Là một trong những người đã tham gia vào đợt biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2007, Phạm Thanh Nghiên bị bắt đi trong lúc đang ngồi tọa kháng tại nhà cùng với biểu ngữ “Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam” vào ngày 18/9/2008.
Cô đã được tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett vào năm 2009 về những đóng góp tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Không ngừng tranh đấu
Nói với Khánh An sau khi trở về nhà ở Hải Phòng, cô Phạm Thanh Nghiên cho biết ngay cả khi ở trong tù, cô cũng không ngừng tranh đấu, ngay từ những sự việc nhỏ nhất. Cô kể:
"Việc đầu tiên là sau phiên tòa của Phạm Thanh Nghiên, báo Hải Phòng có đưa tin rằng là: “Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Phạm Thanh Nghiên đã phải thừa nhận những gì viết trong bài viết là sai sự thật”. Phạm Thanh Nghiên mới thấy tại sao người ta lại dựng lên một câu chuyện không có thật như thế thì tôi phản ứng bằng cách tuyệt thực. Tôi muốn thể hiện ý chí phản kháng của mình là cái thứ nhất. Thứ hai là để cho những tù nhân ở cạnh mình họ nhìn thấy những việc làm, mặc dù nho nhỏ, nhưng đối với họ là những việc rất khác thường, để họ có thể mạnh mẽ hơn với chính họ.
Việc thứ hai, trong thời gian ở trại giam, mỗi người được khoảng độ ba viên gạch, tức là chiều dài khoảng 1,8m, chiều rộng khoảng 60 – 80 cm cho một chỗ nằm của tù nhân. Người ta thường tự tạo ra một đệm lót bên dưới để nằm vào mùa đông cho đỡ lạnh. Từ trước giờ vẫn được như vậy, nhưng từ đầu năm họ nói rằng không được dùng các đệm đấy, thì tôi cũng có gặp gỡ những người có trách nhiệm và nói rằng nếu họ không cho nằm những đệm đấy thì họ đã vi phạm hai điều: Thứ nhất là quyền được bảo vệ và chăm sóc về mặt sức khỏe, thứ hai là quyền được tôn trọng về nhân phẩm.
Song song với việc đó, họ lại hạn chế lượng xô chậu và không được dùng chậu nhôm. Mà chị không thể tưởng tượng được là cái nắng của Lam Sơn nó kinh khủng lắm, người ta để xô chậu bằng nhựa bên ngoài là nó bị giòn và rất chóng hỏng. Đối thoại không được thì tôi phải tuyệt thực để gây sức ép, mặc dù đó là điều mà tôi không muốn."
Khánh An: Người ta thường hay gọi những người đi tù là "đi cải tạo". Thế thì trong thời gian 4 năm, người ta đã dùng hình thức gì để cải tạo chị và chị có thấy là mình có thay đổi gì trong hướng đi sắp tới hay không?
Phạm Thanh Nghiên: "Khi lên trại giam, tức là trại cải tạo, ngay những ngày đầu tiên cán bộ trại giam họ gặp gỡ tôi, tôi cũng nói rất thẳng thắn rằng những quy định nào hợp lý thì tôi sẽ chấp hành. Nhưng những quy định nào không hợp lý thì tôi trước nhất là sẽ đi gặp quý vị để đi đến thống nhất. Còn không thống nhất được thì tôi sẵn sàng phá vỡ những quy định ấy.
Về vấn đề làm việc, họ nói rằng đi làm là phải cải tạo, thì tôi có nói rằng tôi đang là một người tốt, là một thanh niên yêu nước bị đi tù về tội nói thật, bây giờ tôi vào đây tôi cải tạo thì hóa ra tôi lại trở thành người xấu à? Vì thế cho nên tôi sẽ không làm gì. Tôi sẽ không lao động, không làm gì hết trong nhà tù Cộng Sản này. Còn các vị áp dụng biện pháp gì thì đấy là quyền của các vị. Trong thời gian đầu họ xếp tôi vào đội thêu. Tôi đi theo đội hằng ngày ra hiện trường lao động nhưng tôi không làm gì, chỉ ra đấy ngồi chơi thôi, ngồi ở gốc cây đấy.
Tôi không dám tự hào với ai nhưng tôi tự hào với bản thân rằng trong khoảng thời gian 4 năm tù đày thử thách như thế, tôi đã giữ vững tinh thần. Bây giờ thì tôi càng thấy rằng không có lý do gì không có lý do gì để mình không đấu tranh tiếp cả. Thậm chí, nhà tù đã cho tôi một bài học rằng mình càng phải vững bước để tranh đấu và những người vì dân tộc mình mà tranh đấu, những người vì tự do và công bằng mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại."
Khánh An: Như thế thì rõ ràng 4 năm tù của chị không quá vất vả như những tù nhân khác mà còn có vẻ "nhàn nhã" nữa. Như vậy chị có định hướng gì sau khi ra tù không?
