Hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức tại Biển Đông”

0:00 / 0:00

Một hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan.

“Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Á châu của Ấn Độ - CASS - India phối hợp với Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Thái Lan tổ chức.

Cuộc hội thảo diễn ra trong một ngày vừa nói qui tụ chừng 100 người tham dự gồm đại diện một số đại sứ quán các nước ở Thái Lan, những người quan tâm, báo chí và sinh viên…

Số diễn giả gồm 16 vị là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia chính trị và quân sự từ các nước Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Kampuchia, Miến Điện, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.

Có thể phân chia các vấn đề được những diễn giả trình bày ra các nhóm là quan điểm, chính sách của các quốc gia trong khu vực đối với vấn đề Biển Đông; thứ hai là thực trạng diễn tiến tại Biển Đông lâu nay trở thành thách thức cho khu vực thế nào; thứ ba giải pháp giải quyết mà trọng tâm là sự đoàn kết của các nước trong khối ASEAN.

Các bài trình bày của những diễn giả đều xoay quanh những chủ điểm về Biển Đông, nhưng sao trong tên gọi của hội thảo lại có thêm Châu Á- Thái Bình Dương? Giám đốc CASS-India, ông Mahapatra, giải thích vì tình hình Biển Đông được đặt trong toàn cảnh của khu vực rộng lớn hơn là Châu Á- Thái Bình Dương.

Quan điểm các nước

Tiến sĩ Shrikant Paranjpe, giáo sư Khoa Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Pune, Ấn Độ cho biết việc New Dehli quan tâm đến Biển Đông nằm trong chiến lược hướng Đông của chính phủ nước ông. Tầm quan trọng của khu vực Biển đông đối với Ấn Độ được tiến sĩ Shrikant Paranjpe, trình bày.

Đối với Miến Điện, vấn đề Biển Đông được quan tâm vì theo quan chức chính phủ về hưu Nyunt Maung Shein của nước này vào sang năm Miến Điện sẽ nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Khối ASEAN nên cần phải giúp giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa các nước thành viên trong khối. Theo ông này thì đây là một vấn đề khó khăn, phức tạp.

Tiến sĩ Bouadam Sengkhamkhoutlavong từ Lào trình bày rằng nước ông là một quốc gia không có biển, nằm sâu trong đất liền; thế nhưng nay muốn liên kết với các quốc gia có biển láng giềng nên cần phải có hòa bình, ổn định trong khu vực như là điều kiện cần thiết cho phát triển.

Đài Loan là một trong những quốc gia đang chiếm giữ đảo Ba Bình tại Biển Đông; diễn giả từ đảo quốc này là Shawn Shaw-Fawn KAO, phó giáo sư Khoa Chính trị, Đại học Tunghai ở Đài Loan, tham dự hội thảo, và lên tiếng cho rằng các quốc gia ASEAN cần cho đảo quốc này tham gia vào những tổ chức của nhóm nhằm có tiếng nói trong vấn đề Biển Đông.

Thực trạng Biển Đông

Tiến sỹ Võ Xuân Vinh phát biểu tại hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan. Courtesy VOV.
Tiến sỹ Võ Xuân Vinh phát biểu tại hội thảo “Đoàn kết ASEAN và những thách thức biển tại khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái bình Dương” diễn ra vào ngày 20 tháng 6 tại Bangkok, Thái Lan. Courtesy VOV.

Trong hầu hết những trình bày của các diễn giả tham gia hội thảo đều nói đến những hành động của Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt ở khu vực Biển Đông. Phân tích cho sự quyết liệt ngày càng gia tăng như thế Phó giáo sư tiến sĩ Chulacheeb Chinwano của Thái Lan nêu lên những thành tựu về mặt kinh tế của nước này và từ đó họ hiện đại hóa quân đội và tiến hành những hoạt động tại những vùng biển khác nhau như ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo ông này thì trước đây, Trung Quốc là một quốc gia tuân theo luật lệ của thế giới, nhưng trong tương lại họ muốn trở thành người làm luật.

Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, trưởng ban Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng trình bày lại những hoạt động bị cho là quyết liệt của Trung Quốc. Ông cho rằng chính sách nhất quán của Trung Quốc là dần dần độc chiếm Biển Đông.

Trước những trình bày về hoạt động mang tính quyết liệt của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông lâu nay của những diễn giả khác tại hội thảo, diễn giả Trung Quốc, bà Tô Hiểu Huy, phó giám đốc Ban Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, phản bác lại cho rằng Trung Quốc không hề hành động quyết liệt mà tất cả những việc làm của Trung Quốc chỉ là phản ứng đối với những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Bà này nêu ra một loạt những cáo buộc mà chính quyền Bắc Kinh lặp đi lặp lại lâu nay. Bà nói rằng hình ảnh của Trung Quốc bị bóp méo, và gây chia rẽ trong khối ASEAN.

Vai trò ASEAN

Các diễn giả Thái Lan nhắc lại vai trò của nước này trong việc khởi xướng hình thành nên khối ASEAN, và giúp cho khối này có được sự đoàn kết trong một thời gian khá lâu; thế nhưng trong những năm gần đây, tranh chấp Biển Đông đang gây chia rẽ cho khối này.

Trong phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Kasit Piromya, nhắc lại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 năm ngoái ở Phnom Penh. Lúc đó Kampuchia là chủ tịch luân phiên của ASEAN và đã không ra được thông cáo chung. Lý do cũng vì vấn đề Biển Đông.

Hoàng tử Norodom Sirivudh của Kampuchia cho rằng nước ông không hề ngả theo phe nào như cáo giác là vì nghe Trung Quốc mà cản trở vấn đề Biển Đông tại các hội nghị hồi năm ngoái ở thủ đô Phnom Penh của Kampuchia. Ông cho rằng, chính Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông, DoC, từng được ký kết hồi năm 2002 ở nước ông.

Cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Kasit Pyromia cho rằng nếu Khối ASEAN không có sự đoàn kết trong giải quyết các vấn đề nóng như vấn đề Biển Đông hiện nay thì khối này mất đi vai trò của nó. Cũng theo ông sẽ không thể có giải quyết nhanh chóng cho tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông.

Có cử tọa nêu vấn đề đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc, thì bà Tô Hiểu Huy cho rằng ngay tại Trung Quốc cũng đang có bàn cải về đường này và Trung Quốc muốn có thời gian để nói chuyện song phương với từng bên liên quan về vấn đề đường chín đoạn. Diễn giả của Việt Nam, tiền sĩ Võ Xuân Vinh có yêu cầu bà này nêu ra những cơ sở pháp lý thì bà cho biết từ năm 1947, Trung Quốc có bản đồ với đường này, và cả mấy chục năm không thấy nước nào nói gì sao gần đây mới phản bác.

Diễn giả của Việt Nam không phản bác và tranh luận gì thêm nữa về những giải thích do bà Tô Hiểu Huy đưa ra.

Gia Minh tường trình từ Bangkok, Thái Lan.