Lạm phát ở Việt Nam từng ở mức cao nhất tại Á Châu vào năm 2011; sang năm sau, với những biện pháp thắt chặt tiền tệ nghiêm khắc, mức lạm phát đã giảm xuống còn một con số. Để tiếp tục ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát được xem là một trong những quyết sách hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2013.
Kiềm chế và kiểm soát
Bên cạnh ngăn chận lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là một công tác cần nhiều quan tâm tại Việt Nam hiện nay, tuy nhiên khó có thể đáp ứng cả hai trong cùng một thời điểm. Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), vấn đề được xem xét như sau:
“Theo chỉ tiêu Quốc Hội đặt ra và sau đó được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 01 của Chính phủ. Năm nay sẽ cố gắng tăng trưởng kinh tế cao hơn một chút, so với năm ngoái. Tức tăng trưởng năm ngoái đạt 5%, năm nay cố gắng đạt trên 5,5%. Còn về lạm phát thì cố gắng kiềm chế dưới mức của năm ngoái một chút. Lạm phát của năm ngoái là 6,81%, năm nay mình sẽ kiềm chế trong khoảng 6,5%.
TS Lê Quốc Phương
Như vậy, mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn cũng không thể quá khó được; bởi mục tiêu chúng ta đặt ra không quá cao. Nhưng với điều kiện, chúng ta phải điều hành rất chặt chẽ và rất quyết liệt đối với lạm phát.”
Mức lạm phát thấp trong năm 2012 một phần lớn do yếu tố tổng cầu suy yếu. Hiện nay, tiêu dùng nội địa chưa có dấu hiệu phục hồi sau khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất hơn 10 năm trở lại đây. Căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức lạm phát sau 2 tháng đầu năm nay đã tăng gần 2,6%. Tức dư địa lạm phát theo kế hoạch chỉ còn khoảng 3,4% chia cho mười tháng còn lại trong năm.
Từ góc độ khác, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu là như sau:
“Tôi cho rằng, mục tiêu ưu tiên thứ nhất vẫn là duy trì kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Đó là mục tiêu bất biến trong năm 2013 này. Còn mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2012, mà hiện nay đặt mục tiêu cụ thể là khoảng 5,5% thì thực ra đó không phải là mục tiêu quá cao. Nếu để thực hiện mục tiêu đấy, cũng không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề kiềm chế lạm phát. Tôi cho rằng, vấn đề lạm phát trong năm 2013 sẽ đến từ những khía cạnh khác nhiều hơn là đến từ khía cạnh nỗ lực tăng trưởng, mặc dù vấn đề này từng gây ra lạm phát trong thời gian trước đó.”
Phụ thuộc thế giới
Bên cạnh những nguyên nhân nội tại, các diễn biến kinh tế thế giới như giá cả các mặt hàng nhập khẩu, giá dầu mỏ biến động có ảnh hưởng nhiều đến tình trạng lạm phát của Việt Nam. Kết quả xuất siêu năm ngoái Việt Nam có được, một phần do hưởng lợi từ việc giá nhập khẩu tương đối ổn định. Theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương, vấn đề được nhận định như sau:
“Hiện nay Việt Nam là một nước xuất nhập khẩu lớn, nền kinh tế có độ mở rất cao. Trong điều kiện như vậy, Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới. Phải nhập khẩu từ phân bón cho đến nguyên vật liệu may mặc, linh kiện điện tử… Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là nền kinh tế gia công xuất khẩu. Kinh tế thế giới chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Giá thế giới năm nay sẽ như thế nào? Theo nhận định của cá nhân tôi và một số chuyên gia quốc tế, trong năm 2013, hầu hết các nước đều tung ra các gói kích cầu. Với các gói kích cầu được tung ra như thế thì ít nhiều cũng gây sức ép lên lạm phát, tuy nhiên các chính phủ trên thế giới cũng tiến hành rất thận trọng. Do vậy, tác động lên hàng hóa thế giới mà Việt Nam phải nhập khẩu vào, năm nay cũng bị ảnh hưởng phần nào đến tình trạng lạm phát nhưng không lớn.”
