Những phiên tòa bất công

Người dân có tranh chấp mà không thể giải quyết theo hướng thương lượng với nhau thì phải cậy nhờ đến cơ quan công quyền. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tại Việt Nam, công lý đã không được tòa thực thi.

0:00 / 0:00

Bị kết tội oan

Trong thời gian qua, tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành xử ba vụ kiện dân sự; thế nhưng kết quả tuyên án của tòa đối với ba vụ đó đều bị cho là không công minh.

Vụ kiện được nhiều người trong nước biết đến đó là vụ việc kỹ sư Lê Văn Tạch khởi kiện Công ty Toyota Việt Nam ra tòa án tỉnh Vĩnh Phúc về việc trù dập, gây áp lực tâm lý cũng như ra quyết định kỷ luật trái với luật lao động Việt Nam.

Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã hoãn xử vụ án đến hai lần. Và trong lần xét xử hồi ngày 5 tháng tư vừa qua lại hoãn tuyên bố bản án đến một tuần lễ sau khi xét xử.

Ngay sau phiên xử vào ngày 5 tháng 4, nguyên đơn là kỹ sư Lê Văn Tạch phát biểu:

"Thứ nhất là hồ sơ mà Công ty cung cấp cho Tòa Án để chứng minh Tổng giám đốc công ty mất rất nhiều thời gian do việc tôi phản ánh làm phiền đến ông đó. Và trong những buổi phải dành thời gian đó là phải đi làm việc với tòa án. Mà làm việc với Tòa là thời điểm mà tôi chưa nộp đơn khởi kiện ra tòa.

Thẩm phán thì nói là chưa biết được buổi làm việc giữa công ty và tòa án. Điểm thứ hai là việc mà Công ty cho là tôi phản ánh đến Tổng giám đốc, làm Tổng giám đốc ‘bị phiền’ thì theo qui định của Pháp Luật Việt Nam, trong Bộ Luật Lao động Việt Nam chưa có qui định làm phiền người khác phải đem ra xử lý kỷ luật…."

Một vụ án khác là vụ kiện của bà Nguyễn Thị Thu tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc về việc bị oan xuất phát từ chuyện bạo hành gia đình vì chồng ngoại tình khiến con gái bức xúc phải mang nước dơ tạt vào nhà ‘tình nhân’ của bố và là ‘tình địch’ của mẹ. Nhưng rồi bà Nguyễn Thị Thu bị các cơ quan chức năng về tố tụng và tòa ghép tội gây nên hành vi mà bà không hề thực hiện. Điều này được nhiều người dân khác làm chứng.

Hơn nửa tháng sau khi phiên xử sơ thẩm tiến hành, bà Nguyễn Thị Thu vẫn bày tỏ oan ức của bản thân:

Vụ việc của tôi quá oan. Họ tuyên 9 tháng không giam giữ cũng nhẹ, nhưng tôi không làm gì, tôi không có tội nên khi có án rồi, tôi kháng cáo lên cấp trên. Nhiều lúc ‘họ’ ép người kinh lắm.

Bà Nguyễn Thị Thu

"Vụ việc của tôi quá oan, tôi không có tội nên phải kháng cáo. Sự việc chỉ có con tôi, còn tôi không liên quan đến; nhưng khi tôi đến họ vu cho tôi và dựng hiện trường giả và gọi công an đến lập biên bản. Người dân chứng kiến và cả bản thân người ‘trong cuộc’ cũng nói là tôi không bước chân vào nhà của người đó.

Nhưng cuối cùng tôi cũng bị vu oan. Đầu tiên Tòa án băn khoăn mãi, xử ba lần, bảy tám ngày vẫn chưa tuyên được án. Họ tuyên 9 tháng không giam giữ cũng nhẹ, nhưng tôi không làm gì, tôi không có tội nên khi có án rồi, tôi kháng cáo lên cấp trên. Nhiều lúc ‘họ’ ép người kinh lắm."

Một vụ án khác cũng được đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là vụ bà Lê Thị Lý kiện chồng bạo hành đến nỗi phải nhập viện. Lý do phải kiện người từng ‘đầu gối, tay ấp’ là vì người chồng Nguyễn Tiến Thịnh thường xuyên đánh đập nguyên đơn trong tình trạng không mảnh vải che thân. Thế rồi ông Nguyễn Thế Thịnh còn có những hành vi như buộc bà Nguyễn Thị Lý phải xem video clip quan hệ ngoại tình cùng bồ. Ông này xé ảnh thờ của cha chị Nguyễn Thị Lý và đặt xuống ghế, rồi ngồi lên cười cợt, bắt mẹ vợ phải quỳ van xin. Không chỉ một mình ông Nguyễn Thế Thịnh mà mẹ của ông này và người nhà cũng từng tham gia cắt bỏ quần áo, đập bỏ tài sản của bà Nguyễn Thị Lý.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra và Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc hồi đầu tháng tư vừa qua đã có kết luận điều tra. Tuy nhiên những điểm đáng chú ý mà người khởi kiện nêu ra đã không có trong kết luận đó.

