Iraq: đứng vững, nhưng hãy mau cải tổ

0:00 / 0:00

Vang dội

Lực lượng võ trang Hồi giáo ISIL gây rúng động Trung Đông và các thủ đô Hoa Kỳ, châu Âu, Á Rập bằng một chiến dịch quân sự đạt được thành quả nhanh chóng và kỳ lạ tại Iraq trong tuần lễ từ ngày 9 tháng 6 đến nay.

Phiến quân thuộc lực lượng gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào ngày chủ nhật 9 tháng 6, qua thứ hai đã chiếm ngay thủ phủ Mosul của tỉnh Nineveh trong vòng chưa đầy 24 giờ, sau đó nhanh chóng chiếm thêm những vị trí và lãnh thổ trên đường tiến quân như vũ bão về phía nam. Lực lượng ISIL này là gì và tại sao có thể xảy ra tình trạng đổ vỡ nhanh chóng của quân đội Iraq ở phía bắc như vậy?

Chữ ISIL viết tắt của danh xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant", trong đó từ Levant xuất xứ từ tiếng Pháp, vào thời gian sau thế chiến thứ nhất, khi người Pháp chỉ định tên "Levant" cho hai xứ Syria và Lebanon. Ngụ ý của từ tiếng Pháp là vùng đất cận đông này nằm ở hướng "mặt trời mọc lên". Người Anh cũng dịch chữ SHAM của tiếng Ả Rập là Levant, nhưng thực ra chữ SHAM của ngôn ngữ Ả Rập có nhiều nghĩa; nghĩa thứ nhất là vùng cận đông phía đông Địa Trung Hải tính từ Ai Cập đến tận Hy Lạp, thứ nhì là nước Syria mở rộng, bao gồm cả bắc Iraq và một phần Thổ Nhĩ Kỳ. Báo chí phương Tây còn gọi lực lượng này là ISIS, theo nghĩa "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria".

Nhưng hiểu tên theo cách nào thì đó cũng là lực lượng chính trị và quân sự của những người Hồi giáo Sunni chủ trương thành lập một quốc gia cai trị theo luật Hồi giáo Sharia, lãnh thổ trải rộng từ Syria qua Iraq và xa hơn nữa.

Phiến quân Hồi giáo Sunni trên đường tiến vào tỉnh Anbar, tháng 3, 2014 - Courtesy of americancontractor.com
Phiến quân Hồi giáo Sunni trên đường tiến vào tỉnh Anbar, tháng 3, 2014 - Courtesy of americancontractor.com (Courtesy of americancontractor.com)

Những chiến binh ISIL hay ISIS thuộc nhiều quốc tịch, lực lượng hùng cứ trong vùng lãnh thổ choàng qua hai bên biên giới Syria và Iraq. Lực lượng này đã tấn công chính quyền Tổng thống Assad ở Syria, nay đột nhiên quay sang hướng đông tấn công thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq, thành phố Mosul, với ý đồ tiến xuống hướng Nam đánh đổ chính quyền Hồi giáo Shia của Thủ tướng Maliki, thiết lập một nhà nước giáo quyền của người Hồi giáo Sunni.

Đáng gờm

Một chiến dịch quân sự như vậy phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian lâu dài, nhờ đâu có thể gây bất ngờ cho Baghdad cũng như cả tình báo Anh Mỹ?

Chiến dịch này quả là đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng cũng rất cẩn mật. Lực lượng ISIL không những chỉ hùng cứ ở phía bắc Iraq và biên giới Syria, mà còn có cứ địa vững chắc và kiếm soát một vùng đất lớn thuộc hai thành phố Fallujah và Ramadi thuộc tỉnh Anbar, chỉ ở cách Baghdad 70 km về hướng tây. Vùng này là nơi có những bộ tộc Hồi giáo Sunni bất mãn với chính phủ Hồi giáo Shiite của Thủ tướng Maliki.

Ở miền bắc Iraq là nơi có đông đảo người Sunni sinh sống, có thành phố Tikrit là quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein, lực lượng ISIL của người Hồi giáo Sunni đã có cơ sở vững chắc ở Mosul ngay từ trước khi Mỹ tăng quân ồ ạt ở Iraq để giúp chính quyền Baghdad bình định xứ sở.

Tại Mosul ngay trong thời gian đó họ đã thu được mỗi tháng một hai triệu đô la nhờ hệ thống kinh tài. Ngoài quân số 8 ngàn dân quân của ISIL tham chiến, những trận chiến vừa qua còn có sự tham dự của nhiều nhóm võ trang của các bộ tộc Hồi giáo Sunni, của những thành phần Hồi giáo Sunni trong quân đội cũ và đảng Bath của Iraq thời Saddam Hussein, nên mới trở thành cuộc tấn công mạnh mẽ và bất ngờ như vậy.

