Lợi ích nhóm độc quyền trong xuất khẩu gạo đang làm nông dân điêu đứng, dù Việt Nam nhiều năm liền đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Người nông dân thiệt đủ đường
Đại biểu Quốc hội, báo chí từ nhiều năm nay đánh động dư luận về vấn đề gọi là nhóm lợi ích trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Gần đây dư luận làm nóng sự kiện các nhà xuất khẩu bí đầu ra, đã ký hợp đồng bán gạo với giá rẻ nhất thế giới và tất nhiên nông dân bị thiệt vì phải bán lúa giá rẻ hơn cho thương lái, để thành phần này bán gạo nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thương lái và nhà xuất khẩu mỗi người hưởng một phần lời chênh lệch giá, dù giá gạo xuất khẩu rẻ cỡ nào đi nữa, chỉ có nông dân không đủ sống.
Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều hành thực hiện xuất khẩu gạo, bề ngoài là theo cơ chế thị trường, nhưng bên trong là độc quyền trá hình. Trong VFA, 2 Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc chiếm lĩnh 60%-70% thị phần xuất khẩu gạo, lại có đặc quyền đi dự đấu thầu ở nước ngoài để ký các hợp đồng lớn cấp chính phủ rồi về phân bổ lại cho các đơn vị.
Bây giờ phải để cho doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, nếu không thì không tội tình gì họ tốn công xây dựng vùng nguyên liệu, người ta chăm sóc nông dân, cho nông dân vay giúp đỡ nông dân trong thời gian sản xuất, rồi cuối cùng làm ra gạo tốt lại không cho xuất
GSTiến sĩ Võ Tòng Xuân
Điểm mặt 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay thì đa số là công ty con của hai Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 12/8/2013, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An nhận định:
“ Báo chí nói riết cũng uể oải, vì cái nhóm lợi ích nó mạnh quá. Hai ông Vinafood và VFA phải bước xuống, chứ cứ cho họ quyền lực như thế, hai cơ quan nhưng thực sự chỉ là một. Bây giờ phải để cho doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, nếu không thì không tội tình gì họ tốn công xây dựng vùng nguyên liệu, người ta chăm sóc nông dân, cho nông dân vay giúp đỡ nông dân trong thời gian sản xuất, rồi cuối cùng làm ra gạo tốt lại không cho xuất.
Như vậy tất cả những người có nhiệt tình, có thị trường, người ta không thể nào đeo đuổi được. Bây giờ nó nói anh có thị trường, anh giao cho tôi, ai mua anh giao cho tôi để tôi bán cho người ta, thế đâu có được.”
Bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định rằng, chính phủ tổ chức kinh doanh những ngành hàng lớn theo hình thức gần như độc quyền. Bà nói:
“Điển hình nhất là lúa gạo giao cho Hiệp hội Lương thực (VFA) có quyền quá lớn trong việc quyết định về giá cả, quyết định về các thương vụ kinh doanh lớn, họ dùng vị thế của họ như vậy làm cho Hiệp hội nằm trong sự chi phối của một số Tổng công ty Lương thực lớn của Nhà nước như Tổng Công ty Lương thực I, Tổng Công ty Lương thực II. Như vậy cũng có phần nào lấn áp các doanh nghiệp khác cũng kinh doanh lúa gạo và như vậy kết quả thua thiệt cuối cùng bao giờ cũng là nông dân.”
Phải chấm dứt độc quyền
Trồng lúa để xuất khẩu gạo sẽ vẫn tiếp tục ở qui mô hiện nay, cho đến khi chính phủ có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhưng trong cấp thời phải gắn kết nông dân với doanh nghiệp và chấm dứt độc quyền lợi ích nhóm trong kinh doanh xuất khẩu.
Theo GSTS Võ Tòng Xuân, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo tức qui định còn lại một trăm mấy chục nhà xuất khẩu, thì phải thực sự cho người ta xuất khẩu, chứ không phải cuối cùng cũng tóm lại chỗ VFA. GSTS Võ Tòng Xuân dẫn lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu, có sản xuất, có nhà kho, có chỗ phơi, có nhà máy chế biến gạo thì mới được xuất khẩu gạo, còn chỉ có đi buôn thôi thì không được. GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:
Tôi ước mong siết chặt lại như thế thì những người có khả năng tạo vùng nguyên liệu làm ăn với người nông dân, người ta sẽ xuất được. Chứ còn bây giờ, tuy có Nghị định 109 ra nhưng vẫn để cho ông Vinafood xuất hết, hoặc phần lớn là ông ấy thôi. Mà Vinafood đâu có nông dân nào đâu, có miếng đất nào đâu
GSTS Võ Tòng Xuân
“Tôi ước mong siết chặt lại như thế thì những người có khả năng tạo vùng nguyên liệu làm ăn với người nông dân, người ta sẽ xuất được. Chứ còn bây giờ, tuy có Nghị định 109 ra nhưng vẫn để cho ông Vinafood xuất hết, hoặc phần lớn là ông ấy thôi. Mà Vinafood đâu có nông dân nào đâu, có miếng đất nào đâu. Ông chỉ bắt các ‘chư hầu’ các công ty lương thực tỉnh nộp lên.
Các công ty lương thực này cũng không có vùng nguyên liệu, nó chỉ sử dụng thương lái để mua cho nó, rồi đưa lên. Bây giờ phải buộc nhá xuất khẩu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu của mình, anh chăm sóc người nông dân, sản xuất ra một loại lúa chất lượng cao, rồi có nhà máy chế biến đàng hoàng. Bao gạo của anh sẽ có thương hiệu. Gạo Việt Nam tới giờ này không có thương hiệu mạnh chỉ tại vì Nhà nước bao che cho bọn tham nhũng.”
Tại Hà Nội, ngày 7/8/2013 Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam- Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn 2012 tại 12 tỉnh cho thấy thu nhập của hộ gia đình nông dân chỉ đạt hơn 48.000đ một ngày tức 1.458.000đ một tháng. Nếu trên cơ sở mỗi hộ 4 người thì một năm mỗi nông dân chỉ đạt thu nhập trung bình 4,2 triệu đồng tương đương 200 USD. Đây cũng là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 1.600 USD/năm. Rõ ràng khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị là quá lớn.
Trong câu chuyện với chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân nói là nông dân quá nghèo sau 38 năm đất nước qui về một mối. Thành quả nông nghiệp thấy được là sản lượng vượt bậc, nhưng thiếu chiến lược. Xuất khẩu gần 4 tỷ đô la gạo một năm, thì nhập lại bắp đậu nành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng tương đương. Theo GSTS Võ Tòng Xuân, tái cơ cấu nông nghiệp là câu chuyện hàng chục năm, không phải một hai năm, nhưng ngay bây giờ phải có tầm nhìn chiến lược, không phải lủng đâu vá đấy và để mặc nông dân tự bơi. Thay đổi cơ cấu nông nghiệp, dù với bất cứ trồng cây gì, chăn nuôi gì đều phải gắn kết theo chuỗi giá trị ngành hàng từ sản xuất, chế biến tới tồn trữ và tiêu thụ.