ngư dân Campuchia ở tỉnh Kam Pot giáp giới tỉnh Kiên Giang cho biết số ngư dân và tàu bè này đã bị lực lượng bảo vệ biển Việt Nam bắt giữ vào ngày 23/8, sau khi đoàn tàu vào đánh cá trong hải phận thị xã Hà Tiên.

Người đại diện này, ông Neak Seng, cho hay những ngư dân vừa nói không bị lực lượng bảo vệ biển Việt Nam hành hạ, cưỡng ép phạt tiền, tịch thu dụng cụ hay dọa sẽ đưa họ ra Tòa với tội danh xâm nhập lãnh hải Việt Nam bất hợp pháp. Họ được ở yên tại chỗ, được cung cấp thức ăn, nước uống.

Họ đã được thả cho trở về nhà sau hơn 24 tiếng. Động thái này được thực hiện sau khi tỉnh Kam Pot thương lượng với chính quyền Việt Nam, và các ngư dân Campuchia chịu ký cam kết sau này sẽ không vào đánh cá trong hải phận nói trên.

Ông Neak Seng cho biết các ngư dân cũng biết trước nơi họ bị bắt là địa phận tỉnh Kiên Giang của Việt Nam nhưng vì nơi đó giàu lượng cá, gia đình họ khó khăn và bản thân không có việc làm cho nên họ buộc phải sang đó đánh bắt.

Ông nhấn mạnh, sau những nỗ lực làm việc của các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là sự thương lượng giữa tỉnh trưởng tỉnh Kam Pot là ông Khoy Khunhou, và chính quyền Việt Nam, đến sáng thứ năm 25/8 đã thấy có 16 chiếc tàu và một số ngư dân về tới nhà. Còn 11 chiếc tàu và số ngư dân còn lại sẽ về tới nhà trong đêm thứ năm.

Tỉnh trưởng tỉnh Kam Pot, ông Khoy Khunhou, cũng thừa nhận các ngư dân Campuchia xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng chính quyền Việt Nam đã đồng ý thả ngư dân sau khi có sự can thiệp của ông, và họ sẽ về đến nhà một cách an toàn.

Ngư dân Việt bị đối xử bất công

Tỉnh trưởng tỉnh Kampot cho rằng vụ này chứng tỏ ngư dân Việt Nam trước đây đã bị đối xử bất công. Nhiều ngư dân và tàu đánh cá Việt Nam bị kiểm ngư hay cộng đồng ngư dân Campuchia bắt thường bị hành hạ, phạt tiền, thậm chí còn bị phá hủy dụng cụ. Ngược lại khi Việt Nam bắt ngư dân và tàu cá Campuchia, thì họ chưa bao giờ phạt tiền, đưa ngư dân ra tòa hay tịch thu dụng cụ…

Vẫn theo tỉnh trưởng Khoy Khunhou, báo chí địa phương cũng hay nói xấu về việc gọi là ngư dân Việt Nam xâm nhập lãnh hải Campuchia và bị phạt tiền theo quy định của pháp luật chứ không thương lượng theo tinh thần hữu nghị hợp tác song phương.

Ngư dân Mekong phơi cá khô- RFA photo
Ngư dân Mekong phơi cá khô- RFA photo (RFA photo)



Giám đốc Tổ chức nhân quyền ADHOC tại tỉnh Kam Pot, bà Try Chhoun, người theo dõi vụ việc nói trên cho biết vừa qua có nhiều vụ ngư dân hai nước xâm nhập lãnh hải của nhau. Có vụ ngư dân Campuchia đánh bắt xa bờ bị lực lượng bảo vệ biển Việt Nam bắn bị thương, và các ngư dân Việt Nam dùng bạo lực khi đoàn tàu Campuchia vào địa phận Việt Nam.

Song song, ngư dân Việt Nam cũng từng bị kiểm ngư và cộng đồng ngư dân Campuchia hà hiếp, phạt tiền, đốt bỏ dụng cụ sau khi họ bắt được ngư dân Việt hành nghề trên địa phận Campuchia. Bà cho rằng có lẽ việc phân định biển giữa Campuchia – Việt Nam chưa rõ ràng hoặc họ thiếu tư vấn.

Tuy nhiên, qua vụ lực lượng bảo vệ biển Việt Nam bắt giữ nhưng sau cùng đã thả ngư dân cùng tàu bè về, thì hiển nhiên quan hệ hợp tác song phương giữa Campuchia – Việt Nam đang tăng tiến mạnh mẽ.

Phân định biển giữa Campuchia với Việt Nam là một quá trình khó khăn và lâu dài, do hai bên có quan điểm khác biệt về biên giới biển và lãnh thổ. Việc phân định biên giới này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị nội bộ của Campuchia và tình hình quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, phía Campuchia muốn hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Việt Nam, sau đó mới tính đến việc giải quyết biên giới biển.

Cho đến thời điểm này, lực lượng bảo vệ biển Việt Nam đã bắt giữ ngư dân và tàu đánh cá của ngư dân Campuchia bốn lần. Mọi lần bị bắt, phía Việt Nam đều buộc họ ký cam kết sẽ không đánh bắt xa bờ vào địa phận Việt Nam, nhưng mọi sự cứ tái diễn. Điều này khá dễ hiểu, vì như họ đã giải thích ở phần trước, là do kính tế gia đình khó khăn, bên phía biển Việt Nam lại có hải sản dồi dào …khiến họ phải liều mạng để nuôi sống gia đình.