Tuy nhiên một báo cáo mới đây của viện WorldWatch có trụ sở tại Mỹ lại cho thấy đầu tư vào phụ nữ làm nông nghiệp trên thế giới nhìn chung còn rất thấp, làm hạn chế khả năng đóng góp của họ vào nền kinh tế nói chung. Vậy những đầu tư nào mà phụ nữ làm nông nghiệp đang cần? sự thiếu đầu tư vào phụ nữ trong nông nghiệp ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của phụ nữ nông dân và gia đình họ?
Khó tiếp cận vốn vay
Cả nhà bà Hải gồm12 người, có được hơn 8 sào ruộng. Từ hơn chục năm nay, bà là người làm ruộng chính trong nhà vì chồng bà sức khỏe yếu, còn con cái thì đi làm công nhân ở các xí nghiệp, cháu nội ngoại thì quá nhỏ không giúp được gì. Với 8 sào ruộng, bà Hải cấy một năm 2 vụ lúa, mỗi vụ một sào cho bà 5 tạ thóc, cũng vừa đủ chi tiêu cho gia đình. Thế nhưng năm nay giá lúa tự nhiên giảm từ hơn 60 ngàn đồng một yến xuống còn chưa được 50 ngàn đồng một yến, làm bà Hải lo lắng:
Lúa ở Việt Nam năm nay còn không được 50, không biết lấy gì bán đây. Mấy tạ lúa mới được mấy trăm bạc, trang trải không đủ.
Bà Hải nghĩ đến việc chăn nuôi thêm để có thêm thu nhập cho gia đình nhưng lại không được vay vốn. Bà nói:
Bác đi vay thì cũng định làm khu chăn nuôi nhưng nhà bác không được vay vì không có gì thế chấp. Nhà bác thì nhà cấp 4, thì ai mà người ta cho thế chấp.
Bà Hải cho biết những khó khăn về tiếp cận vốn vay để tăng gia làm nông nghiệp của bà cũng là những khó khăn của nhiều phụ nữ nông dân khác trong xã.
Đây cũng là những gì được nói đến trong một báo cáo gần đây của Worldwatch về đầu tư vào phụ nữ trong nông nghiệp trên thế giới. Bà Danielle Nierenberg, tác giả của bản báo cáo cho biết:
Phụ nữ làm nông nghiệp trên toàn thế giới nhìn chung là không có đủ các nguồn trợ giúp giống như đàn ông. Họ không có các dịch vụ trợ giúp mà họ cần, không có đủ các lớp học chuyên về nông nghiệp hay tiếp cận với nguồn vốn vay. Đây là những bất bình đẳng giới hiển hiện ngay trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khi phụ nữ làm nông nghiệp không được tiếp cận với những trợ giúp mà họ cần thì họ không thể tạo ra đủ thu nhập cho gia đình. <br/>Bà Nierenberg
Theo bà Nierenberg thì những khó khăn này gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của không chỉ người phụ nữ, mà còn của gia đình, con cái họ. Bà nói:
Khi phụ nữ làm nông nghiệp không được tiếp cận với những trợ giúp mà họ cần thì họ không thể tạo ra đủ thu nhập cho gia đình, họ trồng hoa màu, rau quả cho gia đình, nhưng nếu họ gặp khó khăn tiếp cận với thị trường thì họ cũng gặp khó khăn trong việc làm ra thu nhập cho gia đình. Tình trạng này khá phổ biến ở các nước châu Phi, Nam Á, các nước đang phát triển.
Báo cáo của Worldwatch cho biết trên tòan thế giới hiện có khoảng 43% phụ nữ làm nông nghiệp. Tại các nước ở Nam Á, phụ nữ đóng góp đến 50% vào sản lượng nông nghiệp. Trong khi tại các vùng hạ Sahara ở châu Phi, mức đóng góp này lên đến 80%.
Không chỉ bị hạn chế về tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp, phụ nữ ở nhiều vùng trên thế giới, bao gồm Việt Nam vẫn chưa được đứng tên sở hữu đất đai, mặc dù họ cũng tham gia làm nông nghiệp cho gia đình. Chị Nguyễn Thu Hà, chủ tịch hội phụ nữ một xã ở tỉnh Vĩnh Long, Việt nam cho biết:
Ở đây đất đai giao cho hộ chứ không phải cho phụ nữ. Ví dụ hộ sản xuất thì người chồng đứng tên, còn phụ nữ làm công tác nội trợ là nhiều và giúp chồng, trừ trường hợp đơn thân. Người ta cứ nói bình đẳng giới nhưng chưa có. Ví dụ con gái mà lấy chồng thì cha mẹ chia tài sản thì giao cho bên chồng chứ không cho người con đó.
Theo một báo cáo mới đây có tựa cơ hội kinh tế của người phụ nữ được xuất bản ở Mỹ, mặc dù phụ nữ làm ra ít nhất 50% sản lượng nông nghiệp nhưng chỉ có từ 10 đến 20% số chủ đất là phụ nữ tại những nước đang phát triển. Ở một số nước ở vùng hạ Sahara, người phụ nữ muốn được đứng tên chủ đất phải có được sự đồng ý của chồng. Phần lớn đất nông nghiệp vẫn do người chồng đứng tên làm chủ và người vợ chỉ được quyền sử dụng mà thôi. Tại Kenya, chỉ có 5% chủ đất đăng ký là phụ nữ.
