Ngày 12 tháng 3 vừa qua. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và đại sứ Việt Nam tại Canada có cuộc gặp gỡ riêng với Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải. Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài Phố Bolsa TV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã tiết lộ về nội dung cuộc gặp gỡ này, trong đó có những chi tiết đã làm một số người Việt trong cộng đồng hải ngoại bất mãn và nghi ngờ về quan điểm của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải. Để rộng đường dư luận, Thông tín viên Tường An có cuộc trao đổi với Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải để có tiếng nói hai chiều.
Phục vụ cộng đồng người Việt Quốc gia
Tường An: Thưa Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải, ông có thể cho biết cuộc gặp gỡ riêng này là do ông yêu cầu hay do từ phía ông Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Chính phái đoàn Việt Nam của ông Nguyễn Thanh Sơn xin gặp riêng tôi để trình bày một số việc trước khi có cuộc gặp chính thức với bên phái đoàn của Bộ Ngoại Giao. Thực ra, lúc đầu họ chỉ muốn gặp riêng tôi thôi, nhưng tôi không chịu. Tôi đòi gặp riêng rồi thì phải gặp chính thức bên Ngoại giao nữa mới được. Sau đó, ngày 12/3 tôi gặp riêng họ (gồm ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Đại sứ Việt Nam tại Canada và tôi) trong vòng 1 tiếng, sau đó phái đoàn bên Cộng sản Việt Nam gồm 8 người gặp chính thức phái đoàn Bộ Ngoại Giao, trong đó có phái đoàn của tôi và bên Thượng viện, có bà Tổng giám đốc đặc trách vấn đề Nhân quyền của Canada.
Tường An: Thượng Nghị sĩ có thể cho biết về nội dung của cuộc gặp gỡ riêng này?
Tôi là người Canada gốc Việt, tôi cũng là người là người tranh đấu, do đó tôi cũng phải tranh đấu cho tất cả những người Việt Nam. <br/> -TNS Ngô Thanh Hải
TNS Ngô Thanh Hải: Trong buổi họp đó ông Nguyễn Thanh Sơn chỉ nêu ra một số vấn đề mà đảng Cộng sản Việt Nam không bằng lòng về công việc làm của tôi. Thứ nhất Nguyễn Thanh Sơn có đặt vấn đề là cấp lãnh đạo Việt Nam không bằng lòng về các lời tuyên bố của tôi tại Canada, nhất là tại Toronto khi tôi tuyên bố là tôi không chấp nhận chế độ Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Việt Nam phải giải thể và phải được thay thế. Vấn đề thứ hai ông Nguyễn Thanh Sơn cũng không bằng lòng việc tôi tranh đấu cho các nhà đấu tranh, các tổ chức tranh đấu cho tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận cho Việt Nam ở trong nước, nhất là họ chống Trung cộng trong vấn đề chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa và họ chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam không bảo vệ đất nước. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho là tôi có cái nhìn một chiều về vấn đề này. Ông Nguyễn Thanh Sơn ráng thuyết phục, ráng cắt nghĩa rằng những người này vi phạm luật lệ hiện hành của Việt Nam chứ không phải là những người tranh đấu.
Thứ ba, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng không bằng lòng công việc của tôi như một Thượng Nghị Sĩ Canada. Ông nói rằng tôi đại diện Canada thì chỉ nên lo về quan hệ giữa Canada và Việt Nam mà thôi chứ không đặt vấn đề phục vụ cho cộng đồng. Tôi nói rằng: thứ nhất, tôi là Thượng Nghị Sĩ Canada do đó mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam sẽ dựa trên các vấn đề di trú, vấn đề giáo dục… Tuy nhiên tôi là người Canada gốc Việt, tôi cũng là người là người tranh đấu, do đó tôi cũng phải tranh đấu cho tất cả những người Việt Nam ở trong nước, và tôi cũng phục vụ cho cộng đồng người Việt Quốc gia tại hải ngoại. Vì thế Nguyễn Thanh Sơn cho rằng tôi có cái nhìn một chiều và không giữ đúng vai trò của một Thượng Nghị sĩ Canada.