Phạm Thanh Nghiên: "Thưa có chứ. Trong thời gian đó tôi cũng đã nghiền ngẫm và có thể tôi sẽ điều chỉnh một số cái cho nó hoàn thiện hơn. Bởi vì những người tranh đấu như chúng ta thì càng ngày càng phải học tập, có khi mình học tập từ những sai lầm của người khác. Tôi rất mong mình sẽ làm được những điều như thế và sẽ đóng góp dù là một chút công sức nhỏ bé để tiếp tục làm những công việc còn đang dang dở."
Giữ vững tinh thần
Khánh An: Dạ vâng. Như chị vừa nói thì chị sẽ có một số thay đổi từ việc nhìn nhận ra những sai lầm, khuyết điểm của chính bản thân và từ những nhà tranh đấu khác. Như vậy, chị có thể chia sẻ ở đây một vài điều mà chị sẽ thay đổi không?
Phạm Thanh Nghiên: "Một điều nhỏ xíu thôi mà Thanh Nghiên học được và nghĩ rằng giá như ngày xưa mà là bây giờ thì mình sẽ xử lý khác đi rồi. Tức là gì? Trước kia khi Thanh Nghiên mới đấu tranh, vì là một người mới cho nên chưa có kinh nghiệm gì. Khi nhìn thấy cán bộ nhà nước, công an này kia, nhất là khi mình cứ bị họ bố ráp quanh nhà, cấm đoán việc đi lại nọ kia thì trời ơi tức lắm.
Nhưng mà bây giờ, hôm qua khi Thanh Nghiên về thì công an ở trại giam có đưa về trụ sở của phường thì trên dưới 30 con người vây xung quanh. Rồi về nhà lại thấy (công an) đã ngồi ở đấy rồi thì tự nhiên Phạm Thanh Nghiên thấy rất bình thường. Mình coi những việc ấy là phần công việc của họ và đấy là những cái mà mình phải chịu và mình phải vượt qua. Nhưng như thế không phải là sự quy hàng hay thỏa hiệp, mà là mình nhìn nhận mọi sự một cách điềm tĩnh để giúp cho mình tốt hơn cho bước đường tranh đấu sau này."
Khánh An: Nếu có một lời khuyên có thế hệ trẻ, chỉ sẽ khuyên họ điều gì?
Phạm Thanh Nghiên: "Tôi không dám dùng từ "khuyên" đâu mà chỉ lấy kinh nghiệm bản thân tôi ra để nói thôi. Tôi nghĩ mình là một thanh niên Việt Nam thì sự quan tâm của mình không nên bó hẹp trong cái gia đình hay trong khoảng trời bạn bè xung quanh hay bà con lối xóm, mà chúng ta nên quan tâm đến những gì phạm vi lớn hơn chút nữa, đó là những vấn đề của xã hội."
...trong khoảng thời gian 4 năm tù đày thử thách như thế, tôi đã giữ vững tinh thần. Bây giờ thì tôi càng thấy rằng không có lý do gì không có lý do gì để mình không đấu tranh tiếp cả. <br/> Phạm Thanh Nghiên
Khánh An: Và bây giờ hãy tạm gác lại tất cả những tranh đấu qua một bên, với tư cách là một người dân bình thường vừa mới ra tù, điều chị muốn làm nhất bây giờ là gì?
Phạm Thanh Nghiên: "Lại một câu hỏi tôi rất thích. Ngay từ mấy hôm trước, khi còn ở trong tù sắp về thì tôi đã mường tượng ra cảnh ở nhà. Việc đầu tiên là mình phải ôm mẹ vào lòng. Sau đó là ôm hai thiên thần bé nhỏ của tôi bởi vì tôi vừa lên chức "bà trẻ". Mẹ tôi thì tôi được ôm rồi, nhưng tôi mới được gặp một cháu thôi mà cháu không cho tôi bế bởi vì nó lạ. Các chị tôi đùa "chắc là nó ngửi thấy mùi tù nhân nó không theo. Tủi thân chưa?!". Thế thì tôi có nói là "Không, em không tủi thân đâu. Em sẽ chờ khi nào cháu đồng ý thì em bế". Nhưng thực ra trong lòng cũng thấy buồn bởi vì mình cũng là phụ nữ, là người rất giàu cảm xúc. Việc thứ hai nữa là muốn tự tay vào bếp để nấu cho mẹ một bữa cơm."
Khánh An: Khánh An cám ơn chị Phạm Thanh Nghiên đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.
Theo dòng thời sự:
- Trường Sa - vùng đất mẹ xa xôi
- Những hòn vọng phu
- Những bài thơ về Trường Sa
- Câu chuyện của người lính VNCH trấn giữ Trường Sa đến ngày cuối cùng
- 'Hoàng Sa, nỗi đau mất mát' sẽ được chiếu ở Quảng Ngãi?
- Những phụ nữ Việt Nam đón 8-3 trong nỗi buồn
- "Sói biển" – Người bám biển Hoàng Sa
- Những bài thơ viết vội từ hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc
- Những bài thơ yêu nước
- Nhà thơ Trần Vàng Sao và "Bài Thơ của Một Người Yêu Nước Mình"
- Những vần thơ chống Trung Quốc