Luật Báo chí sửa đổi và luật mới cho phép tiếp cận thông tin, được Quốc hội thông qua trong khoá họp ngày 5 và 6 tháng Tư vừa qua với đa số đồng thuận. Để hiểu rõ thêm về Luật Tiếp cận Thông tin, chúng tôi hỏi thăm ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ tại Canada, là trung tâm theo dõi nền pháp luật Việt Nam và đưa ra nhiều phân tích mỗi khi có luật mới ban hành.
Chính quyền không được giữ bí mật thông tin
Ỷ Lan : Thưa ông Toby Mendel, Việt Nam vừa thông qua Luật Tiếp cận Thông tin, xin ông cho một định nghĩa ngắn gọn về "tiếp cận thông tin", là khái niệm đang còn mới lạ với người Việt ?
Toby Mendel : Đây là quyền được thông tin, cũng còn gọi là tiếp cận thông tin, hay tự do thông tin, tất cả đó quy chiếu theo ý kiến cho rằng chính quyền có rất nhiều nguồn thông tin về những hoạt động của đất nước, nhưng chính quyền không sở hữu thông tin. Chính quyền phải biến thông tin ấy cho việc lợi ích của quần chúng. Thông tin có được là nhờ công qũy lấy từ thuế đóng của người dân, nên người dân phải được quyền tiếp cận thông tin. Chính quyền không được giữ bí mật thông tin. Tôi muốn thêm rằng, quyền tiếp cận thông tin mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế. Điều thấy rõ khi chính quyền chia sẻ thông tin công khai với giới kinh doanh, hay nói chung trong xã hội, đều mang lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể.
Ỷ Lan : Ông phân tích ra sao về luật tiếp cận thông tin mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua?
Thông tin có được là nhờ công qũy lấy từ thuế đóng của người dân, nên người dân phải được quyền tiếp cận thông tin. Chính quyền không được giữ bí mật thông tin. <br/> - Toby Mendel
Toby Mendel : Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn nói rằng tôi rất bằng lòng Việt Nam tiến vào khung pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin, được quốc tế xem như quyền cơ bản của con người. Đã có 103 quốc gia trong thế giới thông qua luật này. Điều ấy có nghĩa là số 90 quốc gia còn lại chẳng thông qua bất cứ luật gì. Vì vậy thà có luật còn hơn chẳng có luật gì.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Tiếp cận Thông tin mà chúng tôi xem xét năm 2015 (cần nhấn mạnh rằng Luật dự thảo so với bản vừa được Quốc hội thông qua chẳng khác nhau bao nhiêu), thì tôi thấy rất yếu. Trong số 102 quốc gia mà Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ của chúng tôi đem ra khảo sát,Việt Nam đứng hàng thứ 93, trong số 10% các quốc gia đứng chót.
Tôi có thể nói Luật Tiếp cận Thông tin rất yếu kém trên mọi khía cạnh. Không phải tất cả các bộ phận chủ yếu bó buộc phải tiếp cận thông tin, thế nhưng những thủ tục tiếp cận thông tin cho người công dân lại không được giải thích minh bạch. Các việc như thế có thể sửa đổi bằng cách thông qua các nghị định bổ sung. Nhưng vấn đề quan trọng là các ngoại lệ — thông tin mà người dân không được tiếp cận — thì Luật Tiếp cận thông tin rất thiếu hụt.
Chúng tôi đồng ý một vài thông tin không được tiết lộ, như thông tin cá nhân về bệnh lý y khoa, hay các vấn đề nhạy cảm thuộc quốc phòng. Đây là những ngoại lệ chính đáng. Nhưng các ngoại lệ ở Việt Nam thì quá rộng và quá mơ hồ. Ngoài ra, nếu nhà cầm quyền Việt Nam bác bỏ các đơn xin tiếp cận thông tin của ngưới dân, thì Luật không cho họ một cơ cấu nào để họ có thể khiếu nại.
Không sử dụng các từ ngữ mơ hồ
Ỷ Lan : Ông có thể giải thích chi tiết hơn về các ngoại lệ, những thông tin gì mà Việt Nam không muốn cho công dân họ biết ?
