Chủ nhật ngày 22 tháng 5 năm 2016 sẽ là ngày bầu cử Quốc hội khóa 14. Tuy chưa tới tháng 5 nhưng dư luận lại đặc biệt theo dõi nguồn tin TS Nguyễn Quang A là người đầu tiên dấy lên phong trào người dân tự ứng cử vào Quốc hội lần này, bất kể việc ứng cử của mình có bị gạt ra ngoài như thường thấy trước đây hay không.
Hình thức dân chủ duy nhất
Ở Việt Nam, Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có thể gọi là hình thức dân chủ duy nhất vì trên danh nghĩa thì người dân tự cầm lấy lá phiếu mà họ chọn để thực hiện quyền làm chủ của mình.
Tuy nhiên từ cuộc bầu cử đầu tiên cho đến nay, sau 13 lần mỗi lần 5 năm, các cuộc bầu cử đều được định hướng từ Bộ chính trị thông qua Mặt trận tổ quốc trung ương bởi thuật ngữ hiệp thương, chọn một đảng viên nào đó để dân chúng tự tay cầm lá phiếu có tên người được đảng chọn ấy bỏ vào thùng phiếu và xem đó là việc thực hiện dân chủ.
Pháp luật đề cao vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam vì nó là chủ thể duy nhất có quyền lập danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ba lần hiệp thương trước khi một nhân vật nào đó được công bố cho thấy bộ lọc của Đảng trước việc tổ chức nhân sự cho cuộc bầu cử rất quan trọng. Từ đó người ta thấy được rằng ngay cả một đảng viên cốt cán cũng không thể tự ứng cử huống gì một người ngoài đảng.
Pháp luật quy định việc tự ứng cử của công dân nếu đủ điều kiện về độ tuổi, năng lực và sự tín nhiệm của cử tri sẽ được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu về các nơi ở và nơi công tác để họ được góp ý trước khi được mặt trận tổ quốc hiệp thương lập danh sách ứng cử viên chính thức.
Thực tế cho thấy tại các nơi mà Mặt trận tổ chức, mục tiêu duy nhất là tiêu diệt từ trong trứng nước các ý định tự ứng cử của một công dân. Bài học về các buổi đấu tố này đã xảy ra với nhiều người trước đây, nổi bật và được biết nhiều nhất là trường hợp của Luật sư Lê Quốc Quân, em trai của LS Quân là anh Lê Quốc Quyết kể lại:
Cái chuyện của anh Quân cũng hay lắm! Anh Quân thuộc tổ 6 nhưng họ lại đưa sang tổ 12 để lấy ý kiến của tổ dân phố. Trong tổ 12 đấy họ đưa lên họp ở lầu hai và họ chặn cầu thang lầu một! nếu ai quen biết và ủng hộ anh Quân thì đều không được lên lầu hai còn những người đã quán triệt không ủng hộ việc này thì họ cho lên!
Luật sư Lê Công Định cũng là một nạn nhân của cái gọi là hội nghị cử tri này. LS Định bị đấu tố, sách nhiễu khi tự ứng cử vì ông bị cáo buộc có những bài viết chống phá nhà nước, LS Định kể lại trường hợp của mình:
Trong cả hai lần hiệp thương nơi cư trú và nơi làm việc họ đều công kích tôi về tinh thần ủng hộ dân chủ, đa nguyên đa đảng. Họ nói tôi viết nhiều bài tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa mà cuộc bầu cử quốc hội là cuộc chọn những người đại biểu nhân dân. Họ cho những người tôi không biết mặt ở nơi tôi cư trú đến. Họ cử những người an ninh đến để nêu các vấn đề chính trị và tư tưởng để công kích tôi. Tuy rằng mình không đồng ý điều đó nhưng trong biên bản họ ghi luôn những ý kiến công kích mình!
TS Nguyễn Quang A dĩ nhiên hiểu rất rõ cách mà MTTQ sử dụng để buộc ứng viên bỏ cuộc nhưng theo ông, lời kêu gọi tập trung 5.000 chữ ký của người dân khắp nơi ủng hộ cho ông ứng cử sẽ là chiếc đòn bẫy hất tung những mưu mô từ trước tới nay mà MTTQ dùng để đẩy ứng viên độc lập ra khỏi mọi cuộc bầu cử trước đây:
Trong khâu ứng cử gọi là hiệp thương mà thực sự là cái bẫy để người ta loại người tự ứng cử ra. Người ta tổ chức cái hội nghị cử tri, khoảng 50 tới 100 người, họp và kéo người của người ta tới không biết họ có phải là cử tri ở cái khu ấy hay không, nhưng họ đến đấy về cơ bản là để đấu tố những người tự ra ứng cử để rồi người ta cho là không được tín nhiệm ở trong hội nghị thì coi như loại luôn.