Yêu cầu thả tù nhân chính trị
Tường An: Được biết, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng có khuyên ông về Việt Nam để nhìn thấy sự phát triển của đất nước, để không có cái nhìn một chiều, ông có nghĩ rằng ông sẽ suy xét để làm theo lời khuyên đó không ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Ông Nguyễn Thanh Sơn ráng thuyết phục tôi về thăm Việt Nam. Tôi cuong quyết từ chối. Tôi nói rằng với tư cách một người Canada gốc Việt, tôi không về thăm Việt Nam, tôi không về thăm một quốc gia Cộng sản. Tôi ra điều kiện với ông Nguyễn Thanh Sơn rằng nếu tôi về thì các ông phải thả 10 người tù nhân chính trị mà tôi đã đưa danh sách. Đó là Cha Lý, là Nguyễn văn Hải Điếu Cày, Võ Minh Trí tức là Việt Khang, rồi Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, rồi (Đinh) Nguyên Kha … Tôi đòi cô Phương Uyên phải được đi học, Huỳnh Thục Vy, Thầy Quảng Độ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế không bị quản chế. Đó là danh sách tôi đưa cho ông Nguyễn Thanh Sơn, (và nói) rằng những người đó phải được thả thì tôi mới về chứ về để đi viếng thăm, đi du lịch thì tôi không về. Sau khi nói (như vậy) rồi thì ông ta cho là tôi có cái nhìn một chiều. Ổng cũng so sánh rằng ông Nguyễn Cao Kỳ là một cựu Thủ tướng, một cựu lãnh tụ quốc gia (đã về), mà sao tôi không về. Tôi nói rằng Nguyễn Cao Kỳ là việc của ông Nguyễn Cao Kỳ còn Ngô Thanh Hải là việc của ông Ngô Thanh Hải. Muốn tôi về thì điều kiện là anh phải thả các tù nhân chính trị.
Tường An: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng nói rằng Thượng Nghị sĩ đã hoàn toàn nhất trí với quan điểm của ông ấy về việc Việt Nam đã xử sự hợp tình hợp lý với những người bất đồng chính kiến vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như đồng ý với quan điểm của ông Sơn rằng Linh Mục Nguyễn văn Lý là người quậy phá. Xin ông nói rõ hơn về việc này ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Đúng lý ra, ông Nguyễn Thanh Sơn nhờ tòa đại sứ liên lạc để gặp riêng tôi, yêu cầu xin gặp riêng tôi, ráng phân trần và giải thích mọi sự bắt bớ và cho rằng những người này đã vi phạm luật lệ của Việt Nam chứ không phải là những người đấu tranh cho tự do báo chí và tự do ngôn luận. Theo tôi nghĩ thì đảng Cộng sản Việt Nam rất cố gắng để giải thích những chuyện bắt bớ, đánh đập. Theo tôi nghĩ, nếu nói rằng Cha Lý hay là Việt Khang mưu toan lật đổ chính phủ với điều lệ 88 hay 258, tôi nghĩ rằng những người này không có súng đạn, không có quân đội làm sao mà âm mưu lật đổ chính phủ được? Thành ra đó là điều mà tôi không chấp nhận, dù họ cố gắng giải thích, giãi bày như thế nào trong cuộc gặp gỡ riêng tư. Thì tôi nghĩ rằng công việc bào chữa của ông đối với những người đấu tranh ở trong nước, những bloggers vi phạm luật lệ nhà nước là không đúng sự thật. Hơn nữa, chính tôi đã vận động Bộ Ngoại giao Canada can thiệp cho Linh Mục Lý đi chữa bệnh thì không có lý do gì mà tôi đồng ý với ông Nguyễn Thanh Sơn rằng Linh Mục Lý là người quậy phá cả.
Mặc dù ông ta cũng đã phân trần riêng tư với tôi rất nhiều, nhưng tôi cũng nêu ra tại buổi họp chính thức. Buổi họp với đại diện Bộ Ngoại Giao kéo dài 45 phút. Và trước Bộ Ngoại giao thì họ cũng phân trần giống như họ phân trần riêng với tôi. Khi gặp gỡ chính thức, tôi cũng nêu ra chính thức trước mặt Bộ Ngoại giao. Có thể vì lý do đó mà họ không bằng lòng chăng? Tôi không hiểu!
Tường An: Trước đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng nói rằng có những người Việt ở hải ngoại chỉ vì đồng tiền, muốn có thu nhập thêm, chỉ vì nhu cầu cuộc sống mà tham gia biểu tình, lần này ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn lại nói những điều mà như nãy giờ chúng ta trao đổi thì thấy rằng dường như nó không đúng với nội dung cuộc tiếp xúc. Ông có nhận định gì về việc này ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Những lời của ông Nguyễn Thanh Sơn nói ra mà có thể lung lay sự đấu tranh của một số người thì tôi xin những người đó nên vững tâm và nên có niềm tin vững chắc. Tôi xin chúng ta nên có một cái nhìn phán đoán khi có một lời tuyên bố nào ở phía Cộng sản Việt Nam. Đừng để nghị quyết 36 mà họ đã đưa ra chia rẽ cộng đồng của chúng ta tại hải ngoại.