Lực lượng khoảng 8 ngàn quân của ISIL xem ra tưởng như ô hợp nhưng thực ra được tổ chức và huấn luyện thành đạo quân bộ chiến hùng mạnh. Họ có cùng một lý tưởng tôn giáo của giáo phái Sunni và được sự hợp tác của các bộ tộc Sunni với những đơn vị võ trang đã có sẵn từ lâu nay, lực lượng quân sự này trở thành một đạo quân thiện chiến và hữu hiệu.

Nội gián

Tuy vậy phải có những yếu tố khác nữa, bên cạnh những yếu tố quân sự, thì mới xảy ra cơ sự chính phủ Baghdad bị mất cả một khu vực chiến lược phía bắc một cách nhanh chóng như thế.

Quân đội Iraq và dân quân bộ tộc Shiite tiến ra trận địa - Courtesy of prestv.ir
Quân đội Iraq và dân quân bộ tộc Shiite tiến ra trận địa - Courtesy of prestv.ir (Courtesy of prestv.ir)

Một trường hợp điển hình, quân nhân thuộc Sư đoàn chính quy Iraq ở Mosul cho biết là tướng chỉ huy sư đoàn là người Hồi giáo Sunni, có vẻ đã được móc nối từ trước, nên khi quân ISIL tiến vào là ông tướng này giao luôn căn cứ và lãnh thổ cho quân địch, với toàn bộ vũ khí, trang bị. Lính tráng thuộc quyền bỏ súng cởi quân phục chạy đi muốn không kịp! Phiến quân Sunni không phải bắn một phát súng, mà chiếm trọn thành phố cùng toàn bộ vũ khí quân trang quân dụng, cộng với 425 triệu đô la tiền mặt cùng một số lượng lớn những thỏi vàng ròng trong các ngân hàng ở Mosul, khiến ISIL đột nhiên trở thành một lực lượng nổi dậy giàu có nhất trên thế giới. Trong số vũ khí quân dụng tịch thu trên chiến trường có cả xe Humvee của Mỹ, những xe vận tải quân sự, xe thiết giáp, cả xe tăng và đại bác với trực thăng, tất cả đều do của Mỹ cung cấp!

Sau Mosul phiến quân lập tức tiến về hướng nam, tấn công thành phố lọc dầu lớn nhất của Iraq là Baiji, đánh chiếm Tikrit,
tấn công Samarah, tiếp tục đánh Baruqba cách Baghdad có 50 km. Ớ phía bắc, quân ISIL còn tấn công thành phố Tal Afar giáp giới Syria, tin tức hôm thứ tư nói đã chiếm được.

Yếu thế nhất thời

Thực tế chiến trường cho thấy phiến quân chiếm được Mosul và Tikrit trong lúc có tin 4 sư đoàn quân chính phủ tan rã, chiếm Tal Afar, tiến đánh tận Baruqba ở cửa ngõ vào Baghdad, khiến cả thế giới giật mình nghĩ đến Baghdad sắp sửa bỏ chạy như ong vỡ tổ. Ngũ Giác Đài điều động ngay hàng không mẫu hạm George H. W. Bush vào vịnh Ba Tư. 300 quân nhân đặc nhiệm võ trang tận răng bay sang Baghdad để bảo vệ đại sứ quán và phòng vệ phi trường phòng khi di tản khẩn cấp. Hành pháp lập pháp Mỹ họp tối cao chiều thứ tư để thảo luận biện pháp cứu viện, trong khi Ngoại trưởng Kerry tuyên bố có thể hợp tác với Iran để giúp Iraq. Một vài cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đã nói đến kế hoạch sử dụng phi cơ không người lái để oanh kích và thu thập tin tình báo chiến trường, tức là chỉ định tọa độ cho các chiến đấu cơ tấn công tiêu diệt.

Nhưng từ hôm qua đến hôm nay, thứ năm, bình tĩnh xem xét lại, thì ta thấy trên chiến trường phiến quân vẫn không hạ được Baiji ở phía bắc Tikrit, tức là đằng sau trục tiến quân, không chiếm được Samarah ở gần Tikrit về phía nam, cũng không đánh hạ được Baruqba ở nam Samarah.

Trong khi đó thì Baghdad củng cố lại quân đội, trả lương tới 644 đô la một tháng cho những người tình nguyện tác chiến với quân đội ở những chiến trường nóng, trong khi quân đội bắt đầu phản công chiếm lại một phần thành phố Tal Afar ở góc tây bắc lãnh thổ, giáp giới Syria. Giáo chủ Al-Sistani từ hôm thứ ba đã kêu gọi tuổi trẻ Hồi giáo Shiite cầm súng chiến đấu vì đạo pháp, được hằng chục ngàn người đủ mọi lứa tuổi hưởng ứng, hăng hái tòng quân. Quân đội được điều động lên phía bắc chặn địch và tiếp viện phản công. Phiến quân tấn công Baruqba, chỉ chiếm được những làng mạc ở ngoại ô phía tây thành phố, nhịp độ chiến trận dịu lại trong khi bên ISIL có vẻ như đang phải chờ củng cố lực lượng và tiếp vận cho tiền tuyến.

