Vần đề nhân quyền
Chân Như phỏng vấn BS Nguyễn Đan Quế về cuộc viếng thăm này. Trước hết, BS Quế cho biết:
BS Nguyễn Đan Quế: Ông Đại Sứ có thông báo cho tôi biết những gì ông và Tòa Đại Sứ đã làm để cải tiến tình trạng nhân quyền – dân chủ tại Việt Nam trong vòng một năm qua kể từ khi ông sang nhậm chức và có gặp nhiều khó khăn.
Ông nhấn mạnh chính sách của Mỹ là nhất quán : hợp tác kinh tế - quân sự phải đi kèm với cải cách về nhân quyền và dân chủ.
Ông cho biết rằng ông và các cộng sự viên của ông ở Tòa Đại Sứ tại Hà Nội và Tổng Lãnh Sự ở Sài Gòn, ngay từ khi ông mới sang, thì đã nhiều lần mỗi khi mà ông gặp những nhà chức trách cao cấp của phía Việt Nam, kể cả Thủ Tướng và Chủ Tịch, thì đều nêu lên đòi hỏi phía Việt Nam phải có cải thiện tình trạng nhân quyền. Ông nhắc nhiều nhất đến tự do thông tin, tự do phát biểu ý kiến, minh bạch về vấn đề đất đai, rồi phải cải thiện những thủ tục xét xử ở tòa án, truy tố ra tòa án, phải hợp với những tiêu chuẩn của quốc tế.
Chân Như : Dạ vâng. Thưa Bác Sĩ, chắc chắn là vấn đề tự do - dân chủ là đề tài chính trong cuộc gặp gỡ thì ngoài Bác Sĩ ra cũng còn rất là nhiều những nhà trí thức trẻ, những nhà hoạt động dân chủ mà ít được biết tới đang bị chính phủ Việt Nam đàn áp thẳng tay, tù đày, thì bác sĩ đã đề nghị những gì với ông Đại Sứ về vấn đề này ạ ?
BS Nguyễn Đan Quế : Sau những lời hỏi thăm ngoại giao thì tôi nói ngay rằng là tôi rất cảm ơn ông Đại Sứ đã đến thăm cá nhân tôi, nhưng mà tôi xin nhấn mạnh chuyến viếng thăm này không phải chỉ là niềm vinh dự riêng cho tôi mà là còn gây hứng khởi rất nhiều cho các nhà hoạt động khác, và là một thúc đẩy rất có ý nghĩa đối với toàn thể phong trào tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
Tôi có đề nghị với ông Đại Sứ và các cộng sự viên của ông là cố gắng viếng thăm càng nhiều càng tốt những nhà tranh đấu.
Tôi cũng bày tỏ mối quan tâm và lo âu rất sâu sắc đến tù nhân lương tâm hiện còn đang trong vòng lao tù cộng sản. Điều kiện sống của họ thật là cực khổ, bị chính quyền lạm dụng bắt lao động quá sức, khổ sai quá sức, ăn uống thiếu thốn, không đủ no, không được chăm sóc y tế.
Tôi có nêu lên những trường hợp tiêu biểu như là Linh mục Nguyễn Văn Lý sức khỏe rất yếu kém, nhạc sĩ yêu nước Việt Khang, các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn.
Tôi có gửi ông Đại Sứ danh sách cập nhật tù nhân chính trị tại Việt Nam. Tôi nói rõ đây là những người ít biết được quốc tế biết đến mà hiện bây giờ đang rất là đau khổ mà tinh thần của họ phải hết sức kiên cường mới có thể chống lại được cái ách áp bức trong nhà tù của chế độ cộng sản.
Và chúng tôi cũng có nêu lên trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng đã được trả tự do là nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Tòa Đại Sứ Mỹ.
Tôi cũng lưu ý ông Đại Sứ và tôi hy vọng trong tương lai ông Đại Sứ sẽ mang lại được nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong việc yêu cầu nhà cầm quyền thả hết ngay và vô điều kiện những tù nhân lương tâm vì đây là những người yêu nước.
Tôi cũng yêu cầu ông Đại Sứ lưu ý nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của người dân. Khi tôi trình bày những điều như thế, ông Đại Sứ rất là chia sẻ và ông biết rất rõ những trường hợp này vì Tòa Đại Sứ đã có lên tiếng. Thí dụ như gần đây nhất là vụ bà Đặng Thị Kim Liêng.
Lãnh vực chính trị
Chân Như: Dạ vâng. Thưa Bác Sĩ, sau vấn đề về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam thì Bác Sĩ và ông Đại Sứ còn chia sẻ về những lãnh vực nào khác ạ? Và theo Bác Sĩ thì những chia sẻ của Bác Sĩ có được ông Đại Sứ đồng tình hay không ?
BS Nguyễn Đan Quế: Chúng tôi có trao đổi nhiều về lãnh vực chính trị. Đây có lẽ là những điều mà ông Đại Sứ muốn chia sẻ với tôi, và cũng có nhiều điều mà hai bên đồng ý.
Thứ nhất, hiện giờ Mỹ đang tái xếp đặt chiến lược ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và đây là sự thay đổi lớn lao ở thế kỷ 21 ở một vùng quan yếu nhất trên thế giới. Và tôi cũng nói với ông Đại Sứ là nhiệm vụ của ông ở thời điểm này tại Việt Nam có thể nói là một trong những nhiệm vụ khó khăn, tế nhị và quan yếu nhất trong hàng các đại sứ trên thế giới. Tôi có nhấn mạnh là Mỹ chỉ có thể chấp nhận một đối tác chiến lược như Việt Nam nếu Việt Nam phải là một nước tự do và dân chủ, chứ không thể đối tác với một thể chế độc tài như hiện nay. Trên điểm này thì tôi thấy thái độ của ông Đại Sứ là chia sẻ.
Điểm thứ hai tôi xin nhấn mạnh sự dân chủ hóa là tối quan yếu trong chuyện tái quân bình chiến lược tại Châu Á-Thái Bình Dương, vì dân chủ hóa đáp ứng khát vọng từ lâu rồi của dân tộc Việt Nam. Rồi tôi cũng nói đến chuyện nền kinh tế Việt Nam hiện giờ đang bên bờ phá sản vì những đảng viên cao cấp và những thân trong phe đảng đã phung phí một cách không có hiệu quả.
Thế thì sau khi tôi nói về chuyện có một sự phù hợp giữa dân chủ hóa Việt Nam là cần thiết cho chiến lược của Mỹ, và dân chủ hóa Việt Nam là đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn dân Việt Nam 90 triệu người, thì tôi có đưa một số những đề nghị để chia sẻ với ông Đại Sứ.
Điểm thứ nhất thì tôi nói rõ đây là một cơ hội bằng vàng để chính phủ Mỹ có thể tỏ rõ ý muốn hỗ trợ một chế dộ chính trị cởi mở hơn tại Việt Nam. Cụ thể, tôi nhấn mạnh Việt Nam phải đưa ra một lộ trình bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tôi cũng có nói lên cái khó khăn mà ông Đại Sứ cũng như các cộng sự viên của ông khi làm việc tại Việt Nam, thì cái khó khắn đó là do Điều 4 của bản Hiến Pháp cho Đảng CSVN toàn quyền. Theo tôi, chuyện rất là nhiều khó khăn, nhưng phải tiến đến chỗ hủy bỏ Điều 4 này thì mới thiết lập được một nền dân chủ phát triển thật sự.
Liên quan đến những vấn đề của các anh em hoạt động thì tôi và ông Đại Sứ có trao đổi và chia sẻ, và theo chúng tôi thì chính quyền phải ngưng sách nhiễu, bắt bớ hay cầm tù những người dân vì những phát biểu, vì những ý kiến ôn hòa của họ. Về điểm này thì ông Đại Sứ hoàn toàn đồng ý và ông nói rất rõ rằng hiện bây giờ phía Mỹ luôn luôn yêu cầu phải có tự do thông tin, tự do phát biểu, kể cả quyền chỉ trích chính quyền của người dân Việt Nam. Người ta phải có cái quyền đó. Chúng tôi nhấn mạnh rằng bây giờ chúng ta phải đòi hỏi Hà Nội thả hết và ngay lập tức tù nhân lương tâm. Đó là những điều tôi muốn chia sẻ để ông Đại Sứ nắm thật vững để can thiệp với phía Việt Nam trong khi có những sự hợp tác về kinh tế, quân sự.
Cũng như chúng tôi có nhắc đến sự hợp tác trong tương lai mà quan trọng là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ôn Đại Sứ có hỏi tôi, theo ý kiến của tôi thì vấn đề TPP đồi với Việt Nam như thế nào? Thì tôi có ngắn gọn với ông rằng TPP là một sự hợp tác kinh tế lớn mạnh ghê gớm của Châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai và Việt Nam được tham dự vào là một cơ hội rất lớn và rất tốt, nhưng mà muốn tham dự vào được thì Việt Nam phải dân chủ hóa, phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là phải tôn trọng quyền của người lao động. Thì tôi thấy là ông Đại Sứ cũng đồng ý và vui vẻ vì thấy điều đó là đúng.
Trước khi kết thúc tôi có đề nghị với ông Đại Sứ Mỹ cái điểm như thế này, trong khi chúng ta cố gắng tập trung vào đòi Hà Nội phải thả hết tù nhân lương tâm ra thì chúng ta cũng phải cố gắng để đạt cho bằng được những sự tiến bộ về nhân quyền, có chính sách lâu dài, cụ thể, bền vững và có thể kiểm chứng được, kiểm tra được bằng cách là phải thay đổi hoàn toàn bộ luật hình sự. Không thể nào người dân Việt Nam chấp nhận những điều khoản như là Điều 79 tức là “âm mưu lật đổ chính quyền”, hay là Điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước”. Những điều luật này rất mập mờ, giải thích thế nào thì giải thích theo ý chính quyền để bắt và bỏ tù người dân.
Và tôi có đề cập thêm là yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt ngay chuyện tự do xâm nhập gia cư người dân, lục soát, bắt bớ mà không có lệnh của tòa. Tôi có nhắc đến vài trường hợp, bản thân tôi là một, còn thí dụ những gia đình như gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ (Quảng Nam), và trường hợp mới đây đối với TS Nguyễn Xuân Diện chỉ vì sử dụng internet thì bị nhà cầm quyền tự tiện xông vào nhà lục soát mà không có lệnh của tòa.
Tôi cũng có nhắc đến là bây giờ nếu chính phủ Mỹ làm việc với những cơ quan phi chính phủ quốc tế thì cố gắng giúp Việt Nam soạn thảo bộ luật hình sự mới phù hợp với luật quốc tế để nhà cầm quyền Hà Nội không thể dùng những luật này mà trừng phạt người dân Việt Nam chỉ vì họ thi hành những quyền đã được quốc tế công nhận, chính phủ Mỹ và chính Liên Hiệp Quốc bênh vực và trao cho người dân ở trên thế giới.
Trao đổi chót thì chúng tôi có bàn về tự do tôn giáo và phải công nhận quyền tư hữu đất đai của người dân, mà theo tôi thì tôi cũng có nói rõ là ngày nào mà chính quyền Hà Nội còn cố chấp, không công nhận quyền tư hữu và quyền sở hữu đất đai thì trong xã hội không bao giờ ổn định được cả, chắc chắn như vậy. Đó là những điều mà tôi và ông Đại Sứ Mỹ có chia sẻ vào những phút cuối của cuộc gặp giỡ.
Chân Như : Một lần nữa xin cảm ơn BS Nguyễn Đan Quế rất là nhiều đã dành đặc biệt cho Đài Á Châu Tự Do cuộc trò chuyện ngày hôm nay ạ.
BS Nguyễn Đan Quế : Dạ vâng. Xin cảm ơn anh. Xin kính chào tất cả quý vị.
Theo dòng thời sự:
- Đại sứ Hoa Kỳ gặp gỡ BS Nguyễn Đan Quế
- BS Nguyễn Đan Quế bị bắt
- Quan ngại sự lan tỏa của "Cách Mạng Hoa Lài"
- Khối 8406 kêu gọi hưởng ứng "Cuộc Cách Mạng Hoa Lài"
- Tại sao lại thù ghét hòa bình?
- Các nhà dân chủ VN nghĩ gì về cuộc "Cách Mạng Hoa Lài"?
- Bức tranh nhân quyền tại VN
- Cuộc vận động cho nhân quyền VN
- Công an bắt giữ nhà báo tự do Tạ Phong Tần
- Hương Hoa Lài đang lan tỏa tại Á Châu