Những gì mà Cộng sản đã nói, đã nêu ra để phân bày, thanh minh thanh nga đối với tôi thì tôi cũng không cho đó là sự thật mà công việc của tôi vẫn là tranh đấu cho một nước Việt Nam Dân chủ Tự do. Ngoài ra, với tư cách là Thượng Nghị sĩ Canada tôi có bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi Cộng sản Việt Nam phải thả tất cả những người đấu tranh trong nước vì Cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền.
Tường An: Ngoài những chi tiết mà ông cho biết về cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Thanh Sơn còn nói thêm điều gì không ạ?
Cái chuyện mà ông Nguyễn Thanh Sơn nói là tôi đồng ý với các vấn đề của Cộng sản Việt Nam thì tôi không bao giờ tôi nói là tôi đồng ý cái gì cả. <br/> -TNS Ngô Thanh Hải
TNS Ngô Thanh Hải: Khi ông Nguyễn Thanh Sơn vô phòng tôi và gặp lá cờ vàng ba sọc đỏ đứng bên cạnh lá cờ Canada thì ông ta cũng không vui lắm, kể cả ông Đại sứ Việt Nam cũng không vui lắm. Ông ta nói rằng lá cờ này là lá cờ của quá khứ rồi, anh là một Thượng Nghị sĩ Canada thì trong vấn đề quan hệ ngoại giao anh phải treo cờ của chúng tôi. Tôi nói rằng: tôi là một Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt, tôi phục vụ cho Canada là một chuyện mà tôi còn phục vụ cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở Canada nữa; lá cờ này là lá cờ tượng trưng cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở Canada đấu tranh cho Tự do Dân chủ, mà tôi là người đấu tranh cho Tự do Dân chủ thì tôi không có lý do gì mà tôi không treo cờ Việt Nam Cộng Hòa trong văn phòng của tôi cả, còn cờ Cộng sản Việt Nam thì tôi đã không chấp nhận chế độ Cộng sản Việt Nam nên chuyện treo cờ Cộng sản Việt Nam trong văn phòng tôi là không có. Thành ra ông ta cũng hơi hơi bực mình, không vui. Nhưng mà không vui hay bực mình là chuyện của ông Nguyễn Thanh Sơn chứ không phải là chuyện của tôi, chuyện tôi treo cờ là một hình thức mà họ không bằng lòng lắm.
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Tường An: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có nói trong cuộc phỏng vấn với đài Phố Bolsa TV là Thượng Nghị sĩ đã đồng tình, đồng ý với những gì ông ấy nêu ra về các nhà bất đồng chính kiến, ông ấy cũng đánh giá đó là hai cuộc gặp gỡ (cuộc gặp gỡ riêng với Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải trong vòng 1 tiếng và cuộc gặp gỡ chung với đại diện Bộ Ngoại Giao Canada trong vòng 45 phú t – chú thích của RFA) có nhiều đồng thuận giữa hai bên. Xin ông cho biết cuộc gặp gỡ 1 tiếng đồng hồ này đã đưa đến những đồng thuận gì ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Thưa không có đồng thuận gì hết. Tôi không đồng ý những gì mà ông Nguyễn Thanh Sơn nói. Về chuyện ông Sơn nói là tôi đồng ý với các vấn đề của Cộng sản Việt Nam, thì tôi không bao giờ tôi nói là tôi đồng ý cái gì cả. Bởi vì ông Nguyễn Thanh Sơn ráng lo phân trần và giải thích những hành động của Cộng sản Việt Nam đối với những nhà đấu tranh, đối với Cha Lý, đối với việc Trung cộng chiếm đất Hoàng Sa và Trường Sa. Ổng có nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa không có mất, thì ổng ráng giải thích. Nói tóm lại, trong buổi nói chuyện hôm đó, với cái phần "thanh minh thanh nga", phân trần, bào chữa của ông Nguyễn Thanh Sơn thì tôi không bao giờ chấp nhận lời phân trần đó.
... lá cờ này là lá cờ tượng trưng cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở Canada đấu tranh cho Tự do Dân chủ, mà tôi là người đấu tranh cho Tự do Dân chủ thì tôi không có lý do gì mà tôi không treo cờ Việt Nam Cộng Hòa trong văn phòng của tôi cả, còn cờ Cộng sản Việt Nam thì tôi đã không chấp nhận chế độ Cộng sản Việt Nam nên chuyện treo cờ Cộng sản Việt Nam trong văn phòng tôi là không có
TNS Ngô Thanh Hải
Trong cuộc nói chuyện riêng đó, cá nhân tôi không đồng ý bất cứ một điểm nào mà ông Nguyễn Thanh Sơn nói về những nhà bất đồng chính kiến bị bắt tù và tôi cũng không có nhu cầu hòa hợp hòa giải với Cộng sản Việt Nam. Chính Cộng sản Việt Nam phải hòa hợp hòa giải với người dân trong nước.