Toby Mendel : Có một phần là những ngoại lệ thông qua luật, một phần đến từ hệ thống ngoại lệ. Những quốc gia dự thảo luật trong tinh thần cởi mở, thì đầu tiên họ phải nghĩ làm thế nào đạt quyền ưu tiên trên các luật cũ, ví dụ như bộ Luật Hình sự. Họ phải nghĩ tới sự cởi mở trên từng lĩnh vực khi dự thảo, ví dụ như an ninh quốc gia, khi lợi ích của nhân dân đứng trên chuyện an ninh quốc gia. Nhưng luật Việt Nam không chú ý tới điều này. Việt Nam đã lấy những điều luật từ bộ Luật Hình sự, mà các ngoại lệ lại quá nhiều và khái quát. "Bí mật quốc gia" không được định nghĩa, "trật tự xã hội và đạo đức" , "quyền lợi quốc gia" — là những từ ngữ rất khái quát được sử dụng để bao biện bất cứ chuyện gì. Mang nghĩa gì khi nói "quyền lợi quốc gia" ? "Sử dụng thông tin chống Việt Nam" — chống Việt Nam, là thế nào, mang ý nghĩa gì ? Luật hoàn hảo không sử dụng các từ ngữ mơ hồ, mà phải xác minh các lý do ngăn cấm thông tin như chuyện riêng tư, bí mật kinh doanh, là những điều có thể định nghĩa. Cho nên toàn thể chế độ ngoại lệ tại Việt Nam là một vấn nạn.
Ỷ Lan : Theo ông có thể làm gì để cải thiện luật này, hay là đã quá trễ?
Luật hoàn hảo không sử dụng các từ ngữ mơ hồ, mà phải xác minh các lý do ngăn cấm thông tin như chuyện riêng tư, bí mật kinh doanh, là những điều có thể định nghĩa.<br/> - Toby Mendel
Toby Mendel : Luật đã được Quốc hội thông qua, tôi cho rằng sẽ được ký phê chuẩn. Tôi muốn cố vấn cho chính quyền Việt Nam chấp nhận điều chỉnh những điều thiếu sót liên quan đến thủ tục, yêu cầu khẩn khoản, v.v… để 3, 4 năm sau ban hành việc sửa đổi luật. Nhưng điều quan trọng nhất là phải thực hiện — nếu chính quyền Việt Nam thực sự thành tâm muốn cho nhân dân họ được tiếp cận thông tin, tất sẽ tìm ra con đường thực hiện luật này một cách tích cực. Bằng không, chẳng đưa đến đâu cả,
Ỷ Lan : Các xã hội dân sự tại Việt Nam đã mạnh mẽ đòi hỏi Quyền Được Biết, tức Quyền Tiếp cận Thông tin. Nay sắc luật được thông qua, ông có lời khuyên nào giúp các xã hội dân sự đẩy mạnh quyền này ?
Toby Mendel : Vâng. Nhìn quanh thế giới, chúng ta thấy rằng ở đâu các xã hội dân sự tham gia mạnh mẽ bằng cách sử dụng luật pháp, yêu cầu khiếu nại, đẩy mạnh các cơ quan công cộng dựng lên các thủ tục tiếp nhận thông tin, chất vấn mọi cấm đoán tiếp cận thông tin, thì đó là chìa khoá cho việc thực hiện thành công. Ở đâu xã hội dân sự yếu kém, bất động, trong việc đòi hỏi thông tin, thì các chính quyền đáp ứng rất ít cho việc tiếp cận thông tin.
Cho nên tôi mạnh mẽ khuyên, không những cho các xã hội dân sự, mà cả các nhà báo, giới học thuật, giới kinh doanh cho đến từng công dân, hãy sử dụng luật pháp để đòi hỏi tiếp cận thông tin. Làm như thế, họ sẽ thực sự giúp đỡ thúc đẩy chính quyền thực hiện luật pháp. Đây là yếu tố tối quan trọng cho sự thành công áp dụng các Luật.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Toby Mendel.