Tòa không công tâm

000_Hkg4764746-200.jpg
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. AFP photo (Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. AFP photo)

Các luật sư tham gia bào chữa cho thân chủ của họ trong ba vụ án vừa nêu tại tỉnh Vĩnh Phúc đều cho rằng phán quyết của tòa là không công tâm. Luật sư Phạm Văn Phất , người bảo vệ quyền lợi cho kỹ sư Lê Văn Tạch có ý kiến:

"Diễn biến phiên tòa khá dài, có nhiều điểm nhưng trong đó có điểm đáng chú ý mà chúng tôi phát hiện được là trong tài liệu phía Toyota cung cấp thể hiện là trước ngày mà nguyên đơn đưa đơn khởi kiện ra tòa thì Toyota đã làm việc với tòa án Thị xã Phúc Yên.

Theo họ buổi làm việc đó liên quan đến yêu cầu giải quyết vụ việc của anh Tạch. Theo tôi đó là rất không bình thường vì theo pháp luật Việt Nam thì tòa án là cơ quan tài phán mà chỉ khi có liên quan đến tố tụng mới trực tiếp làm việc với tòa."

Luật sư Trần Đình Triển, người nhận bào chữa cho hai vụ của Lê Thị Lý và Nguyễn Thị Thu cũng có ý kiến về mức độ công minh mà tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên với hai trường hợp bạo hành gia đình mà ông bào chữa vừa qua ở đó:

"Trong trường hợp của chị Lý thì quan hệ ngoại tình của người chồng với cô An thì trong hồ sơ có bằng chứng chứng minh việc đó. Ông Thịnh cũng đã làm đơn thừa nhận điều đó với chị Lý. Trưởng hợp của chị Thu ở Yên Lạc, được báo chí trong nước nêu lên rất nhiều, cũng tương tự. Đó là người chồng làm việc tại Sở Lao động- Thương binh- Xã hội có quan hệ với chị Hương, thợ may. Điều đó khiến hai gia đình mâu thuẫn và có những lần đánh ghen.

Thế nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương ở đó rất vô trách nhiệm. Họ chỉ giải quyết bằng ‘hòa giải’ hay ‘ngăn chặn’ thôi chứ không giải quyết bằng pháp luật. Điều đó dẫn đến việc đứa con của chị Thu chưa đầy 13 tuổi, dùng nước bẩn hắt vào hiệu may của cô Hương.

Khi xảy ra vụ việc hắt đó thì cô Thu đang đi gặt lúa cho gia đình người em. Điều này được nhiều nhân chứng khẳng định chị Thu không làm, mà là đứa con làm. Tuy nhiên Công an huyện Yên Lạc khởi tố vụ án và cho chị Thu có tội hủy hoại tài sản và bắt giam hai tháng. Vụ việc oan khuất kéo rất dài."

Trở lại vụ án tranh chấp lao động giữa kỹ sư Lê Văn Tạch, người từng công khai nêu ra những lỗi kỹ thuật của dòng xe Innova lắp ráp tại Việt Nam của hãng Toyota, ông này và cả luật sư đều từng nghĩ là khó có thể thắng kiện. Lý do vì hãng Toyota là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Công ty này đang cung cấp công ăn việc làm cho mấy ngàn công nhân. Tuy nhiên theo cả kỹ sư Lê Văn Tạch và luật sư Phạm Văn Phất đều cho rằng không thể vì lý do đó mà bỏ qua những sai trái của công ty này và không khởi kiện.

Lâu nay, người ta nói nhiều về tình trạng ‘án bỏ túi’; tức những phán quyết đã được định trước phiên xử. Việc ra tòa chỉ là hình thức vì tòa án không có quyền đưa ra phán quyết dựa trên sự thật được giải bày.

Việt Nam từng đưa ra những kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp. Tuy vậy, qua thực tế những kế hoạch đó vẫn còn nằm trên giấy. Và với tình trạng như hiện nay khó có thể có được những chuyển biến như mong muốn.

Theo dòng thời sự: