Phái đoàn liên tôn giúp người Việt tị nạn ở Thái Lan

Đầu tiên về những cảm nghiệm của chuyến làm việc, một trong ba vị đại diện là Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm cho biết:

Linh mục Phạm Hữu Tâm: Thực sự đối với tôi không xa lạ lắm vì tôi từng qua Thái Lan gặp người tỵ nạn cách đây 2 năm rồi. Đối với Hòa thượng Huyền Việt thì cũng mới qua Thái Lan hồi tháng ba vừa rồi, mới cách đây khoảng 7-8 tháng, nên chúng tôi biết tình hình của người tỵ nạn ở đây cũng khá rõ; tuy nhiên lần này đi qua được khẳng định thêm một chút xíu nữa họ rất cần nhu cầu về pháp lý. Bất cứ người tỵ nạn nào về điều kiện vật chất cũng khó khăn là dĩ nhiên và họ có thể chấp nhận được, nhưng họ rất ao ước có thủ tục pháp lý để đi xin định cư.

Hòa Thượng Thích Huyền Việt: Rất đồng ý với Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm. Nhu cầu của người Việt Nam khi rời Việt Nam đến Thái Lan bất hợp pháp, do đó nhu cầu của họ là tìm một nước thứ ba nhận họ vào sống có pháp lý bảo vệ, do đó trạm tại Bangkok, Thái Lan này rất quan trọng trong lúc họ chờ đợi để Cao Ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc cho họ quyền để đi định cư; huynh đệ chúng tôi là những vị lãnh đạo tôn giáo tại Houston nói riêng và Hoa Kỳ nói chung, trong lúc họ cần giúp đỡ, điều quan trọng ở đây là chúng tôi đón nhận những món quà tình thương bằng tiền để mang sang đây giúp họ. Dĩ nhiên đạ làm nhiều chuyến rồi.

Mục sư Y Hin-Ni: Tôi cũng đồng ý với Linh mục Bác sĩ Tâm, và Hòa thượng Việt. Sự thật là họ đến đây để đi tìm một nơi cư ngụ hợp pháp để có thể thờ phượng Chúa mà nơi họ bỏ ra đi không được. Hôm nay đến tại một nhà thờ Thái, thấy họ đến rất đông và được hát ca ngợi, thờ phượng Chúa. Chúng tôi rất lo lắng vì thấy có nhiều người vẫn chưa được ăn ở hợp pháp. Bây giờ thì chúng tôi chỉ có thể đến để an ủi họ.

Gia Minh: Cả ba vị đều cho rằng chuyện pháp lý để người tỵ nạn được đi đến nước thứ ba và cần có được giúp đỡ về pháp lý để đạt được điều đó; vậy công tác ấy được khai thông đến đâu lâu nay và sắp tới cần phải làm gì nữa?

Linh mục Phạm Hữu Tâm: Mục đích của chúng tôi đến đây không phải để lo chuyện pháp lý cho họ; mà chúng tôi là phái đoàn tôn giáo đến đây để an ủi tinh thần cho họ khi họ đang khổ cực ở đây. Có những anh chị em Phật giáo người Khmer Krom, những anh chị em Công giáo Cồn dầu, những anh chị em người Montagnard, H'mong cho nên đó là điều mà chúng tôi ao ước đến đây để được gặp được họ. Tuy nhiên khi biết về nhu cầu của họ như vậy rồi, chúng tôi sẽ mang những tin tức này về để nói cho những đồng bào của chúng ta ở bên Mỹ, đặc biệt là đồng bào ở Houston và các nơi để chúng ta cố gắng tìm một phương thức nào đó để hỗ trợ giúp cho họ. Chúng ta biết được đó là nhu cầu tối quan trọng của họ thì làm sao chúng ta hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu đó.

Gia Minh: Thưa, từ trước đến nay vấn đề đó đã được đặt ra chưa?

Linh mục Phạm Hữu Tâm: Thực sự lâu nay nhu cầu đó đã được đáp ứng phần nào, nhưng vẫn rất thiếu thốn. Thông qua Ủy Ban Cứu nguy Giúp Người Vượt biển- BPSOS, hai năm qua cố gắng giúp cho họ về nhu cầu pháp lý, tức có những luật sư thiện nguyện qua đây ba năm liên tục rồi. Thế nhưng nhu cầu rất nhiều, người tỵ nạn qua đây rất đông, nói chung tất cả chừng 1000 người tỵ nạn; mà làm thũ tục mất rất nhiều thời gian. Rồi khi bị từ chối một lần phải làm thủ tục kháng án càng khó khăn hơn nữa. Vì vậy nhu cầu đó lâu nay đáp ứng chưa đủ. Hiện nay văn phòng BPSOS ở đây không còn luật sư nữa trong 6 tháng vừa rồi. Chúng tôi về sẽ cố gắng kêu gọi về nhu cầu đó để làm sao có thể đáp ứng cho họ.

Gia Minh: Hẳn nhiên Phái đoàn còn có những điều đã chứng kiến tại Thái Lan và muốn nói với những người còn tại Việt Nam, xin phái đoàn chia sẽ những điều đó.

Hòa thượng Thích Huyền Việt: Việc mà chúng ta bỏ nước ra đi là chuyện không bình thường chút nào hết. Do vậy việc không bình thường này phải được nói lên; không có lý do gì mà phải bỏ nước ra đi; nhưng có những người phải bỏ nước ra đi vì họ bị đưa vào thế chân tường, tức họ không còn tìm thấy con đường sống nên phải bỏ nước ra đi. Nhưng phải nhắn gửi với những người Việt Nam chúng ta là phải cố gắng thay đổi hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, làm sao để sớm có dân chủ và tự do. Như vậy đến lúc đó kể cả những người phải lưu lạc nơi xứ người như ở Thái, Miên, Lào chúng ta sẽ trở lại, trở về Việt Nam- mảnh đất quê hương cha ông nghìn đời của chúng ta để sống, xây dựng thành một đất nước dân chủ, tự do, dân giàu, nước mạnh. Như vậy mọi sự khó khăn như bây giờ chúng ta đang đương đầu mới giải quyết được tận gốc rễ.

Gia Minh: Mục sư và Linh mục có ý kiến gì về điều mà Hòa thượng Thích Huyền Việt mới nói không?

Mục sư Y Hin-Ni: Đối với những dân tộc ở miền Cao Nguyên rất hy vọng đất nước mau mau trở thành nước dân chủ. Tôi xin kêu gọi với mọi người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu là đất nước chúng ta rất cần một sự dân chủ.

Linh mục Phạm Hữu Tâm: Tôi nghĩ lực của con người chúng ta có giới hạn thôi 'lực bất tòng tâm', và chúng ta phải cậy dựa vào niềm tin tôn giáo, ơn lành, ơn trên ban xuống mới cải hóa được tâm hồn con người, mới thay đổi được hoàn cảnh xã hội. Đối với chúng tôi niềm tin tôn giáo cũng như chúng ta phải cầu nguyện với Ơn Trên nhiều để Ơn Trên ban cho đất nước Việt Nam chúng ta sức mạnh để thay đổi tấm lòng con người và đặc biệt gìn giữ quê hương Việt Nam chúng ta.

Gia Minh: Xin cám ơn toàn thể quý vị.