Mỗi năm vào ngày 17 tháng Hai trong các nghĩa trang liệt sĩ trải dài sáu tỉnh phía Bắc hương khói ngày một vắng vẻ hơn. Người thân của những liệt sĩ ngày một vắng bóng do khó khăn hay quá cố, nhưng các cơ quan thương binh liệt sĩ của chính phủ cũng được lệnh không ngó ngàng gì tới khiến cho dư luận phẫn nộ thêm trước sự bất nhẫn khó hiểu này. Mặc Lâm ghi nhận thêm vài sự kiện vào sáng hôm nay, trong ngày kỷ niệm này.
Cứ đến dịp 30 tháng Tư, nghĩa trang liệt sĩ khắp nơi lại tưng bừng như ngày hội. Nhà nước không tiếc công và của tổ chức thăm viếng, trùng tu mộ phần để ghi nhớ công ơn của những người bỏ xương máu ra đánh đuổi đế quốc Mỹ. Mặc dù hai nước luôn tuyên bố là mối quan hệ ngày một bền vững hơn nhưng trong những phát biểu trước mộ bia liệt sĩ giới chức thẩm quyền luôn dùng những từ ngữ hùng tráng ghi nhận công ơn diệt Mỹ của người nằm xuống.
Nghĩa trang liệt sĩ bỏ hoang
Thế nhưng ngày 17 tháng Hai hàng năm kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía bắc thì những người liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược lại bị đối xử rất khác. Cái chết của họ không những oai dũng hơn mà còn thương tâm hơn bởi sự tàn bạo vô nhân tính của quân xâm lược vì vậy người dân kỳ vọng họ đáng được lưu tâm hơn của toàn xã hội, nhất là chính quyền. Thế nhưng bao nhiêu năm trôi qua, những người liệt sĩ ấy vẫn bị chôn chặt trong sự im lặng đáng sợ.
Trước nhất là những nấm mồ của họ, nếu không được thân nhân chăm sóc thì tro tàn hương lạnh là điều chắc chắn, nhất là các khu vực cao điểm sự thăm viếng khó khăn khiến gia đình không thể mỗi năm đều khăn gói tảo mộ. Họ tin vào sự chăm sóc của nhà nước với các phương tiện và nhân sự trong tay.
Nhưng sự trông cậy ấy ngày một rõ ra là không tồn tại. Nghĩa trang liệt sĩ tại các cao điểm thì heo hút đã đành nhưng ngay tại thành phố hay thủ đô cũng không ngoại lệ. Thay vì tổ chức thăm viếng, thắp nén nhang cho người đã hy sinh vì đất nước, nhiều nơi còn ngăn cản, gây khó khăn cho người tảo mộ.
Nghĩa trang liệt sĩ tại các cao điểm thì heo hút đã đành nhưng ngay tại thành phố hay thủ đô cũng không ngoại lệ. Thay vì tổ chức thăm viếng, thắp nén nhang cho người đã hy sinh vì đất nước, nhiều nơi còn ngăn cản, gây khó khăn cho người tảo mộ
Sáng ngày 17 tháng Hai năm nay một nhóm nhỏ người dân, cựu chiến binh và gia đình thân nhân liệt sĩ đã tới nghĩa trang liệt sĩ Nhổn thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm Hà Nội để tảo mộ. Nữ nghệ sĩ Kim Chi cho biết chi tiết:
-Mọi người ra đây đông lắm, thắp hương trên đài tưởng niệm rồi bây giờ ra cắm hoa và cắm hương trên từng ngôi mộ. Nói chung không khí rất là cảm động. Mình không nén được nước mắt khi nghĩ là những người chết họ quá trẻ, nhìn trên mộ bia toàn người sinh năm 60 mà chết năm 79 thì họ chỉ mới 19 tuổi, họ trẻ mà đông lắm như vậy thành ra khiến cho mọi người rơi nước mắt.
Ông Lê Hùng, một cựu chiến binh chia sẻ lý do khiến ông đến với những người đồng đội đã bỏ mình vì tổ quốc này mặc dù họ không cùng đơn vị hay lứa tuổi của ông:
-Tôi vốn là cựu chiền binh không tham gia trận chiến biên giới năm 79 tôi đi từ đầu năm 72 tham gia Quảng Trị thế nhưng với tư cách một đồng ngũ của những người đã hy sinh, mặc dù tôi ở lớp trước nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ về đồng đội của mình. Sự hy sinh của họ cũng như những bè bạn của tôi trong đơn vị làm cái nỗi nhớ khôn nguôi và luôn luôn hướng vể họ và luôn cầu nguyện để sự hy sinh của họ không vô ích cho đất nước.
