Người dân đối phó lạm phát như thế nào?

Lạm phát tại Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến đời sống và người dân đối phó ra sao?

0:00 / 0:00

Trước tình hình lạm phát không ngừng tăng, rồi được nghe báo đài nói hoài về những biện pháp do nhà nước Việt Nam ráo riết thực hiện hầu kiềm chế lạm phát, kết quả cụ thể thì chưa nhìn thấy mà vật giá, nhu yếu phẩm cứ nhích lên đều đều. Người dân có suy nghĩ gì, đối phó ra sao, mong ước thế nào?

Thắt lưng, buộc bụng

Các chuyên gia kinh tế , tài chánh, kế hoạch đầu tư, ngân hàng nhà nước, quan chức cao cấp chánh phủ, nhà hoạch định chính sách, lâu nay vẫn nói nhiều về vấn đề lạm phát, mà tại Việt Nam, tỷ lệ đó đã vượt quá 2 con số, tức là trên dưới 12%.

Theo chánh phủ thì mục tiêu kềm chế rất khó khăn, phức tạp, phát sinh từ những bất cập của nền kinh tế , ưu tiên hàng đầu là phải giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, như giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh, gây tác động giây chuyền trên thực tế cũng như về mặt tâm lý. Nhất là sau các đợt tăng giá xăng, dầu, điện, gas, than, tăng tỷ giá ngoại tệ, tăng lãi suất tín dụng, kéo theo phần lớn hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống cũng không ngừng tăng theo.

Xăng dù có lên tới 100 ngàn một lít thì đường vẫn kẹt xe, tối vẫn đua xe như thường, ai khổ vẫn khổ ai sướng cứ sướng.

Ông Thạnh

Qua những câu chuyện với người dân thường trong nước thuộc thành phần công nhân, lao động, chỉ sống bằng tiển lương cố định, thì hàng ngày họ phải lo canh cánh trong lòng, vì phải đối phó với sự tăng giá liên tục của những món hàng hóa không thể thiếu trong cuộc sống, cho dù phải nhịn ăn, nhịn mặc, thắt lưng, buộc bụng thêm.

Từ miền Trung, ông Quý, một công nhân viên sắp đến tuổi nghỉ hưu nói về hoản cảnh thực tế trong sinh họat hàng ngày:

“Có nhiều biến động thấy ngộp thở về cuộc sống, trước đây nhà nước bảo không tăng giá xăng dầu, mới nói vậy thình lình lên cái đùng. Báo mới đăng nhiều cửa hàng xăng dầu bán rất hạn chế, nhỏ giọt, vì chỗ đó, nó cũng muốn thủ lợi. Người dân thì bị nhiều sức ép, phải è cổ mà chịu chứ biết nói làm sao? Nhịn được món nào thì nhịn, mà không nhịn được thì bắt buộc như con gà đưa cần cổ ra cho cắt, đành phải chấp nhận thôi. Còn tất cả những món mà nông dân cần như vật tư, về phân bón, thuốc trừ sâu, thứ gì cũng lên giá hết, bây giờ phải cố gắng, dốc tiền ra tức là phải bớt thu nhập của mình lại. Nói ở gốc độ người nông dân, buôn thúng bán bưng hay lao động nào cũng vậy, trong khuông khổ như vậy, phải ráng chịu thôi. Mình bây giờ như lò xo vậy, ép được thì cứ ép, mà lỡ khi nào lò xo nó bung trúng con mắt là đui, múc mắt.”

Vậy người dân mơ ước, hy vọng gì khi hướng đến tương lai, ông Quý bày tỏ:

DSC_0586-250.jpg
Kẹt xe ở TPHCM, ảnh chụp tháng 4 năm 2011. RFA PHOTO.

“Về con người thì mình chỉ mong tất cả những khoản chi của mấy ổng, là phải hợp lý, chứ đừng có kiểu tư túi riêng, dân khổ lắm rồi, giá cả nó lên, thì lên theo kiểu của quốc tế, mình phải ráng chịu, chứ không thể đứng ngoài, bởi vì hội nhập rồi. Mình đang phải đối phó với lạm phát mà cộng cả những tư túi riêng thì rắc rối, buồn phiền lắm, gánh càng thêm nặng, lâu nay là vậy thôi, chứ mình luôn hy vọng, hy vọng cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt hơn lên.”