Việc không được đứng tên làm chủ đất đã khiến những người phụ nữ nông dân dễ bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn khi có những xáo trộn lớn trong gia đình như chồng mất hoặc ly dị chồng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của họ. Bà Nierenberg giải thích:
Việc đảm bảo là người phụ nữ có quyền đối với các tài sản mà họ đang sử dụng và họ cần là rất quan trọng. Mọi việc đều có thể xảy ra, chồng chết, vợ chồng bỏ nhau, trong những trường hợp đó người phụ nữ cần phải đảm bảo có quyền kiểm soát với các nguồn tài nguyên để họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng gia đình, làm ra thu nhập, con cái họ được nuôi dưỡng đầy đủ.
Báo cáo của Worldwatch cho biết việc thu hẹp khoảng cách về giới trong việc cho phép người phụ nữ làm chủ đất giúp làm tăng thu hoạch cá thể và do đó có thể làm tăng sản lượng nông nghiệp nội địa từ 2,5 đến 4%.
Không được hỗ trợ kỹ thuật
Báo cáo của Worldwatch cũng kêu gọi các quốc gia phải đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo cho phụ nữ, nghiên cứu các giống cây trồng năng suất cao giúp người phụ nữ nông dân. Bà Nierenberg cho biết trong khoảng vài năm gần đây, thế giới đã chú ý nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp do những lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên những chú ý về việc đầu tư trong đào tạo kỹ thuật, và thông tin nông nghiệp cho phụ nữ làm nông nghiệp vẫn chưa đúng mức. Bà Danielle Nierenberg nói:
Thực tế thì đầu tư vào nông nghiệp nói chung là rất thấp trong vòng 30 năm qua, chỉ vào năm 2008 thì thế giới mới lại chú ý vào lĩnh vực nông nghiệp ở châu Phi, và châu Á, nguyên nhân bởi giá lương thực tăng, khủng hoảng về lương thực, cho nên chúng ta thấy có thêm đầu tư vào nông nghiệp ở một số nơi nhưng những đầu tư này lại không tập trung vào những người cần nhất đó là phụ nữ.
Phụ nữ là người làm ra phần lớn thực phẩm cho gia đình nhưng lại không làm đủ thu nhập như họ muốn. Cho nên đầu tư cần được gia tăng ở mọi cấp độ cho phụ nữ, cần có thêm các dịch vụ trợ giúp bổ sung cho phụ nữ, không chỉ đối với châu Phi mà còn cả châu Á và Nam Mỹ. Họ cần học được những kỹ năng về nông nghiệp tốt hơn, được sử dụng các kết quả nghiên cứu về giống cây trồng.
Được trợ giúp về giống cây trồng, hay có được các thông tin về mùa màng, sâu bọ, hay các dịch vụ nông nghiêp cũng là những gì từ lâu nay bà Hải và nhiều bà con nông dân trong vùng mong muốn. Từ nhiều năm nay, hàng ngày loa truyền thanh xã, nơi bà Hải sống, vẫn thường đưa các tin tức trong xã, huyện, bao gồm cả các tin về nông nghiệp như tin về mùa màng hay sâu bệnh. Tuy nhiên sự trợ giúp này mới chỉ dừng ở đó. Những người nông dân như bà Hải vẫn phải tự mình tìm kiếm thêm các thông tin về giống cây trồng hay cách chăm sóc lúa:
Mình thích cấy giống nào thì đi mà cấy, mình thích làm gì thì đi mà làm chứ có ai trợ giúp cho. Năm nay người này cấy cái này có năng suất thì lại bảo nhau cấy cái đó năm sau. Cái nào không năng suất thì bảo nhau bỏ đi. <br/>Bà Hải <br/>
Mình thích cấy giống nào thì đi mà cấy, mình thích làm gì thì đi mà làm chứ có ai trợ giúp cho. Đại khái nhiều năm làm thì đúc rút kinh nghiệm rồi thì cứ thế mà làm thôi. Cứ tự bảo nhau mà làm ăn thôi. Năm nay người này cấy cái này có năng suất thì lại bảo nhau cấy cái đó năm sau. Cái nào không năng suất thì bảo nhau bỏ đi. Thuốc sâu thì người nào rầy rặn kinh nghiệm người ta ra đồng bảo có rầy thì đi phun rầy, có sâu bệnh thì đi phun sâu bệnh.
Những mùa hạn bà Hải phải tự tìm cách để đi thuê máy bơm để bơm nước vào đồng. Mùa cấy, mùa gặt, bà lại thuê người cấy, người gặt. Chi phí thuê mướn này không nhỏ đối với bà, nhất là vào những năm mùa màng thất bát hay giá lúa giảm như năm nay. Từ lâu bà đã muốn mua một con bò trị giá 10 triệu đồng để nó chở lúa, mạ ra đồng, tiết kiệm chút tiền thuê người. Nhưng với những khó khăn về chuyện đi vay vốn, bà không biết đến lúc nào mình mới có được một con bò.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook.com/vietharfa hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org