Khi lạm phát cao hơn tăng trưởng

0:00 / 0:00

Số liệu lạm phát mới được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần trước cho thấy, lạm phát tháng 4 xuống thấp nhất trong vòng 7 tháng qua và cũng là mức thấp nhất trong vòng 9 năm, xuống mức 6,61% và cả năm khoảng 7%.

Đây liệu có được xem là tín hiệu đáng mừng hay không, khi tốc độ tăng trưởng của năm nay được dự đoán chỉ ở mức 5,5%?

Chính phủ: nhiều dấu hiệu bi quan

Cùng với những thông tin về lạm phát và tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng cũng cắt giảm lãi suất chiết khấu từ 8% xuống 7%, đây là lần cắt giảm liên tục thứ 7 chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, một động thái mà Chính phủ muốn ngân hàng tăng cho vay và kích thích tiêu dùng, sau khi nền kinh tế rơi vào tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm, ở mức 5.03% toàn năm 2012.

Điểm đáng nói ở đây là tốc độ lạm phát giảm không phải do một chính sách đúng đắn, bởi theo phân tích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi thì "chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt."

Chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt. - Ô. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội<br/>

Với nhận định do mất mãi lực chi tiêu nên giá tiêu dùng sụt giảm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích có nhiều điểm tương đồng với nhận xét của ông Bùi Sỹ Lợi:

“Số doanh nghiệp phá sản tăng thêm nữa, tình hình hoạt động kinh tế bị đình đốn. Chúng ta thấy rằng có hàng triệu người bị thất nghiệp, mất mãi lực mua bán và các doanh nghiệp bị tồn kho rất nhiều, bán hàng không được, tung ra bán không ai mua, bán một mua một cũng không ai mua, bởi vì dân chúng không còn tiền nữa, trong nền kinh tế không còn sức mua nữa.”

Lạm phát năm nay Chính phủ đang phấn đấu khoảng 7%, là một con số đẹp, song điều đó không đáng ngại bằng sức mua và khả năng chi trả của nền kinh tế nội địa bị thu hẹp.

Dưới góc độ vĩ mô, Ủy ban kinh tế của Quốc hội hồi tháng trước khi đánh giá về triển vọng kinh tế đã không ngần ngại đúc kết "thực tế cho thấy, tốc độ quay vòng của tiền tệ đã bị chậm đáng kể, phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế và sự sụt giảm lòng tin của thị trường".

Một chợ nhỏ ở Hà Nội hôm 28/04/2013. RFA PHOTO.
Một chợ nhỏ ở Hà Nội hôm 28/04/2013. RFA PHOTO.

Trong đó bản báo cáo phân tích tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu, dòng tín dụng “bị kẹt” do nợ xấu, dù tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng cao và tính thanh khoản khá dồi dào.

Trên cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế bị hụt hơi một cách đáng kể, do đó lạm phát thấp khá dễ hiểu, nguyên nhân chủ chốt: người dân cạn kiệt tiền để chi tiêu, còn tốc độ vòng quay tiền tệ cung ứng cho doanh nghiệp lại đình trệ, vì thế số doanh nghiệp “chết lâm sàng” tăng không ngừng là điều khó tránh khỏi.

Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế sáng 26/4, nguyên Thống đốc Ngân hàng Cao Sỹ Kiêm đã không e ngại khẳng định "tình trạng nền kinh tế từ 2010 đến nay ngày càng đi xuống."

Người dân: phải cắt giảm chi tiêu

Trong khi lạm phát được đánh giá là thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế lại còn thấp hơn, những hình ảnh này được thấy khá rõ qua những chia sẻ về cuộc sống khó khăn của người dân và tình cảnh bấp bênh của các doanh nghiệp đang hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, chủ một doanh nghiệp về sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tân cho biết:

“Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có chính sách giảm lãi suất, đó cũng được coi là tin mừng của nền kinh tế, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp của chúng tôi tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp ấy thì vẫn còn rất khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì lượng tiền gửi vào nhiều, nhưng không hiểu vì lý do gì mà việc DN tiếp cận vay lãi suất khó khăn. Phải chăng có câu hỏi đặt ra là Ngân hàng Nhà nước tổ chức các cuộc đấu thầu vàng và các Ngân hàng Nhà nước cũng rất hăng say với chương trình đấu thầu vàng.

