Ngày Tôn Vinh Tù nhân Lương tâm Việt Nam

Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam tiến hành một sinh hoạt nhằm tôn vinh các tù nhân lương tâm Việt Nam nhân ngày Nhân quyền thế giới 10 tháng 12. Ông Tổng thư ký của Hội trả lời Đài ACTD về việc này.

0:00 / 0:00

Hòa Ái: Trước hết, thưa ông đây có phải lần đầu tiên Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam tại hải ngoại tổ chức sinh hoạt nhằm tôn vinh những tù nhân lương tâm Việt Nam lâu nay hay không?

Ông Vũ Hoàng Hải: Theo sự yêu cầu của một số nhà đấu tranh quốc nội và linh mục Phan Văn Lợi, mục sư Nguyễn Hồng Quang, Thượng tọa Thích Thiện Minh cũng như bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư Nguyễn Bắc Truyển thì tất cả muốn có một ngày để tôn vinh tất cả những người tù nhân lương tâm. Bởi trước năm 75 đến bây giờ, chúng ta biết là rất nhiều người đã bị chết trong các trại tù cộng sản cũng như là bị đánh đập, bị tra tấn, mà hiện nay chưa có một ngày lễ nào để tôn vinh họ.

Linh mục Phan Văn Lợi- RFA caption
Linh mục Phan Văn Lợi- RFA caption (RFA caption)

Chính vì vậy mà Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam Hải Ngoại muốn chọn ngày 10/12 tức là ngày Quốc Tế Nhân Quyền để tôn vinh tất cả những người tù nhân đã chết trong tất cả các trại tù cải tạo, hay bị đánh đập, bị tra tấn, trù dập.

Hòa Ái: Ngoài sinh hoạt như vừa nêu, Hội Ái hữu Tù Nhân chính trị và Tôn giáo Việt Nam Hải ngoại lâu nay có những đóng góp nào nhằm giúp cho các cựu tù nhân lương tâm cũng như những người còn bị giam giữ trong các nhà tù tại Việt Nam?

Ông Vũ Hoàng Hải: Riêng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị bên này chúng tôi hoạt động quốc tế vận, chẳng hạn bản thân tôi thì thân quen với dân biểu liên bang Ed Roy, bà dân biểu Loretta Sanchez và nghị sĩ tiểu bang California Lou Corea, cũng như tất cả những nhân vật trong Bộ Ngoại Giao.

Tất cả những tù nhân nào bị đánh đập, bị tra tấn, bị bắt thì chúng tôi bên này đều can thiệp, như trường hợp của linh mục Nguyễn Văn Lý, của mục sư Nguyễn Công Chính hoặc là blogger Điếu Cày. Khi nghe tin những người bị bắt, bị đánh đập, chúng tôi đều gửi văn thư cho tất cả các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền để can thiệp cho họ.

Ngày nhân quyền Việt Nam 2009- RFA photo
Ngày nhân quyền Việt Nam 2009- RFA photo (RFA photo)

Hòa Ái: Đối với những cựu tù nhân lương tâm Việt Nam đã ra hải ngoại sinh sống thì họ có những liên lạc thế nào?

Ông Vũ Hoàng Hải: Chẳng hạn như tôi cũng tù hai năm, bị quản chế hai năm, bị cộng sản đánh chấn thương cột sống. Khi ra đây thì tôi sinh hoạt liền với các tù nhân chính trị ở bên này. Và chúng tôi cũng qui tụ tất cả các anh em ở tù chính trị ra hải ngoại, chẳng hạn như một số tù chính trị 20 năm ở trại A 20 Xuân Phước, một số hiện nay đang ở Thái Lan.

Chúng tôi quy tụ họ lại trong Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính trị và Tôn Giáo Việt Nam với mục tiêu chung là đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền.

Hòa Ái: Ông nhận thấy những hoạt động của các cựu tù nhân lương tâm Việt Nam tại hải ngoại nhằm hỗ trợ cho những người cùng chí hướng của họ tại Việt Nam có những hiệu quả thế nào?