Một người dân tham gia buổi thắp nhang cho biết lý do ông có mặt trong ngày kỷ niệm này:
-Trong tâm của tôi tôi rất là cảm động vì người con dân Việt Nam mình nhất là các thanh niên trẻ giai đoạn năm 79 bảo vệ biên giới chống Trung Quốc xâm lược. Hôm nay tôi đến nghĩa trang của các anh hùng liệt sĩ vô danh đã tham gia chống bọn bá quyển Trung Quốc để bảo vệ biên cương của mình đã hy sinh tính mạng của họ. Trước các ngôi mộ tôi thắp nén hương và thành kính tưởng nhớ những nguời đã hy sinh cho đất nước.
Hệ thống truyền thông họ đã im lặng trong bao năm nay rồi, không nhắc đến các liệt sĩ con em chúng ta đã hy sinh tại biên giới phía Bắc vì chống Tàu.
Một người dân
Hệ thống truyền thông họ đã im lặng trong bao năm nay rồi, không nhắc đến các liệt sĩ con em chúng ta đã hy sinh tại biên giới phía Bắc vì chống Tàu. Người dân chúng tôi nhớ đến ngày này và có nén hương trước các vong linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ từng tất đất biên giới.
Bà Văn Thị Kim, một thân nhân liệt sĩ tử trận tại biên giới vào năm 79 cho biết:
-Tên tôi là Văn Thị Kim, ở Cổ Nhuế em chồng tôi là một liệt sĩ chống Tàu em sinh 1960 khi ấy được 19 tuổi. Năm nào tôi cũng đến viếng em tôi. Thân nhân thì ai cũng đau xót thôi, cứ đến lúc này thì gia đình chúng tôi đi viếng mộ thăm tất cả mọi người trong nghĩa trang này. Hàng năm mình nhớ đến mình đi thôi chứ nhà nước thì chưa thấy gì.
Cấm tưởng nhớ liệt sĩ chống Tàu?
Không khác mọi năm, mặc dù không muốn chính quyền chú ý để việc thăm viếng nghĩa trang suôn sẻ, nhóm bạn bè thăm viếng nghĩa trang hôm nay vẫn bị cản trở tuy không mạnh mẽ như các năm trước, nữ nghệ sĩ Kim Chi kể lại câu chuyện vào lúc bắt đầu:
-Lúc nãy cũng bị người phụ trách nghĩa trang đến và định giằng băng rôn, định phá nhưng mọi người ra ngăn được và hỏi anh là ai, anh có còn tim còn óc không mà anh ngăn cản chúng tôi khi tưởng nhớ đến những người đã hy sinh cho chúng ta? Trong cái ngày này mà người ta cấm tưởng nhớ thì không phải là con người nữa, trái tim của họ là trái tim bằng đá rồi.
Nhà báo, họa sĩ Phạm Tuấn Dũng, người trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh khó phai mặc dù đã 36 năm trôi qua, ông kể lại chuyến công tác vào thời gian chiến tranh xảy ra ấy:
-Khi mà chúng tôi lên mặt trận thì phải đi xe đạp chứ không có xe. Khi tôi lên tới Hoàng Liên Sơn đến chỗ phố Lu thì bọn Tàu đã rút rồi cái cảnh đầu tiên tôi chứng kiến ghê rợn nhất là ở đồn công an dưới chân cái cột cờ nó bắt mười mấy chiến sĩ công an nó xuyên giây thép qua tay nó bắn chết hết, nó để chung quanh cột cờ, giòi bọ lúc nhúc. Ở mặt trận ấy tôi đi tất cả chỗ nào thì các nguồn nước chúng đều vất xác người hoặc là vất xác súc vật, kinh khủng lắm bây giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng rợn.
