‘Lương Tâm TV’ là một kênh thông tin độc lập mới ra đời trong thời đại công nghệ kỹ thuật số hiện nay. Sau hơn một tháng hoạt động, cơ quan an ninh bắt đầu có hành động sách nhiễu đối với những thành viên tham gia kênh thông tin này.
Tiếng nói độc lập mới
Một nhà hoạt động tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Đài trình bày về Lương Tâm TV bắt đầu chương trình đầu tiên từ ngày 19 tháng 8 vừa qua như sau:
“ Lương tâm TV này đã phát được 3 số rồi và trung bình mỗi tuần ra một số. Ngày hôm qua anh em dự tính làm số thứ tư; nhưng có thể cơ quan an ninh họ biết trước nên họ ngăn chặn bằng cách bắt giữ tất cả những thành viên trong nhóm đó.”
Nhà báo Phạm Thành, người từng làm việc trong hệ thống truyền hình nhà nước Việt Nam trước đây cho biết ông đã xem ba chương trình vừa qua của Lương Tâm TV và ông nhận định như sau:
“ Nội dung thì như trong chương trình số 1 họ nói về quá khứ của cộng sản Việt Nam từ giai đoạn cướp chính quyền cho đến giai đoạn cai trị trong 70 năm qua. Tất cả những chương trình trên Lương tâm TV hoàn toàn đúng tình hình Việt Nam, tôi chẳng thấy họ nói sai điều gì cả.”
Sự bắt bớ
Sau hơn một tháng hoạt động, vào ngày 23 tháng 9 sáu thành viên tham gia Lương Tâm TV bị ép đi làm việc tại Công an Phường Hai Bà Trưng. Sang đến ngày 24 tháng 9 xướng ngôn viên và cũng là biên tập viên trẻ Lê Thị Yến của Lương Tâm TV tiếp tục bị mời đi làm việc.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết lại cách thức cũng như nội dung làm việc mà công an và cơ quan an ninh tiến hành đối với sáu thành viên của Lương Tâm TV trong ngày 23 tháng 9:
Nội dung thì như trong chương trình số 1 họ nói về quá khứ của cộng sản Việt Nam từ giai đoạn cướp chính quyền cho đến giai đoạn cai trị trong 70 năm qua. Tất cả những chương trình trên Lương tâm TV hoàn toàn đúng tình hình Việt Nam, tôi chẳng thấy họ nói sai điều gì cả
Nhà báo Phạm Thành
“ Sau khi làm việc với cơ quan an ninh thì một số người có chia sẻ như anh Phạm Đắc Đạt nói rằng trên đường anh đi, an ninh gây ra một vụ tai nạn giao thông. Sau đó những người an ninh giả danh đã tấn công, đánh anh rất đau. Trong khi anh đang bị đánh thì công an mặc quân phục mới đến yêu cầu cả hai bên về trụ sở giải quyết. Khi về đến nơi, những người tấn công anh đã được thả ra ngay lập tức, còn mình anh bị an ninh mời làm việc. Trong suốt buổi làm việc anh chỉ yêu cầu là lập biên bản và điều tra những người gây tai nạn giao thông và đánh anh thôi. Khi họ hỏi đến Lương tâm TV thì anh không nói gì, không đề cập đến chuyện đó. Khi an ninh không làm gì được thì họ tịch thu máy ảnh của anh, rồi khám người và đã lấy của anh 100 đô la Mỹ.
Còn anh Cường đang trên đường đi cũng bị chặn lại và bị ép vào một công an phường để làm việc. Trong suốt buổi làm việc anh cũng không trà lời bất kỳ câu hỏi nào của công an cả. Cuối cùng họ cũng tịch thu laptop, điện thoại và máy tỉnh bảng của anh.
Anh Nguyễn Vũ Bình thì bị ập vào nhà, khám nhà, tịch thu máy tính bảng, tài liệu, điện thoại, máy laptop. Cô Yến cũng bị tịch thu điện thoại, máy tính bảng và laptop. Chị Hà thì không bị thu giữ gì nhưng phải làm việc từ 9 giờ sáng đến tận 2-3 giờ đêm.”
Một sinh viên trẻ tham gia các hoạt động vì dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam hôm qua cô cùng các bạn đến tại trước Công an quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội để yêu cầu trả tự do cho các thân hữu bị buộc làm việc tại đó. Trong khi yêu cầu thả người một cách ôn hòa, thì chính bản thân cô sinh viên này, cùng nhà báo độc lập Đoan Trang bị hành hung. Cô này kể lại:
“ Em và chị Trang bị kéo rách váy ở phía sau. Sau khi chị Trang bị đánh, chị đứng áp sát vào cổng cơ quan. Thứ nhất chắc chị bị đau, thứ hai có hành động phản đối quyết liệt đối với công an quận Hai Bà Trưng. Khi thấy chị bị đau như vậy, tôi và một bạn tên Minh quyết định đứng hai bên của chị tương trợ và tuyên bố sẽ đứng đó cho đến khi mọi người được thả ra. Trong khi đứng đó chúng tôi cũng rỉ rả, nói chuyện một cách nhỏ nhẹ, đối thoại với những viên an ninh yêu cầu thả các bạn của chúng tôi ra.”