Mặt hàng xăng dầu trong nước đang đứng trước áp lực điều chỉnh giá, trong bối cảnh xăng dầu thế giới đang ở giai đoạn cầu bắt đầu lớn hơn cung. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang báo cáo lỗ khoảng gần 2.000 đồng/lít. Tại thời điểm này, chỉ cần tăng giá khoảng 1.000 đồng/lít xăng thì sẽ làm tăng lạm phát lên hơn 1%.
Giải pháp ngắn hạn, dài hạn
Về một giải pháp khả dĩ đáp ứng được yêu cầu kiềm chế lạm phát nhưng vẫn tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, cần có những thay đổi từ cách nhìn nhận vấn đề, với những chính sách dài hạn và ngắn hạn khác nhau:
“Vấn đề của Việt Nam đối với riêng lạm phát có hai chuyện. Chuyện thứ nhất là câu chuyện về dài hạn là chắc chắn phải tái cơ cấu hay cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời là thay đổi mô hình tăng trưởng để vừa có thể có tăng trưởng cao. Đồng thời tăng trưởng cao phải gắn với ổn định bền vững, tức là không đi kèm với lạm phát cao. Việc này chỉ thực hiện được khi thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả và năng suất; không dựa vào việc tăng vốn hay phát triển theo chiều rộng như thời gian vừa qua.
Trong ngắn hạn về kiềm chế và kiểm soát lạm phát, thứ nhất là không ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và không tăng trưởng bằng mọi giá. Nhận thức này nhằm tránh tình huống vì nỗ lực tăng trưởng mà tạo ra lạm phát, thậm chí là lạm phát cao.”
TS Vũ Đình Ánh
Để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, các gói hỗ trợ có nhiều khả năng được thực hiện. Trong năm 2013, để giải quyết hàng tồn kho, ách tắc trong ngành kinh doanh bất động sản… việc đẩy mạnh vốn ra thị trường đã được tính đến. Các hoạt động bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước sẽ kích thích đà tăng của giá hàng hóa, áp lực gia tăng lạm phát xuất hiện. Nhưng nếu siết chặt tín dụng, kinh tế sẽ không thể phục hồi.
Sau 2 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng đã giảm xuống âm; cả nước có hơn 8 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập. Diễn biến chung cho thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam đang còn nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2013. Riêng các quan ngại về lạm phát năm nay, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh có nhận định:
“Trong ngắn hạn, lo ngại về kiềm chế và kiểm soát lạm phát trong năm 2013, chủ yếu liên quan ít nhất hai nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất liên quan tới các biện pháp nhà nước can thiệp vào thị trường, vào giá cả của các nguyên vật liệu thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu… Vấn đề này gắn với câu chuyện về cách thức quản lý cũng như vận hành của các doanh nghiệp nhà nước mà hiện nay họ đang chi phối thị trường.
Nhóm thứ hai có thể gây ra lạm phát trong ngắn hạn là các biện pháp về xử lý nợ xấu, các biện pháp về hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh kích thích thị trường… Nếu như tiến hành các biện pháp đó dựa trên việc bơm tiền, và thậm chí là bơm tiền ồ ạt thì có thể sẽ gây ra lạm phát.”
Nguyên nhân sâu xa của lạm phát ở Việt Nam xuất phát từ cơ cấu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn và năng lực điều hành. Do đó, tình huống xảy ra lạm phát cao vẫn là một nguy cơ rất thực, một khi chương trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực hiện được rốt ráo.
Để giải quyết được bài toán vừa chống suy thoái lẫn ngăn chận gia tăng lạm phát, quả là không đơn giản, đòi hỏi phải nhiều thận trọng từ công tác điều hành vĩ mô.