Tham dự Hội thảo về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington tổ chức, ngoài những học giả đại diện cho nhiều nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc… còn có các đại diện đến từ Việt Nam.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam, người có bài thuyết trình về các diễn biến trên Biển Đông trong hội thảo này; đã dành cho phóng viên Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Việt Hà : Câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi muốn dành cho ông là với những diễn tiến trên Biển Đông trong thời gian gần đây, căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian qua, với những hành động của Trung Quốc mà các giới chức Việt Nam gọi là "hành động gây hấn", nhưng phía Trung Quốc thì nói là Trung Quốc hoàn toàn muốn hợp tác và sống hòa bình với các nước khác, Việt Nam đã có rất nhiều giải pháp như mang vấn đề ra ASEAN, và muốn đưa vấn đề này ra giải quyết theo hướng đa phương, theo ông, sắp tới Việt Nam cần phải có phương pháp nào để làm giảm căng thẳng trên Biển Đông nhằm đi tới giải quyết tranh chấp trên biển Đông?
TS Trần Trường Thủy : Theo tôi thì chính sách của Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện và hoạch định mang tính hệ thống mà nó sẽ bao gồm nhiều yếu tố, ngoài yếu tố như bạn nói là mang ra ASEAN hay là đưa ra các diễn đàn đa phương. Chính sách của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở là hệ thống, thứ nhất là công khai những vấn đề mà Trung Quốc chèn ép Việt Nam để cho thế giới thấy là các hành động phi pháp của Trung Quốc làm cản trở các hoạt dộng hợp pháp của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Bằng cách như thế thì ta có thể thu hút được sự ủng hộ của công luận.
Điều thứ hai là tùy theo tình hình và sự kiện mà ta có thể đưa các vấn đề ra Diễn Đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác, và càng nhiều tiếng nói nêu quan ngại đối với Trung Quốc thì Trung Quốc phải tính kỹ hơn các hành động của mình, mục tiêu là để Trung Quốc phải tính kỹ trong các lợi ich do các hành động hung hăn của mình ở Biển Đông. Làm như thế thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc nhiều hơn, tính toán kỹ hơn trước mỗi hành vi bành trướng.
Cái thứ ba là chúng ta phải tăng cường thực lực của mình nhằm bảo vệ chủ quyền cũng như quyền chủ quyền các lợi ích, cũng như quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công Ước Luật Biển Năm 1982. Và cơ bản nhất của chính sách của Việt Nam là tuân thủ theo luật pháp quốc tế, sử dụng luật pháp quốc tế và ngoại giao là các phương tiện chính, mà mục đích là giũ ổn định trên Biển Đông và tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm thực thi các lợi ích của mình theo Công Ước Luật Biển.
Việt Hà : Việt Nam cũng kêu gọi sự tham gia của các nước khác trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông, mà ở đây chúng ta không quên các nước lớn như là Mỹ, hay Nhật và Mỹ là quan trọng. Nhưng mà Mỹ đang có những vấn đề khó khăn về kinh tế, về ngân sách, và chính bản thân nước Mỹ cũng không thông qua Công Ước quốc tế về luật Biển, và do đó sẽ rất khó khăn cho nước Mỹ khi can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm như thế nào để khiến nước Mỹ tham gia nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông? Ông nhìn nhận khả năng nước Mỹ tham gia sắp tới như thế nào?
TS Trần Trường Thủy : Theo quan điểm cá nhân tôi thì Biển Đông liên quan đến lợi ích của nhiều nước, ngoài vấn đề tranh chấp liên quan giữa các bên tranh chấp trực tiếp, nó còn là vấn đề của khu vực, liên quan tới các nước trong khu vực hay là những vấn đề liên quan đến nhiều nước bên ngoài như hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông, liên quan đến lợi ích các nước ngoài khu vực trong đấy thì lợi ích của Mỹ là quan trọng như Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố các lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, thì như thế Mỹ can dự hay như bà nói là can thiệp vào Biển Đông thì trên cơ sở lợi ích của Mỹ.