Chi tiêu hàng ngày thôi, chứ còn không dám nói đến mua sắm đồ đạc nữa, cho nên cuộc sống bây giờ rất phải tằn tiện.- Bà Thu Hồng, Cầu Giấy-Hà Nội<br/>

Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại vẫn mải mê theo đuổi cơn sốt vàng, có lẽ vàng mới mang lại hiệu quả to lớn cho các ngân hàng, mà họ quên mất rằng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp là hỗ trợ cho nền kinh tế. “

Trong khi đó, bà Thu Hồng, nhà ở quận Cầu Giấy cũng cho rằng, do tình hình kinh tế không mấy sáng sủa nên bản thân hai vợ chồng với khoảng 5 triệu đồng/tháng lương hưu, cũng phải cắt giảm nhiều khoản chi cho gia đình, bà cho biết:

“Tôi đi làm đã hơn 30 năm, bây giờ về hưu, đồng lương hưu nói chung không đủ cho cuộc sống này, hai vợ chồng cùng về hưu, lương hưu chỉ có hơn 5 triệu mà đủ mọi thứ tiền, nào là tiền điện, tiền nước, tiền ga…

Rồi cho đến những tiền như xem vô tuyến, tiền này tiền kia, đến lúc cầm đồng tiền đi chợ thì như bị mất cắp.

Đó là chi tiêu hàng ngày thôi, chứ còn không dám nói đến mua sắm đồ đạc nữa, cho nên cuộc sống bây giờ rất phải tằn tiện.”

Giải pháp cho thời gian tới?

Người dân thắt chặt hầu bao, doanh nghiệp thì hạn chế đầu tư mở rộng, vì thế, bức tranh chung toàn bộ nền kinh tế vĩ mô xem ra cũng không sáng sủa hơn nhiều.

Trong diễn đàn kinh tế Mùa xuân mới đầu tháng tư, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển không ngần ngại tổng quát "doanh nghiệp bi quan, nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng không sẵn sàng chi tiêu nên tổng cầu và tổng cung năm nay khó cải thiện."

Cũng tại cuộc họp này, T.S Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tình hình kinh tế hiện tại rất chậm được cải thiện, nếu không nói là có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện, niềm tin vào sự vững chắc và triển vọng nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng vẫn còn rất yếu.

Theo T.S Thiên thì Việt Nam sẽ còn tiếp tục bất ổn nếu cứu loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn, thay vì tạo ra thay đổi thực sự trong cơ cấu.

Chỉ rõ về những nhược điểm còn tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam năm 2013 và cần phải có những biện pháp giải quyết cụ thể, T.S Ngô Trí Long trong một lần trả lời với phóng viên Nam Nguyên của đài chúng tôi trước đây đã phân tích:

“Dự báo 2013 thì Việt Nam gặp một loạt những thách thức khó khăn mà đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý rất cụ thể.

Thách thức thứ nhất là lạm phát có khả năng vẫn còn tiềm ẩn.

Thứ hai là nợ xấu vẫn ở mức cao. Thứ ba là hàng tồn kho lớn đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản gây một ách tác rất lớn.

Thứ tư thì niềm tin vào thị trường cũng đã giảm thấp. Thứ năm là các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn và sức mua giảm xuống rất thấp.

Vấn đề cuối cùng là Việt Nam còn chịu áp lực đột biến của thế giới với tác động mạnh mà sức chịu đựng thì chưa cao, phản ứng chưa cao.”

Có thể thấy kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, nhưng cần phải có sự cân đối và đồng bộ trong cả chính sách tiền tệ và tài khóa, đặc biệt là cần giảm độc quyền trong kinh doanh, vì đây là nhân tố quan trọng gây tăng giá như giá điện, xăng dầu, giáo dục, y tế… và rất có thể tới đây là điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Riêng về chính sách tiền tệ và tài khóa, theo các chuyên gia kinh tế một trong những chính sách tiền tệ quan trọng là tăng mua ngoại tệ, bởi đây là biện pháp tăng cung tiền đồng cho nền kinh tế một cách lành mạnh và khả thi, cũng như vẫn giữ tỷ giá ổn định.

Trong khi đó, về chính sách tài khóa, các nhà cố vấn khuyến nghị rằng tiếp tục giảm thuế và phí để tào điệu kiện cho khu vực tư nhân có thêm những khoản tiền đầu tư, mở rộng sản xuất, như vậy mới góp phần cho sự tăng trưởng một cách bền vững và dài hạn.

Những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuầnOpens in new window ]