Thêm vào đó còn có tin Iran đã đưa hằng trăm cố vấn quân sự và một số đơn vị tinh nhuệ qua Baghdad theo lời yêu cầu của Thủ tướng Maliki, có tin nói đã có khoảng 2 ngàn quân Iran ở nơi này. Iran tuyên bố sẵn sàng làm bất kỳ việc gì bảo vệ những kiến trúc và thánh tích Hồi giáo Shiite ở các thành phố của Iraq nếu có nguy cơ bị phiến quân Sunni tàn phá.

Tình hình sáng sủa hẳn ra. Có vẻ Baghdad không những không sụp đổ hay tuyệt vọng, mà quân đội Iraq sau này còn phản công chiếm lại những lãnh thổ đã mất, nhưng khi đó Iraq mới nếm mùi chiến tranh tàn khốc. Nhưng nếu chính phủ al-Nouri Maliki không thức tỉnh và thay đổi chính sách cai trị kỳ thị người Hồi giáo Sunni, phá vỡ đoàn kết, có nguy cơ phiến quân sẽ được một số nước Hồi giáo yểm trợ kéo dài nội chiến.

Chính phủ không hữu hiệu

Tới nay thì Tổng thống Obama đã xác định là sẽ không đưa quân bộ chiến trở lại Iraq, ngoại trừ gần 300 quân nhân đặc nhiệm đã sang Baghdad và được dự trù sẽ phối hợp với không quân khi khởi sự oanh kích.

Baghdad đã chính thức yêu cầu Washington không kích phiến quân, nhưng buổi họp tối cao của giới lãnh đạo Hoa Kỳ lúc chiều thứ tư có vẻ như đã chọn biện pháp khác, không sử dụng không quân vào chiến trường này.

Quân đội Mỹ sẽ rước lấy nguy cơ trở thành "không lực của người Hồi giáo Shiite"... nếu việc hòa giải tôn giáo không được đồng tình.

Cựu tư lệnh Mỹ tại Iraq, tướng David Petraeus<br/>

Cùng lúc, chính phủ Maliki lãnh nhận nhiều lời chỉ trích từ Hoa Kỳ cũng như một số nước Á Rập, vì trách nhiệm của ông với chính sách gọi là gây chia rẽ và xung đột tôn giáo.

Thông cáo của tòa Bạch ốc cho hay Phó Tổng thống Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Maliki, nhắn nhủ ông này cần phải lãnh đạo toàn thể dân tộc Iraq, không chỉ lãnh đạo người Hồi giáo Shiite.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey, cũng quy trách chính phủ Iraq đã làm cho tình trạng chia rẽ tôn giáo thêm sâu sắc, và rằng khó làm được gì để cứu gỡ tình trạng thất bại trong việc lãnh đạo của Thủ tướng Maliki.

Nguyên tư lệnh Mỹ của chiến trường Iraq, tướng David Petraeus, tuyên bố tại một hội nghị ở Luân đôn rằng quân đội Mỹ sẽ rước lấy nguy cơ trở thành

Dân quân các bộ tộc Hồi giáo Shiite hưởng ứng lời kêu gọi chiến đấu - Courtesy of globalpost.com
Dân quân các bộ tộc Hồi giáo Shiite hưởng ứng lời kêu gọi chiến đấu - Courtesy of globalpost.com (Courtesy of globalpost.com)

"không lực của người Hồi giáo Shiite" và "ủng hộ một phía của một cuộc nội chiến vì tôn giáo" nếu việc hòa giải tôn giáo không được đồng tình.

Hoa Kỳ cần phải có cách hành xử hợp lý, giữa một khu vực địa lý quan trọng của thế giới luôn luôn sôi sục vì mâu thuẫn tôn giáo giữa những quốc gia, dân tộc theo Hồi giáo Shiite hay Hồi giáo Sunni. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ còn đang bàn thảo, và phải nhắm đúng nguyên nhân xung đột tại Iraq ngày nay, cũng đã từng là nguyên nhân chiến tranh giữa Iraq và Iran xưa kia, và vẫn là đầu mối của mọi tranh chấp tại Iraq giữa hai giáo phái Shiite và Sunni.

Từ Trung đông đã vang lên những điều cảnh báo quan trọng. Á Rập Xê-Út từng tuyên bố rằng quân đội nước ngoài, ý nói của Iran và Hoa Kỳ, nếu can thiệp vào Iraq sẽ làm cuộc chiến trở thành chiến tranh vì tôn giáo. Hôm nay, thứ năm, Á Rập Saudi nhấn mạnh rằng nguy cơ nội chiến tôn giáo ở Iraq sẽ đem lại những hậu quả khôn lường cho toàn thể Trung Đông. Các Tiểu vương quốc Á Rập thống nhất triệu hồi đại sứ từ Baghdad về nước, ngỏ ý quan ngại trước chính sách kỳ thị và loại trừ vì tôn giáo của Baghdad. Đó là tiếng nói của những quốc gia có đông đảo tín đồ Hồi giáo Sunni.