Cựu tù nhân Nguyễn Vũ Bình cho biết lại một số nội dung cuộc làm việc với cơ quan an ninh vào ngày 23 tháng 9:
Theo luật báo chí Việt Nam, họ chỉ qui định đài truyền hình hay đài phát thanh mà có trụ sở, có phát sóng trên không gian, hay phát sóng qua Internet, phát sóng vệ tinh thì mới phải xin phép chính quyền Việt Nam
Luật sư Nguyễn Văn Đài
“ Họ cứ bảo anh hãy đọc Nghị định 172, Qui định 159… là khi ra báo tư nhân mà không xin phép thì bị phạt 70-100 triệu… Họ đưa ra bảo tôi đọc, tôi đọc vậy thôi chứ không quan tâm. Bởi vì tôi biết tinh thần chung là Việt Nam không cho báo chí tư nhân, còn lại cụ thể thế nào tôi không quan tâm lắm. Họ đưa thì đọc vậy. Tôi không quan tâm vì nếu quan tâm thì không ai làm được gì cả. Còn việc chúng tôi làm là chúng tôi đưa sự thật đến nhân dân. Còn các ông bảo không được đưa sự thật, sự thật phải theo qui định, định hướng, phải thế nọ, phải thế kia thì là việc của các ông. Còn việc của tôi là làm như vậy.”
Nhận định
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đài thì việc dựng chương trình đưa lên Youtube của Lương Tâm TV là một việc làm mà hiện nay rất nhiều người tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang thực hiện. Hoạt động đó không có gì vi phạm qui định mà chính quyền Việt Nam đề ra. Luật sư Nguyễn Văn Đài trình bày:
“ Theo Hiến pháp Việt Nam thì hoàn toàn nằm trong quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà người dân được phép làm ra những chương trình và được tiếp cận với Internet. Còn theo luật báo chí Việt Nam, họ chỉ qui định đài truyền hình hay đài phát thanh mà có trụ sở, có phát sóng trên không gian, hay phát sóng qua Internet, phát sóng vệ tinh thì mới phải xin phép chính quyền Việt Nam. Còn đây không phải một chương trình phát sóng qua Internet, phát sóng vệ tinh mà chỉ là chương trình được làm bằng video clip ngắn từ 7-12 phút và được post trên nhà cung cấp dịch vụ Youtube của Hoa Kỳ thôi. Cho nên theo bất kỳ luật lệ của Việt Nam thì không có điều chỉnh hành vi này. Do vậy không phải xin phép và không phải là hành vi cấm. Theo tinh thần Hiến pháp Việt Nam thì công dân được làm bất kỳ những gì mà Hiến pháp không cấm, nên kênh truyền hình Lương tâm TV không phải xin phép ai cả.
Ở Việt Nam người ta đã sử dụng để đưa lên những clips về cuộc sống gia đình của họ hoặc quay những clip phản ánh cuộc sống bên ngoài xã hội như những hiện tượng ngập lụt, tại nạn giao thông hay xô xát trên đường… Đó là chuyện rất bình thường hằng ngày của bất kỳ một công dân hay tổ chức nào ở Việt Nam mà không cần phải xin phép bất kỳ ai.”
Nhà báo Phạm Thành cũng có chung nhận định:
“ Bởi vì Hiến pháp qui định rằng quyền tự do tư tưởng, quyền ngôn luận là quyền của mọi công dân. Có điều cộng sản họ ‘ma bùn’ đưa ra những qui định chống lại Hiến pháp như điều 88… hay những điều luật khác không cho nhân dân bày tỏ chính kiến, tư tưởng mà thôi!”
Nhóm những người tham gia Lương Tâm TV bị buộc đi làm việc trong ngày 23 và 24 tháng 9 vừa qua hầu hết là những người tuổi đời còn rất trẻ. Họ lớn lên và học tập dưới ‘mái trường xã hội chủ nghĩa’. Thế nhưng những điều được giảng dạy trong nhà trường không còn là chân lý bất biến đối với họ nữa. Chính thời đại công nghệ thông tin với Internet và những công cụ mạng hiện nay giúp họ có được những nguồn thông tin đa chiều để đối chứng, và họ dần nhận chân được những điều đúng- sai. Qua đó họ dấn thân vào hoạt động nêu lên sự thật bằng một kênh truyền thông không nằm trong hệ thống chỉ đạo của nhà nước.