Ông Vũ Hoàng Hải: Qua đây, chúng tôi kết hợp với nhiều tổ chức đấu tranh chẳng hạn như Mạng Lưới Nhân Quyền, Tổ chức Boat People SOS của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Ủy Ban Vận Động CPC. Cũng như một tổ chức đấu tranh, chúng tôi kết hợp lại, khi bất cứ một nhân vật nào ở Việt Nam bị nhà cầm quyền ở Việt Nam bắt bớ thì chúng tôi đều can thiệp bằng thực hành các loại quốc tế vận.

Một số chúng tôi quen thân với một số dân biểu ở đây như những nghị sĩ quốc hội, chúng tôi sẽ gửi văn thư đến họ. Đồng thời chúng tôi gửi văn thư đến Human Right Watch và tổ chức Global Funding để có thể hỗ trợ kết hợp về vấn đề tài chính cũng như về vấn đề pháp lý.

Hòa Ái: Những khó khăn hiện tại là gì?

Ông Vũ Hoàng Hải: Một số anh em bị tù đày ở Việt Nam, số lượng càng ngày càng đông và tình cảnh rất là khó khăn nhưng lâu nay ít ai quan tâm đến họ. Chính vì thế mà Hội ái Hữu chúng tôi đã quyết định chọn ngày 10/12 hằng năm là ngày Quốc tế Nhân Quyền để tôn vinh họ.

Cách tôn vinh ở đây là tôn vinh những công lao đóng góp của họ đối với tiến trình dân chủ, dân quyền ở Việt Nam. Tôn vinh những tinh thần bất khuất, tinh thần dấn thân, tôn vinh những sự đóng góp vô bờ bến của họ, mặc dù rằng ở Việt Nam rất là khó khăn, có thể hy sinh mạng sống, bị bao vây kinh tế, bị trù dập, bị bôi nhọ. Nhưng những nhà chiến sĩ dân chủ vẫn luôn luôn thể hiện tinh thần bất khuất của mình. Đó là gì? Là muốn làm cho Việt nam phải có nhân quyền.

Chính vì điều đó mà chúng tôi đã chọn ngày này và cùng tất cả những anh em ở hải ngoại cũng như quốc nội, tôn vinh những người tù nhân lương tâm đã vì tự do, dân chủ, dân quyền cho Việt Nam.

Hòa Ái: Xin ông chia sẻ một số kế hoạch chính mà hội sẽ tiến hành trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu của hội?

Chà đạp nhân quyền cụ thể nhất- RFA screenshot
Hình ảnh chà đạp nhân quyền cụ thể nhất- RFA screenshot (RFA screenshot)

Ông Vũ Hoàng Hải: Hội chúng tôi thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2006, bác sĩ Phạm Hồng Sơn là quyền hội trưởng. Tất cả các tù nhân chính trị ở tại Việt Nam chúng tôi đều cố gắng liên lạc với họ. Bằng mọi cách, có thể về quốc tế vận, về hỗ trợ tài chính, cũng như là kêu gọi các tổ chức nhân quyền, các tổ chức nhân đạo có thể giúp đỡ họ về tài chính và can thiệp cho họ mỗi khi họ bị nhà cầm quyền Việt Nam trù dập.

Kế hoạch của chúng tôi là kêu gọi cũng như hỗ trợ cho tất cả những tù nhân lương tâm. Những quý vị bị trù dập như thế thì họ liên lạc với Hội Ái Hữu chúng tôi bên hải ngoại, chúng tôi can thiệp với các giới chức có thẩm quyền, với quốc hội, với bộ ngoại giao Hoa Kỳ, với các tổ chức ân xá quốc tế.

Cũng như nhiều vấn đề chẳng hạn như một số anh em hiện nay ở trại Thái Lan ngày xưa đã bị cưỡng bức hồi hương, hoặc qua bên Thái Lan . Một số anh em từ A20 Xuân Phước tù 20 năm, một số vượt ngục qua Thái Lan thì chúng tôi đều quan tâm đến họ và cố gắng mở rộng mạng lưới của chúng tôi trên khắp toàn cầu.

Hòa Ái: Cám ơn ông Vũ Hoàng Hải, tổng thư ký Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Hải ngoại, về cuộc phỏng vấn dành cho Đài Á Châu Tự do vừa rồi.