Lúc nãy cũng bị người phụ trách nghĩa trang đến và định giằng băng rôn, định phá nhưng mọi người ra ngăn được và hỏi anh là ai, anh có còn tim còn óc không mà anh ngăn cản chúng tôi khi tưởng nhớ đến những người đã hy sinh cho chúng ta?
nữ nghệ sĩ Kim Chi
Sự ghê rợn đáng lẽ phải nhớ và ghi lấy trong sử sách ấy lại bị đục bỏ trong kho lưu trữ quân sử Việt Nam, người cựu chiến binh Lê Hùng cho biết suy nghĩ của ông:
-Điều ấy nó sẽ tạo nên tâm lý rất phản cảm và đáng buồn. Chúng tôi suy nghĩ rằng điều ấy không thể chính đáng tí nào cả bởi vì bất cứ một chính quyền một thể chế nào mà quên công lao của những người đã hy sinh thì đều là một việc làm không tốt. Chúng tôi có hiểu lý do cụ thể của nó thế nhưng dẫu họ từng xâm lược nhưng hiện nay là bạn của mình thì điều ấy cũng không có nghĩa là chúng ta phải quên những người đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc và điều ấy rất quý giá không thể nào bỏ mặc như vậy.
Nhưng ở đây điều đau lòng là hằng bao nhiêu năm rồi họ không hề được nhắc nhở tới và cũng không hề được tổ chức những lễ tưởng niệm sự hy sinh đóng góp đó cho nên chúng tôi nghĩ rằng một bộ phận của người dân chúng tôi nghĩ rằng việc “quên” của họ dĩ nhiên là đáng trách nhưng họ không có quyền bắt người khác phải quên như họ.
TS Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc
Cố vấn Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương.
Nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Quân sự Cấp cao thuộc Học viện Quốc phòng cho biết cái mà hai nước thỏa hiệp với nhau trong đó được cho là quan hệ tốt và có lẽ bởi thế Việt Nam phải im lặng về ngày đáng ghi nhớ này:
-Vừa qua hai người lãnh đạo cao nhất của hai nước có điện đàm và trong đó có nói vể vấn đề liên quan giữa quan hệ hai nước. Tôi không tán thành quan điểm của hai người đứng đầu hai nhà nước nói rằng quan hệ Việt Nam Trung Quốc trong thời gian vừa qua cơ bản là một quan hệ hòa bình hữu nghị.
Không chỉ ngày 17 tháng Hai chúng ta cứ thử thì thấy rất nhiều sự kiện liên quan đến sự quan hệ Việt Trung. Những lúc như thế không làm yên lòng nhân dân Việt Nam được dù có điện đàm giữa cấp cao hai nước thề bồi thế nọ thế kia. Ta nhớ là năm ngoái cũng có hội đàm qua điện thoại nóng giữa hai lãnh đạo cao nhất thì sau đó vài tháng Trung Quốc đặt giàn khoan 981 ngay sát lãnh hải của Việt Nam.
Thế thì vửa rồi cũng có cuộc điện đàm nói rằng quan hệ tốt nhưng người ta cũng không thể tin tưởng được.
Không đầy một tháng trước khi kỷ niệm chiến tranh biên giới phía bắc, ngày 21-1-2015 Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã loan tin Tập Cận Bình khi thị sát tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam đã vinh danh Vương Kiến Xuyên một người trong đoàn quân xâm lược Việt Nam vào năm 1979. Bài nói chuyện của Tập đã nhắc tới câu nói "Vì Tổ Quốc không tiếc máu nhuộm chiến kỳ". Ông Bình ca ngợi Vương Kiến Xuyên không sợ khổ, không sợ chết và hình ảnh của Xuyên dưới mắt ông Tập là một anh hùng trong khi thi hành chính sách bành trướng của tập đoàn phương bắc.
Ngược lại với Tập Cận Bình, lãnh đạo Việt Nam không nhìn thấy hàng chục ngàn bộ đội như Vương Kiến Xuyên. Họ đã chống giữ giặc thù với tinh thần dũng mãnh gấp nhiều lần trong tâm thế của người bị xâm lược. Máu của họ hòa cùng máu đồng bào 6 tỉnh phía Bắc đang ngày một nhạt dần dưới chính sách hòa hoãn cầu an của Bộ Chính trị khi chủ trương cuộc chiến ấy phải được lãng quên để bồi đắp hòa bình hữu nghị.
Chiến tranh dù dưới dạng thức nào cũng là điều tàn nhẫn, thế nhưng phớt lờ sự hy sinh của người đổ máu để bảo vệ đất nước lại càng tàn nhẫn hơn. Giống như nhận xét của cựu chiến binh Lê Hùng, sự nhẫn tâm qua cung cách im lặng ấy không làm cho lịch sử lãng quên mà ngược lại từng chữ ký, từng giai đoạn thụt lùi trước cựu thù để đánh đổi sự im ắng giả tạo sẽ là bài học cay đắng không khác gì sự cay đắng mà gia đình các chiến sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới đã và đang sống từ 36 năm nay.