Và cái phương thức đối ngoại của chúng ta là tăng các điểm đồng lợi ích, như vấn đề nào đồng lợi ích trong chính sách đối ngoại của Việt Nam mà cũng lợi ích thì chúng ta cùng khai thác. Trong đấy, đối với chính sách Biển Đông thì chúng tôi nghĩ là càng nhiều sự đan xen lợi ích quốc tế ở Biển Đông thì càng tốt trong việc biến Biển Đông thành vấn đề của khu vực và của thế giới, và qua đó kiềm chế các hành động có thể hung hăn hay hiếu chiến của Trung Quốc, và giữ hòa bình và ổn định để phục vụ lợi ích của ta.
Mỹ họ có nhiều cách để họ làm và tôi nghĩ bây giờ Mỹ cũng đang tìm cách phê chuẩn Công Ước Luật Biển như bà thấy hôm nay tại Hội Thảo. Nhưng mà kể cả Mỹ không phê chuẩn Công Ước thì họ có nhiều cách để can thiệp kể cả bằng lời nói, kể cả bằng hành động. Và hành động của Mỹ cũng có ảnh hưởng đến không chỉ lập trường và chính sách của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các nước ASEAN, đến tính đoàn kết trong ASEAN và như thế là rất quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của các bên liên quan.
Việt Hà : Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông chúng ta nói đến cái COC. Chúng ta có DOC năm 2002, nhưng bây giờ vẫn chưa có COC, và mọi người nói rằng ngoài vấn đề Trung Quốc không có tích cực, còn có vấn đề là các mâu thuẫn giữa các nước ASEAN, trong đó có các nước có lợi ích trên Biển Đông như là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Vậy thì theo ông, những sự khác biệt đấy trong ASEAN và Việt Nam là gì và Việt Nam sẵn sàng đến mức độ nào để có thể gạt sang bên các khác biệt để cùng nhau giải quyết vấn đề?
TS Trần Trường Thủy : Theo tôi, Biển Đông có nhiều vấn đề như tôi đã nói, có những vấn đề nó chỉ liên quan đến lợi ích của các bên trực tiếp, ví dụ như tranh chấp song phương hay là tranh chấp đa phương, còn có những vấn đề liên quan đến tất cả các nước ASEAN vì các nước ASEAN đều có lợi ích cũng như có tinh thần đoàn kết ở đây. Riêng đối với vấn đề COC như chị nói thì ASEAN không có mâu thuẫn trong vấn đề COC và tất cả các nước ASEAN đều mong muốn có một COC, chỉ có là chưa đạt được thỏa thuận với Trung Quốc mà thôi, chớ không phải là trong nội bộ ASEAN. Kể cả trong tuyên bố cấp cao ASEAN vừa qua ở Indonesia các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã kêu gọi tiến tới một COC vào năm 2012. Đấy là đồng thuận trong ASEAN về vấn đề đấy.
Lợi ích của nhiều quốc gia
Việt Hà : Tôi xin hòi ông một điều là ASEAN hoạt động trên nguyên tắc là vì lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan, vậy thì có các nước nhỏ không có mối liên quan gì trên Biển Đông, không có một lợi ích gì trên Biển Đông mà lại chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc thì họ sẽ không quan tâm lắm trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, nhất là các năm tới ghế chủ tịch lại thuộc vào các nước như vậy.
TS Trần Trường Thủy : Trong ASEAN thì có thể không đồng thuận trong vấn đề khác biệt lợi ích, nhưng mà riêng đối với vấn đề COC thì ASEAN đã đồng thuận, tất cả các nước liên quan cũng như không liên quan trực tiếp đến tranh chấp nhưng mà đều chia sẻ các yêu cầu về hòa bình ổn định cũng như coi cái DOC đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc như mong muốn và một cái COC trong tương lai cũng là giữa ASEAN và Trung Quốc.
