Sinh viên Ân xá quốc tế tưởng niệm thầy Đinh Đăng Định

0:00 / 0:00

Tổ chức Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc, Amnesty International Student Network, ở Na-Uy tưởng niệm thầy giáo Đinh Đăng Định vào hôm mùng 7/4 trong buổi họp hàng năm. Hòa Ái có cuộc trao đổi với cô Chelsea Nguyễn, thành viên người Việt duy nhất, về sự kiện này.

Lên tiếng cho các nhà hoạt động

Hòa Ái: Xin chào Chelsea Nguyễn. Trước hết, bạn có thể chia sẻ vì sao Tổ chức Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc ở Na-Uy lại quyết định tổ chức tưởng niệm thầy giáo Đinh Đăng Định?

Chelsea Nguyễn: Ý tưởng tôn vinh thầy giáo Đinh Đăng Định đến với chúng tôi sau khi đọc được thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế về sự ra đi vĩnh viễn của nhà đấu tranh dân chủ cho VN này. Và vì tôi là thành viên người Việt duy nhất của Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc ở Na-Uy, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm nêu lên các hoạt động đấu tranh dân chủ ở VN. VN không giống như các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Miến Điện… cho phép Tổ chức Ân xá Quốc tế vào điều tra tình hình thực tế về dân chủ, nhân quyền ở đây một cách độc lập. Do đó, là người VN, tôi phải làm những việc này, lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ ở VN.

Hòa Ái: Mạng lưới Sinh viên Ân xá Quốc tế có những hoạt động nào để tưởng niệm cho nhà hoạt động dân chủ Đinh Đăng Định, thưa bạn?

Họ tỏ ra thật sự ngạc nhiên về những thông tin này, họ không biết nhiều về những gì thật sự đang xảy ra ở VN mà bị che giấu, đặc biệt về tiến trình dân chủ hóa xã hội. <br/> -Chelsea Nguyễn

Chelsea Nguyễn: Các bức ảnh được chụp với những gương mặt của sinh viên cầm áp-phích ghi câu "Tôi là Đinh Đăng Định". Có khoảng 10 người tham gia chụp những bức ảnh này trong khoảng thời gian ngắn. Chúng tôi đã đi vòng quanh khuôn viên trường Đại học Norwegian University of Science & Technology, kêu gọi các bạn sinh viên tham gia chụp hình. Dĩ nhiên chúng tôi chia sẻ với họ về tình hình nhân quyền, dân chủ ở VN và về hoạt động cho dân chủ của thầy giáo Đinh Đăng Định. Nhiều người ở Na-Uy và Tây Âu không biết gì khác về VN, ngoại trừ kinh tế VN phát triển, chỉ như vậy thôi.

Hòa Ái: Như bạn vừa nói thì hầu hết các bạn trẻ ở Na-Uy không biết nhiều về VN. Vậy sau khi nghe chia sẻ của bạn, họ có biểu hiện như thế nào?

Chelsea Nguyễn: Họ tỏ ra thật sự ngạc nhiên về những thông tin này. Như tôi đã nói, họ không biết nhiều về những gì thật sự đang xảy ra ở VN mà bị che giấu, đặc biệt về tiến trình dân chủ hóa xã hội. Sau khi tôi chia sẻ ngắn gọn về thầy giáo Đinh Đăng Định và các nhà hoạt động dân chủ khác đã khiến họ vô cùng ngạc nhiên.

Hòa Ái: Và các bức ảnh của những gương mặt với lời khẳng định trên áp-phích "Tôi là Đinh Đăng Định" nói lên điều gì?

Những bức ảnh nhằm mục đích lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ đang còn sống và cả những người đang bị cầm tù. Đặc biệt là để tưởng nhớ đến thầy giáo Đinh Đăng Định. <br/> -Chelsea Nguyễn

Chelsea Nguyễn: Những bức ảnh nhằm mục đích lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ đang còn sống và cả những người đang bị cầm tù. Đặc biệt là để tưởng nhớ đến thầy giáo Đinh Đăng Định, 1 nhà đấu tranh dân chủ vừa qua đời.

Hòa Ái: Là thành viên người Việt duy nhất của Mạng lưới Sinh viên Ân xá Quốc tế ở Na-Uy, bạn sẽ làm gì để thanh niên cũng như người dân ở xứ sở Bắc Âu này biết sự thật những gì đang diễn ra ở VN?

Chelsea Nguyễn: Hiện tại, tôi cố gắng lên tiếng cho các nhà hoạt động dân chủ ở VN với vai trò là thanh viên của Mạng lưới Sinh Viên Ân xá Quốc. Ở Trung Quốc cũng không cho phép Tổ chức Ân xá Quốc tế hoạt động bên trong lãnh thổ của họ nhưng đó là 1 quốc gia lớn nên thế giới chú ý đến nhiều khía cạnh của quốc gia này, kể cả kinh tế lẫn vi phạm nhân quyền. Còn VN thì khác, là một quốc gia nhỏ bé và thông tin bị bưng bít nên tôi sẽ từng bước cố gắng lên tiếng cho VN.

Hòa Ái: Qua cuộc trao đổi này, Hòa Ái được biết có nhiều bạn trẻ gốc Việt ở Na-Uy cũng không biết nhiều về VN. Bạn Chelsea có thể chia sẻ với thính giả vì sao bạn lại quan tâm đến VN và lại tham gia cất lên tiếng nói cho cố hương của bạn?

Chelsea Nguyễn: Trước khi vào đại học, giống như nhiều bạn trẻ gốc Việt khác, tôi không mấy quan tâm đến VN vì Na-Uy mới là đất nước của tôi. Trong thời gian học đại học, tôi chọn học một số môn học cũng như tham gia các sinh hoạt liên quan VN. Tôi học tiếng Việt, đọc báo tiếng Việt và từ đó tôi biết nhiều hơn về VN, về những việc đang xảy ra mà bị bưng bít thông tin. Nếu đọc báo chí phương Tây thì chỉ biết chung chúng về những thay đổi ở VN ra sao. Tuy nhiên, đọc báo tiếng Việt và những trang blog tiếng Việt thì có rất nhiều câu chuyện hoàn toàn khác.

Hòa Ái: Cảm ơn Chelsea Nguyễn dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.