Qua hội nhập thị trường thế giới, thủy sản của Việt Nam là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 6 tỷ USD năm 2012 và trải nghiệm nhiều kiện tụng nhất về chống bán phá giá, chống trợ giá và nhiều rào cản kỹ thuật khác.
Nam Nguyên nêu vấn đề này với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trụ sở ở Hà Nội và được ông trả lời:
Tôi nghĩ rằng khi đã hội nhập với thế giới thì chúng tôi phải sẵn sàng đối với những rào cản lập ra của thị trường nhập khẩu. Bởi vì những vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp thực chất là những rào cản, thứ nhất từ những ngành công nghiệp nội địa họ muốn bảo trợ cho những hoạt động của họ. Thứ hai nữa có thể là một quá trình cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành công nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp thủy sản chúng tôi nghĩ là khi vào với sân chơi lớn của thị trường thế giới thì phải sẵn sàng chuẩn bị để vượt qua những rào cản đó. Cho nên chúng tôi đánh giá việc theo đuổi những vụ kiện chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp gần đây nhất, mình cũng đã sẵn sàng trên cơ sở có chủ động trên quá trình theo đuổi, có thể nói kết quả trong nhiều đợt xem xét hành chính gần đây thì thấy được những nỗ lực ấy.
Nam Nguyên: Thưa ông, các chuyên gia trong ngoài nước nói rằng, VN chưa được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ nên bị thua thiệt? Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu ?
Những vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp thực chất là những rào cản, thứ nhất từ những ngành công nghiệp nội địa họ muốn bảo trợ cho những hoạt động của họ
Ông Trương Đình Hòe
Ông Trương Đình Hòe: Tôi nghĩ cái đó là một phần, trong luật pháp về các vụ kiện chống bán phá giá thì họ đều có qui tắc riêng cho từng loại hình của nền kinh tế. Thí dụ đối với kinh tế thị trường thì có một qui trình xem xét nó khác với các nước có nền kinh tế phi thị trường.
Việt Nam hiện nay đã vận hành một nền kinh tế có nhiều yếu tố về kinh tế thị trường, hầu như mang tính thị trường nhưng vẫn chưa được công nhận vì đôi lúc có những cái bất cập. Khi mà xem xét các vấn đề thì đôi lúc nó cũng có những điểm phiến diện.
Tuy nhiên chúng tôi nghĩ đây cũng không phải là nguyên nhân chính, khiến cho chúng tôi phải đối diện với nhiều vụ kiện như vậy. Bởi vì các nước khác họ cũng bị kiện, ví dụ như trong vụ kiện chống trợ cấp (mặt hàng tôm), có 7 quốc gia thì 5 nước có nền kinh tế thị trường, 2 nước có nền kinh tế phi thị trường. Khi xem xét mức thuế chống trợ cấp thì cuối cùng Việt Nam tuy nền kinh tế phi thị trường, nhưng kết quả lại thấp hơn so với các nước có nền kinh tế thị trường.
Thị trường thế giới với các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu chúng tôi muốn đi sâu hơn nữa thì rõ ràng là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải được gắn lên hàng đầu
Ông Trương Đình Hòe
Chúng tôi nghĩ rằng, vấn đề này có lúc mang tính cách bất lợi cho hoạt động của mình. Việt Nam đang nỗ lực để chứng minh và để được các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Rõ ràng như vậy nó sẽ có những điều kiện tốt hơn trong quá trình tham gia những vụ kiện tương tự như thế.
Rào cản về kỹ thuật
Nam Nguyên: Doanh nghiệp ngoài chuyện chống bán phá giá hay chống trợ giá thì còn chịu những rào cản kỹ thuật gây thiệt hại cũng không kém. VASEP chủ động tái cơ cấu nuôi trồng, sản xuất tiêu thụ thủy sản nói chung như thế nào trong tình hình hiện nay và nhất là trong tương lai có thể tham gia TPP nữa.
Ông Trương Đình Hòe: Ngành thủy sản của Việt Nam có cơ hội hội nhập với thế giới rất sớm, ngay từ những năm sau khi dỡ bỏ cấm vận thì lập tức thủy sản Việt nam đã xuất khẩu sang Mỹ.
Trong tình hình hiện nay thì với sự gia tăng của thị trường thế giới với các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu chúng tôi muốn đi sâu hơn nữa thì rõ ràng là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải được gắn lên hàng đầu. Tôi nghĩ việc này phải được làm thường xuyên và mang tính chất chiến lược và trên cơ sở đó mới phát triển hoạt động xuất khẩu của mình.
Với xu thế phát triển cạnh tranh trên thị trường thế giới thì với vấn đề giá thành, có thể có những qui mô sản xuất nhỏ không còn phù hợp nữa thì buộc lòng phải thay thế
Ông Trương Đình Hòe
Hay nói cách khác là sự gắn kết từ khâu nuôi cho đến khâu chế biến, khâu xuất khẩu và khâu phân phối thì đều hết sức cần thiết. Việt Nam cũng đang tiếp cận theo hướng như vậy thông qua việc tham gia các chứng nhận quốc tế, cũng như các liên kết chặt chẽ, trong hoạt động sản xuất chuỗi để đảm bảo được vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng như có được sản phẩm phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm của thế giới, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan kiểm tra chất lượng ở các thị trường nhập khẩu. Đó là yếu tố để giúp cho thủy sản Việt Nam tăng trưởng tốt hơn, ổn định hơn đáp ứng về mặt bền vững trong tương lai lâu dài.
Nam Nguyên: Thưa ông có nghĩ là bây giờ chính những hộ nuôi nhỏ lẻ phải tự thay đổi, phải hợp tác với doanh nghiệp, nuôi gia công hay hình thức nào đó. Nhưng người nông dân không thể tự làm việc này mà cần VASEP rồi Hiệp hội cá tra, cả chính phủ và địa phương nữa phải giúp họ?
Ông Trương Đình Hòe: Khi đã tham gia vào hoạt động thương mại thì rõ rang mỗi chủ thể đều có một trách nhiệm nhất định trong hoạt động của mình. Với xu thế phát triển cạnh tranh trên thị trường thế giới thì với vấn đề giá thành, có thể có những qui mô sản xuất nhỏ không còn phù hợp nữa thì buộc lòng phải thay thế. Không có cách nào khác, doanh nghiệp, chính phủ và các cơ quan phải tìm cách hỗ trợ cho người nuôi bằng cách liên kết họ lại với nhau để có sản lượng hàng hóa đủ sức cạnh tranh.
Đồng thời liên kết họ với doanh nghiệp chế biến để đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro trong quá trình tiêu thụ nông sản. Tôi nghĩ những hoạt động đó được sự ủng hộ của Nhà nước về mặt chính sách cũng như chủ trương, cũng như tăng cường khả năng các cơ quan quản lý ở địa phương, để có thể giúp người nuôi có hướng hợp tác tốt hơn và cân bằng hơn giữa các bên trên cơ sở đảm bảo lợi ích lâu dài cho họ.
Nam Nguyên: Cảm ơn ông Trương Đình Hòe đã trả lời đài RFA.