Tình trạng này đang được báo chí trong nước lên tiếng báo động và cho đó là một sự chênh lệch khá lớn, vì hiện giờ trong Nam thiếu lao động, còn ngoài Bắc thì lại có thừa.
Để tìm hiểu thêm về hiện trạng này, Ban Việt Ngữ hỏi chuyện ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, là một tập hợp có trên 11 triệu nhân công, toàn quốc.
Thiếu lao động có nghề, thừa lao động không nghề
Đỗ Hiếu: Thưa ông, theo VNEconomy thì tại nhiều địa phương hiện có tình trạng dư lao động, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp cao, nơi khác lại thiếu hụt nguồn lao động, nhất là những ngành cần có kỹ thuật tương đối cao. Báo này còn cho rằng, thị trường lao động trong Nam thì thiếu, ngoài Bắc lại thừa, ông có nhận định gì về thông tin đó?
Ông Vũ Quốc Tuấn: Tôi không có số liệu và không có điều tra cụ thể là 'Nam thiếu, Bắc thừa', có chính xác không thì tôi không rõ, muốn biết như thế cần có điều tra thật kỹ lưỡng, chứ còn tình trạng lao động Việt Nam ta bây giờ, tình hình chung là thiếu lao động có nghề, thừa lao động không có tay nghề, cái chung là như thế.
Đỗ Hiếu: Theo ông thì vì sao có chuyện thiếu, hoặc thừa lao động, như ông vừa trình bày, vậy có cách nào để giải quyết tình trạng đó không, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Tuấn: Cái đó là khuyết điểm của công tác đào tạo cho người lao động từ nhiều năm nay, thế lại còn có trường hợp là ở một số tỉnh miền Nam, lao động có tay nghề nhưng người ta lại bỏ về địa phương khác, bởi vì ở những nơi đó, tiền lương không đủ sống, các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, giải trí, bảo hộ, y tế… của người lao động không được bảo đảm, cho nên người lao động có tay nghề, người ta cũng bỏ. Doanh nghiệp ở một số nơi có lao động tay nghề nhưng người ta bỏ, nên lại đi tuyển người mới vào, cũng không được.
Vấn đề có lao động hay không, liên quan đến việc người lao động tay nghề ấy có phù hợp với nơi tuyển dụng, có cần thiết hay không, thứ hai nữa là những điều kiện làm việc, cung cấp cho người lao động có thỏa mãn được yêu cầu của người ta không, thì dù rằng có tay nghề, người ta cũng bỏ đi nơi khác. Anh phải đi tuyển những người lao động có tay nghề khác, nhưng chưa chắc đã tuyển được.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, vừa rồi ông có đặt vấn đề cần phải xem lại việc đào tạo lao động, sao cho có hiệu quả, hầu tránh tình trạng thị trường lao động bị chêch lệch nơi này, nơi khác, xin ông giải thích thêm về điểm ấy?
... chứ còn tình trạng lao động Việt Nam ta bây giờ, tình hình chung là thiếu lao động có nghề, thừa lao động không có tay nghề, cái chung là như thế.
Ô. Vũ Quốc Tuấn
Ông Vũ Quốc Tuấn: Tôi nói tiếp về lao động một chút nữa, là làm sao phải đẩy mạnh việc đào tạo lao động, cái chung nhất là phải đào tạo theo yêu cầu của thị trường, chứ không phải đào tạo theo sách vở, bài bản, trường lớp. Đào tạo lao động gắn với sử dụng, ở từng ngành nghề, từng địa phương khác nhau.
Thứ hai nữa là rút kinh nghiệm, cần phải xã hội hóa việc đào tạo, tức là thay vì chỉ có cơ quan nhà nước, của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, trung ương và địa phương đào tạo, thì khuyến khích, mở rộng, tạo điều kiện cho các tổ chức, các hội, đào tạo nghề nghiệp, sát với thị trường lao động. Người được đào tạo sẽ có ngay việc làm, phù hợp với nghề nghiệp người ta được đào tạo, ý tôi về đào tạo lao động là như thế.
Đỗ Hiếu: Thưa ông, nhân câu chuyện về thị trường lao động Việt Nam hôm nay, xin ông cho biết thêm về hoạt động và vai trò của Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam trong lao động sản xuất?
Ông Vũ Quốc Tuấn: Hiện nay, trong nước, chúng tôi có 2790 làng nghề, quy tụ khoảng 11 triệu lao động của cả nước, có cái hay là tất cả lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thì giờ nhàn rỗi của các cụ già, trẻ em, làm được việc lặt vặt trong gia đình, thì đều làm việc cả, vì xem hộ gia đình là chủ yếu, cho nên chúng tôi tận dụng tất cả lao động thừa dư.
Chưa xử lý lao động nước ngoài hợp lý
Đỗ Hiếu: Xin được có câu hỏi cuối với ông là báo chí thường nói đến chuyện người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam, cần phải có giấy phép hành nghề hợp lệ, phải có trình độ kỹ thuật, chuyên môn, tay nghề cao, nhưng cũng qua các báo thì hầu như khắp nước đều có phát hiện công nhân Trung Quốc không giấy phép làm việc, được sử dụng trong lao động giản đơn như khiêng gạch, trộn hồ, vậy cơ quan chức năng có cách nào xử lý không, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Tuấn: Tình hình bày, báo chí đã nói nhiều rồi, vấn đề đặt ra là các địa phương chúng tôi đang rà soát lại việc này, theo đúng, quy chế, nguyên tắc và pháp luật của Việt Nam. Chính phủ đang tiến hành, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp để xử lý chuyện này.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ Tịch Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam đã dành thời giờ cho đài chúng tôi.