Tuy nhiên cho đến nay cơ quan chức năng vẫn loay hoay với bài toán đó mà chưa tìm ra được lời giải.
Càng lúc càng cao
Đợt triều cường mới hồi đầu tháng 11 này, đã làm một số nơi như Quận 2, Thủ Đức, Bình Chánh, và vài khu vực khác bị ngập nước.
Cụ thể, mực nước sâu từ 30 đến 40cm, có nơi nước ngập trên nửa mét; như ở tuyến đường Kha Vạn Cân, đường 25, phường Hiệp Bình Chánh của Quận Thủ Đức, hay đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, đường Ngô Tất Tố ở Quận Bình Thạnh.
Triều cường cao đến nổi Thường trực Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chỉ đạo các quận, huyện triển khai ngay biện pháp phòng chống, và ứng phó với tình hình sạt lở đất trên điạ bàn Thành phố, để giảm thiểu tối đa các thiệt hại do các đợt triều cường cộng thêm những cơn mưa lớn trong mùa này gây ra.
Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về Nước, đồng thời là Phó Ban Điều phối chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về vấn đề triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Thực tế vấn đề mực nước bắt đầu tăng dần thì đã được quan sát từ khoảng gần 20 năm nay rồi. Đỉnh triều càng lúc càng cao. Tình trạng đó trước đây thì không rõ lắm, nhưng khoảng từ 20 năm trở lại đây càng lúc càng thấy rõ.”
Đỉnh triều càng lúc càng cao. Tình trạng đó trước đây thì không rõ lắm, nhưng khoảng từ 20 năm trở lại đây càng lúc càng thấy rõ.”
Thạc sĩ Hồ Long Phi
Thực ra không phải đến bây giờ tại Thành phố Hồ Chí Minh mới xuất hiện hiện tượng thuỷ triều dâng lên, vấn đề này đã có từ rất lâu cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất nam bộ này.
Tuy nhiên trong những năm gần đây mực nước triều của sông Saigon ngày càng cao làm cho sinh hoạt của cư dân sống gần các tuyến đê của sông này ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Nam bộ, có những lúc triều cường tại trạm An Phú trên sông Saigon cao đến 1,40m. Các khu vực có tuyến đê xung yếu ở các quận huyện vùng ven và ngoại thành như: Quận 2 , Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh v.v... luôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi triều cường.
Nguyên nhân?
Ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên Nước, thuộc Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam cũng cho biết, từ năm 2000 trở về trước, mức sông Saigon không bao giờ vượt quá 1,40m. Thế nhưng từ 2000 đến nay, mức sông Saigon có khi lên đến 1,50m. Năm 2009 có lúc ở mức 1,56m.
Cũng theo ông Vinh qua khảo sát, đánh giá ông và một số chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân chủ yếu của vấn đề mực nước ở sông Saigon cao hơn nhiều so với trước đây, là do vấn đề san lấp mặt bằng của khoảng 150 dự án triển khai từ năm 2000 đến nay.
Nhiều kênh, rạch đã bị san lấp khiến mực nước tại trạm An Phú tăng trung bình hàng năm khoảng 0,84cm, trong khi mực nước ngoài biển chỉ tăng ở mức 0,3cm/năm.
Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, Viện Trưởng Viện Khoa học-Công nghiệp và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xuất phát từ nguyên lý cân bằng nước, khi tổng lượng nước (ở đô thị là nước mưa và nước thải) vượt quá lượng nước có thể tiêu thoát qua hệ thống cống hay trực tiếp chảy vào sông, hoặc kênh rạch sẽ gây ra ngập lụt.
Vấn đề được đặt ra, tại sao mức nước triều ngày càng cao. Theo Giáo sư Lê Huy Bá, hướng thoát lũ chính của Thành phố là phiá Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống phiá Nam, Đông Nam và Tây Nam.
Sài Gòn trước đây có những khu đất trũng chưá nước như khu Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước, v.v... thì nay các khu vực này đã được san lấp để xây nhà cao tầng, đường xá. Việc này chẳng khác nào như xây đập ngăn không cho nước thoát.
Phó Ban Điều phối Chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh Thạc sĩ Hồ Long Phi cũng đưa ra nhận định:
“Có nhiều nguyên nhân tác động, một trong những nguyên nhân là tác động của mực nước biển dâng từ ngoài khơi,thì tốc độ tương đối chậm. Bình quân trong mấy mươi năm qua khoảng chừng 0,4 đến 0,5 cm/năm.
Trong khi đó mực nước tại các trạm bên trong, theo quan sát thì thấy lên tới 1,5 đến gần 2cm/năm, có nghiã là nhiều hơn gấp 3, đến 4 lần.
Điều đó có nghiã là không phải nước biển dâng là nguyên do duy nhất, mà còn do những tác động khác, như do chuyện lấn chiếm các bãi sông, chuyện đắp bờ hai bên, đến chuyện quản lý nứơc, không cho nước vào đồng v.v...
Tất cả những tác động do con người, cộng với tác động của tự nhiên đã góp phần gây ra hiện tượng như vậy.”
Như phát biểu cuả các chuyên gia, còn có một số nguyên nhân chủ quan khác dẫn đến tình trạng ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi triều dâng, mưa xuống.
Khi hỏi, liệu việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu nhà ở mọc lên nhanh vùn vụt cùng với tốc độ phát triển đô thị có đưa đến những tác động tiêu cực khiến nạn triều cường trầm trọng hơn hay không. Thạc sĩ Hồ Long Phi giải đáp:
“Chắc chắn là có vì nhiều khu nhà ở phát triển dọc theo các con sông lớn như sông Saigon hay sông Đồng Nai thì có nhiều trường hợp lại san lấp các bãi triều, những bãi trước đây ngập nước.
Những chổ này bị san lấp để xây dựng các khu đô thị hoá. Thì việc này ít nhiều cũng có tác động đến việc làm cho mực nước trên sông dâng lên.”
Không phải nước biển dâng là nguyên do duy nhất, mà còn do những tác động khác, như do chuyện lấn chiếm các bãi sông, chuyện đắp bờ hai bên, đến chuyện quản lý nứơc, không cho nước vào đồng v.v...
Thạc sĩ Hồ Long Phi
Các nhà nghiên cứu đã từng đưa ra cảnh báo việc phát triển đô thị ồ ạt, thiếu quy hoạch tổng thể, cộng với tác động của vấn đề biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đứng trước nguy cơ ngập nước triền miên.
Lâu nay giới chuyên gia và cơ quan chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh và trung ương cũng đã có nhiều cuộc họp tìm biện pháp khắc phục tình trạng ngập nước đáng ngại ở đó.
Vậy những biện pháp đó ra sao? Quỳnh Như mời quý vị theo dõi tiếp ý kiến của các chuyên gia về biện pháp khắc phục nạn triều cường trong chương trình tới.