Việt Hà : Muốn hỏi ông một câu nữa liên quan tới cái hoạt động phối hợp giữa 3 nước Việt Nam, Philippine và Trung Quốc trên biển Đông vào năm 2005. Liệu có thể thực hiện được một phối hợp tương tự như vậy như một phương thức giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và theo ông Việt Nam có thể làm được việc đó hay không? Và để làm được việc thì cần những điều kiện gì?
TS Trần Trường Thủy : Cái thỏa thuận như chị nói là cái thỏa thuận gọi là hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông. Thực ra đây là một phương cách mà cũng là thông lệ trong quốc tế, cũng như luật pháp quốc tế cho phép, trong khi các bên mà không giải quyết được tranh chấp thì các bên cùng gát lại tranh chấp để cùng phát triển hay cùng khai thác các tiềm năng, thì Việt Nam đã tham gia rất nhiều và về nguyên tắc là ủng hộ các giải pháp cũng phát triển. Vấn đề là đề tìm ra các khu vực cũng như phương thức hợp tác thì cần phải sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Và theo quan điểm của Trung Quốc mà cùng phát triển trong khu vực đường lưỡi bò thì không chấp nhận được bời các nước chung quanh, kể cả Việt Nam.
Việt Hà : Ông có hy vọng gì về triển vọng giải quyết tranh chấp biển Đông trong thời gian tới?
TS Trần Trường Thủy : Tôi nghĩ là tranh chấp về chủ quyền đối với Biển Đông thì không thể giải quyết trong tương lai gần hạn, hay kể cả tương lai trung hạn, do đó cái phương án khả quan là các bên tìm cách giữ hòa bình ổn định ở Biển Đông và thu hẹp phạm vi tranh chấp càng nhiều càng tốt. Và các khu vực ngoài phạm vi tranh chấp thì các nước có quyền hành động theo cơ sở của luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Luật Biển.
Việt Hà : Xin hỏi ông câu cuối cùng. Trong cuộc hội thảo hôm nay ông nghe phát biểu của nhiều học giả trong đó có học giả Trung quốc về bản đồ đường lưỡi bò cũng như những phát biểu quan ngại về các hành động gần đây của Trung Quốc. Ông có cảm nghĩ gì từ những gì mà ông nghe từ buổi hội thảo này và ông có nghĩ từ cuộc hội thảo này có thể hy vọng là có được sáng kiến nào đề ra để giải quyết cuộc tranh chấp hay không?
TS Trần Trường Thủy : Thực ra cái hội thảo này là một hội thảo rất hay trong việc nêu bật vấn đề Biển Đông trong cộng đồng các học giả quốc tế nói riêng cùng như trong cộng đồng thế giới nói chung thì thế giới càng quan tâm nhiều đến Biển Đông thì như tôi nói lúc đầu là nó sẽ càng có lợi. Còn cụ thể đối với các nội dung hội thảo thì các học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều lập trường, lập luận để bảo vệ các chính sách của họ. Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì những cái này nó không phải mới mà chẳng qua là họ lập lại trên các diễn đàn thế này thế kia. Và cái hay của hội thảo này là mọi người chỉ ra cho thấy là Trung Quốc có lời nói và hành động khác nhau thế nào.
Đa số thống nhất là chính hành động hung hăng, thậm chí hiếu chiến của Trung Quốc chính là các tác nhân chính gây căng thẳng trong khu vực. Và đấy là một cái đồng thuận rất lớn của quốc tế đối với Trung Quốc và tôi nghĩ là càng nhiều tiếng nói như thế và càng đến tai các quan chức cũng như chính phủ Trung Quốc thì họ cũng phải sụy nghĩ như thế nào để điều chỉnh chính sách, mục đích là vì lợi ích của họ thôi, nhưng mà giữ được hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Việt Hà : Cảm ơn ông.
Hội thảo Quốc tế về Biển Đông diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 6-2011 tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
Cuộc Hội thào diễn ra trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, ngày càng căng thẳng.