Ủng hộ Philippines
Trang Bauxite Vietnam và một số trang mạng khác cho phổ biến lá thư này vào ngày 21 tháng 5 vừa qua. Lá thư gửi trực tiếp đến ông Jerril Galban Santos, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Philippines tại Việt Nam.
Nội dung gồm 5 điểm nói lên quan điểm của những người ký tên về các sự kiện đang xảy ra tại khu vực bãi cạn Scaborough, hay Panatag theo cách gọi của Philippines. Phía Trung Quốc gọi khu vực này là Hoàng Nham.
Điểm thứ nhất bày tỏ sự ủng hộ của những người ký tên đối với quyền chủ quyền và hành động bảo vệ chủ quyền tại khu vực bãi cạn đó của phía Philippines.
Trong bức thư, những người ký tên cũng bày tỏ quan điểm bác bỏ đường chín đoạn mà phía Trung Quốc áp đặt lên biển Nam Hải, hay Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, hay biển Tây Philippines theo cách gọi của Manila gần đây. Theo họ thì đòi hỏi của Trung Quốc qua đường chín đoạn là một nguy cơ cho việc hợp tác hòa bình và phát triển bền vững tại khu vực Đông Nam Á.
Biện pháp đưa ra tòa án quốc tế về luật biển của Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scaborough với phía Trung Quốc cũng được những nhân sĩ trí thức ký tên ủng hộ.
Những người ký tên còn kêu gọi sự đoàn kết của các quốc gia thuộc khối ASEAN giúp Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền của nước này tại khu vực bãi cạn Scaborough.
Một trong những người ký tên, luật sư Tạ Văn Tài, nguyên là giảng sư và hiện đang là chuyên gia nghiên cứu tại Luật khoa, Đại học Havard cho biết trong thực tế khi so sánh với phía Philippines thì việc đấu tranh cho chủ quyền tại khu vực Biển Đông của Việt Nam còn hạn chế. Ông kể lại kinh nghiệm khi đi tham gia các hội nghị quốc tế về dầu khí và thái độ của những đại diện Trung Quốc khi nói về chủ quyền biển đảo của họ:
"Có hai lần tôi kinh nghiệm khi đi dự hội nghị dầu khí luật sư của các hãng dầu khí quốc tế tại Houston hồi năm 2010 và năm nay vào tháng 5. Số tham dự là 85 ngàn người, 2500 hãng tham dự, có cả PetroVietnam. Tôi thấy lập trường của Trung Quốc luôn lấn lướt trên các diễn đàn quốc tế. Phía Việt Nam chỉ nói về phía Việt Nam chứ không thấy ai đứng lên bác khước cái đường lưỡi bò của Trung Quốc."
Ông Tạ Văn Tài có nhận định về việc Philippines và Việt Nam trong hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo tại khu vực Biển Đông trước sự lấn lướt của phía Trung Quốc:
"Trước hết Philippines xa, không gần biên giới Trung Quốc; họ không bị 1000 năm đô hộ, không có chiến tranh với Trung Quốc, và cũng không có những xích mích đủ chuyện như vấn đề dân chài ở Vịnh Bắc Việt…Vì lý do đó Philippines có thể ‘ngang bướng’ hơn Việt Nam; cùng lắm họ chỉ mất vài hòn đảo nếu có xung đột quân sự.
Còn Việt Nam cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng qua bao nhiêu kinh nghiệm đau thương trong lịch sử. Nên tôi hiểu tâm trạng của nhà cầm quyền Việt Nam là phải hết sức cẩn thận. Đó là đúng về mặt ngoại giao, đâu cứ phải nói cứng là có thể thắng lợi."
Vấn đề của Việt Nam
Theo ý kiến của ông Tạ Văn Tài, Việt Nam cần phải tiến hành các hoạt động cả về việc củng cố sức mạnh quân sự của mình. Song song đó phải biết củng cố nội lực, tức có sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên việc không như Philippines để cho người dân quyền biểu tình chống Trung Quốc, chính quyền Hà Nội lại ngăn chặn bắt bớ những người dám mạnh dạn xuống đường bày tỏ ý kiến của họ về vấn đề Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Ông Tạ Văn Tài nói:
"Tôi thấy còn làm thiếu là để người dân tự do phát biểu lòng ái quốc của họ. Trung Quốc để chủ nghĩa quốc gia quá khích trong dân chúng. Việt Nam chưa dám làm, vẫn còn hơi dè dặt."
Như nội dung trong lá thư ủng hộ cho phía Philippines trong việc tranh chấp chủ quyền với phía Trung Quốc tại bãi cạn Scaborough là đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế về luật biển ( ITLOS), ông Tạ Văn Tài nói về vấn đề này hiện nay của Việt Nam đối với tranh chấp tại khu vực Biển Đông:
"Một biện pháp, một khí giới của kẻ yếu là luật pháp. Rõ ràng theo luật quốc tế ‘cổ truyền’ hay luật quốc tế mới tức Luật biển năm 1982, thì Việt Nam có nhiều lẽ phải hơn Trung Quốc. Về đường lưỡi bò của Trung Quốc, tôi đưa ra giải pháp phải sử dụng luật pháp, ví dụ các hòn đảo phải theo luật quốc tế cổ truyền là phải xác lập chủ quyền, và mỗi khi bị xâm phạm phải phản đối, chứ không im tiếng, vì nếu không là thuộc ‘quyền thủ đắc’ của đối phương. Phải luôn nhắc đến việc xâm chiếm năm 1974, giết hải quân Việt Nam năm 1988, và nêu bằng chứng lịch sử xa hơn nữa trong quá khứ.
Còn đường lưỡi bò luật pháp quốc tế không bao giờ công nhận là do một vài học giả Trung Quốc vẽ ra và họ nhận vơ thôi…Mồi lần đi họp các học giả hỏi phía Trung Quốc về đường lưỡi bò họ đều im bặt chứ không trả lời nổi."
Có hơn 60 nhân sĩ và trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đã ký tên vào thư gửi cho đại sứ Philippines tại Việt Nam bày tỏ ủng hộ của họ trong việc Manila tuyên bố chủ quyền và hành động bảo vệ chủ quyền tại khu vực bãi cạn Scaborough ở Biển Đông.
Lá thư vừa nêu là một hành động lên tiếng khác nữa của những người Việt Nam yêu nước trước hành động bành trướng, xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.