Khách mời của chương trình hôm nay là TS Nguyễn Quang A, Luật sư Trần Đình Triển, Luật gia Lê Hiếu Đằng, GS Tương Lai, TS Nguyễn Đình Lộc và lý thuyết gia Maxist Lữ Phương.
Thưa quý vị một trong các nội dung chúng tôi nhận thấy rất quan trọng trong phát biểu của Chủ tịch nước là câu hỏi thuộc về công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ nhà nước cấp cao. Trả lời báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã xác định “Gốc gác của vấn đề này nằm ở chỗ hiện còn sử dụng tiền mặt quá lớn trong nền kinh tế. Ðể giải quyết căn cơ hơn, nhất định phải thay đổi phương thức giao dịch này, phải thu hẹp dần, thay vào đó là thanh toán, giao dịch qua ngân hàng. Phương thức này được cho là hiệu quả để có thể kiểm soát được các "giao dịch ngầm".
Tiền mặt, đồng minh tham nhũng
Để hiểu rõ hơn về chuyện tiền mặt đã góp phần vào việc tham nhũng như thế nào chúng tôi xin được chia sẻ câu hỏi này với TS Nguyễn Quang A, chuyên gia tài chánh nguyên viện trưởng Viện IDS. Thưa xin mời TS Nguyễn Quang A.
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ điều ông Chủ tịch nước nói nó chỉ đúng một phần thôi, bởi vì đúng là có chuyện giao dịch tiền mặt nhưng với khối lượng tiền rất lớn thì tiền mặt cũng không phải là sự kiện chính. Vấn đề cơ bản ở chỗ người ta có thực sự muốn minh bạch hay không. Bởi vì khi kê khai ra thì phải để cho mọi người được biết chứ còn kê khai chỉ để lưu trong hồ sơ đến lúc có chuyện gì thì mới lôi ra, mà lôi ra cũng không được một cách công khai thì tôi nghĩ rằng không có ý nghĩa gì lắm.
đã làm chính trị gia thì phải chấp nhận chuyện minh bạch vì khi quyết định nó đụng đến rất đông quyền lợi của người khác. Những người đã dấn thân vào chính trị buộc phải chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ từ trước đến nay người ta có nói tới chuyện đó nhưng không thấy ở chỗ họ có làm thật hay không.
TS Nguyễn Quang A
Bởi vì đã làm chính trị gia thì phải chấp nhận chuyện minh bạch vì khi quyết định nó đụng đến rất đông quyền lợi của người khác. Những người đã dấn thân vào chính trị buộc phải chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ từ trước đến nay người ta có nói tới chuyện đó nhưng không thấy ở chỗ họ có làm thật hay không. Nếu làm thật thì tôi nghĩ rằng chuyện tiền mặt cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi.
Kê khai tài sản, câu hỏi khó có lời kết
Xin được tiếp tục với câu hỏi Chủ tịch nước về chuyện kiểm kê tài sản và tính minh bạch của việc kê khai thu nhập của cán bộ cấp cao. Chủ tịch Trương Tấn Sang nói rằng “quy định về vấn đề này đã có rồi, nhưng thực tế cũng chưa đảm bảo hiệu quả như mong muốn và tính thực chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập bằng biện pháp kê khai này. Chúng tôi năm nào cũng kê khai. Sắp tới đây cũng sẽ công khai các kê khai này tại nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ, công chức”.
Thưa TS Nguyễn Đình Lộc, TS từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư Pháp và cũng là một đại biểu Quốc hội, xin ông cho biết nhận xét của ông về những trình bày này của Chủ tịch nước.
TS Nguyễn Đình Lộc: Chắc là không đơn giản đâu bởi vì kê khai tài sản là hình thức chống tham nhũng, mà chống tham nhũng chưa tốt lắm thành ra có thể nhìn thấy trước là không đơn giản. Tôi còn chờ đợi đồng chí Chủ tịch nước nếu ông ấy có biện pháp quyết liệt hơn thì chắc là sẽ
có một hiệu quả nhất định. Nhưng cũng không nên hy vọng nhiều vào đó vì tình trạng tham nhũng còn nặng nề lắm. Thực tế ai cũng thấy rồi dư luận người ta đều biết hết. Tôi đang chờ đợi xem thực chất sẽ diễn ra như thế nào. Tôi cũng chưa tin lắm đâu nhưng hy vọng vì nghị quyết Trung ương 4 lần này quyết liệt lắm.
Và thưa LS Trần Đình Triển, là một luật sư có kinh nghiệm về chống tham nhũng, ông có điều gì khác muốn chia sẻ hay không thưa luật sư?
LS Trần Đình Triển: Tôi đánh giá rất cao Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không những ở cương vị Chủ tịch nước mà khi ông còn là Thường trực Ban bí thư Trung ương thì ông đã rất quan tâm đến đường lối chính sách, quan tâm đến những vấn đề bức xúc của xã hội để góp phần đưa ra những chính sách nhằm đem lại niềm tin của người dân với đảng với nhà nước.
Vừa qua Chủ tịch nước nêu ra vấn đề kê khai tài sản của các công chức nhà nước thì vấn đề này không phải là mới, đã cũ, đã đưa ra rất nhiều nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu do từ cơ sở.
Hiện nay có một vấn đề là công chức nhà nước không những tài sản đứng tên mình mà lách dưới góc độ gia đình, vợ con, con cháu họ hàng đứng tên những tài sản đó. Một vấn đề nữa cần phải làm rõ đó là những tài sản ở nước ngoài. Những tài khoản tiền gửi ở các ngân hàng nước ngoài của các công chức. Đây là những vấn đề đặt ra rất là khó, khó nhưng không phải là không làm được.
Hiện nay có một vấn đề là công chức nhà nước không những tài sản đứng tên mình mà lách dưới góc độ gia đình, vợ con, con cháu họ hàng đứng tên những tài sản đó. Một vấn đề nữa cần phải làm rõ đó là những tài sản ở nước ngoài... Đây là những vấn đề đặt ra rất là khó, khó nhưng không phải là không làm được.
LS Trần Đình Triển
Chính sách nêu ra cần phải có chế tài thật mạnh mẽ. Tôi đồng tình quan điểm của Chú tịch nước và tôi nghĩ rằng đảng và nhà nước cũng sẽ triển khai nhưng cần phải đi từ cơ sở và kêu gọi dân phát hiện ra những nguồn tài sản bất minh. Nếu như của quan chức nhà nước mà dấu thì cần phải xử kỷ luật nghiêm minh. Thứ hai nữa nếu một quan chức dấu tài sản sau này phát hiện đưa ra khởi kiện thí dụ như tranh chấp đất đai, nhà cửa ở phiên tòa hay tranh chấp dân sự, hòa giải ở chính quyền địa phương mà phát hiện ra tài sản đó bản chất đứng tên như thế này nhưng đằng sau là của công chức thì những tài sản đó phải tịch thu và xung vào công quỹ của nhà nước.
Thay đổi vai chính, hiệu quả bao nhiêu?
Xin cám ơn LS Trần Đình Triển, chúng tôi xin được bước qua vấn đề thứ hai cũng trong phạm vi chống tham nhũng. Thưa quý vị chắc chúng ta còn nhớ với nghị quyết Trung ương 5 một sự thay đổi quan trọng đối với người đứng đầu chịu trách nhiệm chống tham nhũng đã được chuyển giao từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tức là chuyển từ chính phủ sang đảng. Liên quan đến cuộc chuyển đổi này Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tuyên bố rằng: “Nay Ðảng trực tiếp
nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính của Ðảng được tái lập, cũng là cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng. Với thể chế chính trị của nước ta thì cách tổ chức bộ máy về phòng chống tham nhũng như vậy là mạnh mẽ nhất rồi”
Xin được hỏi GS Tương Lai, ông có đồng ý với sự lạc quan mà Chủ tịch nước đặt vào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không?
GS Tương Lai: Việc chống tham nhũng về tay ông Nguyễn Phú Trọng tôi không tin là ông ấy có phép thần để mà ông ấy chống được đâu. Nếu như không có một thay đổi rất cơ bản về cái quy chuẩn về lỗi hệ thống, có nghĩa là phải tìm ra quy luật mới ở đấy xét đến cùng là phải dựa vào dân, nghe tiếng nói của dân và phải thấy rằng nếu không dựa vào dân, không nghe tiếng nói của dân thì hỏng. Đến như ông Bộ trưởng Bộ Môi trường khi Quốc hội hỏi ông có kết luận gì về vụ Văn Giang không, thì ông nói là không kết luận gì cả. Quá trình thực hiện tỉnh đã làm theo quyết định của Thủ tướng, thực hiện chính sách đền bù cơ bản là tốt. Do các thế lực bên ngoài lợi dụng kích động nên trở thành vấn đề chính trị chứ không phải sai phạm gì. Ông ấy nói ngon lành thế cơ mà!
Nói như thế là rất bậy. Một Bộ trưởng mà nói như thế là quá bậy. Phải thấy được cái quy luật mới này. Nó đòi hỏi phải xem lại quy trình nó đã xộc xệch, nó đã cũ kỹ, nó đã hư hỏng lắm rồi phải chỉnh đốn nó. Nếu không chình đốn, không sửa chữa thì cá nhân có tài giỏi mấy, có ba đầu sáu tay cũng không giải quyết được đâu.
Việc chống tham nhũng về tay ông Nguyễn Phú Trọng tôi không tin là ông ấy có phép thần để mà ông ấy chống được đâu. Nếu như không có một thay đổi rất cơ bản về cái quy chuẩn về lỗi hệ thống, có nghĩa là phải tìm ra quy luật mới ở đấy xét đến cùng là phải dựa vào dân, nghe tiếng nói của dân...
GS Tương Lai
Xin cám ơn GS Tương Lai, xin được tiếp tục cùng một nội dung câu hỏi này với luật gia Lê Hiếu Đằng.
LG Lê Hiếu Đằng: Thật ra chuyển từ chính phủ qua đảng thì đứng về mặt một nhà nước pháp quyền mà nói thì đảng chỉ là cơ quan lãnh đạo thôi chứ không phải đảng đi giải quyết việc đó. Theo tôi muốn chống tham nhũng một cách hiệu quả thì phải có một Ủy ban quốc gia độc lập, gồm nhiều nhân vật có uy tín, trong sạch và giao nhiều quyền cho họ thì mới có thể chống được tham nhũng. Nói thật là bộ máy hiện nay kể cả nhà nước và đảng, tham nhũng nó đã đục ruỗng rất nhiều rồi. Có thể nói như vậy.
Tất nhiên chúng ta phải chờ đợi chứ không nói trước được nhưng tôi nghĩ rằng có hiệu quả hay không phải có quyết tâm rất lớn và có bộ máy tương đối độc lập. Như tôi đã nhiều lần phát biểu nếu anh không có tam quyền phân lập thì không thể nào chống tham nhũng được. Phải có một nền tư pháp độc lập thì mới xử được những cán bộ cao cấp, nhất là ở trong chính phủ và kể cả trong đảng như vậy thì mới có hiệu quả.
Nếu các vị giữ trọng trách trong chính phủ, trong nhà nước đều là đảng viên hơn nữa đều là Ủy viên Trung ương đảng, thậm chí có người là Ủy viên Bộ chính trị thế thì ai xử những người này nếu không có tòa án độc lập? Nếu không làm được việc này thì sẽ trở lại như cũ có nghĩa là sẽ không hiệu quả.
Tôi cũng như nhiều người hy vọng rằng với việc chuyển qua cho Tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban thì tôi cũng chờ đợi hành động của ông Tổng bí thư như thế nào, để có thể đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng vốn là quốc nạn hiện nay và trở thành mối đe dọa cho sự tồn vong của đất nước.
Xin được tiếp tục cùng một câu hỏi với ông Lữ Phương, lý luận gia Maxist, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam. Thưa ông sự chuyển đổi vai trò của chính phủ và đảng có làm cho việc chống tham nhũng mạnh hơn hay không?
...nó là kết quả của suy thoái về đạo đức ở trong đảng. Người ta đưa ra thực hiện đường lối xây dựng lành mạnh, lý tưởng, xây dựng một xã hội tốt đẹp này kia nhưng thật sự nó là không tưởng, không thể thực hiện được. Khi mình làm điều gì đó mà không thực hiện được thì nó sẽ có tác dụng ngược lại
ông Lữ Phương, lý luận gia Maxist
Ô. Lữ Phương: Tôi thấy không mạnh hơn đâu. Bởi vì bệnh tham nhũng này theo tìm hiểu của tôi thì nó không phải thuần túy là ham muốn vật chất, không phải vậy, nó là kết quả của suy thoái về đạo đức ở trong đảng. Người ta đưa ra thực hiện đường lối xây dựng lành mạnh, lý tưởng, xây dựng một xã hội tốt đẹp này kia nhưng thật sự nó là không tưởng, không thể thực hiện được. Khi mình làm điều gì đó mà không thực hiện được thì nó sẽ có tác dụng ngược lại.
Đảng cộng sản đứng trước một tuyệt lộ rồi vì không có lý tưởng. Lý tưởng không thực hiện được, bất khả thi cho nên khi đem cái đó ra để thay thế thì người ta đem cái vật chất mà không hứa với xã hội, không hứa với nhân dân một con đường tốt đẹp một xã hội lành mạnh, tương lai lý tưởng gì cả. Chính vì bây giờ tham nhũng nằm trong đảng, trong chính phủ khi họ thấy không có tương lai không có lý tưởng nữa thì họ tham nhũng.
Tôi nghĩ những giải pháp đưa ra vì thấy tham nhũng trầm trọng quá sức rồi. Nó trầm trọng đến mức cái nghị quyết vừa rồi cho thấy có thể làm sụp đổ cả một chế độ cho nên họ cố gắng chận lại bớt chừng nào hay chừng nấy. Tôi thấy kết quả của nó hoàn toàn không đáng mong mỏi.
Xin thành thật cám ơn các vị khách quý hôm nay. Thưa quý thính giả như đã giới thiệu trước đây loạt bài này còn bài cuối cùng chia sẻ về nội dung mà Chủ tịch nước nói tới có liên quan đến báo chí và bức xúc xã hội về các vấn đề điều hành đất nước, cũng do Mặc Lâm thực hiện mời quý vị đón theo dõi vào kỳ phát thanh tới. Xin cám ơn quý vị.
Theo dòng thời sự:
- Interpol truy nã đỏ cựu chủ tịch VINALINES
- Bổ nhiệm Dương Chí Dũng: Trách nhiệm của Thủ tướng?
- Chính phủ không trốn tránh trách nhiệm
- Sự sụp đổ dây chuyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước
- Nợ của doanh nghiệp nhà nước đầy rủi ro
- Chống tham nhũng và kê khai tài sản
- Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng
- Lỗi hệ thống
- Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
- Độc Quyền và Tham Nhũng