Tuy nhiên về buổi họp riêng đó thì ổng tưởng rằng tôi sẽ không nêu ra trong buổi họp chính thức với Bộ Ngoại giao. Nhưng trong buổi họp chính thức 45 phút với Bộ Ngoại giao Canada, ông Nguyễn Thanh Sơn đã cố gắng phân trần từng trường hợp trong danh sách 10 người mà tôi đưa ra, nói là họ vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng tôi hoàn toàn bác bỏ luận điệu đó. Theo tôi nghĩ đó là lý do làm cho họ không hài lòng cho lắm.
Và sẵn đây tôi cũng nói luôn với cô là Canada của chúng tôi đã chấp nhận hồ sơ của Cha Lý cho Cha Lý qua Canada chữa bệnh, hồ sơ đã xong xuôi hết rồi, vào giờ chót thì chính Cha Lý không chịu đi qua Canada bởi vì Cha Lý sợ khi qua Canada chữa bệnh rồi thì ông không được trở lại Việt Nam để tranh đấu. Trong buổi gặp với ông Phó Thủ tướng Vũ văn Ninh tôi có nêu ra là những người được đi ra chữa bệnh thì các ông cũng phải cho họ về, thì ông Sơn kể cả ông phó Thủ tướng Vũ văn Ninh không trả lời câu hỏi của tôi. Và ông Sơn có nói một câu rất là… rất là vui, ông Sơn nói rằng: Những người tù nhân chính trị này, nếu Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải và Canada bảo lãnh thì tôi thả cho ra hết… Tôi không biết rằng khi ông nói ra câu đó là với ngụ ý gì? Tuy nhiên tôi biết rằng ông Nguyễn Thanh Sơn không có đủ quyền hành, bởi vì trên ông còn 16 người trong Bộ Chính trị nữa, thành ra vấn đề đó ông nói ra, ông đưa ra thì tôi cũng chỉ cười vậy thôi chứ tôi không có đặt nặng vấn đề đó. Nhưng tôi có lưu ý Bộ Ngoại Giao hãy lưu ý câu đó của ông Nguyễn Thanh Sơn. Tôi có nói với Bộ Ngoại Giao: quý vị nhớ nghe nhé! Chính ông này nói rằng nếu chúng ta bảo lãnh thì họ sẽ thả ra đó!”
Tường An: Thưa Thượng Nghị sĩ, được biết trong thời gian gần đây, đặc biệt nhiều đoàn viên của Liên Minh Dân chủ Việt Nam hoặc thân nhân của đoàn viên Liên Minh Dân chủ Việt Nam, (một đoàn thể chính trị mà ông Ngô Thanh Hải là Chủ Tịch - RFA chú thích ) về Việt Nam bị sách nhiễu hoặc trục xuất mặc dù họ không hề làm chính trị mà họ chỉ là thân nhân của đoàn viên Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.Thượng Nghị sĩ nghĩ sao về việc này ạ?
TNS Ngô Thanh Hải: Từ ngày tôi làm Thượng Nghị sĩ cho tới nay, tôi cũng có nhận xét đó: Tất cả những người Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, thân nhân hay những người có liên hệ đến Liên Minh Dân chủ Việt Nam khi họ đi về thì bị bắt, hoặc làm khó dễ, hoặc trục xuất ra khỏi Việt Nam dù rằng họ đi về chỉ để thăm Cha Mẹ ốm đau, hoặc lo vấn đề chôn cất, đều bị tương tự như vậy. Tôi không hiểu rằng đó là một hình thức cảnh báo của Cộng sản Việt Nam đối với Liên Minh Dân Chủ Việt Nam của chúng tôi hay không nhưng tôi thấy có những hành vi, những hành động khá đặc biệt riêng với Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do tôi lãnh đạo. Thành ra lời nói của ông Nguyễn Thanh Sơn kêu gọi hòa hợp hòa giải với hải ngoại, tôi thấy rằng câu nói đó không đi đôi với hành động. Cộng sản Việt Nam đưa ra hòa hợp hòa giải mà nội cái chuyện đi về thăm Cha Mẹ hay là chôn cất mà Cộng sản Việt Nam còn không làm được thì tôi không tin những câu nói của Cộng sản Việt Nam hoặc là của ông Nguyễn Thanh Sơn về vấn đề hòa hợp hòa giải hay hòa giải hòa hợp gì đó, đối với tôi không thật lòng hoặc không trung thực lắm.
Tường An: Xin cám ơn Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn nà y .