Ông Hải, một công nhân ở Hậu Giang cho rằng dân nghèo thì dễ bảo:

“Tay làm không đủ nhai chứ đừng nói là tay làm hàm nhai, bây giờ ở đây nó như vậy, xăng dầu, các cái, cái gì cũng lên như vậy, làm sao mà ngoi lên được, người ta nói ‘dân giàu nước mạnh’ mà vấn đề là theo nhà nước mình thì đâu có thể làm giàu được, bình đẳng mà, người giàu cũng chẳng có bao nhiêu, còn người là động thì nói mới dễ nghe, anh giàu thì cứng đầu, nói đâu có nghe.”

Liệu cơm gắp mắm

Bà Chi, một nội trợ ở Thủ Đức kể lại là dường như người ta chỉ lo sống với hiện tại mà không màng gì đến tương lai:

“Bữa nay giá này, mai giá khác, thí dụ mình mua con cá hôm nay 20 ngàn, ngày mai lên 30, không biết làm mà sống, người ta sống ngày nào hay ngày đó, chứ không thể tính sao cho đời sống sao này được ổn định. Không có kế hoạch hay dự trù gì đó, chỉ có một nhóm nào họ có cuộc sống hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ người dân thật sự cũng ‘khố rách, áo ôm’ có thì xài không có thì thôi. Dân nói thì nói, chứ vật giá tăng thì họ đâu có làm cho tốt hơn được đâu, muốn ra sao thì ra, không thấy có biện pháp ngăn ngừa chỉnh đốn gì.”

Bên cạnh những âu lo, khó khăn, nhìn cuộc sống bằng một màu xám, thì cũng có một số người, mặc dù kiếm cơm không dễ, nhưng lại có một cái nhìn hoàn toàn khác, ông Thạnh ở vùng ngoại ô Sài Gòn nói:

Những món mà nông dân cần như vật tư, về phân bón, thuốc trừ sâu, thứ gì cũng lên giá hết, bây giờ phải cố gắng, dốc tiền ra tức là phải bớt thu nhập của mình lại. <br/>

Ông Quý<br/>

“Nói một cách cực đoan thì đúng là tiền trong dân còn nhiều lắm, xăng dù có lên tới 100 ngàn một lít thì đường vẫn kẹt xe, tối vẫn đua xe như thường, ai khổ vẫn khổ ai sướng cứ sướng. Vậy mà vẫn êm, nếu làm công nhân mà không xong, không sống nỗi thì nó ra rải đinh, đinh tặc đó, rải đinh cho người ta cán lên, cho té vô xe tải chơi, rồi bể bánh thì vô cho nó thay ruột vá xe với giá chặt cổ. Mấy ông chuyên gia kinh tế nước ngoài nói là tiền trong dân của mấy ông còn nhiều lắm, câu đó là chính xác. Về chỉ số của người dân hài lòng theo bài bản thì rất lạ lùng, dân tình vẫn rất hài lòng, về thành phố là khổ rồi, ra đường đi không nổi đâu, xe kẹt như rươi mà toàn xe đời mới, mấy nghìn đô một chiếc, xe hai bánh.Người ta ăn tô phở 40 ngàn, còn thằng nào khổ thì 2 vợ chồng nó, 2 đứa con, đi chợ chừng khoảng 25 ngàn, vẫn ăn được, vẫn sống được.”

Theo các chuyên gia độc lập thì lạm phát có hại chung cho mọi tầng lớp dân chúng, nhưng người nghèo và cận nghèo là thành phần xã hội phải gánh chịu nhiều hậu quả tệ hại nhất, cảnh túng thiếu bám sát họ triền miên, giới sống bằng tiền lương, có thu nhập khiêm nhường cũng luôn thấy xót xa khi nhìn thấy vật giá leo thang mãi, chỉ có những người giàu, những ông bà lớn mới dửng dưng trước tình trạng lạm phát, theo thuật ngữ kinh tế Việt Nam được gọi là “phi mã”.

Còn người dân thì cho các giải pháp chống lạm phát đó là “chữa cháy”, nói một đường làm một nẻo hoặc là cấp lãnh đạo không đủ năng lực, lèo lái “con thuyền quốc gia”, người ta e ngại, xem đó là những kế hoạch “vá víu, tạm bợ” ưu tiên trước mắt là cần phải có chiến lược ổn định và lâu dài cho đất nước.

Theo dòng thời sự: