Tranh chấp biển đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế

0:00 / 0:00

Ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa, vào sáng ngày 10 tháng 7 có cuộc nói chuyện tại Câu lạc Bộ Báo chí Nước ngoài ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Gia Minh có mặt và tường trình về phần nội dung ông này đề cập đến tình hình tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và việc khối ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận trong thời gian đến sẽ bàn về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, CoC.

Thúc đẩy niềm tin - tăng tiến an ninh

Vấn đề tranh chấp lãnh hải tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông được ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa nêu ra như là mối quan tâm lớn thứ hai trong khu vực Đông Á, Thái Bình Dương đối với khối ASEAN ngoài vấn đề tại bán đảo Triều Tiên như là mối quan tâm thứ nhất. Theo ông đây là vấn đề không phải mới là mà thực tế của cuộc sống chính trị.

Trong phần trình bày của ông về tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông, ngoại trưởng Marty Natalegawa cho rằng trước mối đe dọa đó cần thiết phải nổ lực tăng cường sự hiểu biết chung về cam kết căn bản trong việc giải quyết vấn đề chủ quyền chồng lấn, tranh chấp lãnh hải thông qua đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông cho rằng đó không phải là một yêu cầu gì lớn lao lắm và cũng không thể là một yêu cầu lớn; đó là một thúc đẩy niềm tin và tăng tiến an ninh. Ông nói rằng có thể thấy hiện nay là nước này đang thử chủ định của nước kia, thăm dò xem phía kia phản ứng thế nào, xem nếu phía kia giương cờ cách này hay cách khác, tạo nên vấn đề và tình huống trên bờ hay ngoài biển…

Theo ngoại trưởng Indonesia những tranh chấp có thể thương thảo qua đàm phán, đối thoại cho dù có phải mất nhiều thập niên. Ông nêu ra trường hợp với Việt Nam, một trong những nước có ranh giới biển với phía Indonesia, phải mất đến 30 năm mới có thể giải quyết. Ông cho rằng tiến trình thương thảo, đàm phán và kết quả đạt được có tầm quan trọng như nhau. Để đi đến kết quả phải qua tham vấn, thảo luận vấn đề. Việc giải quyết những tranh chấp như thế tiên quyết cần có cam kết nếu muốn bảo đảm cho khu vực được an toàn và ổn định.

Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.

Ông Marty Natalegawa cho rằng xét về tình hình hiện tại, thì phép thử là vấn đề Biển Đông. Từ năm 2011, sau hơn 10 năm không có tiến triển gì về qui định hướng dẩn thực hiện Bản Tuyên bố về Quy tắc ứng xử tại khu vực đó; nay đã có tiến triển qua việc có thể tiến đến xác định được những yếu tố cho một Bản Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông. Ông nói rằng ASEAN đang trong quá trình đưa Trung Quốc tham gia vào việc soạn ra dự thảo cho Bản Quy tắc Ứng xử đó. Ông nhắc đến thắc mắc cho rằng rằng đó có phải là đàm phán chính thức hay không; chỉ là tham vấn thôi hay là thương thảo… Ông cho rằng bản thân ông tin nên để cho quá trình diễn tiến một cách tự nhiên, không có sự cưỡng bức phía nào miễn là có được dịch chuyển nào đó nếu chưa có được tiến triển. Tuy nhiên công việc đó rất quan yếu. Ông cho biết sẽ có cuộc gặp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Hua Hin, Thái Lan từ ngày 2 tháng tới, và sau đó là cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và Khối ASEAN về cùng chủ đề CoC.

Bản thân ngoại trưởng Indonesia nói rằng rất mong muốn Bản Quy Tắc Ứng xử tại Biển Đông có được tiến triển trong năm nay; tuy nhiên ông không nói là có thể kết thúc trong năm nay, dẫu thế ít nhất cũng đạt được tiến triển. Không phải đưa ra một Bản Quy tắc Ứng xử hoàn chỉnh, mà bắt đầu đưa ra những yếu tố cho một Bản Quy tắc Ứng xử tương lai. Hiện một yếu tố được đưa ra là đường dây nóng liên lạc giữa Indonesia và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Việt nam. Ông cho rằng việc đó có thể thực hiện ngay khi chưa có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử thực sự.