Mục tiêu tôi kêu gọi chữ ký là để gây áp lực xã hội này nói rằng các ông phải cẩn thận, cái tiếng nói gọi là hội nghị cử tri do chính hệ thống này nó thiết kế ra để loại những người họ không muốn, sẽ bị lật tẩy. Tôi cũng khuyên tất cả những người tự ứng cử nên lấy ý kiến ủng hộ của cử tri cho việc ứng cử của mình. Đây không phải là những người bỏ phiếu, đây cũng không có giá trị pháp lý gì cả nhưng nó có giá trị tinh thần, có giá trị đạo đức để gây áp lực với các cái mẹo của chính quyền. Nếu họ vẫn tiến hành làm những việc như thế thì số liệu và những bằng chứng về các diễn tiến của hội nghị cử tri chúng tôi sẽ kêu gọi anh em đến và ghi hình tất cả các hành động đấy và đưa lên mạng công khai để cho người dân biết.
Tự ứng cử sẽ thất bại?
Cùng với TS Nguyễn Quang A là nhiều người khác hưởng ứng phong trào tự ứng cử để chứng tỏ quyền công dân của mình, trong đó có Nguyễn Kim Anh, một trí thức rất trẻ công bố ý định tự ứng cử của cô. Trao đổi với chúng tôi về việc này Kim Anh cho biết:
Thực ra với cái cơ chế bầu cử chính trị tại Việt Nam hiện nay, đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo thì một cá nhân không phải là đảng viên tự ứng cử sẽ là thất bại. Tuy nhiên việc tự ứng cử có một ảnh hưởng không nhỏ vì được tham gia váo việc điều hành đất nước của người dân vốn dĩ đã bị chôn vùi hơn 40 năm qua. Chính trị quyết định đến mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…và người dân họ phải biết được mình đang bầu cho ai và người đó có xứng đáng là người lãnh đạo quốc gia hay không và có đưa đất nước phát triển hay không hay là thụt lùi so với thế giới.
Nếu mình tự ứng cử mà họ gạt ra thì chứng tỏ họ chỉ nói suông và họ muốn độc quyền lãnh đạo thôi và họ muốn thu tóm mọi thứ. Nếu như ông Trọng nói “dân chủ đến thế là cùng” thì không biết dân chủ ở chỗ nào. Đó là cái mà mình đang tự ứng cử để chứng minh cho mọi người thấy là dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Việc tự ứng cử này không phải là để chống phá nhà nước hay phá hoại sự ổn định của đất nước mà là xây dựng một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam, cái mà mọi người dân đều xứng đáng được có.
Bên cạnh sự ý thức của toàn dân về vấn đề bầu và ứng cử, không thể thiếu việc kích hoạt sự năng động của các tổ chức xã hội dân sự, vốn đang nẩy nở nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm qua. Anh Nguyễn Anh Tuấn, người luôn cổ vũ cho vai trò của xã hội dân sự chia sẻ:
Tôi rất là ủng hộ việc này. Bởi vì nếu không có bất kỳ ai tham gia ứng cử, không có bất kỳ ai tham gia giám sát tiến trình bầu cử thì theo luật bầu cử hiện nay không thể nào chúng ta kiểm tra được những sai sót, hạn chế mà mình phải đấu tranh để sửa đổi nó cho nó tốt hơn. Do đó tôi rất ủng hộ việc này mặc dù biết nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Chắc chắn những vòng hiệp thương tới đây sẽ gây khó khăn cho các ứng viên tự ứng cử như bác Nguyễn Quang A. Rõ ràng mình đều biết những người đứng đầu Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như đứng đầu Mặt trận tổ quốc, là đơn vị tổ chức bầu cử thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam, dĩ nhiên nó sẽ tạo ra bối cảnh không được thuận lợi cho những người tự ứng cử.
Nếu như khối xã hội dân sự của Việt Nam đủ năng động thì họ sẽ bám sát vào tiến trình bầu cử để chỉ ra nó có những hạn chế gì và sau đó có những hoạt động để cải thiện những hạn chế đó. Chẳng hạn giám sát bầu cử, đảm bảo số lượng người đến bầu cử tương ứng với số phiếu. Tiếp cận vào những phòng kiểm phiếu để trực tiếp giám sát quá trình kiểm phiếu xem có chính xác hay không. Than gia tiến trình Mặt trận tổ quốc hiệp thương để đảm bảo rằng họ không dùng hiệp thương giống như công cụ để loại những người họ không thích. Đây là phép thử cho sự năng động của xã hội dân sự Việt Nam.
Nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau, việc tự ứng cử là hành động bình thường ở mọi nơi trên thế giới, nó nói lên đầy đủ sự vận hành của một thể chế dân chủ.