Quan ngại thiện ý của Bắc Kinh

Một câu hỏi liên quan đến tình hình tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông mà như ông ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia đưa ra là vẫn còn có những quan ngại được nêu lên khi phía Trung Quốc tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN lần thứ 46 ở Brunei đồng ý bàn thảo về CoC. Thế nhưng trong thực thế những gì họ thực hiện tại khu vực Biển Đông gây nên quan ngại về thiện ý của Bắc Kinh. Thế rồi đường 9 đoạn của phía Trung Quốc tác động gì đến tiến trình đàm phán CoC.

Trả lời cho câu hỏi này, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nhắc lại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hồi năm ngoái tại Kampuchia gây nên một trải nghiệm khó khăn cho nhiều phía, đó là lần đầu tiên mà ASEAN không thể đưa ra một thông cáo chung. Nhiều người còn nhớ lại biết bao vấn đề trong quá khứ mà ASEAN phải giải quyết, nhưng chưa bao giờ phải thất bại không đưa ra được một thông cáo chung như thế. Do đó, thất bại hồi năm ngoái tạo nên một cảnh giác và tiếng chuông thức tỉnh là không để cho tình trạng như thế xảy ra nữa. Đó là lý do vì sao chỉ ít ngày sau đó, Indonesia đã nhanh chóng giúp bảo đảm thiết lập lại sự đoàn kết của ASEAN thông qua nguyên tắc 6 điểm bởi lẻ điều tiên quyết cần có sự đoàn kết ASEAN nhằm đưa đến tiến triển. Và kể từ đó đã có tiến triển. Ông ngoại trưởng Indonesia nhắc lại, vào thời điểm này năm ngoái, ASEAN gặp phải một số khó khăn: Trung Quốc công khai bác bỏ quan điểm bàn về Bản Quy tắc Ứng Xử tại Biển Đông, CoC. Hiện nay ASEAN đoàn kết hơn, CoC đang trong quá trình được bàn thảo. Theo ông như thế ASEAN đang trong tình trạng tốt hơn trước.

Theo ông thì vào lúc này hay lúc khác có sự khác biệt giữa những điều được bàn thảo tại phòng họp đầy tiện nghi với những gì diễn ra trong thực tế ngoài biển.

Ông nói đến hai lựa chọn hiện thời: hoặc là chỉ than phiền, ta thán và không làm gì cả, cứ để cho mọi chuyện diễn biến ngoài biển, bất chấp tình thế; hoặc vẫn có hành động khi mà tình hình thực tế dường như hoàn toàn không dính dáng gì hay hoàn toàn không thể chấp nhận được xét theo những cam kết chính trị đã được đưa ra; để bảo đảm cam kết và thực tiễn trở nên đồng bộ. Ông cho giải pháp thứ hai là giải pháp mà ASEAN đang theo đuổi.

Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia cho rằng khi tình hình trong thực tế xảy ra không như mong muốn, với đường dây nóng liên lạc, các bên liên quan có thể bắt phone lên ngay và nói với phía kia hãy xem chuyện gì đang xảy ra ngoài biển, tại sao lại hành xử như thế khi có nói rằng sẽ phải tuân thủ theo CoC. Ông cho biết có khi để đạt được lợi thế tại bàn đàm phán, một số quốc gia tạo nên những dữ kiện thực địa trước khi đàm phán. Nhưng cách để tập trung và tránh diễn tiến như thế là tiếp tục và thúc đẩy cho công tác chính là đạt được thỏa thuận. Ông ngoại trưởng Indoensia nói rằng Bản Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông không phải là chiếc đũa thần, nó không thể làm phép giúp giải quyết những vấn đề cơ bản, cho nên vấn đề đường đứt khúc chín đoạn được đưa ra là một chuyện quan trọng. Indonesia không phải là một bên tranh chấp tại khu vực Biển Đông, cho nên cùng với Thái Lan đang thực hiện nhiệm vụ điều phối và cố thực hiện vai trò tạo điều kiện thuận lợi. Hình thức duy nhất là tất cả phải đóng góp, tạo điều kiện cho tiến triển cho công tác thực hiện được về bản quy tắc ứng xử tại Biển Đông, CoC.